1. Lời mở đầu cuốn sách

“Xây dựng tình yêu và suy nghĩ cảm thông ở trẻ・Lời khuyên trong quá trình nuôi dưỡng não phải” , tên tiếng Nhật là 「愛と思いやりをはぐくむ・「右脳子育て」のおすすめ」đưa ra lời khuyên cho mẹ về việc giáo dục nhân cách và tâm hồn trẻ, để thông qua đó nâng cao khả năng phát triển não phải của trẻ.  

Nhắc tới giáo dục Nhật Bản thì thầy Shichida Makoto là cây đại thụ không thể bỏ qua. Phương pháp giáo dục của thầy tập trung vào việc phát triển não phải cho con giai đoạn vàng từ 0 tới 6 tuổi. Tuy nhiên, ngoài ra thì việc phát triển tâm hồn trẻ cũng là chủ đề mà thầy rất quan tâm, bởi lẽ thầy luôn quan niệm rằng “điều quan trọng nhất của giáo dục con trẻ chính là giáo dục tâm hồn”. 

Tầm quan trọng của giáo dục tâm hồn, tình yêu và sự cảm thông của trẻ được thầy nhấn mạnh qua cuốn sách “Xây dựng tình yêu và suy nghĩ cảm thông ở trẻ” vì vấn đề này nhận được sự quan tâm rất lớn của các mẹ Nhật. “Về cơ thể thì có thể xác nhận con lớn lên như thế nào thông qua chiều cao, cân nặng”, “về học lực thì có thể xem bảng điểm” nhưng để kiểm tra tâm hồn con có phong phú không, con có lòng cảm thông không thì phải làm thế nào? 

Câu trả lời cho vấn đề trăn trở trên nằm trên từng trang sách của cuốn Xây dựng tình yêu và suy nghĩ cảm thông ở trẻ của thầy Shichida. 

Cuốn sách chia làm sáu chương chính đề cập tới từng chủ đề xoay quanh việc phát triển tâm hồn, từ việc thay đổi suy nghĩ của mẹ trong quá trình dạy con, tới chăm sóc cơ thể, nuôi dưỡng não phải tới xây dựng khả năng tưởng tượng trong con. Tất cả đều nhắm tới mục đích giúp con có tâm hồn nhân ái, khả năng cảm thông với những người xung quanh, giúp con nói lên suy nghĩ của mình, từ đó giúp con tự mình xây dựng được các mối quan hệ cho bản thân. 

2. Chương mở đầu: Nguyên tắc xây dựng suy nghĩ cảm thông ở trẻ

Chương mở đầu giúp cha mẹ có được nền tảng giáo dục tâm hồn cho con thông qua hành động “khen ngợi khi nuôi dạy”. Với tư cách là người dẫn đường cho con cái, cha mẹ nên giúp con có những giấc mơ và hoài bão để theo đuổi, từ đó giúp bản thân con tập trung được năng lượng mình có vào điểm mạnh của bản thân, tạo ra giá trị có ích cho xã hội. Chắc hẳn không có bậc cha mẹ nào trên thế gian này không cảm thấy vui mừng khi con mình hạnh phúc và thành công. 

Tại chương đầu của cuốn Xây dựng tình yêu và suy nghĩ cảm thông ở trẻ, thầy Shichida cũng chỉ ra năm nguyên tắc của người Do Thái khi dạy con hướng về ước mơ của mình như sau:

・Nguyên tắc 1

Để con được tự do phát triển cá nhân

・Nguyên tắc 2

Định hướng cho con trở thành người có thế mạnh nổi trội trong một vài lĩnh vực sở trường nhất định.

・Nguyên tắc 3

Cải thiện nhân cách đạo đức cá nhân, đặc biệt không làm tổn thương người khác 

・Nguyên tắc 4

Xây dựng trí sáng tạo

・Nguyên tắc 5

Dạy con thói quen học tập và bồi dưỡng cá nhân suốt đời

Và còn một điều nữa cần được nhấn mạnh, đó là tâm hồn của con chính là tấm gương phản chiếu tấm lòng của cha mẹ. Việc đứa trẻ có bao dung, có giàu tình thương không, phụ thuộc rất lớn vào việc cha mẹ có truyền được tình thương của mình tới đứa trẻ hay không. Một đứa trẻ suốt ngày chỉ nhận được những câu nói mệnh lệnh cấm đoán từ cha mẹ thì chắc chắn tâm hồn sẽ dần khép kín lại. Ngược lại, những trẻ hàng ngày nhận được lời động viên của cha mẹ, những chỉ bảo tận tình thì sẽ dần trở thành người có tâm hồn phong phú, biết quan tâm tới mọi người xung quanh. 

Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh rất quan tâm vào giáo dục và phát triển tri thức cho con trẻ nhưng thầy Shichida đã chỉ ra rằng, việc giáo dục tâm hồn còn quan trọng hơn cả giáo dục tri thức, một đứa trẻ có tâm hồn rộng mở thì não bộ cũng sẽ rộng mở để tiếp thu kiến thức mới. 

Xây dựng tình yêu và suy nghĩ cảm thông ở trẻ

3. Chương một: Cha mẹ nên thay đổi quan niệm về con cái 

Chương một của Xây dựng tình yêu và suy nghĩ cảm thông ở trẻ  đề cập tới cách để thay đổi suy nghĩ của bố mẹ về con cái vì con cái chính là kết quả giáo dục của cha mẹ. Nếu bản thân cha mẹ cảm thấy mệt mỏi vì con cái thì thay vì cố gắng thay đổi cách giáo dục con thì nên xem xét lại bản thân mình trước. 

子どもは母親の「思い」どおりに育つ
“Con cái trưởng thành theo như chính những gì cha mẹ suy nghĩ”

(Trích dẫn)

Vậy nên làm thế nào để bản thân cha mẹ có thể thay đổi vì con?

・Luôn nên nhìn con bằng ánh mắt tích cực

Trẻ con là thành viên mới của thế giới nên có rất nhiều điểm khiếm khuyết, vì vậy thay vì nhìn vào những điều con chưa làm được thì nên đánh giá con theo cả một quá trình, từ đó tập trung vào những điều tiến bộ trong con. Nếu người mẹ tập trung động viên những điểm mạnh trong con thì một ngày nào đó, điểm yếu sẽ tự nhiên biến mất. 

・Luôn giữ bản thân trong trạng thái ổn định

Điều quan trọng này phải được bắt đầu từ ngay khi người mẹ mang bầu, bởi vì nếu người mẹ luôn cảm thấy bất an thì đứa trẻ cũng dễ bị stress khi sinh ra, nhưng ngược lại, nếu trong quá trình sinh nở, con luôn được nghe thấy lời âu yếm cùng trạng thái ôn hoà của mẹ thì tâm trạng sau khi lớn lên sẽ rất ổn định, điềm tĩnh, trở thành đứa trẻ dễ bảo, dễ gần. 

・Tập trung nuôi dạy và nâng cao EQ (trí tuệ cảm xúc) cho con

Trẻ được sinh ra trong một xã hội đang ngày càng phức tạp. Và bản thân trẻ cũng là một con người nên không thể tách khỏi xã hội. Việc nâng cao EQ trong con chính là việc người mẹ giúp con kiềm chế được cảm xúc của cá nhân, từ đó giúp con biết cách xử lý mối quan hệ với mọi người xung quanh, để con truyền tải được sự quan tâm tới người khác. 

・Nằm lòng nguyên tắc ba mắng

Trong quá trình nuôi dạy con thì việc giữ được hoà khí ổn định, tránh mắng con là điều mà người mẹ nên nằm lòng. Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc hình phạt hoặc nhắc nhở nghiêm khắc nếu con phạm phải ba lỗi dưới đây

Lỗi thứ nhất: Con làm tổn thương người khác (Cả về thể xác lẫn tinh thần)
Lỗi thứ hai: Con quấy nhiễu và làm phiền người khác
Lỗi thứ ba: Con không chịu nhận trách nhiệm về hành động của mình 

・Luôn công nhận sự tồn tại của con

Là bậc làm cha mẹ, ngoài việc dạy con tôn trọng người khác thì cũng phải chỉ dẫn con tôn trọng chính bản thân mình. Bởi lẽ, con chính là cá thể không thể thay thế trong xã hội này. Chỉ có con mới có thể tạo ra những giá trị của riêng bản thân mình, những giá trị có ích cho xã hội. Nếu cha mẹ có thể chỉ cho con thấy được giá trị của bản thân mình và sự trân trọng nó, thì bản thân con sẽ tự cảm nhận thấy sự tồn tại của mình chính là niềm hạnh phúc, một phần không thể thiếu của xã hội. Từ đó, gây dựng nên niềm tin trong con, dám nói lên quan điểm cá nhân và không dễ bị người ngoài bắt nạt. 

Xây dựng tình yêu và suy nghĩ cảm thông ở trẻ

4. Chương hai: Tâm hồn đẹp trong cơ thể khỏe mạnh

Lẽ đương nhiên, nuôi dạy trẻ thì ngoài tâm hồn và tri thức, người mẹ cũng cần chú ý tới sức khoẻ và môi trường sống cho con. Chú ý khi lựa chọn thưc phẩm phải là nguồn thực phẩm tốt cho thân thể, não bộ và tâm hồn trẻ. Tránh các sản phẩm chứa chất phụ gia độc hại. Hiện nay không chỉ ở Việt nam, mà ngay tại Nhật, trẻ em cũng phải sống trong môi trường ô nhiễm, từ nguồn nước sinh hoạt, tới không khí và thực phẩm. Chính vì việc sống trong môi trường có quá nhiều ảnh hưởng không tốt, nên cơ thể trẻ cũng bị nhiễm độc dần, và không thể phát huy được năng lượng vốn có. 

Chính vì thế, cha mẹ ngoài việc chú ý vào cách huấn luyện, nuôi dạy con còn để ý tới môi trường sống xung quanh con, giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng không tốt. Đặc biệt là bốn nguyên nhân ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của con: 

・Nguyên nhân thứ nhất

Môi trường sống không có kích thích, kém phong phú sẽ dẫn tới một đứa trẻ có tâm hồn nghèo nàn

・Nguyên nhân thứ hai

Nội dung thực đơn ăn uống hàng ngày. Nếu cải thiện được thực đơn của con với sản phẩm tươi sống thì chất lượng máu cũng trở nên sạch hơn, và não bộ sẽ hoạt động tốt hơn. 

・Nguyên nhân thứ ba

Chất lượng nước

・Nguyên nhân thứ tư

Môi trường xung quanh như không khí, chất lượng sinh hoạt

Và tại chương này, thầy Shichida có chỉ ra một loại thực phẩm giúp mẹ có thể giúp hệ bài tiết của con hoạt động tốt hơn, lọc máu trong cơ thể, đó chính là GẠO LỨT. Đây là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và vitamin, mẹ có thể nấu cháo gạo lứt hoặc vắt sữa cho con uống hàng ngày. 

Ngoài ra, cũng nên chú ý giúp cho đôi bàn chân của con khoẻ mạnh, linh hoạt, vì đôi bàn chân giúp con nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể. Đôi bàn chân có khoẻ mạnh thì cơ thể con mới hoạt động linh hoạt để khám phá thế giới. 

5. Chương ba: Chăm sóc tâm hồn trẻ

Hiện nay xã hội đang thay đổi liên tục, chính vì vậy giáo dục cho con cái cũng phải thay đổi theo. Tuy nhiên tại Nhật vẫn còn có nhiều phụ huynh có suy nghĩ bỏ mặc giáo dục con cho nhà trường. Thực tế ngoài những kiến thức nhân chia cộng trừ trên trường, thì trẻ cần phải được bồi dưỡng thêm về kiến thức sống. 

Thầy Shichida cũng nhấn mạnh trong cuốn Xây dựng tình yêu và suy nghĩ cảm thông ở trẻ  rằng, việc nuôi dạy con không chỉ cho chơi rông dài, trải nghiệm mà không có mục đích, bởi vì não trẻ chỉ phát triển mạnh nhất trong cuộc đời mình ở khoảng sáu năm đầu đời sau đó thì sẽ phát triển với tốc độ chậm lại. Chính vì thế, mẹ nên tận dụng khoảng thời gian vàng này để cùng con thu thập kiến thức, và trải nghiệm có mục đích. 

Tuy nhiên cũng cần phải nói rõ rằng nếu người mẹ quan tâm thái quá tới giáo dục con, hay tạo áp lực thì cũng không được cho nên điều quan trọng nhất trong giáo dục não bộ và tâm hồn cho con chính là thể hiện tình cảm của mẹ tới con. Mẹ và con thực tế là hai cá thể trong một quần thể thống nhất, cho nên mẹ cần phải vứt đi các suy nghĩ tiêu cực về con cái, cho con trải nghiệm trong phạm vi mình có thể quản lý. Nếu hành động của con không ảnh hưởng tới người khác thì không có lý do gì cho việc cấm đoán cả. 

6. Lời kết cho ba chương đầu

Nội dung của ba chương đầu cuốn Xây dựng tình yêu và suy nghĩ cảm thông ở trẻ  gói gọn và tập trung vào cách nuôi dưỡng tâm hồn cho con từ việc cha mẹ nên thay đổi suy nghĩ, phát triển cơ thể trẻ khoẻ mạnh và các lưu ý khi chăm sóc tâm hồn trẻ. Nửa sau của cuốn sách tập trung vào việc phát triển não phải từ mối liên quan của não phải tới tâm hồn trẻ, những trải nghiệm mà trẻ đã có. 

Nếu mẹ quan tâm tới việc dạy con phát triển não phải thì hãy tham khảo bài viết dưới đây: 
Dạy con phát triển não phải

Link giới thiệu sách: Amazon (Nhật Bản)