※ Bài viết có sử dụng thông tin trong cuốn “Giai đoạn phát triển và cách chăm sóc trẻ 0 tuổi 6 tuổi”, tên tiếng Nhật 「0歳 6歳子どもの発達と保育の本」, của tác giả Noriko Kawahara và nhóm nghiên cứu chăm sóc trẻ quận Minato (Tokyo)

1. Cân nặng và chiều cao 

Thông thường trong ba tới sáu tháng đầu tháng đầu, trẻ sẽ có cân nặng khoảng 6kg và chiều cao khoảng 60cm. 
※ Cân nặng và chiều cao sẽ tuỳ thuộc theo sự phát triển thể chất vốn có của trẻ. Con số trên được đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo.

Trẻ sau khi sinh 28 ngày thì sẽ thường ngủ khoảng 16 tiếng/ ngày. Nghĩa là chỉ trừ lúc ăn và đi vệ sinh thì trong giai đoạn đầu, trẻ dành phần lớn thời gian là ngủ.

2. Các chức năng sinh lý tự nhiên

Khi trẻ sinh ra thì sẽ có 4 phản xạ đầu tiên trong đời, đó chính là: Phản xạ Moro, Phản xạ cầm nắm, Phản xạ mút, Phản xạ tìm kiếm. 

Phản xạ Moro

Đây là phản xạ trẻ giơ hai chân, hai tay lên khi bị giật mình. Đây là phản xạ hoàn toàn tự nhiên của trẻ sơ sinh nhằm thích nghi với môi trường xung quanh trong những tháng đầu đời. Phản xạ Moro thường khiến trẻ bị giật mình tỉnh giấc khi đang ngủ hoặc khi mẹ thay đổi trạng thái nằm mà không báo trước. Thông thường, phản xạ Moro sẽ biến mất trong vòng 4-6 tháng đầu đời. 

Phản xạ cầm nắm

Đây là phản xạ khi lòng bàn chân và lòng bàn của bé sẽ quặp chặt lại nếu bị sờ, vô tình bị chạm hoặc ai đó đặt đồ vật gì vào lòng bàn tay trẻ. Tương tự như Moro, phản xạ cầm nắm cũng chỉ kéo dài từ khi chào đời cho tới 4-6 tháng đầu đời. 

Phản xạ mút

Đây là phản xạ khi mẹ đặt một đồ vật gì đó gần miệng trẻ thì miệng trẻ sẽ có dấu hiệu mút đồ vật đó. Phản xạ này giúp trẻ có thể bú bình hoặc bú mẹ ngay khi được sinh ra. 

Phản xạ tìm kiếm

Đây là phản xạ khi chạm vào má hoặc khu vực quanh miệng thì trẻ sẽ hướng về bên đó và mút. 

3. Vận động cơ thể

Trong khoảng 2 tháng đầu sau sinh, khi đặt trẻ nằm ngửa thì đầu trẻ sẽ bị quay sang một bên chứ không thể để ngửa. Đây chính là trạng thái nằm ngửa không đối xứng. 

Tuy nhiên khi bước vào tháng thứ 3 thì trẻ ba tháng tuổi đã có thể chuyển từ trạng thái nằm ngửa không đối xứng sang đối xứng. Có nghĩa là, trẻ đã có thể ngửa đầu khi được đặt nằm ngửa. Từ tháng thứ 3 này, cổ trẻ cũng đã bắt đầu cứng cáp. 

4. Vận động của tay

Trẻ sơ sinh trong ba tháng đầu thường rất hấp dẫn bởi các đồ vật phát ra tiếng kêu. Nếu để trẻ 2 tháng tuổi cầm xúc xắc đồ chơi thì trẻ sẽ có thể giữ được trên tay mình trong vòng 5 giây. Thời gian này sẽ kéo dài thành một phút đối với trẻ được 3 tháng. Trong thời gian này, nếu đồ chơi đang cầm bị cướp, trẻ sẽ thể hiện sự khó chịu và có chút phản kháng. 

5. Thị lực 

Trong năm giác quan của trẻ thì thị giác là giác quan có thứ tự phát triển sau cùng. Kể cả khi mới được sinh ra, trẻ cũng không thể nhìn rõ ngay từ những ngày đầu mà phải mất một khoảng thời gian để mắt bé thích ứng với môi trường ngập ánh sáng hàng ngày. Đối với sự phát triển của bé 3 tháng tuổi, thì trong hai tháng đầu, trẻ sẽ chỉ nhìn thấy được đồ vật trong khoảng 20cm- 30cm, thường nhìn thành từng điểm (từng chấm). Tuy nhiên khi tới tháng thứ ba, trẻ đã có thể nằm thẳng nên khả năng nhìn của bé được tăng rõ rệt, từ nhìn từng điểm thành nhìn theo một đường. Trẻ có thể nhìn chằm chằm một khoảng thời gian ngắn vào vật đang di chuyển trước mặt. 

Bài viết liên quan: Dạy con từ 0 tuổi, những bí ẩn của não trẻ

6. Giao tiếp xã hội 

Trong giai đoạn khoảng 3 tháng tuổi thì những giao tiếp xã hội của trẻ hầu như không có nhiều. Khi trẻ ngủ nông, mẹ có thể thấy miệng trẻ mấp máy và chúm cười, nhưng đây không phải là do trẻ nhận tác động từ thế giới bên ngoài. 

※ Bài viết có sử dụng thông tin trong cuốn “Giai đoạn phát triển và cách chăm sóc trẻ 0 tuổi 6 tuổi”, tên tiếng Nhật 「0歳 6歳子どもの発達と保育の本」, của tác giả Noriko Kawahara và nhóm nghiên cứu chăm sóc trẻ quận Minato (Tokyo)

Linh giới thiệu sách: Amazon (Nhật Bản)