Khả năng ngôn ngữ của trẻ được bắt đầu từ khi trẻ vẫn còn là bào thai cho tới khi trẻ được chào đời. Và trong suốt một năm kể từ khi được sinh ra, trẻ vẫn tiếp tục tích lũy và tăng cường khả năng ngôn ngữ của mình thông qua việc tương tác với bố mẹ và mọi người xung quanh. Khi lên một tuổi, khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ bắt đầu được bộc lộ thông qua việc tập nói và bập bẹ bắt chước các âm thanh xung quanh. Khi tới hai tuổi thì lượng từ vựng ở trẻ sẽ phát triển vượt trội và cho tới năm ba tuổi thì trẻ đã có thể sử dụng một câu văn hoàn chỉnh. 

1. Vai trò của ngôn ngữ trong quan hệ xã hội 

Ngôn ngữ đóng vai trò không thể thiếu trong xã hội hiện tại và trong giao tiếp giữa con người với con người. Tất nhiên con người cũng có các loại hình giao tiếp khác ngoài ngôn ngữ nhưng thực tế đã chứng minh, ngôn ngữ vẫn là phương tiện chính giúp con người trao đổi, thu nhận thông tin. 

Thật khó tưởng tượng nếu xã hội một ngày không có ngôn ngữ, tất cả các âm thanh, cung điệu cảm xúc, sự vật, hiện tượng và cả suy nghĩ của con người đều không thể diễn đạt và truyền tải tới môi trường bên ngoài. Từ đó khiến mối quan hệ giữa người với người cũng bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng. 

Và ngôn ngữ cũng là con dao hai lưỡi, nếu không sử dụng đúng văn cảnh và phù hợp với đối tượng thì sẽ làm đối phương bị tổn thương, gây ra hiểu lầm và các rắc rối không đáng có. Giao tiếp từ xưa tới nay vẫn là con đường hai chiều, vậy nên việc lựa chọn ngôn ngữ cho hợp người, hợp cảnh vẫn là điều tối quan trọng cần phải được cân nhắc sâu sắc. 

2.Vai trò của ngôn ngữ trong tư duy nhận thức

Ngoài vai trò là công cụ giao tiếp, ngôn ngữ còn đóng vai trò là nền móng cho các suy nghĩ của con người. Tại sao vậy? Con người nói chung khi muốn suy nghĩ một vấn đề nào đó thì đều sử dụng ngôn ngữ để tư duy và suy nghĩ. 

Ví dụ khi nói “vũ trụ là tập hợp của hằng hà sa số các thiên thể, hành tinh và tiểu hành tinh”. Chính vì có ngôn ngữ nên con người mới có thể tư duy được những thứ cực kỳ trừu tượng mà mắt thường không thể nhìn thấy như vũ trụ, hay hành tinh,….  Nếu không có ngôn ngữ thì những suy nghĩ trên chắc chắn sẽ không bao giờ được hình thành. 

Trong cuốn sách có tựa đề “Ngôn ngữ và Tư duy” của nhà tâm lý học người Nga, Lev Vygotsky, có đoạn: Nếu thỉnh thoảng bạn gặp một người vừa đi vừa tự nói chuyện thì ở đây, việc tự nói chuyện của người đó không mang mục đích giao tiếp, mà chỉ là cách để người đó tự nói ra được các suy nghĩ trong đầu của bản thân. 

Từ ví dụ trên có thể thấy, con người luôn sử dụng ngôn ngữ trong mọi trường hợp để tư duy, dùng ngôn ngữ để cảm nhận thế giới bên ngoài.

nang-cao-tu-duy-cua-tre-nho-ngon-ngu

3. Nâng cao tư duy của trẻ nhờ ngôn ngữ 

Trẻ em cũng là một cá thể độc lập của xã hội, có tư duy, suy nghĩ và cảm nhận riêng. Và cũng có thể khẳng định luôn rằng, ngôn ngữ có mối liên hệ tương quan trực tiếp với học lực và trình độ tư duy của từng trẻ. Nếu trẻ có ngôn ngữ càng phong phú thì tư duy lại càng sâu rộng, cụ thể và có cách truyền đạt sâu sắc hơn rất nhiều so với các trẻ cùng độ tuổi khác. Không những thế, không chỉ giỏi ở một môn quốc ngữ hay văn học, mà việc trẻ có khả năng suy nghĩ trong các lĩnh vực như vật lý, khoa học, xã hội học cũng hoàn toàn là dễ hiểu. 

Cho tới năm hai tuổi thì trẻ đã có một lượng từ vựng tương đối đủ, làm bàn đạp để tự nói lên suy nghĩ cá nhân. Kể cả không thể nói lên suy nghĩ của mình ngay từ khi sinh ra nhưng trẻ vẫn luôn cóp nhặt và phản hồi lại với ngôn ngữ xung quanh. Sự khác biệt về số lượng từ của trẻ có vốn từ vựng phong phú và nghèo nàn có thể lên tới 7000 từ. Vậy nên mẹ nên có các cách giao tiếp phù hợp để làm tăng được vốn từ cho con ngay từ những năm tháng đầu đời. 

Giữ thói quen trò chuyện với con hàng ngày

Hiện nay, vì gánh nặng kinh tế gia đình thì người mẹ cũng phải tham gia lao động chính nên thời gian dành cho con bị giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, dù bận tới đâu, mẹ cũng nên dành 30 phút một ngày, chỉ chuyên tâm vào việc nói chuyện với con. Trong một cuộc khảo sát tại Anh thì kết quả, trẻ được mẹ chăm chỉ trò chuyện không chỉ gia tăng về số lượng từ ngữ mà cả về chỉ số IQ cũng tăng đã khiến rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Đây chỉ đơn giản là nói chuyện thôi chứ mẹ chưa cần tương tác gì với con thông qua các trò chơi trí tuệ nào khác mà đã đạt được kết quả đáng kinh ngạc vậy! 

・Phản hồi lại các hành động của con

Trong giai đoạn trẻ nhớ và hấp thụ từ vựng, mẹ không nên quá nhồi ép trẻ bắt phải nhớ từ ngữ. Thay vào đó, mẹ hãy tương tác với trẻ phụ thuộc vào phản ứng mà trẻ đưa ra, từ đó trò chuyện nhẹ nhàng. Khi trẻ được nghe giọng nói của mẹ, cộng thêm những phản hồi của mẹ hợp với cảm xúc của mình thì trẻ sẽ cảm thấy trò chuyện thật là vui. 

Vậy nên, chìa khóa quan trọng trong việc hấp thụ ngôn ngữ ở trẻ chính là việc mẹ có thể phản hồi và tương tác lại cảm xúc của trẻ như thế nào. 

・Sử dụng từ điển một cách thuần thục 

Một trong những công cụ đắc lực của mẹ trong việc cùng con phát triển vốn từ vựng chính là từ điển. Mẹ có thể để một cuốn từ điển và từ đồng nghĩa tại phòng khách hoặc bất cứ nơi nào dễ lấy trong gia đình. Khi gặp từ ngữ khó thì có thể cùng con tra cứu ngay, và liên kết với những từ ngữ đã biết. 

4. Lời kết

Theo kết quả khảo sát của 200 trẻ trong một thời gian dài nghiên cứu, thì trong gia đình mà con cái giỏi giao tiếp thì bố mẹ sẽ có ba điểm tương đồng như sau: 

  • Ứng đáp nhanh (Thời gian phản ứng với cảm xúc của trẻ nhanh)
  • Không nói hết phần của con
  • Nói chậm rãi để trẻ có thể bắt chước 

Trong thế giới hội nhập, nơi mà con người có thể đi khắp nơi và gặp gỡ giao lưu tự do như hiện nay thì khả năng giao tiếp kèm tư duy là không thể thiếu. Chính vì vậy, hy vọng ba cách nho nhỏ trên có thể giúp mẹ tận dụng thời gian rảnh của mình một cách hiệu quả mà vẫn có thể giúp con nâng cao khả năng tư duy của mình nhờ ngôn ngữ.