Người Nhật từ xưa vẫn quan niệm, ngôn ngữ có vai trò vừa là nền tảng của giao tiếp xã hội, là phương tiện để chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của cá nhân, mặt khác ngôn ngữ cũng đóng vai trò quan trọng trong tư duy. Mọi hoạt động tư duy của con người đều được thông qua ngôn ngữ để diễn tả và suy luận. Đặc biệt ở trẻ nhỏ, khi khái niệm về thế giới xung quanh đang dần được hình thành.

Trẻ trong thời kỳ nhạy cảm về ngôn ngữ thì trẻ sẽ không ngừng hấp thu từ vựng và các khái niệm liên quan từ bố mẹ và thế giới xung quanh. Khi lớn lên, những trẻ sở hữu vốn từ vựng càng lớn thì khả năng suy nghĩ càng thấy đáo và khả năng diễn đạt lại suy nghĩ của bản thân tới môi trường bên ngoài có xu hướng nổi trội hơn so với các bạn đồng lứa. 

Vậy nên, để làm tăng vốn từ cho con trước giai đoạn đến trường là hoàn toàn cần thiết mà mẹ Nhật vẫn thường làm cùng  con. Theo cô Takaori Shizuka, một nhà giáo dục học từ Nhật bản thì để làm tăng vốn từ cho con, mẹ có thể thử các cách dưới đây: 

Cách 1: Đặt từ điển trong phòng khách 

Trong giai đoạn con học từ vựng, một bộ gồm từ điển và từ đồng nghĩa là công cụ đắc lực không thể thiếu của mẹ. Hãy luôn để cặp đôi này tại phòng khách hoặc bất cứ nơi nào thuận tiện trong nhà để trẻ có thể dễ dàng cầm và sử dụng ngay khi cần thiết. 

Cách 2: Nuôi dưỡng tình yêu sách trong con 

Một trong những cách lâu đời nhất nhưng vẫn mang lại hiệu quả hơn hẳn đó chính là nuôi dưỡng tình yêu sách đối với trẻ. Khi lựa chọn sách cho trẻ, mẹ nên lựa chọn các đầu sách không mang tính chất viễn tưởng, có những từ ngữ cụ thể hoá, gần gũi với đời thực. Kết quả của một nghiên cứu về số lượng từ vựng trong các thể loại sách đã chỉ ra rằng sách viễn tưởng không chỉ có số lượng từ ít hơn, mà trong việc rèn luyện năng lực biểu đạt ngôn ngữ của trẻ thì các đầu sách không mang tính chất viễn tưởng đem lại kết quả cao hơn hẳn. 

Vậy nên, các đầu sách không viễn tưởng là lựa chọn mẹ nên cân nhắc cho trẻ. Hơn nữa, việc cho trẻ đọc sách của nhiều tác giả cũng giúp làm tăng vốn từ vựng của trẻ vì cách dùng từ của mỗi tác giả là mỗi khác. Cùng là để diễn đạt một ý nhưng nếu viết bởi hai tác giả thì chắc chắn cách diễn đạt sẽ khác nhau. Do đó, trẻ sẽ học được nhiều cách sử dụng từ dựa vào đặc điểm này. 

Độ khó của sách thì mẹ nên chọn các sách có độ khó hơn so với trình độ thực của trẻ một chút để trẻ có thêm thách thức, tất nhiên là không nên quá khó. Và những quyển có giải thích cặn kẽ một vấn đề nào đó luôn là lựa chọn hàng đầu mẹ nên dành cho trẻ. 

Cách 3: Cùng con chơi các trò chơi thay chữ, tráo vần

Trong việc nuôi dạy trẻ chắc có lẽ rất nhiều cha mẹ cảm thấy không có tự tin vì trình độ của mình chưa đủ hoặc mình không làm được tại sao lại bắt trẻ làm nhưng thực sự kỹ năng này quan trọng với trẻ. Thay vì để sự thắc mắc này cứ luẩn quẩn quanh mẹ thì mẹ có thể cùng trẻ phát triển kỹ năng đó. 

Đối với việc tăng vốn từ vựng tiếng việt cho con thì mẹ có thể cùng trẻ chơi trò thay chữ, tráo vần, một trong những trò chơi rất thú vị, giúp phát huy tính sáng tạo và khả năng so sánh ngôn ngữ của trẻ. 

Luật chơi rất đơn giản rằng mẹ và con chỉ cần tìm các cách thay thế từ trong một cụm từ có sẵn, ví dụ cụm từ “Gà rán ngon”, vậy có thể thay từ “ngon” bằng các cụm từ nào để có thể diễn tả được ý nghĩa sẵn có. Câu trả lời có thể là “Gà rán hảo hạng”, “Gà rán thơm ngon”, “Gà rán nhìn ngon miệng”, “Gà rán nhìn là muốn ăn”… 

Cùng các cách tương tự như vậy, mẹ có thể thử đối với các cụm từ hoặc tính từ khác, chắc chắn sẽ đem lại kết quả tích cực. Trong những trò chơi này thì từ điển từ đồng nghĩa có thể giúp trẻ có những gợi ý mới, những từ ngữ mới mà trẻ chưa từng được biết.  

cach-tang-von-tu-vung-tieng-viet-cho-con

Cách 4: Dạy con về đồ vật thông qua năm giác quan 

Trẻ con là thành viên mới của thế giới cho nên có rất nhiều cái lạ lẫm mà khổ nỗi, vốn từ vựng của trẻ lại quá ít nên nhiều khi, trẻ gặp được một thứ rất hay, rất lạ mà lại không thể chuyển hoá thành ngôn ngữ để diễn đạt lại tới mẹ. 

Ví dụ mẹ đã bao giờ gặp trường hợp này chưa nhé? “Mẹ, mẹ, cực kỳ là to luôn, rẹt một cái, tròn, vàng, viu viu như năm anh em siêu nhân”. Trẻ đã gặp gì mà lại phấn khích và thích thú như vậy nhỉ? Câu trả lời là bạn Pikachu ạ!

Nếu trẻ không biết được từ “Pikachu” thì đương nhiên trẻ sẽ không thể sử dụng từ Pikachu để truyền đạt tới mẹ, và trong cuộc sống hàng ngày, các trường hợp như này xảy ra rất nhiều. Vậy nên để giải quyết vấn đề này, mẹ có thể sử dụng cách dạy con mô tả về đồ vật thông qua năm giác quan. 

Không chỉ mô tả một đồ vật thông qua mắt thường mà phải dùng ngũ quan của mình để cảm nhận. Ví dụ, “Đồ vật đó có hình tròn, có lỗ ở giữa” (thị giác),  ”Có vị của dâu tây kèm socola” (khứu giác), “Đồ vật đó không phát ra âm thanh” (thính giác), “Bề mặt đồ vật đó mềm mềm, có socola đen ở bề mặt” (xúc giác), “Khi cắn thì có vị ngọt” (vị giác)…  Đây là cách hướng dẫn bé mô tả bánh đô-na-su (một loại bánh ăn vặt của Nhật)

Cách 5: Dạy con từ vựng mới thông qua sự so sánh với các từ vựng đã biết

Cách cuối cùng để làm tăng vốn từ vựng tiếng việt cho con chính là việc mẹ hướng dẫn bé so sánh một vật thông qua sự so sánh với các đồ vật đã biết. Ví dụ quay lại việc so sánh bạn Pikachu ở trên. Giả định là bé không biết từ Pikachu thì mẹ có thể hướng dẫn con mô tả rằng, “Bạn này ai cũng biết, hay có trên hoạt hình sau bữa cơm tối. Mặt tròn, người giống con chuột, màu vàng, có đôi tai dài”, “Bạn này có cái đuôi nhìn giống ông sấm chớp, miệng hay nói Pikapika”… 

Từ những chuỗi dữ kiện khi so sánh như vậy, trẻ không chỉ tăng được vốn từ vựng của mình, mà còn tăng khả năng quan sát, xâu chuỗi và tư duy logic sự vật với nhau. Mẹ hãy thử hướng dẫn trẻ nhé. 

Lời kết

Trong quá trình tăng vốn từ vựng tiếng việt cho con có một điều mẹ cần biết, đó là không có một đứa trẻ nào mới đẻ ra trên thế giới này khi mới đẻ ra đã có thể nói rành mạch suy nghĩ của mình một cách rành mạch và rõ ràng, nhưng chính sự kiên trì và bền lòng của mẹ với niềm tin vào khả năng của con mới là điều tạo nên sự khác biệt về trình độ cũng như khả năng cho trẻ. Rèn luyện khả năng ngôn ngữ của trẻ cũng vậy, cũng cần thời gian và sự chăm chút từ mẹ, nhưng chắc chắn nếu mẹ bền lòng thì kết quả thu được sẽ vượt ngoài sự mong đợi. 

※ Bài viết có sử dụng thông tin của cuốn “Nuôi dưỡng năng lực giao tiếp ở trẻ”, tên tiếng Nhật là 「「ことば力」のある子は必ず伸びる! 」của tác giả Takatori Shizuka. 

Link giới thiệu sách: Amazon Nhật Bản

Xem thêm: Nâng cao khả năng tư duy của trẻ nhờ ngôn ngữ