1. Lời mở đầu về Thói quen tốt rèn trí não siêu việt

Tiếp theo trong series về rèn luyện não cho trẻ của giáo sư Kubota Kisou, mình muốn gửi tới các mẹ review về những thông tin mà mình tâm đắc nhất sau khi đọc xong cuốn “Thói quen tốt rèn trí não siêu việt”, tên tiếng Nhật là 「子どもの脳を育む よい習慣」 

Hiện sách đã được dịch sang tiếng Việt với độ dày khoảng 150 trang nhưng nội dung rất dễ đọc, không chứa nhiều thuật ngữ chuyên ngành não bộ và đặc biệt, sách có đề cập tới các thói quen rất đơn giản mà mẹ hoàn toàn có thể cùng bé thực hiện hàng ngày. 

Cuốn sách “Thói quen tốt rèn trí não siêu việt” gồm bốn chương cơ bản, tập trung vào việc lý giải các tầm quan trọng của các thói quen sinh hoạt hàng ngày mà rất nhiều bậc phụ huynh đã bỏ qua trong quá trình dạy con, và thêm vào đó là những gợi ý cùng lời khuyên vô cùng hữu ích từ giáo sư Kubota. 

2. Giới thiệu chương 1 

Chương một đề cập tới các thói quen sinh hoạt sinh hoạt mà trẻ thực hiện hàng ngày như ăn uống, ngủ nghỉ, chơi điện tử, chào hỏi… Vậy vấn đề đưa ra là, làm thế nào mà cha mẹ có thể giúp con cái phát huy được sức mạnh của não bộ thông qua các hành động này? 

Các mẹ có thể tham khảo các thông tin dưới nhé! 

・Quá trình ăn uống

Trong khi ăn uống thì không nên để trẻ ăn quá nhiều, hay ăn để thỏa mãn cơn đói của mình. Đặc biệt, trẻ có nguy cơ béo phì cao trong giai đoạn từ 4-5 tuổi nên cha mẹ nên kiểm soát cân nặng của con trong giai đoạn này. 

Đặc biệt, cha mẹ nên bổ sung cho con thêm axit folic, DHA, EPA, choline, là các thực phẩm dinh dưỡng cực kỳ cần thiết cho trẻ trong giai đoạn đang phát triển. Axit folic giúp phân chia tế bào não (trẻ càng có nhiều tế bào não cùng các liên kết giữa chúng càng nhiều thì lại càng thông minh vượt trội), DHA và EPA có trong cá mòi hay cá thu ngừ sẽ giúp truyền tải thông tin trong não bộ. Còn acetylcholin trong choline giúp tăng cường khả năng phán đoán, lưu trữ ký ức của trẻ. 

・Điều tiết lại thói quen ngủ

Ngày nay, trẻ đang sống trong môi trường có quá nhiều kích thích và cám dỗ như điện tử, tivi, internet hay thời gian học bị kéo dài từ học chính khoá và học thêm khiến cho thời gian ngủ của trẻ bị giảm sút đáng kể. Theo giáo sư Kubota thì đây là một điều không tốt cho trẻ. 

Thời gian ngủ cho trẻ dưới 6 tuổi là 11-12 tiếng còn khi vào tiểu học là 8-10 tiếng. Nếu cho trẻ đi ngủ muộn thì không chỉ việc phát triển não trẻ bị ảnh hưởng mà ngay cả hocmoon cho phát triển thân thể cũng bị ảnh hưởng theo. Vậy nên các bậc phụ huynh lưu ý cần cho trẻ ngủ sớm, đặc biệt là trước 11 giờ đêm. 

・Thói quen sử dụng Internet

Đối với việc sử dụng tivi và internet thì cũng nên cân nhắc cho trẻ tiếp xúc sớm, nhưng CÓ KIỂM SOÁT cả về thời gian sử dụng và nội dung. Tivi và internet là các kênh thông tin rất hữu ích cho trẻ, tuy nhiên nếu trẻ lạm dụng quá thì sẽ trở thành thụ động, thiếu sự linh hoạt trong suy nghĩ. Mặt khác, nếu cha mẹ khai thác được điểm mạnh trong tivi và internet (ví dụ như coi việc chơi game là phần thưởng sau khi học bài vào cuối tuần) thì cả về mặt tinh thần cũng khiến trẻ phấn khởi, hăng hái tham gia mọi việc. 

Ngoài các vấn đề trên thì chương một của Thói quen tốt rèn trí não siêu việt còn có đề cập tới phát triển các kỹ năng mềm khác như cách xây dựng suy nghĩ theo hướng tổng thể, dạy trẻ chào hỏi, rèn luyện tính chịu đựng của trẻ. …

3. Giới thiệu chương 2

Chương hai của cuốn sách nhấn mạnh về tầm quan trọng của vận động tới não trẻ. Theo giáo sư Kubota, việc trẻ vận động có liên quan mật thiết tới vùng não trước trán, giúp trẻ hình thành sự phán đoán và suy nghĩ linh hoạt.

Vùng não trước trán này chính là trung khu điều khiển thần kinh, ra lệnh cho hầu hết các hoạt động của con người, và hoạt động cực kỳ mạnh trong giai đoạn vàng của trẻ. Khi trẻ học một thứ gì mới, bắt chước hành động của ai đó thì khu vực vùng não trước trán này sẽ được hoạt động.

Cũng theo đó, khi trẻ vận động cơ thể thì vùng não trước trán cũng hoạt động để ra lệnh cho tay chân hoạt động linh hoạt. Cho nên có thể nói rằng, việc trẻ vận động cũng là cách làm cho não thông minh lên, ngoài việc chỉ ngồi ở trước bàn học hàng tiếng đồng hồ để tiếp thu kiến thức mới. 

Nếu mẹ quan tâm tới vấn đề Dạy con thông minh thông qua vận động thì có thể xem link tham khảo phía cuối bài.

4. Giới thiệu chương 3

Chương tiếp theo của  Thói quen tốt rèn trí não siêu việt bàn về phương pháp làm trẻ thông minh thông qua việc làm đôi tay linh hoạt và sử dụng âm nhạc. Các cụ thời xưa từng có câu: “Giàu hai con mắt, có hai bàn tay” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của đôi bàn tay với con người. Các loại động vật trên thế giới như tinh tinh, khỉ và vượn đều có đôi bàn tay có cấu tạo như người nhưng để thực hiện được các hành động phức tạp và điêu luyện thì chỉ có con người mới có thể làm được. 

Việc luyện tập ngón tay của trẻ có thể thực hiện thông qua các bài tập về gấp giấy, xâu chuỗi, nặn đất sét, hay thậm chí làm việc nhà. Thông qua các bài tập này thì không chỉ trí tưởng tượng mà toàn bộ hai tầng não bộ của trung khu điều khiển vận động có thể được kích hoạt tối đa. 

Ngoài các ngón tay thì việc cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc có thể sẽ giúp vùng não lý giải âm thanh của trẻ phát triển hơn, giúp nhận dạng âm thanh tốt hơn, từ đó có thể cải thiện việc học ngoại ngữ của trẻ. 

5. Giới thiệu chương 4

Chương cuối cùng là chương mình học được nhiều điều nhất vì có rất nhiều điều tưởng chừng như trái ngược với các quan niệm mình được biết từ trước, ví dụ như khi trẻ bị dị ứng đồ ăn thì mẹ không nên quá căng thẳng để giúp con tránh đồ ăn đó. Ngược lại, nếu trẻ chỉ bị dị ứng nhẹ thì có thể tham khảo ý kiến của bác sỹ và cho trẻ ăn thử từng chút một. 

Cùng với dị ứng đồ ăn là khi phụ huynh thấy con có khuynh hướng kém hoạt động gì đó là sẽ tránh không nhờ vả hay yêu cầu trẻ con làm. Nhưng thực tế ra, không nên giới hạn khả năng của trẻ. Nếu thấy trẻ làm kém vấn đề gì đó, thì cha mẹ có thể tạo cơ hội để được làm cùng trẻ, khen ngợi trẻ ở những điểm làm được và quan trọng nhất là tôn trọng cá tính của trẻ. 

“Hãy tránh tối đa việc chỉ chăm chăm vào những điều mà trẻ thích, còn những điều mà trẻ ghét thì lại hoàn toàn không để trẻ làm! ”

(Trích dẫn)

Có nhiều bậc phụ huynh có con vào tiểu học mà vẫn để phòng bừa bộn thì cảm thấy rất cáu giận nhưng cũng rất buồn vì nghĩ rằng cơ hội để dạy con đã hết. Tuy nhiên, cha mẹ không nên vì phiền muộn hay cáu giận mà làm thay trẻ vì các hành động hỗ trợ này chỉ làm trẻ thêm ỷ lại, mà thay vào đó cha mẹ hãy nhắc nhở, làm gương cho trẻ, tôn trọng tính tự chủ ở trẻ và để trẻ tự nhận thức được việc cần làm và tự giác làm. 

Ngoài ra cũng có rất nhiều các bài học nho nhỏ mà Thói quen tốt rèn trí não siêu việt có đề cập, ví dụ như làm thế nào để trẻ có thể hoạt động đa nhiệm vụ (làm nhiều việc cùng một lúc), nghệ thuật trò chuyện cùng con hay cách để xây dựng một kỳ nghỉ dài với trẻ… 

Nếu các mẹ đang phân vân đầu sách về nuôi dạy con nên đọc thì có thể tham khảo cuốn này nhé. 

Link giới thiệu sách: Amazon Nhật Bản

Xem thêm: Dạy con thông minh thông qua vận động