1. Tính cấp thiết của việc dạy con nói chuyện logic

Tại sao lại cần dạy con nói chuyện logic?

Trong những năm qua vì xu thế già hóa dân số của mình nên Nhật Bản không ngừng tìm kiếm nguồn nhân lực thay thế con người, và một trong những số đó là robot. Nếu có dịp dừng chân tại cửa hàng Uniqlo hoặc GU tại Tokyo thì chắc chắn ai cũng sẽ thấy, quầy thu ngân tại đây đã được thay thế toàn bộ bằng hệ thống thanh toán tự động, không cần con người vận hành. Vậy nên, những nghề lao động thường vụ tại Nhật tương lai sẽ bị thay thế bằng robot là điều rất dễ nhìn nhận thấy trong tương lai gần.

Thậm chí, trong các năm gần đây, khi hệ thống thông tin về luật pháp dễ dàng được tra cứu trên Internet thì các luật sư tại Nhật cũng đang lo sợ nguy cơ bị thay thế đang tới gần kề.  

Tuy ở Việt Nam, tốc độ công nghệ hóa chưa bằng Nhật nhưng cũng không thể đoán trước được điều gì với tốc độ phát triển của kỹ thuật hiện đại. Vậy nên là một người mẹ, chúng ta không thể bỏ qua các yếu tố tác động từ xã hội trong quá trình giáo dục con. Đây chính là trăn trở của mình khi làm việc tại một công ty về công nghệ của Nhật bản, chứng kiến sự thay đổi và tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) lên từng mặt của xã hội. 

Vậy làm sao để có thể giúp con tồn tại trong một xã hội cạnh tranh đầy khốc liệt như vậy? Để trả lời câu hỏi này, cô Takatori Shizuka đã gợi ý một khả năng mà mẹ hoàn toàn có thể trang bị giúp con ngay từ nhỏ, đó chính là khả năng giao tiếp dựa trên năng lực tư duy logic. Sở dĩ có thể nói như vậy vì, giao tiếp và tư duy chính là một trong những năng lực mà chỉ con người mới có thể có được. 

2. Các phương pháp dạy con nói chuyện logic

Để có thể xây dựng khả năng suy nghĩ trong con, mẹ có thể tham khảo các phương pháp dạy con nói chuyện logic dưới đây nhé. 

1. Quy ước với con là không dùng từ ngữ cụt lủn 

Trong khi giao tiếp với con, mẹ hãy quy ước với con là luôn dùng cả câu đầy đủ, ví dụ khi con nói, “thìa” thì mẹ có thể nói nhắc lại với con rằng “Con muốn mẹ lấy cho con cái thìa đúng không? Thìa của con đây”. Nghe thì có vẻ phương pháp này tốn thời gian của mẹ nhưng theo cô Takatori Shizuka thì những từ ngữ ngắn và cụt lủn không có tác dụng trong việc xây dựng khả năng giao tiếp trong con, thay vào đó, mẹ nên chỉnh lại thành một câu hoàn chỉnh, phù hợp với từng ngữ cảnh. 

Nếu trong những lần tiếp theo, con vẫn không nghe lời mẹ, vẫn sử dụng những từ ngắn như vậy thì mẹ có thể nhắc con một cách nghiêm túc hơn. Ví dụ, khi con đòi “Mẹ, giấy ăn!!” thì thay vì hướng dẫn con nhẹ nhàng như mọi lần, mẹ có thể nói rằng, “Mẹ không phải giấy ăn. Khi muốn nhờ người khác con cần phải nói thế nào nhỉ?”

2. Chơi trò  “chọn cái nào?” với trẻ

Trong sinh hoạt hàng ngày, mẹ có thể cùng trẻ chơi trò “chọn cái nào?” để trẻ có cơ hội được lựa chọn một trong hai thứ và từ đó, mẹ có thể đặt câu hỏi tại sao để hỏi con lý do. Ví dụ, “mẹ có bạn chó và bạn mèo, con thích chơi với bạn nào?”. Nếu sau đó, con chọn bạn chó thì hãy hỏi tại sao con chọn bạn chó? 

Hành động đặt ngược câu hỏi từ câu trả lời của trẻ giúp trẻ có cơ hội sắp xếp lại suy nghĩ của mình một cách logic và từ đó truyền đạt suy nghĩ của mình tới mẹ. Trò chơi này tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại cực kỳ có ý nghĩa với con khi trưởng thành, khi con đứng trước vô vàn chọn lựa, cần phải suy nghĩ và đưa ra các quyết định cho bản thân. Thậm chí mẹ cũng có thể phản bác, phản đối lại ý kiến của con, đưa ra những suy nghĩ của mẹ để thử độ quả quyết của con về phương án mà mình đã đưa ra nếu cần thiết. 

day-tre-cach-giao-tiep-logic

3. Sắp xếp trình tự nói chuyện (Bắt đầu từ kết luận)

Ngày mình đi xin việc tại Nhật, mình có tham gia các lớp luyện tập phỏng vấn của các công ty phái sự nhân lực nước ngoài. Trong quá trình luyện tập, một trong những điều mà người hướng dẫn cực kỳ nhấn mạnh trong quá trình trả lời câu hỏi từ ban tuyển dụng, đó chính là việc nói từ kết luận trước, sau đó mới tới nói các ý cụ thể.

 Tại sao lại như vậy? Việc nói từ kết luận khiến cho đối phương dễ nắm bắt được toàn cảnh của câu chuyện, giúp cho câu chuyện trở nên mạch lạc, dễ hiểu hơn, và người nghe đỡ mệt vì tránh phải nghe quá nhiều ý phụ. 

Việc dạy con giao tiếp cũng vậy. Mẹ hãy để con được biết, trình tự nói chuyện tốt nhất chính là: 

Nói từ kết luận > Đưa ra lý do vì sao lại suy nghĩ như vậy > Bổ sung thêm dẫn chứng 

Đặc biệt trong độ tuổi trước khi đi học, não phải của trẻ đang hoạt động mạnh thì trẻ thường sẽ có rất nhiều suy nghĩ và muốn truyền đạt hết lại với mẹ, nhưng lại không biết bắt đầu như thế nào, diễn đạt như thế nào. Kết quả là trẻ không thể truyền đạt được hết những gì mình nghĩ một cách trọn vẹn, hoặc diễn đạt bị lộn xộn.

Vậy nên trong trường hợp này, mẹ hãy để trẻ bình tĩnh và đặt ra các câu hỏi hướng dẫn bé. “Con muốn nói về việc gì? (Hỏi kết luận) ”, “Tại sao con lại nghĩ vậy? (Lý do) ”, “Con thấy thế thật à? (Bổ sung thêm các dẫn chứng khác) ”. Và cuối cùng là cùng trẻ nhắc lại ý kiến của bản thân (phần kết luận đã nêu ra đầu tiên) nếu cần. 

4. Sắp xếp trình tự nói chuyện (Bắt đầu từ chung chung tới chi tiết)

Ngoài việc đi từ kết luận, còn có một cách khác đó là nói chuyện đi từ chung chung tới chi tiết. Ví dụ nếu con muốn nói về một bạn gấu bông thì mẹ có thể hướng dẫn con đi theo bốn bước dưới đây: 

Bước một: Nói một cách tổng quát về sự vật (sự việc) đinh nói
“Đây là bạn gấu bông mà con rất thích”

Bước hai: Nói tới các bộ phận chi tiết
“Con rất thích bạn gấu bông vì bạn ấy có bộ lông mềm, đôi mắt đen”

Bước ba: Đề cập tới các thông tin mà người nghe nên biết
“Bạn gấu bông được ba mua tặng con hôm sinh nhật.”

Bước bốn: Truyền tải tâm trạng cảm xúc của bản thân
“Con vui lắm mẹ ạ”, “Bạn gấu bông đáng yêu lắm ạ”

5. Sử dụng các từ nối một cách thuần thục 

Trong tiếng Việt hoặc các ngôn ngữ khác thường sẽ có các từ nối. Nhiệm vụ của các từ này là giúp liên kết ý giữa các câu khiến cho câu chuyện trở nên mạch lạc hơn. Trong khi cùng con học ngôn ngữ, mẹ có thể hướng dẫn hoặc làm mẫu việc sử dụng các từ nối với con. Các từ như “nhưng, và, sau đó, tiếp theo là, nếu… thì,  tuy…nhưng” ngoài giúp con nâng cao được chất lượng giao tiếp mà còn giúp tư duy logic về mạch câu chuyện trong suy nghĩ của con được hình thành. Việc này sẽ giúp con rất nhiều trong việc tiếp nhận (input) thông tin từ thế giới bên ngoài, không chỉ trong lĩnh vực ngôn ngữ, mà các lĩnh vực khác như toán học, vật lý cũng có tác dụng tương tự. 

6. Liệt kê các ý tưởng và sắp xếp theo trình tự ưu tiên 

Trẻ thông thường sẽ có rất nhiều ý tưởng để nói bởi vì thông qua lăng kính của trẻ thì cái gì trên thế giới này cũng thật là thú vị. Vậy nên mẹ hãy tận dụng các ý tưởng của trẻ để lập thành một danh sách các ý tưởng độc đáo, và sau đó cùng trẻ ngồi nhóm các ý kiến giống nhau và nếu trẻ muốn truyền đạt lại cho mẹ hoặc người thân ý tưởng của mình bằng lời thì mẹ có thể cùng trẻ chia các thứ tự ưu tiên, sử dụng các từ nối để dễ dàng truyền đạt suy nghĩ một cách trọn vẹn. 

Một lưu ý nho nhỏ với mẹ là trong khi lên danh sách ý tưởng thì điều quan trọng là mẹ hãy để trẻ tự nghĩ và không nên ngắt lời trẻ giữa chừng, chấp nhận tất cả ý kiến trẻ đưa ra.. Trong khi liệt kê thì số lượng được ưu tiên hơn chất lượng. 

7. Rèn luyện thói quen tự vấn bản thân và giải thích vì sao sau khi nói

Trong khi học về tư duy logic thì việc tự hỏi bản thân là rất cần thiết. “Tại sao lại như vậy nhỉ? (Tự vấn bản thân về lý do) ”, “Có gì đó khang khác? Làm thế này có ổn không nhỉ? (Tự phê bình) ”, “Đây là sự thật à? (Phân biệt sự thật và ý kiến cá nhân)”, “Kết quả sẽ thế nào nhỉ? (Tưởng tượng về kết quả có thể xảy ra) “ …. Việc trẻ đào sâu suy nghĩ, đưa lý do và sau đó tự phản bác lại chính ý kiến của mình giúp cho quá trình hình thành các mạng lưới suy nghĩ lý luận dần được xảy ra. 

Khi mới bắt đầu, có thể con sẽ không quen nhưng mẹ hãy đưa ra câu hỏi với trẻ để định hướng và nếu cảm thấy khó thì hãy thay đổi câu hỏi. Trong quá trình tương tác với con, mẹ hãy luôn nhớ hỏi trẻ lý do và vì sao nhé! 

8. Mẹ tự thay đổi lại chính mình 

Nghe thì có vẻ không liên quan tới việc dạy con nói chuyện logic nhưng trên thực tế, nếu mẹ thay đổi cách tương tác với con thì cũng góp phần giúp con cải thiện được khả năng giao tiếp của mình. Ví dụ khi con làm đổ nước cam thì mẹ sẽ phản ứng lại như thế nào? 

Trong tình huống này, thay vì mắng con hay dặn dò con lần tới không được làm đổ nước cam nữa thì mẹ nên đặt câu hỏi, “Tại sao con làm đổ nước cam?”, và “Lần tới để không làm đổ thì con nên làm gì?”, sẽ có tác dụng tốt hơn. Việc đặt câu hỏi tới trẻ, tạo thói quen suy nghĩ tại sao rất tốt cho việc tư duy và suy nghĩ logic ở trẻ. 

3. Lời kết về dạy con giao tiếp logic

Giao tiếp hay khả năng ngôn ngữ là những năng lực tự nhiên và vốn có của con người. Ngay khi được sinh ra trong môi trường với nhiều kích thích, bản thân trẻ cũng phải đáp trả lại các tác động theo bản năng của mình. Tuy nhiên, để khả năng giao tiếp trở thành một thế mạnh của bản thân con, để ngôn ngữ trở thành phương tiện của tư duy thì vẫn rất cần sự nỗ lực của hai mẹ con. Hy vọng các ý tưởng trên sẽ giúp cho việc giao tiếp của mẹ và con trở nên thú vị hơn! 

※ Bài viết có sử dụng thông tin của cuốn “Nuôi dưỡng năng lực giao tiếp ở trẻ”, tên tiếng Nhật là 「「ことば力」のある子は必ず伸びる! 」của tác giả Takatori Shizuka. 

Link giới thiệu sách: Amazon Nhật Bản

Bài viết liên quan: Phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ, bảy loại năng lực cần thiết