Phát triển kỹ năng giao tiếp, một trong những khả năng mà mẹ không thể bỏ qua trong quá trình giáo dục con, bởi lẽ ngôn ngữ được đánh giá là một trong những tiền đề phát triển, điều kiện tiên quyết của con người. Theo lẽ tự nhiên, khi được sinh ra thì con người là một cá thể trong xã hội, luôn tương tác và chịu sự tương tác từ bên ngoài, vậy nên khả năng trao đổi suy nghĩ, trao đổi thông tin với thế giới bên ngoài chính là điều kiện sống còn cho sự phát triển của một cá nhân. 

Để làm được điều này thì ngay từ nhỏ, với tư cách là người dẫn đường cho trẻ, mẹ nên tránh không để trẻ bị cuốn vào các thiết bị điện tử như tivi, máy tính bảng… bởi các thiết bị điện tử này chỉ đơn thuần mang tính tương tác một chiều mà không có ý nghĩa cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Mẹ luôn nên nhớ rằng ngôn ngữ luôn được sinh ra trong quá trình tương tác hai chiều giữa con người với con người. 

Cụ thể, theo cô Takatori Shizuka (nhà giáo dục học từ Nhật Bản) thì để phát triển kỹ năng giao tiếp ở trẻ thì có bảy loại năng lực được đánh giá là cần thiết. 

Năng lực 1: Sự dũng cảm

Sự dũng cảm trong giao tiếp của trẻ chính là khả năng trẻ có thể nói ra được những suy nghĩ của cá nhân mà không có sự e dè rằng “ý kiến của mình sẽ bị cười”, “chẳng may mà nói sai”… Đây là năng lực nền tảng để phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ. Trẻ có năng lực này thông thường có thể nhận ra được thông qua việc trẻ có dũng khí để nói, có sự tự tin để tạo cơ hội giao tiếp cho bản thân. 

Năng lực 2: Năng lực lý luận logic 

Đây là loại năng lực cần thiết để ráp nối dữ liệu trong lời nói của đối phương. Với năng lực này trẻ có thể phân tích được thông tin mà đối phương đưa ra, đâu là chủ ngữ, đâu là nhân vật chính, đâu là các yếu tố phụ, để từ đó có  thể cấu thành một câu chuyện dựa vào dữ liệu được nhận.. 

Năng lực 3: Năng lực lý giải

Từ năng lực lý luận logic thì với năng lực lý giải, trẻ có thể hiểu được thông tin mà đối phương đưa ra một cách hệ thống chứ không đơn thuần là từ ngữ. Năng lực lý giải rất quan trọng vì nó sẽ hình thành một thói quen trong trẻ là khi nghe một đoạn thông tin nào đó, thì không chỉ nghe đơn thuần mà phải tìm được ý nghĩ đằng sau đoạn thông tin đó. 

Năng lực 4: Năng lực phản hồi 

Sau khi lắp ráp ngôn ngữ, lý giải đoạn hội thoại thì trẻ phải có khả năng phản hồi lại suy nghĩ của mình tới đối phương để hình thành nên một cuộc nói chuyện hai chiều. Năng lực phản hồi này có thể chỉ là từ ánh mắt, biểu đạt khi nghe, hoặc lớn hơn là khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt để đáp lại đối phương

Năng lực 5: Năng lực sử dụng từ ngữ

Để có thể phát huy năng lực phản hồi một cách tối ưu thì trẻ cần phải có một vốn từ vựng phong phú. Thông qua các hoạt động chơi, đọc sách và tương tác với những người xung quanh thì trẻ sẽ dần làm tăng được vốn từ vựng của bản thân. 

phat-trien-ky-nang-giao-tiep-cua-tre

Năng lực 6: Năng lực thuyết phục đối phương 

Năng lực thuyết phục đối phương, hay còn gọi là năng lực xây dựng khả năng nói chuyện hoà hợp. Đây là một bước tiến lớn trong quá trình phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ. Trẻ đạt được trình độ này ngoài việc làm chủ được vốn từ vựng của mình, có khả năng lý giải và tư duy logic câu chuyện của đối phương và phản hồi lại thì còn có thể thuyết phục đối phương theo chiều hướng suy nghĩ của mình. 

Để có thể làm được điều này, trẻ cần học cách phân biệt giữa sự thật với ý kiến cá nhân, cách liệt kê suy nghĩ và  sắp xếp theo trình tự ưu tiên, khả năng giả định đứng vào lập trường của người khác để thấu hiểu sự hiểu biết của đối phương, từ đó chọn  cách nói chuyện theo hướng làm đối phương dễ hiểu, dễ tiếp thu. Và kết quả cuối cùng là một cuộc nói chuyện hoà hợp, nơi mà cả hai bên có thể tìm được kết luận chung khiến đôi bên cùng hài lòng. 

Năng lực 7: Năng lực thuyết trình 

Tăng một cấp so với năng lực thứ sáu, năng lực thuyết phục là năng lực thuyết trình. Đúng như tên gọi, ngoài việc thể hiện suy nghĩ của mình với một cá nhân thì với năng lực thuyết trình, trẻ có thể làm được điều đó với một nhóm nhỏ bạn bè hoặc trước một đám đông lớn. Năng lực thuyết trình, ngoài sự tổng hợp của sáu loại năng lực trên thì còn cần sự biểu đạt hài hoà của gương mặt, ngôn ngữ cơ thể, hoặc tất cả những yếu tố nằm ngoài từ ngữ. 

Lời kết

Trong quá trình phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ thì bảy loại năng lực trên là rất cần thiết. Trong đó mỗi loại năng lực sẽ phục vụ một mục đích giao tiếp khác nhau ở trẻ. 

“Năng lực lý luận logic”, “năng lực thuyết phục” thể hiện khả năng suy nghĩ và lập luận logic trong suy nghĩ trước khi truyền đạt thông tin ra môi trường bên ngoài. 

“Sự dũng cảm”, “năng lực lý giải”, “năng lực sử dụng từ ngữ” thể hiện khả năng truyền đạt suy nghĩ cá nhân tới đối phương một cách linh hoạt. 

Cuối cùng, “năng lực phản hồi” và “năng lực thuyết trình” chính là khả năng có thể truyền đạt suy nghĩ cá nhân ngoài việc sử dụng ngôn ngữ. 

Hy vọng với bài viết này, mẹ có thể có những định hướng phù hợp, chọn tài liệu phù hợp để giúp con có nền tảng giao tiếp tốt. 

※ Bài viết có sử dụng thông tin của cuốn “Nuôi dưỡng năng lực giao tiếp ở trẻ”, tên tiếng Nhật là 「「ことば力」のある子は必ず伸びる! 」của tác giả Takatori Shizuka. 

Link giới thiệu sách: Amazon Nhật Bản

Xem thêm: Dạy trẻ tự tin trong giao tiếp