1. Phương pháp dạy con thông minh khoa học 

Phương pháp dạy con thông minh khoa học phân tích các khía cạnh giúp tạo nên một em bé thông minh dựa trên các bằng chứng khoa học đã được kiểm nghiệm và đánh giá. Rất nhiều bằng chứng được đưa ra nhằm truyền đạt tới bố mẹ những điều gì được coi là tốt và có hại tới sự phát triển của não trẻ. Khác với các nhận định về dạy con, dựa trên kinh nghiệm truyền thống, dạy con thông minh theo phương pháp khoa học gồm rất nhiều thông tin từ các bài thí nghiệm thực tế,  các mẫu nghiên cứu thuộc nhiều nhóm trẻ, nên mẹ hoàn toàn có thể yên tâm áp dụng và kiểm chứng với bé nhà mình. 

Tiếp theo của phần một về phương pháp dạy con thông minh khoa học của tác giả John Medina (người rất nổi tiếng trong giới nghiên cứu phân tử học) thì bài viết dưới đây sẽ đi sâu vào phân tích các hoạt động để tạo nên một em bé thông minh dưới kiểm nghiệm khoa học. 

Nếu mẹ quan tâm tới các yếu tố tạo nên một em bé thông minh, bên cạnh chỉ số IQ thì có thể click vào link bên dưới để xem bài viết: 

Phương pháp dạy con thông minh khoa học (Phần một) 

2. Năm hoạt động tạo nên một em bé thông minh 

・Tạo dựng môi trường an toàn để trẻ phát triển

Một trong những điều đầu tiên cực kỳ quan trọng, góp phần giúp não trẻ phát triển cân bằng, đó chính là cảm giác an toàn từ mẹ. Khoa học có thể khẳng định được điều này là nhờ vào thí nghiệm về tình yêu của khỉ với trinh nữ bông do Harry Harlow (đại học Wisconsin Madison) thực hiện vào những năm đầu thế kỷ 20. 

Nội dung của bài thí nghiệm xoay quanh hai trinh nữ có hình người, một làm bằng bông mềm và một làm bằng thép lạnh, và một đàn khỉ mới sinh được tách khỏi mẹ ngay khi chào đời. Điều kiện của phòng thí nghiệm là luôn có thức ăn được cung cấp thông qua cơ thể hai bà mẹ, cũng như nhiệt độ được điều chỉnh thật phù hợp. Harry Harlow quan sát kỹ và đã nhận ra rằng, tuy đàn khỉ con dành thời gian để nhận thức ăn và chơi quanh hai bà mẹ, nhưng bà mẹ bằng bông có xu hướng dành được nhiều thời gian hơn so với bà mẹ bằng thép lạnh. Thậm chí, nếu đàn khỉ con bị đẩy sang một phòng xa lạ thì chúng sẽ bám chặt lấy bà mẹ bông và nếu bà mẹ bông không có, thì chúng sẽ kêu gào thảm thiết. 

Vậy nên, từ thí nghiệm trên, Harry Harlow đã chỉ ra rằng, đối với khỉ con thì ngoài yếu tố thức ăn, một trong những điều quan trọng với chúng không kém. chính là một môi trường an toàn và được che chở. 

Trẻ nhỏ cũng vậy ! Thử quay ngược lại thời gian vào những năm 1966 tại nước Rumani cũ, khi nhà nước quyết định tăng cao dân số, ép dân chúng phải đẻ bằng cách cấm các biện pháp nạo phá thai, đánh thuế phạt lên những người trên 25 tuổi nhưng chưa có con, hay mắc các bệnh không thể sinh nở. 

Và hậu quả là, chỉ vài năm sau đó, khi kinh tế quốc gia đi xuống, nạn đói hoành hành, những trẻ nhỏ không được ai chăm sóc đều bị dồn nhốt vào trại trẻ mồ côi,  với hàng nghìn trẻ bị nhốt chung với nhau và điều kiện sống thì không thể kinh khủng hơn. “Rất nhiều em bị trói vào giường, bỏ mặc hàng tiếng đồng hồ thậm chí mấy ngày, với các bình cháo suông dựng qua quýt kề miệng”. Còn nữa, “chăn chiếu luôn ngập trong nước tiểu, phân và chấy rận”. Thật sự là một cảnh tượng kinh khủng. 

Những trẻ sống trong điều kiện khủng hoảng này đều có hệ thống thần kinh bị khủng hoảng và bị ảnh hưởng một cách trầm trọng. Nhiều em trở nên dễ bị stress, ứng xử xã hội ngang ngược, điểm học trung bình thấp…. khi lớn lên. 

Nhận được sự quan tâm, chăm sóc và có được sự an toàn chính là điều kiện tiên quyết trong giai đoạn đầu đời của trẻ. Thoạt nhìn, trẻ thực sự chẳng làm gì ngoài ăn, ngủ, chơi và đi vệ sinh, nhưng thực ra, trong bộ não chứa hàng chục tỷ nơron thần kinh đang hoạt động thì trẻ đang liên tục đưa ra các tín hiệu ra ngoài môi trường. Mà ở đây, nhà khoa học John Medina gọi là mối liên kết. 

Trẻ sẽ liên tục tìm kiếm thông tin từ những người ở xung quanh như “Liệu mình có được vuốt ve không?”, “Liệu có được cho ăn không?”, “Ai thực sự là nơi an toàn nhỉ?”… Nếu tất cả những yếu tố trên, những yêu cầu từ trẻ nếu được đáp ứng một cách đầy đủ thì trẻ sẽ có cảm giác an tâm, não trẻ sẽ phát triển theo hướng tích cực. Còn ngược lại, nếu như các em bé ở nhà nước Rumani cũ thì sẽ luôn là hướng tiêu cực, thậm chí có thể để lại một vết “sẹo” sâu trong não trẻ. 

・Nuôi con bằng sữa mẹ trong một năm đầu tiên 

Nuôi con bằng sữa mẹ thực sự là một điều rất rõ ràng với tất cả những ai sẽ, đang và đã làm mẹ. Thậm chí tổ chức y tế thế giới WHO còn có hẳn một hướng dẫn dài trên 100 trang về tầm quan trọng của việc cho trẻ bú sữa mẹ. Theo các kết quả khoa học đã chứng minh thì hoàn toàn đúng như vậy. Trong các bài kiểm tra nhận thức thì điểm của các bé hồi nhỏ được bú mẹ luôn có điểm cao hơn khoảng 8 tới 10 điểm so với các bé bú bình. 

Lý giải cho việc này thì có thể là trong sữa mẹ có rất nhiều dưỡng chất tốt cho sự phát triển của não trẻ, mà chính cơ thể trẻ không thể tự tổng hợp được. Hai trong số đó chính là taurine và omega3, hai yếu tố thiết yếu cho sự phát triển của hệ thần kinh của trẻ. 

“Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên rằng, tất cả bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn trong sáu tháng đầu, tiếp tục cho bú khi trẻ bắt đầu ăn dặm và giảm dần sau một năm”.

・Trò chuyện hàng ngày với con 

Trò chuyện hàng ngày với con là lời khuyên rất đỗi quen thuộc trên phương diện dạy con truyền thống, và phương pháp dạy con thông minh khoa học cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Tuy nhiên, trong quá trình trò chuyện với trẻ, mẹ nên để ý tới những điều sau đây, để giúp não trẻ có được sự tối ưu hoá cao nhất. 

Thứ nhất là chủng loại và số lượng từ ngữ

Không thể phủ nhận bố mẹ càng nói chuyện với con trong giai đoạn sau sinh càng nhiều thì trẻ càng thông minh. Theo tác giả John Medina thì lý tưởng nhất là khoảng 2,100 từ trong mỗi giờ. Và ngoài số lượng trên, thì mẹ cũng nên để ý tới chủng loại của từ, ví dụ như danh từ, động từ, tính từ và độ dài của từng câu. Ngoài ra cũng phải kể tới hành động tương tác của mẹ với con trong quá trình nói chuyện: “Mẹ có nhìn thẳng vào con khi nói chuyện không?”, “Mẹ có tương tác với con thông qua các phản hồi của con không?” Tất cả những điều trên tuy nhỏ nhặt nhưng có vai trò rất lớn tới việc xây dựng sự hào hứng bắt chuyện với đối phương từ con. 

Thứ hai là giao tiếp tại hiện thực 

DVD hay các thiết bị truyền thông không còn là quá xa lạ đối với cuộc sống của trẻ hiện nay. Nhưng dựa trên khoa học thì sự đóng góp của các thiết bị số này tới sự phát triển của não trẻ chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Bởi lẽ, trẻ ngoài việc nói chuyện, học cách dùng từ, trẻ còn để ý tới các yếu tố về mặt cảm xúc, biểu cảm trên mặt mẹ và người đối diện. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho tương lai giao tiếp cùng con, mẹ hãy luyện tập việc nói chuyện với trẻ từ khi con vẫn còn ở trong bụng để cho quen dần nhé. 

Thứ ba là tốc độ nói chuyện

Mẹ đã bao giờ nói chuyện với người có tốc độ nói chuyện nhanh chưa? Sau khi nói xong mà cũng không thể lý giải hết được câu chuyện của đối phương và có cảm giác mệt khi não phải xử lý quá nhiều thông tin một lúc. 

Trẻ nhỏ cũng vậy. Dẫu biết rằng nói chuyện với trẻ là tốt nhưng nếu tốc độ nói chuyện của mẹ quá là nhanh thì sẽ gây ra tác dụng ngược lại. Trẻ sẽ có cảm giác stress khi không hiểu được thông điệp mẹ đưa ra, và cũng không thể tóm được bất cứ câu từ nào được phát âm trọn vẹn để bắt chước. Và kết cục là, so với không nói chuyện với con thì tác dụng cũng không khác gì nhau. 

Vậy nên nói chuyện với trẻ như thế nào cho phù hợp?

Đối với trẻ nhỏ thì cách nói chuyện lý tưởng nhất, đó chính là “nói nựng”. Nói nựng chính là cách nói chậm rãi, mẹ kéo dài nguyên âm giữa các từ và với tông giọng cao nhất. Ví dụ như khi con khóc ọ oẹ lúc mới tỉnh dậy, thì mẹ có thể tới bên con và nói “”mẹ đây-y-y-y”, hoặc “Ơi-i-i-i !! Bé ngo-o-o-ann của mẹ à-à-à !”. Việc mẹ kéo dài giữa các nguyên âm và nói với tông giọng cao giúp trẻ nghe được rõ hơn, từng âm từng âm một. Tông giọng cao vút giúp cho bộ phận thính giác đang hoàn thiện của bé tóm được nhiều âm thanh theo cách chuẩn nhất. 

Trên đây là những điều được đúc rút ra từ những nghiên cứu khoa học về não bộ của trẻ dưới sự tác động của ngôn ngữ.  Các bước làm trên đã được nhà tâm lý học William Fowler kiểm chứng dựa trên thực nghiệm với một nhóm các em bé. Và ông đã đạt được kết quả gì? Sau hơn nửa năm áp dụng ba phương pháp trên, thì hầu hết các em của Fowler đã có thể nói chuyện bập bẹ ngay từ đầu tháng 7 tới tháng 9, và một số em thì có thể nói được các câu hoàn chỉnh vào tháng thứ 10. Sau đó tới năm 2 tuổi thì đã nắm được các quy tắc ngữ pháp mà thông thường phải lên 4 tuổi mới có thể làm được. 

Từ những nghiên cứu khoa học trên, thật sự không thể xem nhẹ việc trò chuyện hàng ngày với con yêu trong giai đoạn sau sinh. Và “kiên trì” chính là từ khóa trong hoạt động này. 

・Cho trẻ tham gia các trò chơi dạng mở

Một trong những phim truyền hình hài hước nhất mình được xem là bộ phim Full House của Mỹ, kể về cuộc sống  gia đình của một ông bố với ba cô con gái nhỏ sau khi vợ bị mất vì tai nạn, trong đó bé nhỏ nhất được hai tuổi. Bộ phim rất hài hước và có ý nghĩa đối với bố mẹ có con nhỏ xung quanh các vấn đề hàng ngày tuổi mới lớn. Nhưng trong đó, có một chi tiết rất đáng lưu ý. 

Đó là khi bé con 2 tuổi mở món quà Valentine từ người bố, thay vì chú ý vào đôi giày bé nhận được thì, bé lại chỉ chơi với cái hộp. Và nhất định không để ai cầm cái hộp đi mất. Và có lẽ trong cuộc sống hàng ngày, mẹ sẽ không mấy ngạc nhiên khi mua đồ chơi cho bé mà bé lại thích cái hộp hơn là đồ chơi bên trong. Sau đó tự mình đóng, mở, khám phá, tô vẽ. Việc trẻ tự nghĩ và tự sáng tạo ra đồ chơi được gọi là “trò chơi dạng mở”. 

Và sự thực là khoa học cũng đã công nhận, không phải các thiết bị điện tử số thông minh, một chiếc tivi đời mới, mà chính là các đồ chơi dạng mở mới là nhân tố chính giúp tăng cường trí thông minh của trẻ. Nghiên cứu cũng chỉ ra trò chơi dạng mở có rất nhiều tác dụng với trẻ, ví dụ khả năng sáng tạo được tăng cao, giải quyết vấn đề, có trí nhớ tốt hơn, và khả năng giao tiếp xã hội tăng cao….

Tuy nhiên mẹ nên nhớ rằng không phải trò chơi tự do tức là để trẻ tự chơi, không có định hướng. Chắc chắn rằng việc để trẻ tự nghĩ ra các tình huống trong quá trình chơi là quan trọng nhưng trẻ thực tế không biết cách khai thác tài năng của bản thân như được người lớn định hướng. Vậy nên, mẹ nên nói chuyện với trẻ và liên tục để mắt tới trẻ trong quá trình chơi. 

Một trong các trò chơi dạng mở rất được khuyến khích, đó chính là trò đóng kịch nhập vai. Đây là trò chơi trẻ được quyền tự mình quyết định các tình huống và cách giải quyết, với điều kiện là mẹ phải giải thích tới con các quy tắc thường ngày. Ví dụ, nếu con đóng vai là chủ quán cơm và Khách ăn thấy không hợp miệng thì phải làm gì? Nếu con là chú công an và thấy trường hợp vi phạm giao thông thì con sẽ làm gì?  Mẹ cũng có thể cùng con tổng kết và phân tích lại các tình huống sau mỗi lần nhập vai. 

・Khen ngợi những nỗ lực của trẻ 

Trong quá trình cùng trẻ đồng hành, mẹ có bao giờ gửi tới con những lời khen ngợi như: “Con mẹ thông minh quá!”, “Con mẹ đúng là thiên tài”, “Bài toán khó thế này mà cũng giải được, chắc chắn con mẹ là thần đồng có một không hai”… 

Theo tác giả John Medina thì những lời khen ngợi như trên không những không giúp trẻ thông minh thêm, mà ngược lại khiến trẻ cảm thấy tự ti thái quá về bản thân, và quan trọng hơn là mất đi sự nỗ lực. Bất cứ điều gì trên thế gian này đều có được là nhờ sự cố gắng nỗ lực. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mẹ chỉ chăm chú vào năng lực vốn có của trẻ và rồi một ngày trẻ đụng phải các thách thức cần tới nỗ lực. Và nếu chẳng may trẻ thất bại, thì chắc chắn trẻ sẽ đổ lỗi vào một “vấn đề” nào đó mà mình không thể kiểm soát được, lảng tránh thất bại. Và nếu thất bại cứ liên tiếp xảy ra thì việc trẻ mất đi niềm tin vào chính bản thân mình không còn là điều quá xa vời nữa. 

Hơn nữa, việc khen trẻ thông minh cũng khiến tạo ra một em bé biết nói dối. Khi trẻ chỉ tập trung vào việc được khen, tỏ ra thông minh mà quên mất việc quan trọng nhất là tiếp thu kiến thức và áp dụng vào thực tế. Vậy nên thông qua cách mẹ khen ngợi trẻ có thể giúp ích cho trẻ rất nhiều trong việc ý thức về sự thành công. 

Một nghiên cứu ròng rã trong 30 năm cũng đã chỉ ra điều rằng: Nếu trẻ hiểu được, thành công chỉ có được thông qua sự nỗ lực cố gắng, thì khi đối diện với thất bại, trẻ sẽ suy nghĩ rộng hơn, không trách móc hay dằn vặt  bản thân vì trên thực tế trẻ đã thực sự cố gắng. Đối với thách thức tiếp theo, trẻ sẽ sẵn sàng học từ thất bại trước để vượt qua. Vậy nên, ngay từ hôm nay, thay vì khen trẻ thông minh, mẹ hãy khen và chỉ ra các điểm tốt mà trẻ đã cố gắng nhé!

※  Bài viết có sử dụng thông tin trong cuốn sách “Luật trí não dành cho trẻ”, bản gốc tên tiếng Anh là “Brain Rules for Baby”, bản tiếng Nhật tên là 「100万人が信頼した脳科学者の絶対に賢い子になる子育てバイブル」

Link giới thiệu sách: Amazon (Nhật Bản)