1. Giới thiệu sách Dạy con kiểu Nhật giai đoạn 0 tuổi 

Dạy con kiểu Nhật giai đoạn 0 tuổi, là một trong những bộ sách đã khai sáng mình đến với thế giới của não trẻ. Thực sự não bộ con người luôn ẩn chứa những điều phức tạp, đó là một hệ thống tinh vi nhất trên hành tinh này, nhưng thực sự, so với người trưởng thành thì não bộ của trẻ em, đặc biệt giai đoạn từ sau sinh tới 3 tuổi, ẩn chứa nhiều điều thú vị cần được khai phá và nuôi dưỡng. 

Giáo sư Kubota cũng đã viết trong cuốn Dạy con kiểu Nhật giai đoạn 0 tuổi rằng, não của thai nhi trong bụng mẹ bắt đầu phát triển mạnh kể từ tháng thứ 6 và cho đến khi bé chào đời thì số lượng tế bào thần kinh đã gần bằng não ở người trưởng thành. 

Tuy nhiên, số lượng tế bào thần kinh chỉ là thứ yếu, điều quan trọng nằm ở mối liên kết giữa các tế bào thần kinh này.  Chính số lượng mối liên kết này tạo nên sự khác biệt trong tư duy của mỗi trẻ và là điều mấu chốt để tạo nên bộ não thiên tài. 

Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của cha mẹ chính là:
“Làm thế nào để tăng được sự liên kết của các tế bào thần kinh trong não trẻ? ”

2. Thời điểm vàng để làm tăng liên kết của các tế bào thần kinh 

Vậy thời điểm nào là quan trọng nhất, hiệu quả nhất để làm tăng liên kết của các tế bào thần kinh trong não trẻ? Câu trả lời mà giáo sư Kubota đưa ra trong cuốn dạy con kiểu Nhật giai đoạn 0 tuổi, chính là giai đoạn từ sau khi trẻ được sinh ra tới năm 3 tuổi. 

“Mật độ các khớp thần kinh tăng nhanh nhất trong giai đoạn từ 1-3 tuổi, đạt đến đỉnh điểm là giai đoạn khoảng 3-5 tuổi, sau đó sẽ giảm dần do các tế bào thần kinh có chứa các khớp thần kinh không được liên kết chết đi. Hiện tượng này gọi là “cắt gọt”.”

(Trích dẫn)

Trong khoảng thời gian này, nếu cha mẹ không có các kích thích giúp trẻ phát triển thì đến giai đoạn sau, dù có cố gắng thế nào đi nữa thì các liên kết thần kinh cũng chỉ đạt ở mốc thoai thoải giảm dần, chứ không thể lên đỉnh dễ dàng như trong giai đoạn vàng từ 0-3 tuổi. 

3. Các năng lực giác quan của trẻ giai đoạn 0 tuổi

Theo giáo sư Kubota, cùng với não bộ, trẻ được sinh ra với 5 giác quan và 4 năng lực cơ bản giúp trẻ cảm nhận môi trường xung quanh, đó là:

・5 giác quan

Xúc giác, Vị giác, Thị giác, Thính giác và Khứu giác

4 năng lực

Trí nhớ làm việc, Khả năng bắt chước, Khả năng suy nghĩ,  Khả năng vận động. 

Và thực sự so với các loại động vật khác thì con người khi được sinh ra ở trong trạng thái chưa hoàn thiện và có thời kỳ trưởng thành dài hơn so với bất cứ loại động vật nào trên thế giới. Tuy nhiên điều cần phải nhấn mạnh ở đây là, chính sự dạy dỗ và cách cha mẹ kích thích bắt các tế bào thần kinh làm việc trong giai đoạn vàng sẽ làm thay đổi rất lớn tư duy trong bé. 

Vậy làm thế nào để có thể tạo được các kích thích cần thiết cho sự phát triển của trẻ? 
Câu trả lời từ giáo sư Kubota chính là nằm ở ngay các hoạt động thường ngày mẹ làm với bé.

4. Hoạt động theo từng thang phát triển của trẻ

Các bài tập dưới đây được ứng dụng tuỳ thuộc vào từng thang phát triển của trẻ, với các khả năng khác nhau. Mẹ hãy đọc và lựa chọn các bài tập phù hợp với bé yêu nhé!

・Giai đoạn 0-1 tháng

Trong giai đoạn 0-1 tháng, trẻ đã có thể nhận ra giọng nói ấm áp của mẹ kể từ khi sinh ra thông qua việc trò chuyện hay hát cho bé nghe, cũng như khả năng phán đoán hành động của mẹ thông qua thói quen sinh hoạt hàng ngày. Cũng trong giai đoạn này, trẻ giao tiếp chủ yếu thông qua việc khóc và xúc giác cũng bắt đầu phát triển, thông qua khả năng bú ti để duy trì sự sống. 

Các bài tập cho giai đoạn 0-1 tháng bao gồm mát-xa thân thể, thay bỉm, trò chuyện ngắn cùng bé hay các bài luyện tập nằm xoè thông thường. 

・Giai đoạn 2-3 tháng

Trong giai đoạn 2-3 tháng, khả năng ghi nhớ bắt đầu được hình thành trong khi các khớp thần kinh không ngừng tăng lên liên tục. Cùng với đó, thế giới xung quanh trẻ cũng được mở rộng hơn khi bé được bế thẳng, thay vì nằm liên tục. 

Các bài tập cho giai đoạn 2-3 tháng bao gồm trò chơi ú oà, đi dạo, vận động xoay người hay là các thói quen sinh hoạt hàng ngày mẹ tạo cho bé. 

・Giai đoạn 4-5 tháng

Giai đoạn lẫy từ 4-5 tháng, trẻ đã có thể nhận biết được hình khối, phát âm hoặc nói ngôn ngữ trẻ con một cách đơn giản, và bắt đầu học cách cảm nhận tâm trạng của đối phương. Biết cười khi vui và có thể khóc với những tràng to dài. 

Các bài tập cho giai đoạn 4-5 tháng bao gồm dạy trẻ nằm im khi thay bỉm, chơi với các ngón tay của mẹ hay cùng mẹ hội thoại cơ bản. 

・Giai đoạn 6-9 tháng

Giai đoạn ngồi từ 6-9 tháng, trẻ đã bắt đầu tò mò về thế giới xung quanh, cảm thấy phấn khích khi vui chơi và bắt đầu có ý thức về gia đình xung quanh. Cũng trong thời kỳ này, xúc giác bắt đầu phát triển nên bé rất thích sử dụng tay thông qua đó làm tăng sự hứng thú với đồ vật. 

Các bài tập cho giai đoạn 6-9 tháng bao gồm dạy con phát âm chuẩn thông qua hình dáng miệng của mẹ, luyện cho con phản xạ nhìn tạo nền tảng cho việc đọc cũng như là vận động linh hoạt các đầu ngón tay thông qua việc cầm đồ vật cũng như dạy trẻ ghi nhớ khuôn mặt. 

・Giai đoạn 10-12 tháng

Giai đoạn bò từ 10-12 tháng, trẻ đã có thể chập chững đứng bằng hai chân, biết thưởng thức hương vị của nhiều loại đồ ăn cũng như bắt đầu quan sát và nói bi bô theo cảm xúc của mình.

Các bài tập cho giai đoạn 10-12 tháng bao gồm các hoạt động hỗ trợ con tập bò (không chỉ ở không gian rộng mà còn ở các loại thảm mềm hoặc dốc, vòng trái vòng phải), dạy con các điều cơ bản khi ăn thông qua bài tập “Tóp tép-ực-hà” hay tập cầm thìa. Trong giai đoạn này, cha mẹ hãy chú ý sửa câu từ cho con trong khi nói chuyện. 

Với phong cách viết giản dị, dễ hiểu cộng với hình minh hoạ trên từng trang sách, Dạy con kiểu Nhật giai đoạn 0 tuổi chắc chắn sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của giáo dục sớm và cách đi đúng đắn phù hợp với bé yêu của mình. 

Link giới thiệu sách: Amazon (Nhật Bản) 

Xem thêm bài viết về phương pháp giáo dục Kubota: Dạy con thông minh thông qua vận động