Bé 3 tuổi không chịu đi học: Khi thấy bé không chịu đi học, cha mẹ đầu tiên sẽ có tâm lý lo lắng, nghi ngờ hoặc tức giận. Tuy nhiên, nếu mang tất cả những tâm trạng và suy nghĩ của cha mẹ và đổ ụp lên đầu trẻ sẽ không bao giờ là điều hay. Và cách này cũng đã chứng minh là không mang lại kết quả tốt khi những gì cho mẹ cho là tốt lại trái ngược với suy nghĩ và nhu cầu của trẻ. 

Mặt khác, nếu cha mẹ không giải quyết triệt để vấn đề này thì sẽ dẫn tới một cú sốc tâm lý cho trẻ, khiến trẻ mất khả năng hòa nhập xã hội về lâu dài. Vậy là cha mẹ, chúng ta nên làm gì khi bé 3 tuổi (hoặc lớn hơn) không chịu đi học? 

1. Nguyên nhân khiến trẻ không chịu đi học?

Khi một đứa trẻ không chịu đi học thì sẽ có rất nhiều nguyên nhân được nghĩ tới. Chúng ta có thể chia ra làm ba nguyên nhân theo một cách đơn giản nhất 

・Nguyên nhân đến từ nhà trường 

Các nguyên nhân đến từ nhà trường bao gồm mối quan hệ với bạn bè, quan hệ với thầy cô giáo, năng lực học tập và khả năng theo kịp bạn bè. Trên báo đài, chúng ta nghe thấy rất nhiều trường hợp trẻ không chịu đi học là do bị bắt nạt. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc trẻ không chịu đi học do bắt nạt là không cao. Ngược lại, nhiều nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, những tác động tâm lý nhỏ như hiềm khích hàng ngày trong mối quan hệ với bạn bè lại là yếu tố chính khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, không muốn đến trường. 

・Nguyên nhân đến từ gia đình 

Các nguyên nhân đến từ gia đình bao gồm hoàn cảnh kinh tế gia đình, xung đột quan hệ giữa cha và mẹ, bất hòa trong gia đình, thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Các nguyên nhân này tuy không được đánh giá là nguyên nhân trực tiếp khiến trẻ không chịu đi học nhưng những thay đổi trong cuộc sống như cha mẹ ly hôn, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng cũng là nguyên nhân khiến trẻ trở nên mệt mỏi, căng thẳng, không được quan tâm đúng mực, lâu ngày trẻ sẽ có các hành vi sai trái như chơi đêm, bỏ học… 

・Nguyên nhân đến từ chính bản thân trẻ

Các nguyên nhân đến từ chính nội tại của trẻ bao gồm, trẻ bị bệnh, thể lực không tốt, khuyết tật bẩm sinh… Đặc biệt, các vấn đề về tinh thần vì không thể nhìn thấy được nên hay bị bỏ qua. Ví dụ, mặc dù không có ảnh hưởng tới khả năng trí tuệ nhưng hội chứng khuyết tật trong học tập (LD) gây khó khăn khi nghe và viết, hoặc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) khiến trẻ khó giữ được im lặng hay bình tĩnh. Ngoài ra còn có các bệnh như trầm cảm, rối loạn phát triển cảm xúc, lo lắng. 

Ngoài ra nếu phân chia theo tính cách của trẻ thì chúng ta sẽ có bốn loại nguyên nhân cơ bản như sau:

・Trẻ thuộc tuýp hay lo lắng (Tuýp loại 1) 

Những trẻ này thường hay lo lắng và có xu hướng suy nghĩ tiêu cực. Ví dụ cùng là một thông tin về khả năng ngày mai mưa là 50%. Nếu một đứa trẻ thông thường thì sẽ không mấy quan tâm vì khả năng mưa chỉ có 50% thì khả năng không mưa hay nắng rạng cũng là 50%. Tuy nhiên, nếu là trẻ hay lo lắng thì việc có những suy nghĩ như “Nếu mai mưa to thì làm thế nào?”, “Mưa to thì đi đường không nhìn thấy gì dễ xảy ra tai nạn lắm!”. Chính những suy nghĩ từ tính cách lo lắng của trẻ khiến trẻ trở nên ngại hoạt động, không chịu đến trường vì những lý do tiêu cực. 

・Trẻ không có hứng thú học tập  (Tuýp loại 2) 

Trẻ thuộc tuýp này thường có biểu hiện lừ đừ, không quan tâm tới việc đi học hoặc tham gia các hoạt động xã hội. Thông thường, hội chứng này là do trẻ không có một sở thích cụ thể, hay suy nghĩ cho tương lai về một môn học yêu thích của mình và không nhiệt tình với điều gì đó. Từ những suy nghĩ uể oải khiến cho cơ thể trẻ cũng uể oải và không muốn đi học. 

・Trẻ không giỏi xã giao (Tuýp loại 3) 

Trẻ thuộc tuýp này thường nhút nhát, thể hiện yếu kém trong giao tiếp trong môi trường lạ. Thông thường, khi một đứa trẻ được sinh ra, đứa trẻ sẽ sử dụng tiếng khóc làm công cụ giao tiếp của mình, Khi đứa trẻ đó lớn lên, thì kỹ năng giao tiếp sẽ phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, sẽ có sự khác biệt của từng cá nhân trong việc phát triển kỹ năng giao tiếp khi một vài trẻ không thể làm những việc mà mọi người có thể làm một cách trôi chảy, ví dụ như chào hỏi. Những hạn chế trong việc giao tiếp này cũng là nguyên nhân khiến trẻ không chịu đi học. 

・Trẻ không quan tâm đến trường học (Tuýp loại 4) 

Trẻ thuộc tuýp này thường bị đánh giá là không được giáo dục đầy đủ, có nguy cơ có những hành vi sai trái xã hội. Những trẻ này thường có hay tụ tập bạn bè, không đi học, trốn học, bỏ học và thậm chí không về nhà.

2. Những điều cha mẹ thường hay làm khi thấy bé không chịu đi học 

Đầu tiên, chúng ta hãy điểm qua tâm lý của các bậc phụ huynh khi đột nhiên thấy trẻ không chịu đi học. 

・Luôn đặt câu hỏi “vì sao” để tìm nguyên nhân

Thông thường, khi thấy bé không chịu đi học, chắc chắn hầu hết cha mẹ sẽ phản ứng bằng cách cố gắng gặng hỏi trẻ nguyên nhân vì sao không muốn tới trường. 

“Tại sao con không muốn đi học?”, “Nói cho mẹ nghe xem sao lại không muốn tới trường?”. 

Và theo sau đó hàng trăm, hàng nghìn suy nghĩ, “hay là con mình bị bắt nạt?”, “hay là do không theo kịp các bạn?”, “hay là cô giáo đã làm gì con mình?”. Có rất nhiều điểm khác nhau mà các bậc phụ huynh phải lo lắng và theo lẽ chung, ai cũng muốn biết nguyên nhân để “làm một cái gì đó” khiến bé con nhà mình có thể quay lại trường lớp sớm hơn. 

Tuy nhiên nếu đứng về khía cạnh của một đứa trẻ thì những câu hỏi mang tính truy vấn như “tại sao” lại khiến trẻ trở nên lo lắng, và trẻ sẽ có suy nghĩ “lại nổi giận rồi”. Đây giống như một cuộc hỏi cung hoặc một cuộc kiểm tra chéo, và câu trả lời cho những câu hỏi này thông thường không phải là sự thật, có thể mở màn cho sự gia tăng bất an ở trẻ. 

・Đưa ra lời khuyên, khuyến khích con tới trường 

Hành động tiếp theo cha mẹ thường mắc phải đó chính là khuyến khích, động viên con quá đà. “Con làm được mà”, “Con hãy thử làm đi”, “Hãy cố gắng hết sức mình đi con”… Một vài phụ huynh chỉ đơn thuần nghĩ rằng, việc đưa ra lời khuyên hay động viên này sẽ giúp trẻ có động lực đi học ở một vài khía cạnh nào đó. 

Tuy nhiên khi trẻ nói rằng “Con không muốn đi học”, có thực là trẻ muốn nhận được lời khuyên hay thuyết giáo từ bố mẹ mình không. Câu trả lời có thể là không bởi lẽ chắc hẳn hơn ai hết trẻ nhận thức rõ ràng rằng mình cần phải đi đến trường như các bạn. Những lúc như vậy, cho dù có được động viên hay khuyên nhủ cũng không chạm được trái tim của trẻ. Thay vào đó, việc động viên quá đà sẽ khiến trẻ tự ti hơn, nghĩ rằng bố mẹ không hiểu cảm xúc của mình và tệ hơn là trẻ tự đóng cửa trái tim mình.  

be-3-tuoi-khong-chiu-di-hoc
Bé 3 tuổi không chịu đi học (Ảnh minh họa)

3. Phải làm gì khi bé 3 tuổi không chịu đi học?

Vậy là cha mẹ, chúng ta nên làm gì nếu trẻ không chịu đi học? Hãy thử tham khảo các bước dưới đây được tổng hợp từ các blog giáo dục dành cho cha mẹ Nhật và áp dụng các cách phù hợp với trẻ nhà mình nhé. 

・Cho con được nghỉ học 

Trước hết nếu một ngày con bạn nói “Con không muốn đi học” thì đừng phủ nhận điều đó. Hãy để cho con được nghỉ học. Bởi lẽ, cũng giống như người lớn, trẻ không muốn đến trường = có những điều khiến trẻ không thích ở trường. 

Có rất nhiều lý do khiến trẻ không muốn đi học, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh như bị bắt nạt ngầm hoặc không thể theo kịp chương trình học, mất tự tin. Dù nói gì đi chăng nữa thì vẫn có những lý do khiến trẻ ngại đi học. 

Việc ép buộc trẻ đi học một cách vô cớ sẽ dễ xảy đến các sự cố thương tâm như trẻ cố tình làm tổn thương bản thân, thậm chí tự tử. 

Vì vậy, nếu trẻ nói rằng con không muốn đi học, hãy thừa nhận tâm trạng và cảm xúc của trẻ bằng cách nói với trẻ rằng, “Mẹ hiểu! Con có thể nghỉ học một thời gian nếu con muốn”. Và dành một khoảng thời gian tĩnh để trẻ bình tâm suy nghĩ. 

・Lắng nghe câu chuyện của con 

Rất nhiều cha mẹ khi thấy con nói không muốn đi học liền có những động thái như dồn dập hỏi con lý do hoặc nguyên nhân. Đúng là trẻ là người biết rõ nhất vì sao chúng không đến trường. Việc lắng nghe trực tiếp từ trẻ sẽ dễ dàng hơn so với việc tự cha mẹ suy đoán. 

Tuy nhiên, tùy theo độ tuổi mà trẻ có những trường hợp cực kỳ khó nói. Và nếu bị cha mẹ hỏi dồn dập, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu gấp nhiều lần.

Vì vậy, thay vì liên tục hỏi tại sao không đi học, hãy tạo một không gian riêng cho con, để con bình tĩnh nghỉ ngơi, và đợi con nói chuyện với mình. 

・Tôn trọng những gì con muốn làm

Nếu một ngày, con bạn nói “Con không muốn đi học, con muốn ở nhà chơi điện tử”, và liên tiếp cắm đầu vào máy tính phần lớn thời gian trong ngày thì bạn sẽ phản ứng thế nào?

Chắc chắn với tư cách là cha mẹ, bạn sẽ rất lo lắng. Tuy nhiên, con trẻ cũng giống như người lớn, có những suy nghĩ và hành động nhất thời. Và đặc biệt, trẻ làm gì cũng thường có lý do nhất định. Không chừng những gì trẻ làm có thể dẫn trẻ tới những niềm yêu thích trong công việc  ở tương lai. 

Do đó, hãy để cho trẻ làm theo những gì mình thích một cách tạm thời, đừng phủ nhận chúng, ngược lại thỉnh thoảng hãy nói về lĩnh vực mà con bạn thích, lắng nghe con bạn nói lên suy nghĩ nhiều hơn. 

・Khen ngợi để con có thêm tự tin 

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ không tự tin đến trường là không tự tin vào bản thân, mặc cảm với những người xung quanh. Trong trường hợp này, chỉ cần cố gắng khen ngợi những cố gắng của trẻ. Khi được sự công nhận của cha mẹ, trẻ sẽ rút ra được kinh nghiệm thành công và dần dần thay đổi suy nghĩ để có được sự tự tin. 

Nói là khen ngợi thì có vẻ cường điệu, dễ khiến nhiều cha mẹ nhầm tưởng phải khen ngợi con suốt cả ngày, nhưng thực ra không phải vậy. Chỉ cần nói với con những câu cảm ơn, chia sẻ suy nghĩ vui vẻ với con là được. Trẻ cần một người thông cảm và chia sẻ cảm xúc với mình cho nên việc cảm xúc và hành động của mình được công nhận sẽ là một bàn đạp rất lớn cho sự phát triển của trẻ, động lực cho trẻ đi đến trường. 

・Không sử dụng các từ động viên con quá mức 

Khi thấy con mình nói không muốn đi học, rất nhiều phụ huynh có xu hướng sử dụng các từ ngữ như “cố lên con”, “con hãy cố hết sức mình đi nào”. Tuy các từ ngữ này thường được nghĩ là sẽ có thể làm cho một người trở nên mạnh mẽ nhưng đây chỉ là sự mạnh mẽ tức thời. Nếu cha mẹ lạm dụng từ ngữ này, trẻ sẽ có thể bị tổn thương tâm lý vì phải cố gắng chịu đựng những thứ ngoài tầm kiểm soát. 

Khi một đứa trẻ trốn tránh không muốn tới trường, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy hết sức mâu thuẫn, cảm thấy “không nên làm như vậy”, làm như vậy là không đúng. 

Vậy nên nếu bị cha mẹ nói rằng, con hãy cố gắng hết sức mình đi, đứa trẻ sẽ có xu hướng nghĩ “Vậy con sẽ phải cố gắng như thế nào? Trong khi nếu đến trường sẽ bị….” 

Vậy nên trong trường hợp này, thay vì nói con hãy cố gắng lên thì cha mẹ có thể an ủi trẻ rằng, “Không cần phải làm quá sức”, hoặc “Mọi chuyện rồi sẽ ổn” sẽ có tác dụng hơn rất nhiều. 

・Đối xử với trẻ như bình thường 

Khi trẻ đột ngột bỏ học, chắc chắn nhiều cha mẹ sẽ cảm thấy khó chịu, thấy công sức mình cố gắng trong công việc để dành cho con cái học hành không được đền đáp. Vậy nên, theo lẽ đương nhiên, một sự căng thẳng bao trùm lên khắp căn nhà, vây quanh mọi thành viên. 

Thực tế ra không cần làm mọi thứ căng thẳng như vậy. Đứng vì con không đi học mà có thái độ trách móc hay không thân thiện với con trẻ. Hãy đối xử với trẻ bình thường nhất, như khi trẻ chưa đi học bằng cách hỏi han trẻ, quan tâm tới cảm xúc của trẻ. Tất cả các hoạt động đối với trẻ nên được giữ nguyên như trước. 

・Cho con tiếp xúc với nhiều thứ mới 

Hãy để cho con có cơ hội được tiếp xúc với nhiều thứ khác nhau. Bằng cách tiếp xúc với nhiều tri thức mới, con sẽ cảm thấy hứng thú, quan tâm tới việc học. Lâu dần, niềm cảm hứng này sẽ tiếp lửa để con có động lực tới trường. 

Không cần phải những thứ đồ chơi đắt tiền, cha mẹ có thể đơn thuần đưa trẻ tới thủy cung, viện bảo tàng, vườn bách thú, trò chuyện với con, cùng con tìm hiểu về mọi thứ xung quanh. Điều này cực kỳ cần thiết cho trẻ trong sự phát triển tình yêu với môi trường xung quanh. 

Kể cả những thứ trẻ cảm thấy hứng thú không liên quan đến bài tập ở trường nhưng thông qua các hoạt động tự tìm hiểu, mày mò khám phá, trẻ sẽ cảm thấy muốn học hỏi thêm. Và quay trở lại trường học có thể sẽ là một trong những lựa chọn tối ưu nhất mà trẻ có. 

・Suy nghĩ về các lựa chọn khác ngoài việc đi học 

Đối với trẻ, đi học không phải là lựa chọn duy nhất khiến chúng hài lòng. Và nếu trẻ cảm thấy lo lắng và bất an vì không thể hòa nhập với môi trường ở lớp, với bạn bè xung quanh, hoặc không thể tìm thấy ý nghĩa trong việc đến trường, cha mẹ có thể xem xét các giải pháp thay thế cho việc đến trường. 

Ngay từ đầu, nhược điểm của việc không đi học là “trẻ không tiếp thu được kiến thức” và không thể kết bạn được”. Tuy nhiên, những điều này có thể giải quyết bằng cách sử dụng các dịch vụ như homeschool với cách chương trình giảng dạy từ Mỹ, châu Âu giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách khoa học, sống động, có tính thực hành cao. Còn việc kết bạn, trẻ hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ Internet để mở rộng tình bạn hoặc trong cộng đồng ở địa phương. 

be-3-tuoi-khong-chiu-di-hoc
Bé 3 tuổi không chịu đi học (Ảnh minh họa)

・Tìm kiếm cộng đồng cho trẻ 

Như ở trên đã đề cập, nếu trẻ không quen và không đi học, cha mẹ hoàn toàn có thể tranh thủ tìm kiếm các địa điểm khiến trẻ trở nên thoải mái hơn mà cha mẹ cũng không phải quá lo lắng. 

Các cộng đồng trong một khu vực nhỏ như các lớp học thêm kỹ năng, học lập trình có thể giúp trẻ trở nên hoạt bát hơn vì có thêm các bạn bè cùng sở thích. Ngay cả khi không tham gia trực tiếp, trẻ có thể tham gia qua mạng Internet để giao lưu gặp gỡ. 

Hãy giúp trẻ có một nơi mà trẻ có thể cảm thấy thoải mái mà cha mẹ cũng không phải lo lắng về các mối quan hệ xã hội của trẻ chỉ vì trẻ không chịu đến trường. 

・Trao đổi trực tiếp với giáo viên 

Sau khi đã thử hết cách ở nhà, hãy thử trao đổi với giáo viên ở trường nếu tình hình không thay đổi. Tuy nhiên cần nhớ, trẻ không cần phải được ưu ái quá mức chỉ vì không chịu đi học trong một khoảng thời gian. Thậm chí, việc quan tâm quá đà của những người xung quanh có thể làm trẻ trở nên xấu hổ. 

Ngoài ra, trước khi nhờ tới giáo viên, cha mẹ hãy dò hỏi để chắc chắn rằng nguyên nhân trẻ không tới trường không phải đến từ nhà trường hay giáo viên. 

・Thay đổi suy nghĩ về việc không chịu đi học 

Rất nhiều phụ huynh có hình ảnh tiêu cực về việc trẻ không chịu đi học. Tuy nhiên thực tế đã cho thấy, việc trẻ từ chối đi học hoàn toàn không phải là điều xấu. Việc từ chối đến trường là một cách an toàn để con bạn bảo vệ bản thân khỏi những căng thẳng lớn từ bên ngoài. Nếu không phải cách trẻ từ chối đi học, trẻ sẽ có thể có những biểu hiện khác tồi tệ hơn ví dụ như trầm cảm hoặc tự tử. Nói cách khác, nghỉ học là một lựa chọn đầu tiên để bảo vệ con khỏi tác nhân từ bên ngoài. 

Lý do không đi học ở mỗi trẻ là khác nhau và các biện pháp đối phó cũng là khác nhau. Đôi khi trẻ có thể phải nghỉ học do căng thẳng đột xuất mà chính bản thân trẻ cũng không ngờ tới. Vậy nên, việc nhận ra các biểu hiện đầu tiên cũng như có các biện pháp khắc phục là điều cha mẹ phải làm để bảo vệ trẻ. Điều quan trọng là luôn ở bên, vận động cùng với sự thay đổi về tâm lý của trẻ. 

Nếu các bậc phụ huynh từ trước tới nay chỉ có hình ảnh tiêu cực về việc từ chối đến trường thì nên thay đổi nhận thức một chút, tìm hiểu các trường hợp khác nhau về việc không chịu tới trường ở lứa tuổi của con mình, từ đó tìm ra nguyên nhân cùng các cách giải quyết vấn đề này. 

4. Lời kết

Bé 3 tuổi không chịu đi học chắc hẳn là vấn đề của nhiều bậc phụ huynh. Rất nhiều nguyên nhân có thể được đặt ra từ một vấn đề trẻ không chịu tới trường. Vậy nên, điều cha mẹ cần làm là nương theo cảm xúc của con mình, tránh đặt câu hỏi dồn dập, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của trẻ. Từ đó, có những bước cải thiện tình hình phù hợp. 

Nguồn tham khảo: 

https://www.obatakazuki.com/hutoukou-taiou
https://ure.pia.co.jp/articles/-/156268
https://www.futoukou-navi.com/note/kihon/hogosha.html

Xem thêm các bài viết về Nuôi dạy con kiểu Nhật tại link.