Việc trẻ chậm nói luôn khiến các mẹ phải lo lắng bởi vì việc trẻ chỉ có thể nói được vài từ đơn giản khi bước sang tuổi thứ hai hoặc thứ ba, trong khi những năm đầu đời này thường là thời kỳ trẻ bắt đầu học hỏi và khám phá thế giới. Theo lẽ đương nhiên thì trẻ sẽ phải giao tiếp với người thân bằng những câu văn ngắn về trí tò mò của thế giới, vậy nên việc trẻ không thể truyền tải được suy nghĩ của cá nhân hoặc chỉ có thể nói những từ đơn giản chắc chắn sẽ khiến mẹ cảm thấy rất lo lắng. Vậy nên trong bài viết này, BOOKY-MOMMY xin gửi tới mẹ ý kiến của chuyên gia Nhật Bản về giáo dục ngôn ngữ ở trẻ chậm nói nhé. 

1. Nguyên nhân khiến trẻ chậm nói 

Trước hết hãy thì tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ chậm nói? Tại sao trẻ  lại chỉ có thể nói các từ ngắn, đơn giản mà không thể ghép thành câu văn dài để giao tiếp với mẹ. Về nguyên nhân khiến trẻ chậm nói thì có rất nhiều yếu tố tác động, từ môi trường bên ngoài, từ bố mẹ và người thân, hoặc từ chính bản thân trẻ. 

・Sự phổ cập của Internet và các thiết bị số

Việc mẹ để cho con xem tivi hoặc dùng máy tính bảng, điện thoại thông minh đã khiến cho việc tương tác với thế giới của con bị giảm một cách đáng kể. Việc giao tiếp với các thiết bị số này chỉ đơn thuần là tương tác một chiều, khiến con bị cuốn vào một cách thụ động. Việc này là rất nguy hiểm đối với trí não còn non nớt của trẻ khi mà sức sáng tạo và khả năng học hỏi từ thế giới xung quanh lại bị kìm nén lại và chỉ xoay quanh một chiếc máy tính bảng. Vậy nên, mẹ nên để trẻ tránh xa các thiết bị điện tử cho tới năm ba tuổi, khi số lượng liên kết của các tế bào thần kinh của não bộ trẻ đã đạt mức ổn định. 

・Con bỏ cuộc giữa chừng vì phản hồi từ bố mẹ  

Có rất nhiều trẻ có mong muốn được trò chuyện, ê a cùng bố mẹ nhưng phản hồi của bố mẹ chỉ là sự im lặng hoặc không chú tâm vào cảm xúc của trẻ. Chính sự phản hồi mang tính lặng lẽ này khiến trẻ bỏ cuộc trong việc gửi phản hồi tới môi trường bên ngoài sau khi bị chính người thân thiết nhất với mình bỏ rơi. Lớn lên một chút, khi trẻ khám phá thấy một thứ rất hay nhưng lại nhận được những từ ngữ cấm đoán của bố mẹ thì lâu dần trẻ sẽ hình thành ý nghĩ “Mình chẳng nói gì thì tốt hơn”, “Nói ra là lại bị mắng”….  Và từ đó, khả năng giao tiếp của trẻ dần bị đóng lại. 

・Bản thân trẻ không muốn nói

Trẻ em có rất nhiều mẫu tính cách, nên có thể bản thân trẻ không phải là tuýp hay nói, mà ngược lại, trẻ muốn lắng nghe hội thoại từ người khác hơn. Nếu mẹ thấy con hướng tai hoặc ngoảnh mặt về phía có tiếng nói chuyện, cười tủm và có xu hướng nghe chăm chú thì mẹ hãy yên tâm nhé! Con là người có khả năng lắng nghe và thấu hiểu đối phương rất tốt, chắc chắn sẽ nói được những gì mình suy nghĩ trong thời gian ngắn. Nên mẹ không cần phải quá lo lắng nếu gặp phải trường hợp này! 

・Các yếu tố bất an từ bên ngoài

Trẻ con rất nhạy cảm, đối với các vấn đề mà người lớn thường bỏ qua thì trẻ lại cảm thấy bất an. Chính vì vậy, để trẻ có thể nói ra được suy nghĩ của bản thân thì mẹ nên chú ý tạo một môi trường an toàn cho con, nơi đó ý kiến của con luôn được chấp nhận, lời nói của con bị cười nhạo… 

Trẻ cũng là một yếu tố quan trọng của xã hội, có tư duy độc lập nên việc trẻ có suy nghĩ của riêng mình là chuyện rất dễ hiểu. Trong tâm hồn trẻ luôn có những thứ rất hay để chia sẻ với mẹ, nhưng vấn đề chỉ đơn thuần là trẻ không thể thể hiện ra được. Vậy nên mẹ hãy chuẩn bị một môi trường thật an toàn với trẻ, không thúc giục mà để trẻ có thời gian chậm rãi diễn tả suy nghĩ của mình nhé! 

2. Cách dạy trẻ chậm nói 

Khi trẻ có dấu hiệu chậm nói thì mẹ nên xác định nguyên nhân bằng cách loại bỏ các vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng giao tiếp của trẻ như thính lực, trẻ có vấn đề trong bộ máy phát âm, các vấn đề về sức khoẻ khác … Tiếp đó, nếu nhận thấy vấn đề xuất phát từ thói quen sinh hoạt, hoặc tâm lý của trẻ thì mẹ có thể thử các cách dưới đây: 

・Xây dựng môi trường giao tiếp an toàn cho trẻ 

Ở nhà hoặc những nơi riêng tư, mẹ có thể tạo các môi trường khiến con có thể cảm thấy an tâm để chia sẻ suy nghĩ của mình. Nơi đó phải là nơi mà mọi ý kiến của trẻ đều được chấp nhận, được tôn trọng. Nơi mà ý kiến của trẻ không bị phủ định, một môi trường chứa sự tôn trọng giữa mẹ và trẻ. Chìa khoá ở đây chính là việc mẹ tiếp nhận ý kiến của trẻ, tất cả mọi ý kiến từ tốt tới chưa được tốt. 

・Bồi đắp sự tự tin cho trẻ thông qua trò chuyện ở các nhóm nhỏ

Khi trẻ đã cảm thấy khá tự tin khi trò chuyện và giao tiếp ở nhà thì mẹ có thể đưa trẻ tới các nhóm nhỏ nơi có các bạn cùng tuổi. Trẻ sẽ có thêm va chạm với môi trường bên ngoài, ngoài mẹ. Người xưa có câu: Trước khi bơi ra biển lớn thì nên tập bơi ở ao nhỏ. Vậy nên để chuẩn bị cho tương lai con có thể nói trước đông người, thì mẹ nên tạo cơ hội cho con được tiếp xúc với các nhóm nhỏ như trên nhé! 

nguyen-nhan-va-cach-day-tre-cham-noi

・Khen ngợi dũng khí trò chuyện của con 

Sau khi trẻ nói ra được suy nghĩ của mình trong bất cứ vấn đề gì, việc đầu tiên của mẹ là nên khen trẻ. Bởi vì trẻ chỉ có hứng thú bắt đầu thách thức mới thông qua các trải nghiệm thành công nho nhỏ “Mình làm được mà”. Đặc biệt, mẹ không cần khen ngợi nội dung mà chỉ cần tập trung vào khen ngợi dũng khí nói ra được suy nghĩ của con cũng được. 

Thậm chí nếu trẻ thừa nhận mình không biết thì mẹ cũng nên đưa ra lời động viên hoặc khen trẻ vì đã thừa nhận sự thật rằng mình không biết, sau đó nên điềm tĩnh giải thích cho trẻ hiểu vấn đề. 

・Không thúc giục bé 

Trong quá trình dạy bé giao tiếp, chắc hẳn sẽ có nhiều mẹ cực kỳ sốt ruột vì kết quả không được như mong muốn, hoặc những gì trẻ định nói chiếm quá nhiều thời gian cần thiết. Kết quả là những nhận xét mang tính rất tiêu cực của mẹ như “Con nói gì mà chậm thế”, “Con nói hết cả thời gian rồi”… lần lượt kéo tới. Những câu nhận xét này không khiến trẻ nâng cao năng lực giao tiếp của mình mà ngược lại còn khiến trẻ thêm áp lực rất nhiều. 

Vậy nên, dù có tốn thời gian tới đâu chăng nữa, mẹ cũng nên chờ trẻ nói. Công việc này tưởng đơn giản nhưng lại cực kỳ là khó. Tuy nhiên dù thế nào đi chăng nữa, mẹ hãy giữ nguyên niềm tin vào suy nghĩ và năng lực của trẻ, sau đó là chờ đợi. Lúc này,  việc duy nhất bố mẹ có thể làm được chỉ có thể là chờ đợi và ủng hộ sự dũng cảm từ con. 

・Bật chế độ lắng nghe

Khi con đang có ý muốn nói một điều gì đó thì mẹ phản ứng như thế nào? Luôn nhìn vào điện thoại, quay lại nói với con rằng mình bận lắm, để sau hãy nói, hay chăm chú làm việc và chỉ trả lời con lấy lệ? Để con có thể nói ra được suy nghĩ của mình thì thái độ lắng nghe của bố mẹ, những người xung quanh cũng cực kỳ quan trọng. 

Vậy nên, mẹ hãy thử chế độ lắng nghe dưới đây khi trò chuyện cùng con nhé: 

  • Dừng việc, cúi người tầm độ cao của con, chạm ánh mắt vào con
  • Vừa cười, vừa gật đầu, tán thành câu chuyện
  • Nghe chăm chú tới tận cùng câu chuyện 

Việc mẹ giao tiếp ánh mắt với con là rất quan trọng vì đôi mắt của trẻ sẽ nói với mẹ rất nhiều điều về suy nghĩ của trẻ. Nếu mẹ làm được việc giao tiếp bằng mắt này thì chắc chắn những lời mẹ nói sẽ chảy vào tận tâm hồn trẻ. Vậy nên khi nghe trẻ trò chuyện, mẹ không nên nghe cho có, mà nên bật chế độ lắng nghe, thể hiện mình rất quan tâm tới câu chuyện của trẻ nhé. 

3. Lời kết 

Trẻ chậm nói thật sự là mối lo đối với các mẹ và vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn nữa với sự góp mặt của các thiết bị điện tử và mối quan hệ với môi trường bên ngoài. Vậy nên mẹ hãy tùy vào hoàn cảnh của trẻ mà có những giải pháp phù hợp nhé! Hy vọng bài viết giải toả phần nào được mối lo lắng của mẹ! 

※ Bài viết có sử dụng thông tin của cuốn “Nuôi dưỡng năng lực giao tiếp ở trẻ”, tên tiếng Nhật là 「「ことば力」のある子は必ず伸びる! 」của tác giả Takatori Shizuka. 

Link giới thiệu sách: Amazon Nhật Bản

Xem thêm: Dạy trẻ tự tin trong giao tiếp