1. Yếu tố quan trọng trong cách dạy con thông minh

Từ trước tới nay, khi nói tới trí tuệ thông minh của trẻ thì có rất nhiều yếu tố được đề cập tới như là khả năng tiếp thu kiến thức nhanh, khả năng giao tiếp linh hoạt, chỉ số IQ hay tư duy logic … Tuy nhiên, theo nhà sinh vật học phân tử John Medina, nếu dựa trên khoa học thì có hai yếu tố quyết định được năng lực của não bộ, đó chính là “gen di truyền”“điều kiện dạy dỗ”

Để giải thích hai yếu tố trên thì cũng đơn giản như trong việc nuôi trồng một hạt giống. Muốn có được một mầm cây khoẻ mạnh, phát triển tốt thì điều kiện tiên quyết đầu tiên là cần một hạt giống khỏe mạnh.  Tuy nhiên nếu chỉ mỗi hạt giống thôi thì không đủ, vậy nên điều kiện tiếp theo sẽ là một môi trường với sự chăm sóc tốt nhất. 

Trẻ nhỏ cũng như vậy. Dẫu biết rằng mọi trẻ em được sinh ra trên thế giới này đều có những tài năng riêng. Tuy nhiên nếu không được dạy dỗ cẩn thận, đặc biệt trong giai đoạn vàng từ 0 tới 3 tuổi thì khả năng trẻ có thể phát huy được hết năng lực của bản thân là rất thấp. 

Điều này hoàn toàn đúng với quan điểm giáo dục của rất nhiều nhà giáo dục học nổi tiếng tại Nhật Bản như giáo sư Shichida Makoto, giáo sư não bộ học Kubota, nhà sáng lập tập đoàn Sony Ibuka Masaru (tác giả Cuốn chờ đến mẫu giáo thì đã muộn) …. 

Vậy hạt giống hay đất trồng mới là quan trọng? 

Câu trả lời là 50 và 50. Tức là hạt giống và đất trồng, hay tài năng thiên bẩm vốn có của trẻ và điều kiện nuôi dưỡng là quan trọng tương đương như nhau. Đây chính là hai yếu tố không thể thiếu để cấu thành nên một em bé tài năng trong tương lai. 

Xem thêm: Phương pháp dạy con đúng cách của người Nhật

2. Chỉ số thông minh IQ có thực sự là tất cả? 

Trong phương pháp dạy con thông minh, chỉ số thông minh IQ chắc hẳn không còn là khái niệm quá là xa lạ với mẹ đúng không? Bởi lẽ không chỉ Việt Nam mà còn rất nhiều nơi trên thế giới sử dụng chỉ số thông minh IQ như là một chỉ số đánh giá khả năng năng của não bộ cũng như năng lực của con người. 

Tuy nhiên quan niệm này hiện nay đã có ít nhiều thay đổi, đặc biệt là từ những năm 1983, khi nhà tâm lý học người Mỹ Howard Gardner đưa ra nguyên lý: Học thuyết đa trí thông minh, để ám chỉ tám loại trí thông minh mà con người vốn có, cộng thêm sự phổ cập của chỉ số cảm xúc EQ, thì có vẻ tầm quan trọng của chỉ số IQ đã phần nào được giảm bớt. 

Xem thêm: Thuyết đa trí thông minh của trẻ (Phần một)

「つまり、ミスからすばやく学ぶ能力と、そこから学習したことを状況に適応させる応用力を駆使して、生き延びてきたのである」

Tạm dịch: Nói tóm lại là, để có thể sống sót trong thế giới này thì con người cần có năng lực học hỏi nhanh chóng từ những thất bại của cá nhân, từ đó phát huy được những điều mình đã học vào thực tế, dựa trên từng tình huống. 

Tương tự, khi dựa trên cái nhìn khoa học về não bộ thì có thể nói rằng, chỉ số thông minh IQ cao hay thấp không thể nói lên hết tiềm năng của một con người, cũng như không thể đánh giá trí lực của một cá nhân dựa vào một hay hai chỉ số. 

Theo tác giả John Medina trong quá trình phân tích khoa học về cấu trúc não bộ của con người, tuy có nhiều yếu tố là vậy, tuy con người có nhiều năng lực là vậy, nhưng để có thể quyết định chỉ số thông minh của một cá nhân thì gồm có hai thứ. Đây chính là hai yếu tố rất quan trọng mẹ cần để ý trong phương pháp dạy con thông minh. Thứ nhất là khả năng ghi nhớ thông tin (hay còn gọi là trí thông minh kết tinh), và thứ hai là khả năng vận dụng thông tin đã học vào thực tiễn (hay còn gọi là trí thông minh dạng lỏng). 

phuong-phap-day-con-thong-minh-1
Phương pháp dạy con thông minh (Ảnh minh họa)

3. Năm yếu tố quan trọng trong đánh giá mức độ thông minh của trẻ 

Ngoài hai loại trí thông minh trên thì mức độ thông minh của một em bé còn có thể bộc lộ qua năm loại năng lực quan trọng, đó là: 

・ Sự đam mê khám phá
・ Sự tự chủ 
・ Óc sáng tạo 
・ Giao tiếp ngôn ngữ linh hoạt 
・ Khả năng giải mã giao tiếp phi ngôn ngữ 

Đây là năm loại năng lực quan trọng, có tính di truyền cao và hoàn toàn có thể dễ dàng nhận ra trong quá trình nuôi dạy trẻ. 

・Đam mê khám phá

Mẹ đã bao giờ nhìn thấy bé con nhà mình lúc nào cũng nhìn chằm chằm vào một đồ vật, hay cố gắng với tay để chạm vào một thứ nào đó lạ lạ, hay chỉ đơn thuần là toét miệng cười khi biết được một thứ gì đó mới. Tất cả những điều trên đều bắt nguồn từ lòng đam mê khám phá thế giới của trẻ. Chính vì lòng đam mê khám phá cộng với sự hiếu kỳ về thế giới của bản thân mà thông thường, một em bé trong độ tuổi từ 3 tới 4 tuổi thường hỏi khoảng 200 đến 300 câu hỏi trong một ngày, và trung bình, trong độ tuổi từ 2 tới 5 tuổi, một đứa trẻ trung bình đặt ra khoảng 40,000 câu hỏi. Đây thật sự là một điều tuyệt diệu bởi lẽ chính bằng việc đặt ra những câu hỏi mang tính tò mò như vậy mà não bộ của trẻ được hoạt động liên tục, các tế bào thần kinh được tạo ra liên tục trong giai đoạn đầu đời này. 

Việc trẻ yêu thích tìm tòi và khám phá chính là một bản năng do tạo hoá ban tặng cho con người. Thông qua việc tìm tòi và khám phá thế giới, trẻ sẽ học thêm những từ vựng mới, hình thành thế giới quan cho bản thân, tự mình trải nghiệm, tự sửa chữa sai lầm. Chính trong quá trình học hỏi này, trí thông minh lưu động dần được hình thành, làm cơ sở để tạo nên trí thông minh kết tinh trong giai đoạn về sau. 

Vậy nên với tư cách là người hướng dẫn trẻ, mẹ nên hiểu được tầm quan trọng của trẻ sự khám phá thế giới với sự phát triển của não trẻ để có những định hướng phù hợp, giúp tối ưu hoá được trí thông minh của trẻ trong tương lai. 

・Sự tự chủ 

Mẹ đã bao giờ nghe câu chuyện chiếc bánh quy ma lực chưa? 

Câu chuyện xảy ra vào cuối những năm 1960 khi nhà khoa học Walter Mischel Stanford thực hiện bài nghiên cứu về sự tự chủ của mình với hai chiếc bánh nướng thơm lừng. Đối tượng tham gia nghiên cứu là các em bé trong độ tuổi mẫu giáo. Nội dung của thí nghiệm rất đơn giản. Nếu các em bé chịu nhịn được, không ăn bánh trong vòng 10 phút thì các em sẽ nhận được cả hai chiếc bánh, nhưng nếu ăn luôn thì chỉ được nhận một chiếc bánh. Thật đơn giản! 

Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau đó thì lại cực kỳ là thú vị khi chứng kiến thái độ của các em bé trước ống kính. Một vài em thì cố gắng quay đi để không nhìn thấy bánh, một vài thì lập tức ăn ngấu nghiến, một vài thì cầm lên và đặt xuống, và chỉ có một số ít trong số đó có thể chờ được trong 10 phút. 

Câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Sau khi nhóm trẻ nghiên cứu trên thi vào bậc đại học thì nhà khoa học Mischel nhận thấy, sự chênh lệch trong thang điểm giữa hai nhóm được thể hiện rõ rệt khi nhóm có khả năng chịu nhịn ăn chiếc bánh có điểm cao hơn 210 điểm so với nhóm không thể nhịn được. 

Đây chính là ví dụ điển hình của chức năng kiểm soát hay sự tự chủ trong não bộ của trẻ. Một em bé có chức năng tự chủ tốt sẽ có thể phân biệt được yếu tố có lợi và không có lợi, từ đó chọn lựa và loại bỏ các tác nhân có ảnh hưởng xấu tới bản thân. Chính chức năng kiểm soát này mới là nhân tố chính đóng góp vào sự thành công và tương lai của trẻ, chứ không phải chỉ số IQ. Vì chỉ  khi một em bé có khả năng phân biệt được các yếu tố làm sao nhãng quá trình học và tìm cách để kiểm soát nó thì tương lai mới có thể có được thành tích học tập tốt hơn. 

Sự tự chủ, hay kiềm chế mong muốn của bản thân luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục con cái của người Nhật. Và đây cũng chính là một yếu tố hàng đầu trong việc giáo dục con thời hiện đại. 

Xem thêm: Dạy trẻ tính tự lập, ba điều mẹ cần biết

Phương pháp giáo dục hàng đầu (Phần một) – Bảy kỹ năng trong giáo dục trẻ thời hiện đại

・Óc sáng tạo 

Sáng tạo luôn là một yếu tố then chốt trong quá trình phát triển tư duy của con người. Ở trẻ nhỏ cũng vậy. Thậm chí nhiều nghiên cứu còn chỉ ra trẻ nhỏ còn có khả năng sáng tạo cao hơn cả người lớn. Thậm chí nhà bác học Albert Einstein cũng phải thốt lên rằng: “Để kích thích sự sáng tạo thì mọi người nên giống như những đứa trẻ đang khám phá một thứ đồ chơi mới !” 

Nếu lý giải theo lý thuyết não bộ học thì trong giai đoạn từ 0 tới 6 tuổi, vỏ não trước (nằm ngay sau trán) cực kỳ phát triển. Đây chính là vùng điều khiển phần lớn các hoạt động của con người như ngôn ngữ, hành vi, tư duy ra quyết định giải quyết vấn đề. Khu vực này kết hợp với sự phát triển mạnh mẽ của não phải giúp trẻ có óc sáng tạo vượt trội, cao hơn bất cứ thời kỳ nào trong cuộc đời của mình. Tuy nhiên, sau khi vào tiểu học, tiếp xúc với các kiến thức mang tính chất logic, thì sự tư duy này sẽ bị giảm mạnh, nhường chỗ cho các tư duy mang tính chất “hợp lý”, chứ không phải bột phát. 

Theo giải thích từ cái nhìn của khoa học thì óc sáng tạo của con người thực chất là một chuỗi các liên kết, từ trong quá khứ, từ những trải nghiệm đã xảy ra, tới các liên kết của tương lai và hiện tại. Sự liên kết này đúng với tất cả mọi thứ liên quan tới con người như trải nghiệm về hành động, cảm xúc, suy nghĩ và lý trí. Và trên thực tế, nếu một em bé có khả năng liên kết và gợi nhớ những hành động trong quá khứ một cách rõ ràng như hôm qua đã làm gì, với ai, thì sẽ có năng lực suy nghĩ và liên kết sự kiện linh hoạt hơn so với mặt bằng chung. Óc sáng tạo của con người thực sự phức tạp, đây được đánh giá là bộ phận phức tạp nhất trong các loài linh trưởng trên thế giới. Vậy nên khả năng sáng tạo luôn là một kỹ năng được đánh giá cao nhất trong tất cả các bài kiểm tra về khả năng thuộc về con người. 

phuong-phap-day-con-thong-minh-2
Phương pháp dạy con thông minh (Ảnh minh họa)

・Giao tiếp ngôn ngữ

Tiếp theo sau khả năng sáng tạo, đó chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ chính là một công cụ quan trọng không thể thiếu đối với con người, đặc biệt là trong quá trình tư duy.  Thậm chí trong các bài thi IQ thì cũng có rất nhiều câu hỏi liên quan tới khả năng từ vựng của trẻ. 

Xem thêm:  Nâng cao khả năng tư duy của trẻ nhờ ngôn ngữ

Thông thường, trẻ nhỏ được sinh ra với khả năng phân tích âm thanh cực kỳ nhạy. Các phụ âm, nguyên âm, tiết tố của từng ngôn ngữ, trẻ đều có thể phân biệt được. Chính vì lẽ đó, trẻ sơ sinh luôn được đánh giá là “công dân toàn cầu”. 

Tuy nhiên chỉ cần sau khi sinh được 6 tháng, trẻ bắt đầu nghe quen một loại âm thanh của một loại ngôn ngữ nào đó và bắt đầu nhớ từ vựng. Trung bình một em bé sau khi sinh 1,5 tuổi có thể nhớ được 100 từ mới và bập bẹ nói được khoảng 50 từ đơn giản. Khi tới 3 tuổi thì con số này là 1000 và năm 6 tuổi sẽ là 6000 từ. Sau từ ngữ đơn lẻ thì sẽ tới các từ nối, từ phức, ngữ pháp câu, ý nghĩa cảm xúc về mặt xã hội của từ…. Đây chính là lý do chính tại sao từ một đứa trẻ từ là “công dân toàn cầu” lại chuyển thành “công dân của một nước”. Cũng như quá trình học ngôn ngữ của trẻ lại kéo dài như vậy. 

Đọc tới đây, câu hỏi đặt ra là làm sao có thể duy trì được khả năng nghe, phân loại cũng như duy trì được khả năng ngôn ngữ thiên bẩm của trẻ? Một nghiên cứu rất nổi tiếng trong giới ngôn ngữ học tại Nhật đó chính là phân biệt âm “r” và âm “l”. Một em bé nếu trong độ tuổi từ 6 tháng tới 1 tuổi mà không được nghe hai âm tiết này thì sau một tuổi sẽ không thể phân biệt được cũng như phát âm được chúng. Và cho tới lần sinh nhật năm 1 tuổi thì hầu hết, khả năng phân loại bẩm sinh của trẻ sẽ bị biến mất một cách bí ẩn. 

Vậy nên, một trong những phương pháp có thể đem lại hiệu quả trong giai đoạn trước khi trẻ lên 6 tháng, đó là cho trẻ nghe các âm thanh của tất cả các loại nguyên âm, phụ âm hay âm tiết trên thế giới nhằm giúp trẻ có thể có được nền tảng ngôn ngữ về sau. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, nếu chỉ nghe trên CD và DVD không có tác dụng, bởi lẽ ngôn ngữ của con người được tạo nên bởi sự tương tác và giao tiếp giữa người với người. Vì vậy, trẻ chỉ có thể tiếp xúc và hấp thu ngôn ngữ thứ hai bằng cách nói chuyện với người thực sự. Chỉ bằng thông qua tương tác thực sự, các tế bào nơron thần kinh trong não trẻ mới có thể được xây dựng thành mạng lưới vững chắc cho sau này. 

Xem thêm: Dạy trẻ tự tin trong giao tiếp

Hoặc một điều nữa, mẹ cũng có thể làm cho trẻ trong giai đoạn từ sau sinh tới 6 tháng là nói chậm và rõ ràng. Khi mẹ nói chậm và rõ ràng, trẻ sẽ nghe được các âm tiết rõ hơn và sẽ dễ bắt chước trong quá trình tập nói sau này. 

・Khả năng giải mã giao tiếp phi ngôn ngữ  

Không chỉ giới hạn ngôn ngữ, con người cũng có thể sử dụng các hành vi phi ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp hàng ngày. Và lẽ đương nhiên, không chỉ con người mà tất cả các loại động vật sống trên trái đất đều có sử dụng các hành vi giao tiếp phi ngôn ngữ. 

Phi ngôn ngữ theo đúng nghĩa đen của từ, đó chính là khả năng sử dụng cử động của thân thể, cử chỉ, ngữ điệu, ánh mắt để truyền tải cảm xúc của cá nhân, cả có ý thức và vô ý thức, mà không cần sử dụng tới ngôn ngữ. Phi ngôn ngữ được nghiên cứu từ những năm 1872 và cho tới nay, giao tiếp phi ngôn ngữ xảy ra liên tục trong cuộc sống hàng ngày. Và đặc biệt quan trọng trong những lần gặp mặt đầu tiên. Nếu trẻ có được sự linh hoạt trong giao tiếp phi ngôn ngữ thì tương lai sẽ là một điểm cộng lớn, khi việc đọc hiểu tín hiệu cảm xúc của đối phương được diễn ra thuận lợi, giúp các cuộc nói chuyện hoặc đàm phán được diễn biến theo chiều hướng tốt đẹp. 

Ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ đều rất quan trọng và có những tác động mạnh mẽ tới sự phát triển não bộ của trẻ. Bởi lẽ những cơ hội được giao tiếp và tương tác với thế giới bên ngoài chính là nhân tố giúp hệ thống mạch thần kinh của trẻ được định hình và phát triển. 

Cũng giống như ngôn ngữ, phi ngôn ngữ cũng là một kỹ năng và cũng cần rất nhiều thời gian để hình thành ở trẻ nhỏ. Và chỉ khi trẻ được giao tiếp với nhiều người thì khả năng đọc hiểu ngôn ngữ cảm xúc mới được phát triển. Vậy nên, không phải máy tính, tivi hay iPad thế hệ mới là yếu tố giúp trẻ trau dồi khả năng giao tiếp, mà phải là mẹ và những người xung quanh trẻ mới làm được điều đó.  

Xem thêm: 10 bí quyết giúp trẻ hứng thú học tập

4. Lời kết về dạy con thông minh theo khoa học

Bài viết Phương pháp dạy con thông minh khoa học bàn về năm yếu tố được coi là quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ ngoài chỉ số IQ thông thường. Năm yếu tố trên thật sự không thể thể hiện thông qua một vài bài kiểm tra trí tuệ IQ nhưng có vai trò rất lớn tới sự phát triển của trẻ. Vậy nên, nếu mẹ thấy con không đạt được điểm số IQ cao như kỳ vọng thì cũng đừng quá nản lòng. Bởi lẽ, trẻ con luôn có những tài năng riêng của mình và rất cần thời gian cũng như sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của mẹ để phát triển.  

※  Bài viết có sử dụng thông tin trong cuốn sách “Luật trí não dành cho trẻ”, bản gốc tên tiếng Anh là “Brain Rules for Baby”, bản tiếng Nhật tên là 「100万人が信頼した脳科学者の絶対に賢い子になる子育てバイブル」

Link giới thiệu sách: Amazon (Nhật Bản)