1. Dạy trẻ tự tin trong giao tiếp 

Dạy trẻ tự tin trong giao tiếp thực sự là một chủ đề tương đối chung chung nên hôm nay, BOOKY-MOMMY xin giới thiệu tới các mẹ một chủ đề tương tự nhưng khá là cụ thể: Đó là làm thế nào để dạy trẻ tự tin trong giao tiếp trước người khác khi trẻ chỉ hăng hái nói chuyện khi ở nhà? 

Hiện tượng này không khó hiếm gặp khi ở nhà thì trẻ thao thao bất tuyệt, nói mãi không dứt, nhắc dừng cũng không nghe. Tuy nhiên khi ra ngoài và gặp người lạ thì dù nhắc thế nào trẻ cũng không thể chào hỏi cho thật rõ ràng. Những trường hợp này khiến cho mẹ cảm thấy thật khó xử, “Tại sao lại như vậy nhỉ? Bình thường con có thế đâu nhỉ?”

Tuy nhiên, đây chỉ là một hiện tượng bình thường bởi vì trẻ thường có xu hướng bộc lộ bản thân ở môi trường mình đã trở nên quen thuộc và trong trường hợp này chính là ở nhà. Theo lẽ đương nhiên, không chỉ trẻ con mà người lớn cũng có thói quen như vậy, cho nên nếu mẹ gặp trường hợp này thì cũng không nên lo lắng quá nhé! 

2. Dạy trẻ tự tin trong giao tiếp trước người lạ

Để có thể dạy trẻ tự tin giao tiếp trong trường hợp này thì cách duy nhất là mẹ nên rèn luyện can đảm cho trẻ bằng cách đưa trẻ ra ngoài và tiếp xúc với mọi người. Ở môi trường bên ngoài có rất nhiều thành phần đối thoại, người già người trẻ, nam giới, nữ giới, bạn cùng tuổi… và những đối tượng này đều có cách nói chuyện và sử dụng từ ngữ rất khác nhau. Ngoài ra mẹ còn có thể cố tình giúp trẻ tạo ra cơ hội được nói chuyện với người lạ theo cách dưới đây nhé: 

・Vào quán và tự gọi đồ

Khi đi tới các nhà hàng thì mẹ có thể để trẻ tự gọi đồ mình muốn, hoặc cả nhà có thể quy ước trước với nhau rằng “Đồ của mình thì mình sẽ tự gọi”. Như vậy, trẻ sẽ có cơ hội để nói chuyện với nhân viên những món mình muốn chọn cũng như có cơ hội quan sát cách sử dụng từ ngữ từ những người xung quanh. 

・Tự mượn và trả sách tại thư viện

Tương tự như đi tới nhà hàng thì mẹ cũng có thể để trẻ tự tìm, tự quyết định quyển sách muốn đọc tại thư viện và sau đó, tự mình làm các thủ tục để mượn sách với nhân viên. 

・Để trẻ tự mình nói ra triệu chứng bệnh tại bệnh viện 

Khi trẻ đã quen với bối cảnh giao tiếp hàng ngày thì mẹ có thể luyện tập các từ ngữ về triệu chứng bệnh, các từ vựng về y tế với trẻ sao cho trẻ có thể tự mình nói ra mình cảm thấy làm sao, khó chịu ở đâu tới bác sĩ khi đi khám bệnh. Có thể trẻ sẽ cảm thấy thiếu tự tin hoặc cảm thấy mình không thể làm được trong những lần đầu tiên nhưng mẹ hãy động viên trẻ, để trẻ có thể vượt qua được sự sợ hãi đó nhé! 

・Tạo cơ hội để trẻ được nói cảm ơn tới bạn bè trong hoặc sau bữa tiệc sinh nhật 

Tiệc sinh nhật đối với trẻ vừa là niềm vui, vừa là nỗi lo. Vui ở chỗ có thể gặp bạn bè, được ăn bánh kẹo thoải mái mà mẹ không cấm nhưng lo ở chỗ việc gặp quá nhiều người cùng một lúc có thể khiến trẻ cảm thấy có chút áp lực. Nhưng thực sự đây là cơ hội tốt để bồi dưỡng sự tự tin trong giao tiếp của trẻ. Để làm được vậy, mẹ hãy thử gợi ý tới trẻ việc cảm ơn tới bạn bè, trong hoặc sau bữa tiệc sinh nhật. Việc này sẽ giúp tình bạn của trẻ được kết nối bền chặt hơn và trẻ cũng có cơ hội được giao tiếp với bạn bè cùng tuổi.

day-tre-tu-tin-trong-giao-tiep

・Nhắc trẻ cách nói chuyện khi gửi tặng đồ 

Một trong những trường hợp tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa cực kỳ trong dạy trẻ tự tin khi giao tiếp, đó chính là việc mẹ cùng trẻ luyện tập cách nói chuyện khi gửi tặng ai một món đồ nào đó. Ví dụ, khi trẻ muốn biếu ông hoặc bà hộp bánh thì trẻ nên nói như thế nào? Khi muốn gửi tặng bạn một quyển sách mới mua thì nên dùng từ ngữ nào? Tùy vào từng đối tượng cụ thể, vai vế của trẻ mà cách sử dụng từ sẽ khác. Chính vì vậy, đây thực sự là một cách mà mẹ nên thử với bé. 

Không những vậy, sau khi nói chuyện với người đối phương và nhận được lời cảm ơn, trẻ sẽ trở nên vui vẻ hơn, cảm thấy mình vừa làm một việc rất có ích với mọi người. Đây chính là tiền đề để trẻ có thêm động lực để giao tiếp cho những lần tiếp theo. 

3. Lời kết về dạy trẻ tự tin trong giao tiếp

Như ở trên đã đề cập, việc trẻ cảm thấy không thoải mái hoặc rụt rè trước người lạ chỉ là phản ứng bình thường khi trẻ đang được giao tiếp với người thân trong một môi trường đã quen thuộc. Hiện tượng này là hoàn toàn bình thường!  Vậy nên điều mẹ cần làm đó chính là tạo thêm cơ hội cho con được nói chuyện và tiếp xúc với người lạ ở môi trường bên ngoài là được. Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý nếu trẻ đi theo xu hướng ngược lại, tức là không giao tiếp với mọi người khi ở nhà nhưng lại nói chuyện không ngừng khi ra bên ngoài nhé! 

※ Bài viết có sử dụng thông tin của cuốn “Nuôi dưỡng năng lực giao tiếp ở trẻ”, tên tiếng Nhật là 「「ことば力」のある子は必ず伸びる! 」của tác giả Takatori Shizuka. 

Link giới thiệu sách: Amazon Nhật Bản

Xem thêm: Dạy con kỹ năng giao tiếp, bốn điều cấm kị mẹ cần nhớ