Cách dạy con thông minh từ trong bụng mẹ chắc hẳn là vấn đề mà rất nhiều mẹ đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ là một người mẹ, không ai là không mong muốn bé yêu của mình được sinh ra lành lặn, khỏe mạnh và thông minh. Theo nhà sinh vật học phân tử John Medina viết trong cuốn sách “Luật trí não dành cho trẻ” của mình thì trong giai đoạn mang thai, có một số điều tối thiểu mẹ có thể làm được để giúp cho thai nhi có một môi trường phát triển tốt nhất ngay từ trong bụng mẹ. 

1. Thai giáo trong ba tháng đầu 

Đi qua các trang mạng xã hội, không thể không thấy các câu hỏi như “Phương pháp dạy con thông minh sớm?”, “Thai giáo ba tháng đầu như thế nào?” hay “Dạy con những gì trong tam cá nguyệt thứ nhất?” từ rất nhiều mẹ … Việc mẹ  sốt sắng muốn giáo dục và mang những tri thức tốt nhất cho trẻ ngay từ những ngày chưa chào đời là điều rất dễ hiểu. Tuy nhiên thực tế ra, điều mẹ cần làm trong nửa tháng đầu thai kỳ chỉ cần là để cho bé yêu được yên tĩnh. 

Thời điểm từ lúc trứng bắt đầu thụ thai cho tới khoảng thời gian giữa lúc mang bầu là giai đoạn rất quan trọng để não bé có thể phát triển. Mẹ có biết, các nơ-ron thần kinh cấu thành não của trẻ liên tục sản xuất 500,000 tế bào/ phút, tương đương hơn 8,000 tế bào/ giây bắt đầu từ tuần thứ ba và kéo dài liên tục tới giữa giai đoạn thai kỳ. Môi trường trong tử cung ấm áp, an toàn và yên tĩnh của mẹ chính là điều kiện lý tưởng để cho bé làm được chuyện đó mà không bị quấy rầy. 

Và mẹ để ý thì trong ba tháng đầu rất nhiều mẹ phải trải qua giai đoạn nghén rất kinh khủng, đến mức chỉ cần ngửi mùi cơm thôi là thấy buồn nôn không? Đây chính là một cách mà tổ tiên ta tránh được việc ăn uống những thức ăn chứa độc hại từ thiên nhiên hay các vận động mạnh ảnh hưởng tới môi trường yên tĩnh vốn có trong tử cung. Vậy nên, phương pháp dạy con thông minh sớm đầu tiên là mẹ hãy để con có không gian riêng trong những tháng đầu này nhé! 

Xem thêm: 10 bí quyết giúp trẻ hứng thú học tập

2. Lựa chọn đồ chơi mang tính giáo dục 

Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Nhật, các đồ chơi quảng cáo tăng chỉ số IQ cho trẻ rất là nhiều, bày bán la liệt tại các trung tâm thương mại và thực sự có rất nhiều đồ chơi được các ông bố, bà mẹ Nhật ưa chuộng. Bởi lẽ, các nhà sản xuất đồ chơi đều bắt nguồn từ tâm lý sẵn sàng chi tiền cho con yêu, mua cho con yêu những thứ tốt đẹp nhất của bố mẹ. 

Thực tế ra thì cho tới hiện nay, vẫn chưa có một đồ chơi nào được minh chứng là có sự tác động rõ rệt tới sự phát triển trí tuệ của trẻ. Còn để nói tới các nghiên cứu khoa học thì lại càng hiếm hoi hơn. Bởi lẽ để có thể thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học về tác động của bất cứ một yếu tố nào tới con người thì đều cần một khoảng thời gian rất dài mà ở đó trẻ được chia ra thành các nhóm đối chứng ngẫu nhiên, kéo dài hàng chục năm từ lúc lọt lòng tới lúc trưởng thành, bước ra ngoài xã hội. Đây thực sự là một nhiệm vụ khoa học rất là khó, mà chưa kể chi phí để có thể thực hiện thì là khổng lồ. 

Vậy nên, những quảng cáo vẫn thường thấy như tăng chỉ số IQ của bé lên 20 tới 30 điểm, hay tăng thời gian tập trung cho bé yêu từ 10 tới 15 phút ngay từ những ngày đầu chào đời, hay cho bé yêu nghe nhạc Mozart là chỉ là sự thổi phồng từ các nhà sản xuất đồ chơi, cộng thêm sự nóng lòng muốn bồi đắp kiến thức cho trẻ từ bố mẹ mà thành. 

Thực tế ra, một chiếc tivi màn hình phẳng đời mới đắt tiền lại không có ý nghĩa cho sự phát triển của trẻ bằng một nắm bút chì màu, một mảnh giấy và hai giờ đồng hồ. Thế nên, nếu mẹ đang cảm thấy thực sự là băn khoăn không biết có nên dành tiền tiết kiệm hay chuyển tiền ăn của cả nhà sang để mua đồ chơi cho bé yêu không thì câu trả lời là hoàn toàn không cần nhé. Bởi vì, mẹ có thể cùng trẻ sáng tạo các loại đồ chơi từ chính các vật dụng trong gia đình mà vẫn có những tác dụng ngoài mong đợi đấy. 

3. Dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển não bộ của bé yêu 

Trong thời gian mang bầu có rất nhiều loại dưỡng chất cần phải bổ sung cho bé yêu, giúp tăng đề kháng và hệ miễn dịch cho trẻ, nhưng có hai dưỡng chất cực kỳ quan trọng cho sự phát triển não bộ của trẻ mà mẹ không thể không bổ sung, đó là Axit folic và Omega 3

Axit folic giúp cho ống thần kinh của trẻ được phát triển một cách đầy đủ trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Khi trứng và tinh trùng gặp nhau thì trứng được thụ tinh sẽ đi qua một khoảng không gian rất hẹp mà ở đó, các tế bào của con người liên tục được sinh ra để tạo thành bào thai (phôi thai).

Bào thai sau đó sẽ đưa ra những quyết định như bộ phận nào sẽ phát triển thành cơ thế, bộ phận nào sẽ trở thành vỏ bọc để che chở cho bé, hay các bộ phận ngoài như rau thai và nước ối. Trong số đó, có một bộ phận lĩnh nhiệm vụ rất quan trọng, đó là tạo ra “khối nội bào”. 

Chính khối nội bào này sau đó sẽ phát triển thành các hệ cơ quan trong cơ thể bé như khối hô hấp, cơ quan tiêu hoá, xương, lông, da, tóc. Các tế bào tiền não bộ của bé cũng bắt đầu phát triển trong khoảng thời gian này. Và trong phần trung tâm phía trên của khối nội bào, chính là ống thần kinh, có vai trò hình thành lên cột sống với mông và não bé ở hai phía trái chiều nhau. 

Theo tác giả John Medina, việc ống thần kinh được phát triển đầy đủ chính là yếu tố sống còn giúp cho em bé được khoẻ mạnh. Bởi lẽ nếu ống thần kinh này bị trục trặc thì rất dễ phát sinh ra các vấn đề như lồi cột sống, nứt đốt sống, hay thậm chí là thiếu một phần não. 

Việc mẹ bổ sung axit folic đầy đủ trong suốt giai đoạn thai kỳ có thể làm giảm dị tật ở ống thần kinh lên tới 76%, giúp định hình ống thần kinh một cách hoàn chỉnh nhất. 

Ngoài axit folic, yếu tố thứ hai đã được chứng minh là có tác dụng cho sự phát triển não bộ của trẻ chính là Omega 3. Chắc hẳn nhiều mẹ đã biết tới Omega 3 cũng như tác dụng của Omega 3 đối với cơ thể. Tuy nhiên trong thời gian mẹ mang bầu thì Omega 3 còn đóng vai trò quan trọng hơn nữa khi dưỡng chất này giúp cấu tạo nên các nơ-ron thần kinh trong não của trẻ. Nếu thiếu Omega 3 thì tế bào thần kinh sẽ không thể thực hiện được các chức năng vốn có của mình, dẫn tới trẻ dễ bị mắc các hội chứng như khó đọc, rối loạn lưỡng cực, trầm uất, giảm sự tập trung …. 

Omega 3 có trong các loại cá biển có vòng đời ngắn, không sống ở các tầng nước sâu, không chứa thuỷ ngân như cá hồi, cá thu, cá ngừ … Đây là loại dưỡng chất mà cơ thể không tự tổng hợp được mà phải lấy từ bên ngoài cho nên ngoài yếu tố dinh dưỡng thì mẹ cũng nên chú ý bổ sung omega 3 từ các viên uống tổng hợp nữa nhé! 

Nếu mẹ có tâm lý nóng lòng muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa cho bé yêu, muốn tìm hiểu phương pháp dạy con thông minh trong những ngày đầu thai kỳ thì bổ sung Axit folic và Omega 3 trong thực đơn hàng ngày là một trong những việc cực kỳ có ý nghĩa và nên làm. 

Cách dạy con thông minh (Ảnh minh họa)

4. Chú ý tới cân nặng 

Có một chút liên quan tới dinh dưỡng trong giai đoạn thai kỳ, đó chính là cân nặng của mẹ. Bởi lẽ, cân nặng của mẹ có ảnh hưởng trực tiếp tới sự thông minh của bé yêu. Tại sao lại như vậy? 

Theo tác giả John Medina đã viết thì “Chỉ số thông minh của em bé là một hàm số liên quan tới thể tích não”. Điều này có nghĩa là, em bé nào khi được sinh ra nặng cân hơn là em bé thông minh hơn. Và trong giai đoạn mang thai, nếu mẹ được bổ sung dưỡng chất đầy đủ, thì não bộ của bé sẽ phát triển toàn diện và đạt được cân nặng lý tưởng cho bé yêu khi sinh ra là khoảng dưới 3.6 kg. 

Nếu mẹ bị thiếu chất thì não bé yêu sẽ không thể phát triển hoàn thiện, số lượng nơron thần kinh và các liên kết sẽ bị thiếu hụt, dẫn đến trẻ khi được sinh ra thường có trí nhớ kém, vận động không linh hoạt, khả năng ngôn ngữ bị hạn chế cũng chỉ số thông minh IQ sẽ kém hơn trung bình.  

Nhưng nếu mẹ bổ sung quá chất nhiều dinh dưỡng khiến cân nặng bị dư thừa cũng ảnh hưởng tới thai nhi khi chào đời vì quá trình chuyển dạ có thể khiến bé bị thiếu oxy hoặc các tổn thương khác. Vậy nên điều hoà cân nặng cơ thế trong giai đoạn mang thai là rất quan trọng trong các phương pháp dạy con thông minh thời hiện đại!  

Xem thêm: Tám điều quan trọng để phát triển tài năng trẻ

5. Giảm thiểu stress 

Stress hay các áp lực từ thế giới bên ngoài được coi là kẻ thù đối với mẹ bầu bởi những tác động tiêu cực của stress lên cả mẹ và em bé là không thể đong đếm. Tuy nhiên không phải loại stress nào cũng gọi là tiêu cực và thực tế ra có những loại stress tích cực, tốt cho cả mẹ và em bé. 

Trước hết, hãy điểm qua các tác hại của stress mang tính chất tiêu cực đối với mẹ bầu và bé yêu. Nếu trong giai đoạn mang thai, mẹ bị stress quá thường xuyên thì khi sinh ra, bé yêu sẽ có các triệu chứng như: 

・ Tính khí thay đổi thất thường, dễ nổi nóng và không thể kiểm soát được bình tĩnh. 
・ Chỉ số IQ thấp hơn trung bình, thông thường là 8 điểm.
・ Khả năng vận động, suy nghĩ, tập trung bị giảm sút (Mẹ có thể nhìn thấy rõ rệt những biểu hiện này khi trẻ bước vào độ tuổi đi học) 
・ Và đặc biệt, não trẻ sẽ trở nên bé lại. 

Tại sao khi mẹ mang bầu mà bị stress lại dẫn đến những tác hại nguy hiểm như vậy? Theo tác giả John Medina, thì việc mẹ bị stress trong giai đoạn mang bầu sẽ khiến cho các hóc-môn stress từ mẹ sẽ truyền qua nhau thai và đi vào não bé. Vậy nên nếu mẹ căng thẳng thì dĩ nhiên, bé sẽ căng thẳng theo. 

Tiếp nữa, sau khi bị các hóc-môn stress của mẹ xâm nhập thì bộ phận đầu tiên sẽ là khu vực điều tiết cảm xúc và trí nhớ. Đó chính là lý do vì sao, mẹ bị stress lúc mang bầu dễ khiến trẻ bị giảm trí nhớ hoặc điều tiết cảm xúc khi lớn lên.  

Sau khu vực điều tiết cảm xúc và trí nhớ, bộ phận tiếp theo bị ảnh hưởng đó chính là khu vực có chức năng điều tiết và xoa dịu những cơn căng thẳng khi đỉnh điểm đã qua đi trong não bé. Theo như thông thường thì sau mỗi lần bị stress nhẹ, não mẹ sẽ tiết ra một hóc-môn để làm tiêu hoá nốt phần còn lại của stress trong cơ thể mẹ, khiến cho không ảnh hưởng sang bé. Tuy nhiên nếu là những stress tiêu cực, có cường độ lớn và liên tục kéo dài thì sẽ khiến cho phần stress dư thừa, không tiêu hoá hết của mẹ đẩy sang bé, khiến cho não bé gặp trục trặc trong quá trình điều tiết hóc-môn stress của chính mình và trở nên bé lại. Sự trục trặc này có thể theo trẻ tới tận độ tuổi trưởng thành và khiến cho trẻ khó kiểm soát được cảm xúc của chính mình. 

Tuy nhiên nếu nói tất cả stress là chuyện xấu thì chưa chắc là đã đúng vì những căng thẳng nhẹ nhàng trong quá trình mang thai của mẹ lại có những tác động tốt tới trẻ. Vậy làm thế nào để có thể phân biệt được stress tích cực và tiêu cực? 

Để trả lời câu hỏi này, mẹ hãy để ý về tầm kiểm soát của bản thân đối với stress. 

「自分ではコントロールできない」という感覚がは破壊的な悪影響を及ぼす。

 Tạm dịch: Nếu mẹ cảm thấy bản thân mình cũng không kiểm soát được thì có nghĩa là stress đó có tác động xấu tới bé yêu. 

Thông thường, các loại stress tiêu cực mà mẹ không thể kiểm soát có thể kể tới là ly hôn, người thân trong gia đình mất, thất nghiệp dẫn tới tài chính gia đình bị khủng hoảng … 

Vậy nên, lời khuyên dành cho mẹ bầu trong việc giành lại quyền kiểm soát stress đó chính là biết rõ các khu vực hoặc vấn đề mà mình cảm thấy khó kiểm soát nhất để từ đó bày ra các chiến lược để có thể giữ cho tâm lý của bản thân luôn ổn định

Xem thêm: Phương pháp ám thị năm phút dành cho mẹ

6. Cải thiện mối quan hệ vợ chồng 

Một mối quan hệ vợ chồng tốt có thể giúp ích cho mẹ bầu rất nhiều trong quá trình thai giáo và chuyển dạ. Bởi lẽ sự có mặt của bố đa phần khiến cho mẹ cảm thấy an tâm hơn rất nhiều. Cũng tương tự những em bé được gần gũi với bố và được bố nói chuyện, chơi đùa thì sẽ có xu hướng thông minh và nhanh nhạy hơn khi lớn lên. 

Tuy nhiên thực tế thì không bao giờ là màu hồng bởi lẽ theo các cuộc nghiên cứu tâm lý thì hơn một nửa các cặp vợ chồng cảm thấy tình cảm tồi tệ hơn sau khi sinh con đầu lòng, nhất là giai đoạn trong 12 tháng đầu đời của bé. Mất ngủ, tình trạng việc nhà mất cân bằng, sự không thấu hiểu hai bên dẫn tới trầm uất… chỉ là một trong rất nhiều lý do khiến cho quan hệ giữa vợ và chồng trở nên giảm sút. 

Vậy nên, các mối quan hệ xã hội của mẹ trong quá trình mang bầu, cũng như sự thấu cảm trong quan hệ vợ chồng chính là chìa khoá để mẹ có một tâm lý ổn định, một thai kỳ khỏe mạnh cũng như có một môi trường tốt nhất cho sự phát triển của não trẻ. 

Hy vọng những chia sẻ trên về phương pháp dạy con thông minh giúp ích cho mẹ trong những bước đi đầu tiên đồng hành cùng con yêu!

※  Bài viết có sử dụng thông tin trong cuốn “Luật trí não dành cho trẻ”, bản gốc tên tiếng Anh là “Brain Rules for Baby”, bản tiếng Nhật là 「100万人が信頼した脳科学者の絶対に賢い子になる子育てバイブル」

Link giới thiệu sách: Amazon (Nhật Bản)

Xem thêm các bài viết dạy con thông minh tại đây!