“Tăng cường khả năng của trẻ dựa trên phương pháp Montessori và  thuyết đa trí thông minh”, tên tiếng Nhật là 「モンテッソーリ教育×ハーバード式「多重知能理論」で子どもの才能を伸ばす方法」được viết bởi nhà giáo dục học Mika Ito đưa ra những lời khuyên rất hữu ích tới mẹ để phát triển khả năng của trẻ trên nhiều lĩnh vực từ 0 tới 6 tuổi. 

1. Về tác giả Mika Ito

Mika Ito là nhà giáo dục học Nhật Bản, với trên hai mươi năm kinh nghiệm dạy trẻ nhỏ trong giai đoạn từ 0 tới 6 tuổi, và cũng là người đồng sáng lập ra  trường mầm non “Brilliant Babies Academy”. Trong sự nghiệp hơn hai mươi năm của mình, cô  Mita Ito đã có kinh nghiệm giáo dục cho trên 15.000 trẻ nhỏ và đồng hành với 9.000 cặp cha mẹ trong giáo dục con giai đoạn đầu đời. 

Trang web của trường mầm non “Brilliant Babies Academy”:  https://kagayakibaby.org/greeting/

Với kinh nghiệm sâu sắc của bản thân về giáo dục, cô Mika Ito luôn quan niệm rằng: “Trong xã hội, tất cả những người thành công là người được bố mẹ tôn trọng ý kiến khi còn nhỏ. Chính vì thế, điều quan trọng đối với bố mẹ là có thể tạo được môi trường mà ở đó trẻ được làm những điều mình thích.  

2. Giới thiệu tổng quan sách 

“Tăng cường khả năng của trẻ dựa trên phương pháp Montessori và lý thuyết đa trí thông minh”, được viết dựa trên hai lý thuyết: Lý thuyết giáo dục của Montessori và giáo dục Harvard về 9 tài năng của trẻ.  Đặc biệt, điều quan trọng nhất là tạo cho trẻ môi trường có thể tập trung vào những thứ mình thích trước năm 3 tuổi, khi mạng lưới liên kết trong não đang được hình thành. 

Thời đại của giáo dục nhân tạo AI nên nền giáo dục nhồi nhét đang dần dần bị thay thê.. Đặc biệt mẹ phải dạy con được ba loại năng lực chính giúp con sống sót trong thời đại mới:  

“Tự bản thân suy nghĩ, năng lực giải quyết vấn đề”, “Tin tưởng vào bản thân”, “Năng lực giao tiếp dựa vào tạo dựng các mối quan hệ xã hội”. Và tất cả việc này, chỉ có mẹ, người thầy vĩ đại nhất của con, mới có thể làm được. 

3. Giáo dục trẻ thời đại AI – Tầm nhìn của mẹ quyết định cuộc đời  con

Giáo dục kiểu truyền thống, cô chỉ trò làm không còn hữu ích trong sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo AI. Nếu chỉ dựa vào những lời chỉ dẫn của cô thì con sẽ không thể phát triển được khả năng suy nghĩ độc lập, tư duy làm chủ bản thân. Chính vì thế, nhiệm vụ của mẹ trong giáo dục con thời hiện đại là phải đẩy mạnh được tính cá nhân trong con, cho con làm những điều mình thích. 

Khi trẻ được làm những điều mình thích thì sẽ tạo được cảm giác thỏa mãn, từ đó sự tự tin về bản thân sẽ được tăng lên cùng với đó là các suy nghĩ tích cực về năng lực cá nhân trong con. Điều này giúp con có thể đứng vững, tin vào bản thân sau khi trưởng thành cùng với nhiều thách thức bủa vây từ xã hội. 

4. Thời kỳ nền tảng của não bộ 

Mẹ có biết, trong giai đoạn trước ba tuổi, con tìm hiểu thế giới thông qua các trò chơi, và chính các trò chơi đó là tiền đề để tạo ra các liên kết vững chắc trong não bộ, tạo nền tảng cho sự phát triển não bộ của con. Não con càng có nhiều liên kết thì con lại càng có nhiều khả năng khác biệt. Sự phát triển của các liên kết trong não đạt đỉnh từ 0 tới 2 tuổi, sau đó là giai đoạn 3 tới 5 tuổi và từ 6 tuổi trở đi là thoải dần. 

Nếu trẻ có mạng lưới thần kinh tốt thì sau khi lớn lên, trẻ có thể tiếp thu và làm chủ kiến thức mới một cách nhanh chóng. Đây là điểm mấu chốt để con có thể sống sót trong thời kỳ đầy cạnh tranh hiện nay. 

Và điều mẹ nên làm trong giai đoạn con con nhỏ này chính là tạo cho con môi trường có nhiều kích thích tốt, từ đó con có thể tự do khám phá, tự do hoạt động và làm những điều mình thích. Và đặc biệt, mẹ nên chú ý các hoạt động cho con vào thời kỳ nhạy cảm. 

tang-cuong-kha-nang-cua-tre

5. Thời kỳ nhạy cảm của trẻ, ba kỹ năng không thể thiếu

Theo nhà giáo dục học người Ý Montessori thì con người cũng giống các loài động vật khác đều mang các năng lực khác nhau từ khi sinh ra, và để phát triển các năng lực sẵn có này thì đều cần một khoảng thời gian nhất đinh. Khoảng thời gian này được gọi là “thời kỳ nhạy cảm”. 

Cô Mika Ito cho biết, đây chính là thời điểm thích hợp để mẹ tạo môi trường cho con phát triển các kỹ năng cần thiết, đặc biệt là ba kỹ năng: “vận động”, “giác quan”, “ngôn ngữ”. 

・ Vận động

Kéo dài từ khi trẻ 0 tuổi tới 6 tuổi. Nếu trong giai đoạn này, mẹ không cho trẻ vận động các hoạt động cần thiết thì khi lớn lên, thể lực sẽ giảm, không thể đứng hoặc hoạt động thể chất trong một khoảng thời gian dài. Nếu con đang nằm ngửa mà mẹ thấy con khua tay chân thì đây có thể là dấu hiệu cho thời kỳ nhạy cảm vận động của con đã bắt đầu. Nếu vậy mẹ nên giúp con có các tư thế để lẫy, sau đó là bò trườn phù hợp. Chỉ cần mẹ kiên trì để con vận động từng chút một thì khả năng vận động của con sẽ tăng lên nhanh chóng. 

・ Giác quan

Kéo dài từ 0 tuổi tới 3 tuổi. Giác quan ở trẻ bao gồm: thị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác, vị giác. Để hỗ trợ giác quan của trẻ phát huy một cách tối ưu, mẹ nên thử các hướng dẫn sau nhé: 

  • Cho con thăm quan viện bảo tàng mỹ thuật hoặc các nơi có màu sắc rực rỡ.
  • Để con được tiếp xúc với các thứ hạng nhất: đồ ăn ở nhà hàng hạng nhất, học nhạc với giáo viên giỏi nhất, học ngoại ngữ với giáo viên bản xứ… 
  • Cho con nghe nhạc cổ điển, hoặc nhét đồ gì đó vào hộp nhựa và xóc lên cho con nghe. 
  • Để con tự do vận động bên ngoài thiên nhiên, thưởng thức mùi gió và hương hoa. 

Mẹ nên nhớ, chỉ cần mẹ tăng khả năng cảm thụ môi trường xung quanh của con thì lớn lên con sẽ là người có khả năng biểu đạt cảm xúc vượt trôi. 

・ Ngôn ngữ

Kéo dài từ 0 tuổi tới 3 tuổi. Hầu hết các nhà giáo dục hàng đầu tại Nhật đều khuyên mẹ nên nói chuyện và giao tiếp với con từ càng sớm càng tốt. Kể cả con không nói được, không có nghĩa là con không nghe được và không hiểu được. Chỉ cần mẹ kiên nhẫn thì sẽ có ngày ngôn ngữ tự nhiên sẽ được bật ra. Và đặc biệt khi nói chuyện với con, mẹ nên sử dụng ngôn ngữ chuẩn của người lớn, ví dụ con chó thì không nên gọi là con tó… 

6. Lý thuyết đa thông minh ở trẻ 

Bây giờ là thời đại mà chỉ số IQ không còn tác dụng trong đo lường trí thông minh của một con người, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Điều quan trọng là phải đánh giá trên nhiều khía cạnh khác nhau. Đây chính là kết luận về thuyết “đa trí thông minh” của giáo sư tâm lý học Howard Gardner, trường đại học Harvard. Theo ông thì con người khi sinh ra ai cũng có 8 loại trí tuệ: 

  • Trí thông minh về toán học 
  • Trí thông minh về ngôn ngữ/ lời nói
  • Trí thông minh về thị giác/ không gian
  • Trí thông minh về vận động 
  • Trí thông minh về âm nhạc/ giai điệu
  • Trí thông minh hướng ngoại 
  • Trí thông minh hướng nội 
  • Trí thông minh hướng về thiên nhiên

Và nhà giáo dục học Mika Ito có bổ sung thêm một loại trí thông minh nữa là “trí thông minh về cá nhân”

Trẻ con khi được sinh ra, ai cũng có chín loại năng lực nói trên và việc trẻ có phát triển được toàn diện 9 loại trí thông minh của bản thân hay không đều phụ thuộc vào môi trường mà mẹ xây dựng quanh trẻ. 

Có nhiều câu hỏi đặt ra, vậy để tăng cường khả năng của trẻ thì nên tập trung vào trí thông minh nào, tập trung riêng lẻ hay toàn bộ? Để trả lời câu hỏi trên thì phải dựa chủ yếu vào khả năng phát triển của trẻ. Nhưng cô Ito Mika khuyên mẹ nên phát triển đồng đều cả chín loại hình trí thông minh trên. Đặc biệt trong thời đại của trí tuệ nhân tạo thì việc trẻ mang trong mình nhiều loại khả năng để có thể sử dụng khi cần thiết là điều cực kỳ quan trọng. 

7. Dòng chảy tập trung ở trẻ 

Một trong các phương pháp để phát triển năng lực của trẻ chính là trạng thái dòng chảy. Trạng thái dòng chảy là khi trẻ tập trung vào việc mình đang làm mà quên đi mọi thứ xung quanh. Khả năng của trẻ sau này có phát triển nổi trội hay không phụ thuộc rất nhiều vào số lần mẹ cho trẻ trải nghiệm trạng thái dòng chảy khi còn nhỏ.  

Tại sao lại như vậy? Để trẻ có thể rơi vào trạng thái dòng chảy thì bản thân trẻ phải có hứng thú với một vật gì đó. Sau đó, trẻ sẽ bắt đầu khám phá và lặp đi lặp lại cho tới khi hoàn toàn thoả mãn. Từ đó, trẻ sẽ có thêm tự tin rằng mình đã làm chủ được gì đó. Đây chính là yếu tố tiên quyết cho việc trẻ sẽ bắt đầu các thử thách mới để phát triển các kỹ năng mới của bản thân. 

Năm bước để trẻ rơi vào trạng thái dòng chảy nhanh nhất, lời khuyên từ cô Mika Ito: 

Xem thêm: Phương pháp dạy trẻ tập trung

8. Tám điều mẹ cần nằm lòng để tài năng trẻ được phát triển toàn diện 

Dưới đây là tám điều mà cô Mika Ito chia sẻ tới mẹ, giúp mẹ phát triển được tài năng của con một cách toàn diện nhất:

Điều 1: Chấp nhận tất cả các ý tưởng của con 
Điều 2: Luôn tạo không khí thoải mái, vui vẻ khi ở bên con 
Điều 3: Để con được trải nghiệm, tự chơi tới khi con thấy thoả mãn
Điều 4: Để con được tự do chọn lựa 
Điều 5: Luôn chờ đợi con trong mọi tình huống
Điều 6: Tạo cơ hội cho trẻ được chơi trong thiên nhiên càng nhiều càng tốt
Điều 7: Để con có cơ hội tự giải quyết mâu thuẫn cá nhân
Điều 8: Để con tự nhận và sửa lỗi của bản thân   

Mẹ có thể xem thêm bản chi tiết về tám điều trên ở bài viết dưới đây: 

Xem thêm: Tám điều quan trọng để phát triển tài năng trẻ

Lời kết

Nửa sau của cuốn sách “Tăng cường khả năng của trẻ dựa trên phương pháp Montessori và thuyết đa trí thông minh” là các bài tập giúp trẻ có thể phát triển được khả năng vận động, trí tuệ, giác quan và khả năng giao tiếp của cá nhân. 

Nếu xem qua thì thấy công việc làm mẹ thật sự quá vất vả,  tuy nhiên, điều mà cô Mika Ito muốn nhấn mạnh thông qua quyển sách này là: Mẹ hãy thật thoải mái, tạo môi trường an toàn và đầy những kích thích tốt cho con, để con có thể tự do khám phá, tự do tìm hiểu thế giới xung quanh. Mỗi ngày một chút, chắc chắn trí tuệ của con sẽ phát triển vượt trội nhờ sự kiên trì của mẹ. 

Link giới thiệu sách: Amazon Nhật Bản