※ Bài viết có sử dụng thông tin trong cuốn “Phương pháp giáo dục trẻ hàng đầu”, tên tiếng Nhật là 「一流の子育て」của hai tác giả Moogwi Kim và Miss Pumpkin 

Lời mở đầu

Một trong các mối quan tâm hàng đầu của các mẹ có con chuẩn bị đến trường hoặc đang trong giai đoạn đi học chính là: Làm thế nào để giúp trẻ hứng thú học tập? Theo cô Mrs. Pumpkin thì việc trẻ yêu thích học tập hay khám phá thế giới xung quanh không bắt nguồn từ việc thúc ép của bố mẹ, mà thực chất bố mẹ chỉ đóng vai trò là hậu phương, giúp con hiểu được niềm vui thích khi được học, niềm vui của sự hiểu biết với tri thức, từ đó tạo dựng động lực cho con học tập. 

Theo cuộc khảo sát do tạp chí President Family (Nhật Bản) thực hiện vào tháng 8 năm 2014 trên 1064 học sinh tốt nghiệp đại học Tokyo (Trường đại học Top số 1 tại Nhật Bản) thì số lượng học sinh có bố mẹ nhắc nhở hay chỉ bảo việc học chỉ chiếm 41.1%, thấp hơn rất nhiều so với con số 62.2% của các học sinh tốt nghiệp từ các trường tầm trung. Và hầu hết học sinh trường đại học Tokyo khi trả lời phỏng vấn về số lần bị nhắc nhở học bài từ bố mẹ thì câu trả lời là “Rất ít”, hoặc hầu như là không có. 

Trong cuộc khảo sát của mình với hơn 200 học sinh tới từ các trường đại học hàng đầu tại Nhật Bản (bao gồm cả đại học Tokyo) thì cô Mrs.Pumpkin cũng nhận được nhiều phản hồi tương tự như là: “Học hành không nên ép buộc mà chỉ nên là một cơ hội của bố mẹ dành cho con cái”, hay “Giây phút bố mẹ nhắc nhở con học là đã triệt tiêu hết ý muốn khám phá thế giới của trẻ”.

Dựa theo kết quả của cuộc phỏng vấn trên thì cô Mrs. Pumpkin đã rút ra được 10 kết luận về việc tạo dựng động lực trong học tập cho trẻ từ câu chuyện của các học sinh tham gia khảo sát. Điều đáng chú ý ở đây là, các bài học được rút ra đều được kiểm chứng dựa trên kinh nghiệm giáo dục của chính các phụ huynh đã đào tạo nên các sinh viên ưu tú. 

Mỗi đứa trẻ có những đặc trưng không giống nhau, Vậy nên các phương pháp để tạo động lực cho trẻ, giúp trẻ hứng thú trong học tập cũng không giống nhau. Mẹ hãy tham khảo và tìm ra được phương pháp phù hợp với trẻ nhé!

Bài liên quan:

Phương pháp giáo dục hàng đầu (Phần một)

1. Không cưỡng chế hay gượng ép học tập 

Ngày nay, vì áp lực tài chính nên số lượng các hộ gia đình có cả bố và mẹ cùng đi làm là rất lớn. Vậy nên, theo lẽ đương nhiên thì thời gian dành cho con cái sẽ bị ít đi. Kể cả như vậy thì với các gia đình đặt giáo dục con cái là quan trọng số một, việc suy nghĩ tạo dựng môi trường học tập cũng như xây dựng thời gian phân bổ cho con là điều luôn được ưu tiên hàng đầu. 

Một môi trường học tập tốt, tạo động lực cho con không phải nằm ở trong một căn phòng đẹp với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Theo các học sinh tham gia khảo sát, việc thường xuyên quan sát bố mẹ chăm chú và nghiêm túc trong học tập cũng như tiếp thu kiến thức ngay từ khi còn nhỏ, mới chính là động lực lớn nhất đối với họ kể cả sau khi đã tốt nghiệp tại các trường đại học top đầu tại Nhật Bản. 

Ngược lại, nếu chỉ là những câu thúc ép như  “Vào học ngay cho mẹ” hay “Mỗi việc học thôi mà cũng không làm được”, mà không có sự làm gương từ bản thân bố mẹ thì chắc chắn không thể tạo được động lực, giúp trẻ hứng thú trong học tập, cũng như đạt được các kết quả như mong đợi. 

Vậy nên, thay vì cưỡng chế con học hàng ngày thì mẹ có thể làm thành một tấm gương trong trau dồi tri thức cho con. Việc mẹ cho con thấy sự nghiêm túc trong giáo dục bản thân của mình có tác dụng nhiều hơn những lời thúc ép mang tính nhắc nhở thông thường. 

「押し付けるものではなく、人生の為になる貴重な贈りものという考え方です。」

Tạm dịch là: Học tập không phải là cưỡng chế, mà đây là món quà vô giá trong cuộc đời!

2. Hình thành thói quen học tập ngay từ khi còn nhỏ

Không thể phủ nhận được tầm quan trọng của sự kiên trì trong học tập. Mẹ đã từng nghe câu: Thay vì học 7 tiếng trong vòng một ngày thì nên học một tiếng trong vòng 7 ngày chưa? Cô Mrs. Pumpkin cũng cho rằng như vậy. Cụ thể là ngay từ khi còn nhỏ, mẹ nên tạo cho trẻ thói quen ngồi vào bàn học trong một giờ cụ thể. 

Ví dụ, gia đình cô Mrs. Pumpkin có bốn người con và đều có thói quen rằng sau khi thức dậy, trước khi ăn sáng là giờ học bài. Việc này hiển nhiên như việc đánh răng hàng ngày vậy nên trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu mà không có phản ứng tiêu cực. Kể cả những trẻ cực kỳ năng động và ghét học thì việc rèn dũa ngay từ khi còn nhỏ sẽ dễ dàng hơn nhiều so với khi lớn lên. Việc mẹ tạo được thói quen học tập cho trẻ trước khi vào trung học sẽ giúp cho việc dạy và học giữa hai mẹ con trở nên nhàn hơn rất nhiều.  

Và thực tế không có một thiên tài nào trên thế giới này yêu thích việc học ngay từ nhỏ. Tất cả đều nhờ sự rèn dũa của bố mẹ mà thành công. 

Xem thêm: Dạy trẻ tính tự lập, ba điều mẹ cần biết

3. Giúp con tăng cường tư duy thông qua câu hỏi tại sao 

Một trong các cách để có thể tăng cường tư duy của trẻ chính là bằng câu hỏi. Trẻ con vốn có bản chất rất tò mò và hiếu động. Chính vì vậy trẻ thường đặt rất nhiều câu hỏi tới bố mẹ hoặc những người xung quanh về mọi việc trên đời. 

Vậy với những câu hỏi đó thì nên hồi đáp như thế nào? Theo cô Mrs. Pumpkin thì mẹ nên đáp lại câu hỏi của trẻ bằng một câu hỏi. Trong trường hợp này, mẹ có thể đưa ra gợi ý nhưng không nên đưa cho trẻ ngay câu trả lời. Bằng sự gợi ý cũng như những câu hỏi dẫn dắt của mẹ, trẻ sẽ có cơ hội được vận dụng khả năng tư duy của mình, cũng như niềm vui khi có thể khám phá thế giới xung quanh bằng bản thân mình. Và khi trẻ đã có thể tự mình tìm ra câu trả lời thì trẻ sẽ không dễ dàng quên đi các kiến thức đã nhớ. 

Ngoài ra, một điểm nhấn tới mẹ tại đây chính là thái độ khi hồi đáp câu hỏi của trẻ. Mẹ nên nhìn trẻ với tư cách là người lớn và nhã nhặn trả lời những câu hỏi từ trẻ thì sẽ tốt hơn đấy!

Bài liên quan: Nâng cao khả năng tư duy của trẻ nhờ ngôn ngữ

tre-hung-thu-trong-hoc-tap

4. Truyền đạt những lợi ích về học tập 

Học tập có lợi ích như thế nào thì đối với người lớn, không ai là không biết. Nhưng mẹ đã tự hỏi tại sao lại như vậy chưa? Tại sao người lớn lại thấu hiểu về lợi ích của học tập đến vậy? 

Nếu muốn trả lời câu hỏi này, chắc chỉ có thể trả lời là dựa vào kinh nghiệm sống của bố mẹ. Tại vì bố mẹ đã va chạm và có nhiều kinh nghiệm với cuộc đời nên mới hiểu được học tập có rất nhiều lợi ích. Vậy thì với những gì mình đã hiểu về lợi ích của học tập thì bố mẹ nên truyền đạt lại để cho con hiểu. Các kiến thức thực tế như nếu không học thì cuộc sống tương lai sẽ bị ảnh hưởng thế nào, sự nghiệp sẽ bị thu hẹp ra làm sao… cực kỳ có ích trong việc hình thành nên suy nghĩ cũng như cách nhìn nhận của trẻ đối với xã hội. 

Kể cả những điều tưởng chừng như cực kỳ đơn giản, hiển nhiên với người lớn, nhưng nếu không giải thích thì trẻ sẽ không thể hiểu hết được. Tất nhiên học không phải là tất cả nhưng trong thị trường lao động đầy cạnh tranh hiện nay thì học có vai trò rất lớn cho sự thành công của trẻ, và trẻ cần phải được biết về điều này. Vậy nên, mẹ hãy chú ý nhé.  

Bài liên quan: 10 bí quyết giúp trẻ hứng thú trong học tập

5. Xây dựng môi trường học tập đầy kích thích tốt cho con 

Môi trường xung quanh có ảnh hưởng cực kỳ lớn đối với trẻ trong quá trình giúp trẻ hứng thú với học tập, bởi lẽ “gần mực thì đen mà gần đèn thì rạng”. Và thực sự khi trẻ bước vào độ tuổi đi học thì người có ảnh hưởng nhất đối với trẻ không còn là mẹ nữa. Đặc biệt khi trẻ vào trung học thì những lời giáo huấn của thầy cô hoặc của gia đình không có sức ảnh hưởng bằng bạn bè xung quanh. 

Vậy nên một môi trường học tập tốt với bạn bè xung quanh cùng nhau phấn đấu sẽ có ích rất nhiều cho  sự xây dựng tính tự chủ trong học tập đối với trẻ. 

「まわりの友人に追いつくため頑張った」

 Tạm dịch: Để có thể đuổi kịp bạn bè xung quanh nên mình đã rất cố gắng.

6. Tạo không khí cạnh tranh trong học tập 

Một môi trường với đầy sự cố gắng từ bạn bè có thể là một yếu tố tốt giúp thúc đẩy con học tập. Tuy nhiên trong xã hội đầy sự cạnh tranh hiện nay thì ngoài sự cố gắng, mẹ nên cho con biết và làm quen với cạnh tranh trước khi con bước vào xã hội thật. 

Mẹ suy nghĩ sao về tình huống dưới đây:

Trong một vở kịch về nàng công chúa tuyết với vai chính là một cô công chúa xinh đẹp và dũng cảm, nhà trường cần một em bé vào vai chính này trong buổi lễ hội đầu năm và có sáu thí sinh tham dự. Ai cũng muốn vào vai chính nên tất cả đã cực kỳ cố gắng để diễn xuất, và cuối cùng để cho công bằng thì nhà trường quyết định để cho cả sáu em cùng diễn vai chính. 

Tình huống trên có thể khiến ai cũng mãn nguyện vì có cơ hội được ra sân khấu, tuy nhiên, để có thể chuẩn bị cho trẻ hiểu được sự cạnh tranh của xã hội thì việc làm trên là điều không nên làm. Có thể con đã cố gắng, nhưng thất bại là điều không thể tránh khỏi vì có thể những người đã chiến thắng, họ đã cố gắng và nỗ lực hơn con. Quan trọng là con có thể hiểu được sự cạnh tranh là gì, điểm yếu của bản thân mình cần khắc phục. Từ đó, có những chuẩn bị cho các “cuộc chiến” tiếp theo. 

7. Thiết lập chế độ khen thưởng cho con 

Mẹ có bao giờ đặt ra giải thưởng với con rằng: Nếu con làm bài thi tốt thì sẽ được thưởng tiền không? Theo cô Mrs. Pumpkin thì việc thiết lập một chế độ khen thưởng bằng vật chất có thể sẽ là một cách tốt để tạo động lực cho trẻ trong học tập. Bởi lẽ, khi giảng dạy đạo lí về học tập với trẻ, trẻ có thể hiểu được là một chuyện, nhưng sau đó có thể áp dụng ngay, tạo thành hành động hay không thì lại là một chuyện khác. 

Vậy nên, nếu mẹ đã chuẩn bị một môi trường tốt cho trẻ nhưng trẻ vẫn chần chừ không cố gắng thì một phần thưởng nhỏ giúp khích lệ con có thể là một khởi đầu tốt. Và khi trẻ đã được trải nghiệm các thành công nhỏ bằng chính khả năng của bản thân mình thì trẻ sẽ có thêm tự tin, cũng như tính kiên cường vào sự chiến thắng của bản thân. 

Đồng tiền luôn có hai mặt nên mẹ hãy cẩn thận và suy nghĩ kỹ trước khi áp dụng. Và tùy vào tính cách của từng trẻ, tuỳ vào từng trường hợp mà sẽ có những mức độ tác dụng khác nhau. Và nên nhớ, học tập là một món quà vô giá mà bố mẹ trao tặng tới trẻ, vậy nên mẹ đừng để động lực để chinh phục món quà đó chỉ được tạo ra bởi vật chất nhé. 

giup-tre-hung-thu-trong-hoc-tap

8. Khen ngợi sự nỗ lực trong quá trình chứ không chỉ kết quả

Nếu mẹ nào có con tham gia thể thao có thể sẽ hiểu rất rõ rằng: Đối với thể thao thì cho dù kết quả cuối cùng có tốt hay không thì việc tham gia luyện tập hàng ngày là rất quan trọng. Và trong rất nhiều trường hợp, vì quá trình thực hiện tốt nên kết quả cuối cùng đạt được cũng tốt theo. 

Vậy nên đánh giá kết quả cuối cùng hay những nỗ lực mà trẻ tạo ra trong suốt quá trình thực hiện thì mới tốt? Có rất nhiều phụ huynh vì quá bận rộn với công việc hàng ngày mà không thể có thời gian để cùng con xem lại những nỗ lực khi hoàn thành xong một nhiệm vụ. Thay vào quá trình, nhiều bố mẹ lại chỉ chú trọng vào kết quả cuối cùng, và đưa ra những lời chỉ trích tới trẻ nếu như kết quả đó không hợp với kỳ vọng của bố mẹ đặt ra. 

Kết quả có thể là một nhân tố tốt vì chỉ khi có mục tiêu rõ ràng, trẻ mới có sự cố gắng, tuy nhiên thỉnh thoảng kết quả đạt được lại không như ý muốn. Thế nên cho dù kết quả có thể nào, mẹ hãy dành thời gian để động viên trẻ cho những nỗ lực mình đã đạt được nhé. 

Xem thêm: Phương pháp dạy con thông minh khoa học

9. Học lên cao không phải luôn luôn là con đường tốt nhất

Không thể phủ nhận, việc con cái bước lên các bậc thành tích vinh quang trong học tập chính là một niềm tự hào đối với người làm cha làm mẹ. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào ham muốn của bố mẹ mà ép trẻ phải vào đại học hoặc học lên cao là một điều cực kỳ sai lầm. 

Mỗi đứa trẻ khi được sinh ra đều có những khả năng thiên khiếu khác nhau, và nhiệm vụ của mẹ chính là khai phá tiềm năng bất tận đó của trẻ. Để làm được điều đó mẹ nên cho con được tham gia nhiều thử thách, trải nghiệm trên nhiều lĩnh vực, tiếp xúc với nhiều người để con có thể hiểu được bản thân cần gì và muốn làm gì. 

Điếu quan trọng chính là việc mẹ có thể lắng nghe và hiểu được những gì mà trẻ đang suy nghĩ. Suy cho cùng, thì cho dù có vào được đại học hàng đầu cũng chưa chắc là một sự lựa chọn tốt nhất nếu trẻ không có ý định học tập nghiêm túc thật sự. 

10. Không tập trung quá nhiều vào “học tập” 

Điều cuối cùng, học tập có phải là tất cả, học tập có thật sự là tốt? Nếu mẹ chỉ quan tâm vào điểm số, chỉ quan tâm vào việc học theo đúng nghĩa đen của việc học thì thật sự không có ý nghĩa gì cả. Thêm nữa, việc chỉ chú trọng vào lý thuyết có thể khiến tạo ra một em bé nhàm chán, ý chí thấp và có xu hướng đánh giá người khác thông quan sách vở và trường lớp tốt nghiệp. 

Chắc hẳn là một người mẹ, ai cũng mong muốn con mình có thể giỏi và tự tin ở một lĩnh vực nào đó. Nếu điều đó là thực thì chắc chắn đây không chỉ là học đơn thuần trên lý thuyết, mà là phải là việc trẻ có năng lực output, tạo ra những thành công thực tiễn, đóng góp năng lực của bản thân cho xã hội, từ đó sống một cuộc đời có ích và được công nhận. 

Xem thêm: Phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ, bảy năng lực cần thiết

Lời kết

Làm thế nào để có thể giúp trẻ hứng thú trong học tập, từ đó tạo ra được một em bé say mê học hành và có lòng đam mê học hỏi, chắc hẳn là mong ước và suy nghĩ của nhiều mẹ. Học tập là một cơ hội mà bố mẹ trao cho trẻ vậy nên thúc ép và cưỡng chế là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, không ép buộc trẻ học không có nghĩa là mặc kệ trẻ, để trẻ tự làm những gì mình muốn.

Trong quá trình giúp trẻ hứng thú trong học tập, có hai điều mẹ nên nhớ: 

・Để con có thể yêu thích và say mê với học hành thì đều bắt đầu từ người mẹ. Sự cố gắng của mẹ chính là tấm gương để con có thể noi theo. 

・ Học tập nếu chỉ vì điểm số thì thực sự là một thất bại lớn. Điều cốt lõi của việc học chính là việc mẹ có thể giúp con tìm ra được lĩnh vực mà mình yêu thích, giúp con phát huy khả năng của bản thân, cống hiến được cho xã hội, từ đó nhận được sự cảm tạ từ mọi người xung quanh, cũng như niềm vui được xã hội công nhận. 

※ Bài viết có sử dụng thông tin trong cuốn “Phương pháp giáo dục trẻ hàng đầu”, tên tiếng Nhật là 「一流の子育て」của hai tác giả Moogwi Kim và Miss Pumpkin 

Link giới thiệu sách: Amazon (Nhật Bản)

Xem thêm: Dạy trẻ tính tự lập, ba điều mẹ cần biết