1. Dạy trẻ tập trung theo phương pháp Montessori và Harvard

Dạy trẻ tập trung theo phương pháp Montessori và Harvard là ý tưởng giáo dục của tác giả Mika Ito với  trên hai mươi năm kinh nghiệm trong giáo dục trẻ nhỏ, đồng sáng lập ra trường mầm non “Brilliant Babies Academy”. Tác giả Mita Ito đã có kinh nghiệm giáo dục cho trên 15.000 trẻ nhỏ và đồng hành với 9.000 cặp cha mẹ trong giáo dục con giai đoạn đầu đời. 

Trang web của trường mầm non “Brilliant Babies Academy” : https://kagayakibaby.org/greeting/

Không chỉ dạy trẻ tập trung, tác giả Mika Ito còn có kinh nghiệm trong rất nhiều lĩnh vực rèn luyện kỹ năng cho trẻ khác. Bà đã phát biểu từ kinh nghiệm của bản thân rằng, chỉ những đứa trẻ được tự do trải nghiệm theo ý chí của chúng, không bị chi phối bởi suy nghĩ của cha mẹ thì mới có khả năng phát triển hơn so với bình thường. 

Quan niệm này đồng tình với nhà giáo dục học người Ý nổi tiếng Montessori khi giáo dục là nơi mà giáo viên không phải là người ra quyết định “Chúng ta hãy làm điều đó” hay “Đừng làm điều này”. Thay vào đó, chính bản thân trẻ mới là người quyết định. 

Ngoài ra, trong cuốn “Tăng cường khả năng của trẻ – Tổng hòa từ hai phương pháp Montessori và Harvard” của mình, Ito Mika còn áp dụng thêm một phương pháp khác đó là “Lý thuyết đa trí thông minh” của Harvard như một cách cụ thể để phát triển tài năng trẻ. 

2. Khái niệm về khả năng tập trung của trẻ

Trẻ nhỏ nếu được rèn luyện chính xác thì sẽ có sự tập trung cao độ, suy nghĩ thấu đáo trong mọi việc, và có thể tạo được độ chênh lệch trong học lực về sau. 

Rất nhiều người đã cho rằng khả năng tập trung của trẻ chỉ nên tăng cường sau khi con đi học, tức là sau năm tuổi, độ tuổi chuẩn bị vào lớp một, nhưng thực tế thì lúc đó đã là muộn. Khả năng tập trung của trẻ nên được chuẩn bị trước đó, ngay từ khi trẻ bắt đầu có hứng thú với việc khám phá thế giới. 

Trong giai đoạn khám phá này, nếu mẹ quan sát kỹ thì sẽ thấy khi trẻ tập trung vào chơi một đồ vật gì đó thì dù mẹ có bắt chuyện hay chào hỏi thì con sẽ không có phản ứng trả lời. Đây là lúc con rơi vào “trạng thái dòng chảy”. 

Trạng thái dòng chảy chính là trạng thái khi trẻ hoàn toàn bị cuốn vào một vật gì đó mà quên đi mọi thứ xung quanh. Trạng thái dòng chảy rất hay gặp ở trẻ em trong giai đoạn trước sáu tuổi và có vai trò cực kỳ quan trọng với sự phát triển khả năng tập trung ở trẻ sau này. 

Lý giải cho việc này, nhà giáo dục học Mika Ito đã giải thích như dưới đây: 

“実は、子どもが自分の持っている才能を存分に引き出すためには、乳幼児期にどれだけこのようなフロー状態を経験で切るかが重要になります”

Tạm dịch là: “Thực tế thì để trẻ có thể phát huy được toàn bộ tài năng mà mình có thì điều quan trọng là trong thời kỳ còn nhỏ, trẻ được tự mình trải nghiệm trạng thái dòng chảy bao nhiêu lần”.

(Trích dẫn)
Dạy trẻ tập trung

3. Tầm quan trọng của trạng thái dòng chảy trong dạy trẻ tập trung

Như đã đề cập ở trên, trẻ có phát huy được tài năng của mình không phụ thuộc rất lớn vào việc trẻ có được trải nghiệm dòng chảy tập trung khi còn nhỏ không. Tại sao lại như vậy?

Trẻ là thành viên mới của thế giới, thời gian và cơ hội để trẻ trải nghiệm vạn vật xung quanh chưa được nhiều, cho nên trẻ thường có hứng thú với mọi thứ. Nếu trẻ được tự mình khám phá và trải nghiệm những thứ mình chưa biết thì tự trong trẻ sẽ xuất hiện một cảm giác thỏa mãn, và các mạng lưới thần kinh trong não bộ  cũng được hình thành từ đó. 

Chính cảm giác thỏa mãn này đã giúp trẻ trở nên tự tin hơn, là bước đệm đầu tiên trong quá trình dạy trẻ tập trung vì trẻ biết mình đã làm và hiểu được điều gì đó đến cùng. Từ đó,  tạo đà cho các khám phá, trải nghiệm mới về sau. Ngược lại, với trẻ mà sự tập trung bị ngắt quãng, hay trạng thái dòng chảy bị ngừng liên tục thì cảm giác thỏa mãn sẽ giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sự tập trung sau này của trẻ. 

Trẻ có sự tập trung cao, có nhiều trải nghiệm trạng thái dòng chảy thì trong giai đoạn đi học, trẻ sẽ có khả năng nắm kiến thức mới nhanh chóng cũng như khả năng tập trung cao độ trước kỳ thi. 

Dạy trẻ tập trung

4. Năm bước dạy trẻ tập trung 

Để trẻ có thể trải nghiệm được trạng thái dòng chảy tập trung thì mẹ hãy thử năm bước đây nhé! 

Bước 1: Tạo môi trường để trẻ muốn làm 

Điều đầu tiên và cực kỳ quan trọng trong việc cho trẻ trải nghiệm trạng thái dòng chảy chính là việc mẹ có thể tạo môi trường để trẻ có suy nghĩ muốn làm một việc gì đó. Chỉ khi trẻ có hứng thú với một việc hoặc một vật nào đó thì khả năng rơi vào trạng thái dòng chảy tập trung mới tăng cao. 

Vì vậy, việc mẹ cần làm ở bước một này là bày đặt đồ đạc trong phòng, sao cho đồ chơi được bày đặt theo từng vị trí quy định, để trẻ có thể tự mình chọn được đồ chơi mà yêu thích. Điều này cũng khớp với suy nghĩ về thời kỳ nhạy cảm về vị trí trật tự trong quá trình phát triển của trẻ. Nếu trong thời kỳ này, mẹ có vô tình thay đổi vị trí của đồ đạc thì sẽ dẫn tới sự mất tự tin và bất an trong trẻ. 

Chính vì vậy, để đồ chơi ở một vị trí nhất định chính là điểm quan trọng trong tạo môi trường để trẻ muốn làm gì một việc gì đó. 

Bước 2: Cho phép trẻ được làm nhiều lần 

Chắc hẳn nhiều mẹ luôn có thói quen xếp đồ chơi của con gọn gàng trong rổ hoặc hộp, nhưng thực tế ra thì cách tốt nhất tạo hứng thú cho trẻ trong việc bắt tay làm gì đó, chính là khi mẹ bày đặt tất cả đồ chơi của trẻ lên kệ, sao cho trẻ có thể nhìn bao quát được hết đồ chơi mình có. 

Theo cô Mika Ito thì lý tưởng nhất là một cái tủ chuyên đựng đồ chơi loại 5 tầng, và bày từng loại đồ chơi theo từng vị trí nhất định. Với cách này thì trẻ sẽ không cảm thấy stress hoặc bất an, mà ngược lại, cách bày đặt này còn giúp tạo được hứng thú cho trẻ muốn làm, muốn trải nghiệm. 

Điều này cũng dễ hiểu đối với người lớn, ví dụ trường hợp khi muốn lấy một cuốn sách để đọc. Nếu cuốn sách ở vị trí dễ lấy như trên mặt bàn hoặc giá sách, thì khả năng được đọc sẽ cao hơn so với khi bị cất trong một thùng carton và để trong tủ khoá. 

dạy trẻ tập trung

Bước 3: Để trẻ tập trung làm 

Rất nhiều mẹ muốn nói chuyện với con, đó là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, mẹ không nên bắt con phải đáp lại câu chuyện mình nói một cách vô lý, đặc biệt khi con đang chơi một món đồ nào đó. 

Vì sao lại như vậy? Khi trẻ tập trung vào một món đồ nào đó thì lúc đó là trẻ đang chìm đắm trong thế giới của bản thân, dẫn tới việc âm thanh từ môi trường bên ngoài sẽ không lọt vào tai trẻ được. Chính từ đây, các liên kết của não bộ được hình thành, dẫn tới năng lực của trẻ dần được phát triển. 

Khi trẻ càng chơi nhiều, lặp đi lặp lại cùng một món đồ chơi nào đó thì thao tác sẽ trở nên nhanh nhạy thuần thục hơn, trẻ sẽ có cảm giác hài lòng khi bản thân vừa hoàn thành một thử thách nào đó, và muốn khám phá nhiều thử thách xung quanh. 

Chính vì thế, mẹ nên chú ý không làm phiền tới con khi con đang tập trung vào làm một việc gì đó nhé. Rất nhiều mẹ hay khen hoặc động viên con nhưng cô Ito Mika cũng nhắc nhở rằng, mẹ nên chú ý thời điểm đưa lời khen tới con. Bởi vì nếu mẹ khen con ngay khi con đang bắt đầu trạng thái tập trung thì sẽ dẫn tới việc trẻ bị phân tán, không thể đạt tới mức tập trung cao nhất. 

Bước 4: Giúp trẻ hiểu được cảm giác thỏa mãn 

Sau khi trẻ hoàn thành một thử thách nào đó, thì theo bản năng tự nhiên, tự bản thân trẻ sẽ cảm thấy thỏa mãn về điều mình làm. Nhưng ngoài điều đó ra thì việc nhận được lời khen ngợi từ mẹ cũng là yếu tố quan trọng giúp đẩy sự thỏa mãn của trẻ lên tầm cao mới. Chỉ khi trẻ đạt được sự thỏa mãn thì bản thân mới có thể tìm tòi và thử các trải nghiệm mới khác. 

Vậy mẹ nên đưa lời khen tới trẻ khi nào? Khi trẻ đã tự mình hoàn thành một trải nghiệm nào đó, với một gương mặt đầy sự hài lòng. Trẻ sẽ tự mình biết được khi nào cần kết thúc một hành động nào đó. Việc mẹ cho trẻ kinh nghiệm từ mình quyết định cũng như cảm giác ý kiến của mình được tôn trọng sẽ tạo sự yên tâm trong trẻ. Và khi lớn lên, trẻ sẽ có tính cách ôn hoà, điềm đạm, biết suy nghĩ thấu đáo trong mọi việc. 

“集中力の有無が、人生を左右すると言っても過言ではありません。”
Tạm dịch: “Chính việc có khả năng tập trung hay không sẽ tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống tương lai của trẻ. “

(Trích dẫn)

Bước 5: Gợi ý các thách thức mới tới trẻ 

Khi trẻ đã có được cảm giác thoả mãn khi hoàn thành việc gì đó thì chắc chắn bước tiếp theo là sẽ nghĩ về việc sẽ làm hoặc chơi trò gì tiếp. Chính vòng tròn “thoả mãn và trải nghiệm” này sẽ tạo đà cho sự phát triển của trẻ. 

Một điều phải nhớ rằng, khi mới được sinh ra thì não bộ của trẻ vẫn chỉ là một tờ giấy trắng. Chính việc trải nghiệm ở thế giới thực mới tạo nên các mạng lưới liên kết trong não bộ của trẻ, từ đó thúc đẩy sự phát triển về tài năng ở trẻ. 

Lời kết

Mẹ hãy thử áp dụng năm bước trên trong việc giúp trẻ có trải nghiệm về trạng thái dòng chảy tập trung nhé! Trẻ càng có cơ hội trải nghiệm trạng thái dòng chảy nhiều thì không chỉ khả năng tập trung, mà các năng lực liên quan khác sẽ càng tăng lên. 

Xem thêm: Tám điều quan trọng để phát triển tài năng trẻ

※ Bài viết được có sử dụng thông tin được trích dẫn từ cuốn “Tăng cường khả năng của trẻ – Tổng hòa từ hai phương pháp Montessori và Harvard” của tác giả Mika Ito. 

Link giới thiệu sách: Amazon (Nhật Bản)