Cách dạy con học chữ luôn là vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu. Tuy trẻ con có trí tuệ nhanh nhạy, dễ hấp thụ những thứ mới nhưng bản chất ham chơi, không chịu ngồi yên vào bàn học luôn khiến nhiều phụ huynh buồn phiền. Làm thế nào để dạy con học chữ hiệu quả? Bài viết dưới đây tổng hợp từ các blog của nhiều nhà giáo dục Nhật Bản về cách dạy con học chữ. Hy vọng mẹ thấy có ích trong quá trình đồng hành cùng con nhé! 

1. Dạy con học chữ? Nên dạy từ mấy tuổi? 

Không chỉ các mẹ Việt mà rất nhiều mẹ Nhật cũng băn khoăn: Không biết nên dạy con học chữ từ năm bao nhiêu tuổi? Không biết có dấu hiệu nào để nhận biết con bắt đầu hứng thú với con chữ?

Về điều này, nhà giáo dục học Mitsuko Tateishi đã nói: “Trước hết hãy ngừng suy nghĩ nên dạy con chữ từ năm bao nhiêu tuổi. Bởi lẽ, mỗi đứa trẻ có khả năng đọc và viết khác nhau. Nếu đột nhiên cha mẹ giải thích với con rằng: Bây giờ con đã 4 tuổi, hàng ngày phải tập viết chữ, thì chắc có lẽ trẻ sẽ có sự kháng cự và mất đi sự hứng thú trong học tập về sau. Vậy nên, trước hết, các bậc phụ huynh nên bỏ suy nghĩ dạy con chữ vào từng độ tuổi cố định. Nếu thấy con chưa có hứng thú với con chữ thì cha mẹ cũng không cần cố gắng nhồi nhét làm gì, vì đó là điều không cần thiết”. 

“Thực tế, trẻ nhỏ bắt đầu học và để ý tới con chữ từ hồi mới lọt lòng. Khi mẹ đưa trẻ đi chơi, cho trẻ xem các cuốn sách nhiều màu sắc, đi tới nhà hàng hoặc siêu thị cùng trẻ, lúc đó trẻ nhỏ đã bắt đầu để ý tới các con chữ. Và rồi sẽ có một ngày, trẻ sẽ hỏi mẹ: Đây là cái gì?, theo một lẽ rất tự nhiên. Vậy nên, dạy con học chữ từ năm bao nhiêu tuổi phụ thuộc vào sự phát triển của từng trẻ.”

2. Các cách dạy con học chữ đơn giản

・Dạy theo từng cụm từ 

Nhiều mẹ thường bắt đầu dạy con theo từng con chữ hoặc theo trình tự bảng chữ cái, tuy nhiên theo nhà giáo dục học Tateishi, chìa khóa để tạo hứng thú cho trẻ không phải là dạy theo từng chữ một mà nên dạy trẻ theo một cụm từ có nghĩa. 

Việc dạy trẻ theo từng cụm từ có nghĩa sẽ giúp trẻ dễ nhớ hơn, hiểu được bối cảnh sử dụng từ cũng như giúp trẻ có cơ hội “chạm” vào từ ngữ theo một cách chân thực nhất. 

Khi trẻ sắp tới độ tuổi đến trường mà trẻ vẫn chưa bộc lộ hứng thú với con chữ thì mẹ có thể thử các cách dưới dây: 

1/ Cho con đọc sách tranh

Các quyển sách với nhiều màu sắc luôn thu hút được sự chú ý của trẻ. Mẹ có thể khéo léo chọn mua các đầu sách với họa tiết hoặc theo từng chủ đề mà trẻ thích, ví dụ khủng long, động vật, các loài hoa… Và cùng trẻ khám phá nội dung của từng trang sách. 

2/ Dán bảng chữ cái mọi nơi

Mẹ có thể mua các bảng chữ cái, dán các cụm từ ở mọi nơi trong nhà để con có thể nhìn thấy chữ ở mọi nơi. Ví dụ tại Nhật, rất nhiều mẹ Nhật tự làm nguyên liệu để cắt ghép thành bảng chữ cái và dán ở phòng tắm hoặc phòng khách để cùng chơi đố chữ với trẻ ở mọi nơi, mọi lúc. 

3/ Chơi trò chơi đố con chữ cùng con

Ngoài ra mẹ cũng có thể cùng trẻ chơi các trò chơi liên quan tới con chữ như tìm thẻ chữ có ký tự, hoặc xây tháp con chữ, tìm ảnh đồ vật không liên quan. Việc chơi đố con chữ cùng con là một phương pháp rất hiệu quả không chỉ giúp con học chữ một cách nhẹ nhàng mà còn giúp gắn kết tình cảm trong gia đình. 

4/ Dạy con đọc trước khi viết

Viết là một kỹ năng khó mà chỉ có thể thực hiện được khi các dây thần kinh và cơ của bản tay đã hoàn thiện. Vì vậy không cần gắng sức để ép trẻ cầm bút luyện chữ khi trẻ mới 2 hoặc 3 tuổi. Hiện nay, rất nhiều trường mầm non muốn dạy viết cho trẻ từ sớm theo nguyện vọng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên điều đó không cần thiết. Nếu một ngày trẻ tự nhiên nói: Con muốn viết chữ thì lúc đó bắt đầu dạy trẻ viết chữ cũng không quá muộn. 

・Sử dụng từ ngữ tích cực với con 

Học chữ là một thử thách mới đối với trẻ nên nhiều trẻ sau một thời gian thử nhưng không đủ kiên nhẫn sẽ cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc. Theo nhà giáo dục học Tateishi thì với tư cách là một người mẹ, mẹ không nên sử dụng các từ ngữ tiêu cực với trẻ. Các từ ngữ tiêu cực mang tính phủ định năng lực của trẻ không giúp trẻ học chữ nhanh hơn mà ngược lại còn khiến trẻ tự ti vào năng lực của bản thân và tránh các thử thách mới trong tương lai. 

Vậy nên, hãy luôn ghi nhận nỗ lực của trẻ, cho dù chỉ là từng chút một. Bởi lẽ, sự nỗ lực từng chút mỗi ngày sẽ gộp thành kết quả to lớn về sau. 

・Bắt đầu từ tên của trẻ 

Khi dạy con học chữ, thay vì bắt đầu bằng các cụm từ, các đồ vật khó tưởng tượng thì mẹ có thể bắt đầu bằng cách dạy con về tên của mình. Lần đầu tiên sẽ rất khó để trẻ có thể viết được tên của mình ngay, tuy nhiên mẹ có thể giúp trẻ hiểu được tên của mình bằng cách đọc to tên của trẻ, dạy trẻ phát âm tên của mình. 

Các mẹ Nhật thường viết tên con mình vào các đồ vật mà trẻ mang tới trường. Một phần để tránh nhầm lẫn, một phần để có thể dạy trẻ biết về tên của mình. Bằng một thao tác rất đơn giản là chỉ vào tên của trẻ trên đồ vật và đọc to là đã có thể dạy con học chữ một cách đơn giản rồi. 

Và trên đường đi tới trường, đường tới siêu thị, nếu thấy tên con ở bảng hiệu, dán trên tên sản phẩm, mẹ có thể chỉ cho con biết, đây là một phần trong tên của con này. 

Không chỉ đơn giản mà cách này còn giúp trẻ tăng khả năng quan sát, có thêm sự hứng thú với con chữ hơn. 

・Chấp nhận các trò nghịch ngợm với chữ của con

Khi trẻ bắt đầu học cách cầm bút và viết chữ, hiếm khi trẻ có thể nhớ được từng nét cụ thể. Đặc biệt, trẻ nhỏ thường có khả năng nhớ theo mảng. Vậy nên để có thể giúp trẻ nhớ được thứ tự viết của từng nét chữ thì rất khó. 

Để có thể vượt qua khó khăn này, nhiều trẻ đã cố gắng viết theo hình dạng của từng chữ mà bỏ qua thứ tự viết. Điều này dẫn đến một vài trẻ viết chữ bị ngược. 

Nếu gặp trường hợp này, mẹ đừng la mắng hay vội uốn nắn lại ngay mà hãy chấp nhận và khen trẻ. Đưa tới trẻ những từ ngữ mang tính khen ngợi, tích cực hơn là nói  một cách khắt khe. Khi trẻ có cơ hội tiếp xúc với con chữ nhiều hơn, trẻ sẽ tìm được cách để viết chính xác hơn. 

・Cùng con tập tô chữ

Nếu trẻ có hứng thú với việc tô chữ, thì mẹ có thể mua cho trẻ các quyển vở tập tô chữ với các đường chữ được kẻ sẵn. Trẻ có thể không hợp tác trong giai đoạn đầu vì vẽ theo sở thích của mình bao giờ cũng vui hơn. 

Nhưng mẹ có thể kiên nhẫn cầm tay trẻ, nhẹ nhàng nắn tay trẻ theo từng nét chữ. Dạy trẻ buông lỏng tay ở những chỗ cần thiết. Việc được ở gần mẹ, hoặc được mẹ nắm tay đối với một vài trẻ sẽ là những kỷ niệm không quên và trẻ sẽ yêu con chữ hơn. Bởi lẽ thông qua con chữ, trẻ có thể có thêm cơ hội ở gần mẹ mình. 

・Luôn tạo cảm giác an toàn cho trẻ

Dạy con học chữ và tạo cảm giác an toàn cho trẻ, nghe thật chẳng liên quan. Tuy nhiên theo giáo sư Yoshiyuki Shimoda (Đại học Toyo) thì xây dựng mối quan hệ tin tưởng là điều kiện đầu tiên trong bất cứ mọi việc. Bởi lẽ, con người thường không thể tập trung học tập ở nơi mà bản thân cảm thấy không an tâm. 

Vậy nên, trước khi dạy con học chữ, thay vì đặt mục tiêu dạy bảng chữ cái hay tên đồ vật, mẹ có thể bắt đầu bằng cách tạo cảm giác an toàn cho trẻ, giúp trẻ hiểu rằng trẻ có thể hoàn toàn tin cậy vào mẹ. Chỉ khi trẻ có cảm giác an toàn từ mẹ, trẻ mới an tâm tập trung vào suy nghĩ và nhớ mặt các con chữ. 

Để có thể tạo mối liên kết với trẻ, thay vì sử dụng các từ ngữ mang tính chất ra lệnh, phủ định sự cố gắng của trẻ, mẹ có thể sử dụng cách nói gián tiếp như “Mẹ sẽ rất vui nếu mẹ con mình cùng đọc hết quyển sách tranh này”… Cách truyền đạt và việc tạo không khí trong quá mình dạy con học chữ sẽ quyết định trẻ có thể tiếp thu nhanh hay không. 

3. Lời kết 

Cách dạy con học chữ, tưởng khó nhưng lại rất đơn giản với sáu phương pháp dạy con học chữ từ mẹ Nhật. Tiếng Nhật là một trong những ngôn ngữ khó trên thế giới với ba bảng chữ cái cùng nhiều đường nét nhưng mẹ Nhật vẫn kiên trì dạy con học chữ từng chút một. Hy vọng bài viết giúp các mẹ Việt có thêm động lực trong việc dạy con học chữ. 

Nguồn tham khảo:

https://tg-uchi.jp/topics/7672
https://hanakomama.jp/education/91888/
https://www.toyo.ac.jp/link-toyo/business/howtoteach/

Xem thêm các bài viết về Nuôi dạy con kiểu Nhật tại link.