1. Dạy con tự lập – Lời mở đầu
Dạy con tự lập: Cuốn sách “Phương pháp giáo dục trẻ hàng đầu” được lấy ý tưởng từ kinh nghiệm giao tiếp với các nhà lãnh đạo hàng đầu của tác giả Moogwi Kim khi ông nhận thấy, mặc cho cùng được tốt nghiệp từ một môi trường đại học, cùng được tập huấn trong một môi trường giống nhau sau khi vào công ty, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa các nhà lãnh đạo cấp cao và nhà lãnh đạo tầm trung. Sự khác biệt này không chỉ nằm ở chỉ số thông minh hay nền tảng kiến thức, mà gốc rễ chính là ở môi trường giáo dục mà mỗi cá nhân nhận được tại gia đình trong giai đoạn trước khi tới tường.
Vậy nên, cuốn sách “Phương pháp nuôi dạy trẻ hàng đầu” được ra đời từ sự nhận thức đó. Thông qua ý kiến của hơn 200 học sinh ưu tú đến từ các trường top đầu tại Nhật Bản như Tokyo, Waseda, Keio, Đại học Công nghiệp Tokyo…, về những điểm mạnh nhận được từ sự giáo dục của bố mẹ khi còn nhỏ, cộng với kinh nghiệm giáo dục thực tiễn nhiều năm kinh nghiệm của cô Miss Pumpkin và những trải nghiệm mang tính chất toàn cầu của tác giả Moogi Kim, tất cả đều được đúc kết trong “Phương pháp giáo dục trẻ hàng đầu”.
Bài liên quan: Review sách phương pháp giáo dục hàng đầu
Với mục đích trở thành bách khoa toàn thư cho bố mẹ, cuốn sách đã liệt kê ra 7 đức tính mà một nhà lãnh đạo cao cấp thường có, cộng với 55 phương pháp giáo dục mang tính chất thực tiễn giúp bố mẹ có thể tối ưu hoá được môi trường nuôi dạy con ngay tại gia đình.
Sau khi đọc xong “Phương pháp nuôi dạy trẻ hàng đầu” mình đã cảm nhận được hết tầm quan trọng của giáo dục tại gia đình như thế nào trong những năm đầu đời của trẻ.
Trong bài viết dưới đây, mình sẽ chia sẻ một đặc tính mà theo hai tác giả, đây chính là nòng cốt, điểm cực kỳ quan trọng cấu thành nên một nhà lãnh đạo cấp cao: Đó chính là tính tự chủ (hay còn gọi là tự lập) !
Khi tra cứu trên Google, mình nhận thấy rất nhiều mẹ dùng từ “tự lập”, nhưng trong cuốn sách này, hai tác giả sử dụng từ “tính tự chủ”. Hai từ này có ý nghĩa tương đối giống nhau nên mình sẽ sử dụng chéo trong bài viết này, phụ thuộc vào từng văn cảnh.
2. Dạy con tự lập là gì?
Dạy con tự lập là dạy trẻ khả năng tự mình định hướng được hành động và thực hiện được hành động mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài. Tính tự lập hay tính tự chủ là một trong hai nhân tố rất quan trọng cấu thành nên tố chất lãnh đạo (Leadership).
“Tố chất lãnh đạo (LEADERSHIP) = Tính tự chủ + Khả năng phán quyết”
Trích cuốn Phương pháp nuôi dạy con hàng đầu
Trẻ học được tính tự chủ từ nhỏ khi lớn lên sẽ không bị lung lay bởi ý kiến của những người xung quanh, có tầm nhìn và định hướng hành động trong mọi vấn đề.
Đặc biệt hai tác giả Moogwi Kim và Mrs Pumpkin đã nhấn mạnh, trong các tập đoàn đa quốc gia, thì sự khác biệt giữa lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo cấp thường nằm ở tính tự chủ này.
Tính tự chủ trong tiếng Nhật được chia ra làm hai loại:
自主性, tạm dịch Tự chủ cấp 1, là khả năng hành động dựa trên một vấn đề có sẵn.
主体性, tạm dịch Tự chủ cấp 2, là suy nghĩ hay ý muốn làm một việc gì và khả năng hành động để biến suy nghĩ thành sự thật.
Tuy cả hai loại tự chủ đều là khả năng hành động xoay quanh một mục tiêu có sẵn, nhưng tự chủ cấp 2 được đánh giá xuất phát từ chính nội tâm của chủ thể, có ý thức mạnh mẽ hơn tự chủ cấp 1. Tuy nhiên trong thực tế, người Nhật sử dụng chung cả hai loại với mục đích giống nhau mà không phân biệt quá rạch ròi.
3. Tại sao dạy con tự lập lại quan trọng?
Vậy để lý giải được tầm quan trọng của tự lập thì phải định nghĩa bản thân ý nghĩa của từ này là gì?
Theo tác giả Moogwi Kim thì tự chủ (tự lập) được định nghĩa như sau:
「周りに流されず自分の確固たる基準でぶれない判断でできるし、他人と自分が違うことに不安を感じず、自信満々にリスクをとって決断していく」
Tạm dịch: Đây là không chỉ là khả năng quyết đoán dựa trên một tiêu chuẩn cố định do bản thân đặt ra, mà kể cả khi cảm thấy ý kiến của bản thân khác với đa số xung quanh thì cũng không lo lắng, chấp nhận mọi rủi ro với niềm tin cao nhất để đưa ra được quyết định cuối cùng (Trích dẫn)
Đây chính là một đặc trưng nổi trội của các nhà lãnh đạo cao cấp, khi nhóm này thường xuyên CHỦ ĐỘNG trong công việc, biết điểm mạnh của cá nhân, có sự quyết đoán trong việc đặt ra mục tiêu, giúp công việc luôn tiến lên phía trước.
Tự lập là một trong ba yếu tố cấu thành lên tư chất lãnh đạo (Leadership) và đặc biệt, tự lập là khả năng không thể thiếu ở trẻ, khi trẻ rời khỏi vòng an toàn của gia đình, bước chân vào xã hội với nhiều sự lựa chọn. Vậy mẹ nên làm thế nào để trang bị cho trẻ được tính tự lập này?
4. Dạy con tự lập nên bắt đầu từ đâu?
Vậy với cương vị là một người mẹ, để dạy con tự lập thì nên bắt đầu từ đâu? Và để trẻ phát huy được tính tự chủ ngay từ khi còn nhỏ, với cương vị là một người mẹ thì nên làm gì ?
Theo cuốn Phương pháp nuôi dạy con hàng đầu thì hai nhà giáo dục học Moogwi Kim và Mrs Pumpkin có đưa ra lời khuyên rằng, việc mẹ tạo dựng thói quen cùng con suy nghĩ “Bản thân mình thích gì?” và “Bản thân muốn làm gì?” chính là điểm mấu chốt, một khởi đầu đơn giản nhưng có ý nghĩa to lớn mà các mẹ hoàn toàn có thể làm với trẻ.
5. Ba điều cần biết để dạy trẻ tính tự lập
Ba điểm quan trọng về dạy trẻ tính tự lập ở dưới đây được rút ra từ chính ý kiến của 200 học sinh ưu tú dựa trên kinh nghiệm nhận được sự giáo dục của gia đình, cộng thêm lời giải thích từ cô Miss Pumpkin. Hy vọng có ích với mẹ nhé !
・Cho con được quyền quyết định
Trong cuộc sống hàng ngày, mẹ nên tạo cho trẻ có cơ hội được tự quyết định những thứ thuộc về mình, từ đó trẻ sẽ có kinh nghiệm trong việc đưa ra các quyết định thuộc về bản thân và có thể học hỏi từ thất bại nếu có.
「自分にとって何が大事で、自分は何が好きなのかという自分探しと、「自分で決断できる力」を養ってあげるには好きなことを自由に探させてあげることが大事です」
Tạm dịch: Để có thể nuôi dưỡng được năng lực quyết đoán ở trẻ thì việc mẹ có thể để trẻ được tự do quyết định là rất quan trọng. Từ đó, trẻ có thể hiểu được điều gì là quan trọng đối với mình, mình muốn làm điều gì? (Trích dẫn)
Ví dụ trong việc chọn lớp học năng khiếu, mẹ có bao giờ ép buộc con phải học piano hay nhạc cụ bởi vì mẹ cho rằng âm nhạc là tốt cho trí não, trong khi con lại thích võ thuật hay các môn thể thao ngoài trời không? Việc mẹ ép buộc trẻ học một kỹ năng nào đó sẽ khiến trẻ nghĩ học chỉ là một nghĩa vụ, chỉ để mẹ hài lòng. Và chắc chắn, việc học theo kiểu nghĩa vụ này sẽ không thể kéo dài và đem lại bất cứ hiệu quả nào. Chưa kể, ngay thời khắc trẻ nhận ra việc học chỉ là theo sự yêu cầu của mẹ thì lúc đó, sự tự lập trong trẻ đã bị biến mất.
Vậy nên ở đây, cô Miss Pumpkin khuyên mẹ là:
「日々の生活全般において、子どものことは子どもに決めさせる」
Tạm dịch: Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày nói chung, những việc của con thì hãy để con quyết định (Trích dẫn)
Việc mẹ để cho con có quyền quyết định rất quan trọng vì thông qua việc phải quyết định, trẻ sẽ nhận thức được sự trách nhiệm, hiểu được bản thân muốn gì, thích gì. Nếu mẹ tước đi trải nghiệm này của trẻ, thì sau khi rời ghế nhà trường, trẻ sẽ ngay lập tức bị mất phương hướng, không hiểu mình là ai, mình muốn gì. Điều này rất là nguy hiểm nên mẹ hãy chú ý nhé !
・Đưa gợi ý chứ không làm hộ, luôn hỗ trợ con khi cần
Điều thứ hai chính là việc bố mẹ luôn bên trẻ, đưa ra những lời khuyên hữu ích, giúp trẻ có thể đưa ra được quyết định cuối cùng một cách nhanh và chính xác.
「状況を客観的に伝え、選択肢をいろいろと示して上げたうえで、最終は子どもに決断させる」
Tạm dịch: Bố mẹ với mục tiêu xây dựng sự tự chủ trong con, cần phân tích và truyền tải tình hình hiện tại một cách khách quan tới trẻ, đưa ra các lựa chọn, còn quyết định cuối cùng thuộc về trẻ (Trích dẫn)
Với ý kiến này mẹ hãy thử hình dung khi tìm lớp học thêm, mẹ và bố hãy đóng vai trò là người thu thập thông tin (vì kinh nghiệm sống cũng như mạng lưới người quen của bố mẹ hơn hẳn trẻ), sau đó cùng trẻ phân tích và so sánh vài lớp. Nhưng quyết định cuối cùng chọn lớp nào thì hãy để trẻ được quyết.
Việc phân tích và so sánh của bố và mẹ sẽ giúp đỡ trẻ rất nhiều cho việc đưa ra được quyết định cuối cùng và trong quá trình đó, trẻ cũng sẽ học được kinh nghiệm từ bố mẹ, đúc rút thành kiến thức của bản thân. Ngoài ra, trẻ cũng có thể tự nảy sinh ra được suy luận của cá nhân ràng “Ngoài ý kiến của bố mẹ thì còn có phương án nào khác không” nữa đấy.
・Tôn trọng cá tính của con
Trẻ được sinh ra trên thế giới này thường có những điểm mạnh và cá tính riêng. Vậy nên, với tư cách là bạn đồng hành của con, mẹ hãy tôn trọng cá tính có trong con nhé! Hãy để con được biết, con là con, vậy nên cho dù con có khác với mọi người đi chăng nữa thì cũng không sao cả.
「「自分の考えは何か」「自分は何をすべきか」を自分で決める習慣こそ、自体性の根本です」
Tạm dịch: Chính việc tạo thói quen để trẻ tự vấn về những suy nghĩ của bản thân, bản thân nên làm gì chính là nguồn gốc tạo nên tính tự chủ của trẻ (Trích dẫn)
Vậy nên mẹ hãy để trẻ được biết, việc thỏa hiệp với số đông mà mất đi chính kiến của mình không phải lúc nào cũng là một chuyện tốt. Những gì mà “cô nói nên chắc chắn là như vậy”, hay “bạn bè con ai cũng nghĩ như vậy”, “cô phát thanh trên truyền hình cũng nói như vậy” đều cũng có nhiều trường hợp là không đúng. Và việc mọi người nghĩ như vậy nên con cũng nghĩ như vậy mà không có suy nghĩ và lập luận của bản thân thật sự là không tốt. Nếu sự thỏa hiệp với số đông trở thành một phần trong tính cách của trẻ thì dần dần sẽ hình thành nên thái độ tránh rủi ro ở trẻ.
Vậy nên điều quan trọng mẹ cần ghi nhớ ở đây là việc để trẻ tự suy nghĩ bây giờ mình cần làm gì? Mình có suy nghĩ gì với vấn đề này là điều rất quan trọng. Và nếu suy nghĩ của con có khác với mọi người, cũng không có gì phải lo lắng cả. Chính việc này sẽ giúp trẻ có khả năng suy nghĩ và hành động dựa trên chính kiến của bản thân.
4. Lời kết về dạy trẻ tính tự lập
Dạy trẻ tính tự lập, hay xây dựng tính tự chủ trong trẻ chính, theo cô Miss Pumpkin và tác giả Moogwi Kim, là một trong bảy đức tính quan trọng hàng đầu để xây dựng nên một cá nhân xuất sắc trong các doanh nghiệp toàn cầu. Những trẻ được bố mẹ dạy về tính tự lập không chỉ giỏi trên kiến thức sách vở thông thường mà khi thực tế va chạm với các yếu tố xã hội, thì cũng xuất chúng hơn bình thường nhờ vào khả năng suy nghĩ độc lập, biết điểm mạnh của cá nhân cũng như khả năng đặt mục tiêu để hoàn thành trong mọi hoàn cảnh.
※ Bài viết có sử dụng thông tin trong cuốn “Phương pháp giáo dục trẻ hàng đầu”, tên tiếng Nhật là 「一流の子育て」của hai tác giả Moogwi Kim và Miss Pumpkin
Link giới thiệu sách: Amazon (Nhật Bản)
Xem thêm các bài viết về dạy con kỹ năng sống tại đây!