Xem thêm: Phương pháp giáo dục hàng đầu (Phần một): Lời mở đầu

1. Tự chủ ngay từ trong suy nghĩ 

Không thể phủ nhận bố mẹ luôn mong muốn những điều tốt nhất cho trẻ. Vậy nên việc trẻ phụ thuộc quá nhiều vào những gì bố mẹ làm cho bản thân hiện nay không phải là một điều hiếm gặp. Thực sự đây không phải là một điều tốt đẹp đối với sự phát triển của trẻ. Bởi lẽ vì một điều đương nhiên, bố mẹ không thể đi cùng trẻ mãi mãi và sẽ có một lúc nào đó, trẻ phải tự bước đi bằng chính năng lực của mình. Và thực tế cũng chứng minh, việc trẻ có tính tự chủ hay không, không phụ thuộc vào xuất thân của trường học mà trẻ đã tốt nghiệp. Tất cả đều được tạo ra nhờ sự dạy dỗ và chuẩn bị của bố mẹ. 

Để có thể chuẩn bị cho trẻ tính tự chủ, mẹ có thể tham khảo ba cách sau đây: 

・ Để trẻ tự bản thân suy nghĩ và tìm đáp án

Trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ nên để trẻ có quyền thử thách, tự tìm hiểu những gì mình thích và những gì là quan trọng đối với mình. Việc bố mẹ áp đặt suy nghĩ và sự lựa chọn của mình lên trẻ có thể sẽ giúp mọi việc diễn ra nhanh chóng, thuận lợi nhưng về lâu dài sẽ hình thành một em bé lười suy nghĩ và luôn hành động theo chỉ thị của người khác. 

Vậy nên, trong sinh hoạt hàng ngày, việc của trẻ thì hãy để cho trẻ tự quyết định. Có thể việc này sẽ trở nên khó với bố mẹ trong giai đoạn đầu vì tâm lý muốn bao bọc và che chở con cái, nhưng kể cả chuyện đó xảy ra đi chăng nữa thì hãy tin vào bản thân con và để con tự quyết. 

Việc này chắc chắn cũng sẽ khó với trẻ nữa, nhưng nếu trẻ đã trở nên quen thuộc với việc phải tự suy nghĩ và ra quyết định thì sự nhận thức về việc mình thích gì và muốn gì, cũng như khả năng phán đoán về phương án lựa chọn sẽ dần dần được hình thành. . 

・Đưa ra lời khuyên và nhiều phương án lựa chọn nhưng để quyền quyết định lại cho trẻ

Việc để quyền quyết định cho trẻ là một điều nên làm, tuy nhiên nếu không có lời khuyên, lời hướng dẫn hoặc một điểm xuất phát rõ ràng từ bố mẹ thì trẻ sẽ rất khó có thể suy nghĩ tiếp theo nên làm gì. 

Bố mẹ toàn quyền quyết định hộ trẻ cũng không tốt mà không có định hướng thì cũng không tốt, vậy nên ranh giới giữa hai việc trên là khoảng không an toàn nhất. Trẻ vừa có thể nhận được phương hướng từ bố mẹ nhưng cũng có quyền đưa ra quyết định cuối cùng. 

Ở đây, hai khái niệm “giao phó quyết định” và “bỏ mặc con cái” là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Việc trẻ nhận được quyền quyết định từ bố mẹ sẽ giúp trẻ có trách nhiệm hơn với những gì mình đã chọn lựa. 

・Tôn trọng cá tính của bản thân con 

Trẻ được sinh ra trên thế giới này thường có những điểm mạnh và cá tính riêng. Vậy nên, với tư cách là bạn đồng hành của con, mẹ hãy tôn trọng cá tính có trong con nhé! Hãy để con được biết, con là con, vậy nên cho dù con có khác với mọi người đi chăng nữa thì cũng không sao cả. 

Việc thỏa hiệp với xung quanh có thể là một chuyện tốt nhưng đó chưa phải là tất cả, đặc biệt chuyện gì sẽ xảy ra nếu như mọi người xung quanh con bị sai. Vậy nên điều quan trọng là con có thể hành động và suy nghĩ dựa vào chính kiến của bản thân, xuất phát từ thói quen tự hỏi bản thân “Mình có suy nghĩ gì trước sự việc này?”, “Đối với trường hợp này thì mình nên làm gì?” của trẻ. 

phuong-phap-giao-duc-hang-dau
Phương pháp giáo dục con hàng đầu (Ảnh minh hoạ)

2. Xây dựng tầm nhìn về bản thân của trẻ

Trẻ sinh ra luôn mang trong mình những tài năng nhất định và việc có thể phát huy khả năng của mình, giúp ích cho xã hội chính là chìa khóa cho sự thành công sau này. Một ví dụ cụ thể chính là việc khi trẻ tốt nghiệp và lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Nếu ngay từ nhỏ, một em bé mà ngay bản thân mình thích gì, ghét gì, giỏi lĩnh vực nào, cái gì đối với mình là quan trọng mà không thể xác định được, thì việc có thể lựa chọn đúng hướng đi cho nghề nghiệp và hạnh phúc với những gì mình làm hàng ngày là rất khó có thể xảy ra. 

Vậy nên, để có thể giúp trẻ xây dựng được tầm nhìn của bản thân về triển vọng nghề nghiệp trong tương lai, mẹ có thể chuẩn bị cho trẻ thông qua ba bước dưới đây: 

・Tăng tính tò mò tới con thông qua thói quen đọc sách

Trẻ con là thành viên mới của thế giới nên đối với trẻ, cái gì cũng rất thú vị. Vậy nên mẹ nên nắm bắt tâm lý này để cùng trẻ khám phá thế giới thông qua việc cho trẻ được tiếp xúc nhiều với thách thức ngay từ khi còn bé. Mẹ có thể kể cho con nghe nhiều tri thức về vạn vật, giới thiệu các đầu sách và cùng con trải nghiệm. 

Nếu trẻ cảm thấy việc thu thập tri thức là một điều vui thì kể cả sau này khi không có mẹ, trẻ vẫn có thể tự mình khám phá một cách chủ động. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, trẻ không thể tự mình khám phá thế giới được mà rất cần có sự dìu dắt của mẹ. Tất nhiên là sẽ có những đầu sách mà đối với mẹ không có gì là hứng thú, nhưng nếu trẻ đã thích thì mẹ hãy đọc cùng trẻ nhé! 

・Mở rộng tầm nhìn ra thế giới thông qua giao tiếp

Trong xã hội thì thông tin được truyền đi không thể thiếu được thông qua con đường giao tiếp giữa con người với con người. Chính vì lẽ đó, mẹ hãy để trẻ được biết về sự rộng lớn của thế giới con đang sống thông qua báo chí hoặc tranh ảnh. Để có thể làm được điều này thì mẹ có thể đặt những quyển guidebook về du lịch hoặc giới thiệu văn hoá của các nước tại ngay phòng khách. 

Nếu có thể được, hãy cho con có cơ hội để giao tiếp với bạn bè từ các nước khác trên thế giới để con có thể mở rộng thế giới quan của bản thân. Từ đó con có thể biết được mình là ai trong thế giới rộng mông mênh này. 

・Ủng hộ suy nghĩ và ước mơ trong con 

Khi trẻ đã có đủ trải nghiệm và kiến thức thì việc tự mình tìm ra được ước mơ và hoài bão của bản thân không phải là điều quá khó khăn. Nếu một ngày con tự nói ra được ước mơ của mình tới mẹ thì mẹ sẽ phản ứng như thế nào? Nếu những gì con thích không liên quan tới những gì mẹ cần, hoặc những tri thức cao siêu thì mẹ nghĩ sao? 

Việc trẻ có hứng thú tới một lĩnh vực nào đó và cách mẹ đáp trả tới lại những phản ứng tích cực từ trẻ là tiền đề để trẻ có thể có hứng thú tới một lĩnh vực khác. Vậy nên, nếu con đã thích, đã hứng thú với một thứ gì đó thì mẹ hãy ủng hộ và để trẻ được trải nghiệm, thử thách và khám phá dần dần. Chắc chắn sau khi lớn lên, trẻ sẽ rất biết ơn mẹ vì điều đó. 

phuong-phap-giao-duc-hang-dau
Phương pháp giáo dục con hàng đầu (Ảnh minh hoạ)

3. Sự kiên cường quyết tâm không bỏ cuộc 

Việc tìm ra được những gì mình thích là điều quan trọng nhưng để có thể bắt tay vào thực hiện và biến ước mơ trở thành sự thật lại là một công việc hoàn toàn khác. Chuyện gì xảy ra nếu trẻ gặp thất bại và có ý muốn bỏ cuộc? Đây chính là lúc bố mẹ cần xuất hiện, giúp đỡ trẻ để trẻ có thể tự mình đứng dậy. 

・ Để cho con có cơ hội được thách thức

Việc để con có thể làm những thứ mình thích chính là một điểm khởi đầu tốt mà bố mẹ có thể làm được cho con mình. Chỉ riêng việc có thể làm được những điều mình thích với sự ủng hộ của bố mẹ đã khiến trẻ có một khởi đầu tốt, một tinh thần hăng hái cao để bắt tay vào công việc. 

Có thể lúc đầu bố hoặc mẹ sẽ không thể hiểu được những gì trẻ muốn hoặc suy nghĩ trong trẻ nhưng chìa khoá ở đây là hãy lắng nghe và để trẻ tự mình nhận trách nhiệm. Chính vì sự tin tưởng của bố mẹ cũng như lòng yêu thích cá nhân sẽ khiến trẻ có thể kiên trì, làm tới cùng. 

・Mắng con nếu thực hiện chưa nghiêm túc

Theo cuộc khảo sát với 200 học sinh ưu tú, cô Mrs. Pumpkin cũng nhận được phản hồi rằng: “Nếu đã quyết định làm mà làm không tốt thì sẽ bị bố mẹ mắng rất nghiêm khắc”. Đây thực sự là một điều khá là dễ hiểu vì dù thế nào đi chăng nữa, bố mẹ vẫn là người có quyền trách mắng, cũng như nghĩa vụ bảo vệ trẻ. 

Nếu hồi nhỏ, trẻ không thể tự mình làm những gì mình thích, dễ dàng bỏ cuộc thì đã đến lúc bố mẹ rèn cho trẻ vào khuôn bằng sự nghiêm khắc của mình để trẻ có thể hiểu rằng đã làm gì là phải làm tới cùng. VIệc định hình suy nghĩ này rất quan trọng, quyết định phần đời còn lại của trẻ. Bố mẹ muốn trẻ là người có suy nghĩ: “Thôi, dừng ở đây cũng được”, “Thua kém người khác là chuyện bình thường” hay  là người có suy nghĩ “Cố gắng lên, một chút nữa là được?” Câu trả lời tất cả đều nằm ở giai đoạn đầu đời này.  

・Dạy con cách vượt lên khó khăn 

Khi con đã cố gắng rồi nhưng vẫn thất bại thì thái độ của bố mẹ đối với con như thế nào? Thất bại là điều không tránh khỏi, nên mẹ hãy để cho con được biết và hãy thấu hiểu cho những cố gắng của con. Chỉ cần thái độ ôn hoà của mẹ, cũng như cảm giác an tâm mình sẽ không bị mắng, vẫn sẽ được che chở từ mẹ sẽ giúp trẻ cảm thấy yên tâm rất nhiều. 

Sau đó, mẹ hãy cùng con phân tích nguyên nhân của thất bại và cùng con vượt lên khó khăn. Thất bại không quá đáng sợ, nhưng mẹ hãy để cho con có cơ hội được tự mình suy nghĩ nguyên nhân, cũng như cách khắc phục để con có thêm kinh nghiệm cho lần thử thách tiếp theo. 

4. Khả năng giao tiếp tạo dựng lòng tin

Tác giả Moogwi Kim trong quá trình tiếp xúc với các nhà lãnh đạo trên thế giới nhận thấy, cho dù năng lực tư duy và tài năng giống nhau đi chăng nữa thì khả năng giao tiếp là một yếu tố tạo nên sự khác biệt vượt trội. Đặc biệt các khả năng liên quan tới giao tiếp như: Khả năng thấu hiểu suy nghĩ của đối phương, Năng lực phân tích và thống nhất giữa các ý kiến trái chiều, Khả năng thuyết phục đối phương mà không áp đặt ý kiến bản thân, Thói quen cảm ơn và đồng cảm với phe yếu, … chỉ có thể tích lũy từ nhỏ, chứ không thể đạt được ngày một hay ngày hai. 

Vậy nên, để có thể xây dựng được nền tảng giao tiếp, một kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng cho trẻ thì mẹ có thể tham khảo các cách dưới đây: 

・ Cho con tham gia các hoạt động tập thể

Ngày nay môi trường để trẻ có thể giao tiếp và tham gia các hoạt động tập thể đang dần bị thu hẹp. Điều này xảy ra bởi theo xu hướng đô thị hoá, khi trẻ mất đi cơ hội được hòa cùng thiên nhiên và chơi cùng với các bạn cùng lứa tuổi ở những khoảng không gian rộng. 

Vì thế, mẹ có thể dẫn con tới tham gia các hoạt động ở nơi đông người như lễ hội …, hoặc cùng đi tới nhà bạn bè của bố mẹ để dự liên hoan hoặc dự tiệc. Ngoài ra mẹ có thể chủ động mời bạn bè của con tới nhà, cùng tham gia các hoạt động dã ngoại cũng là một cách để con có thể làm quen với nhiều người ngay từ giai đoạn còn nhỏ. 

・Tạo thói quen cùng con viết lách và làm quen với ngoại ngữ từ nhỏ 

Tập viết ra những gì mình nghĩ và làm quen với ngoại ngữ là hai kỹ năng nếu mẹ không cho con làm quen từ nhỏ sẽ là một tổn thất rất lớn đối với trẻ sau này. Thói quen viết giúp trẻ sắp xếp lại suy nghĩ của mình một cách có hệ thống còn ngoại ngữ giúp trẻ phát triển não linh hoạt hơn và phát âm cũng trau chuốt, tự nhiên hơn so với khi lớn lên. Đặc biệt do các tế bào não vẫn còn trong giai đoạn phát triển nên, khi trẻ còn học tiếng mẹ đẻ thì hoàn toàn có thể học song song hai ngôn ngữ mà không sợ bị rối  loạn ngôn ngữ. 

Viết lách ở đây phải là việc trẻ được cầm bút và tập viết ra những gì mình suy nghĩ chứ không chỉ là đánh máy thông thường. Bởi lẽ theo nghiên cứu về tâm lý học của trường đại học Washington về hoạt động của não bộ thì nhóm được viết bằng bút có liên kết thần kinh trong não hoạt động mạnh hơn, ngôn ngữ và suy nghĩ cũng phong phú hơn so với nhóm chỉ đánh máy thông thường. 

Trong hoạt động thường ngày, mẹ có thể hướng dẫn trẻ viết nhật ký, hoặc cảm xúc về quyến sách mình đã đọc. Nếu viết nhật ký, để cho mọi việc được thuận lợi thì mẹ có thể hướng dẫn con mẹo bắt đầu bằng những từ thưa gửi như: “Gửi nhật ký” 

・Xây dựng mối quan hệ thân thiết tin tưởng với con 

Trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình thì sự tin tưởng lẫn nhau là rất quan trọng. Làm thế nào để con có thể chia sẻ với bố mẹ mọi suy nghĩ của mình, nói chuyện với bố mẹ về mọi thứ? Có thể thế giới quan và cách suy nghĩ của bố mẹ và trẻ có thể khác nhau nhưng nếu kiên trì hàng ngày đều giao tiếp và trao đổi suy nghĩ thì có thể tránh được các hiểu lầm đáng tiếc cũng như áp đặt suy nghĩ lên nhau. 

・Dạy con nói lời cảm ơn

Cảm tạ với mọi người xung quanh là một nhân tố có thể giúp con tiến tới thành công sau này, bởi lẽ không một cá nhân nào trên thế giới này có thể làm mọi việc một mình. Để có thể giúp trẻ cảm nhận được lòng biết ơn một cách tự nhiên thì mẹ hoàn toàn có thể cùng trẻ chia sẻ những niềm vui nhỏ hàng ngày, để trẻ biết được nếu có sự cảm ơn và giúp đỡ từ xung quanh thì cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều. 

・Để trẻ nuôi thú cưng 

Thú cưng từ lâu vẫn là bạn đối với con người, bầu bạn giúp con người cảm thấy bớt cô đơn. Và đối với trẻ thì thú cưng còn đóng vai trò quan trọng hơn nữa bởi lẽ, thông qua việc nuôi thú cưng trẻ có thể có một trái tim nhân hậu hơn, có trách nhiệm hơn, hiểu được tầm quan trọng của sinh mệnh và ý nghĩa của cái chết. 

phuong-phap-giao-duc-hang-dau
Phương pháp giáo dục con hàng đầu (Ảnh minh hoạ)

5. Lòng khát khao được khám phá tri thức 

Học tập là món quà tri thức mà bố mẹ gửi gắm tới trẻ và trong biển tri thức bất tận thì việc mẹ có thể tạo dựng được lòng yêu thích khám phá học tập cho trẻ ngay từ còn nhỏ là điều không thể thiếu. Vậy làm thế nào để có thể xây dựng được tình yêu với học tập trong trẻ. Theo cô Mrs. Pumpkin, có chín cách mẹ có thể tham khảo và áp dụng dựa trên tính cách của trẻ nhé. 

Mẹ hãy xem thêm mười cách ở bài viết dưới đây nhé: 

10 bí quyết giúp trẻ hứng thú trong học tập

6. Khả năng học hỏi ngoài tri thức

Ngoài tri thức trong sách vở hoặc trong nhà trường, với tư cách là người chỉ dẫn trẻ, mẹ hãy để dạy cho trẻ biết các hình thức giáo dục lễ nghĩa thông thường khác. Ví dụ như cách đối nhân xử thế, làm thế nào để có thể giao tiếp với người đối diện một cách có chừng mực? Hoặc cách kiềm chế cảm xúc cá nhân, sự tự chủ về hành động. 

Ngoài ra, giáo dục về tài chính, dạy cho con cách quý trọng đồng tiền cũng đang được rất chú trọng trong thời gian gần đây. Theo quan niệm giáo dục cũ thì nói chuyện tiền bạc với trẻ là một việc xấu, cần phải tránh. Chính vì vậy đã sinh ra những em bé không biết cách tiêu tiền cho hợp lý, cũng như cách đầu tư kiếm tiền ngoài phần thu nhập. Vậy nên, xây dựng giác quan về tiền bạc cho con cũng là một vấn đề cần cân nhắc. 

Mẹ đã bao giờ cùng con đi xem bảo tàng nghệ thuật, hoặc cho con học những lớp năng khiếu về nghệ thuật như âm nhạc, hội hoạ chưa? Những trải nghiệm về nghệ thuật mà con có được sẽ giúp đời sống tinh thần của trẻ trở nên phong phú hơn, giúp trẻ tự mình giải tỏa được stress hay cáu giận khi phải sống xa gia đình. . 

Và điều cuối cùng, con cái luôn học hỏi từ bố mẹ. Thái độ nghiêm túc của bố với công việc, sự học hỏi nâng cao bản thân không ngừng của mẹ, sự giao tiếp mang tính tôn trọng nhau giữa bố và mẹ từ lâu vẫn hình mẫu để con có thể liên tục noi theo. 

phuong-phap-giao-duc-hang-dau
Phương pháp giáo dục con hàng đầu (Ảnh minh hoạ)

7. Tấm lòng nhân hậu với xung quanh

Điều cuối cùng, không một đứa trẻ nào trên thế giới có thể tồn tại mà thiếu đi sự yêu thương và tôn trọng từ mẹ và những người xung quanh. Với tư cách là người đưa trẻ đến với thế giới, mẹ hãy để cho trẻ cảm nhận được tình thương vô điều kiện từ mẹ. Và ngược lại, đến lượt trẻ, trẻ cũng sẽ sử dụng tình thương mình nhận được để đối đáp lại thế giới xung quanh.  Đây chính là một phần của giáo dục nhân cách trong trẻ ở giai đoạn đầu đời. 

Để có thể xây dựng tình yêu bao dung, nhân hậu trong con, có bốn điểm mẹ cần lưu ý: 

・Luôn tiếp xúc với con trong trạng thái vui tươi 

Trẻ con mới sinh ra tuy chưa hiểu được mọi hoạt động của thế giới xung quanh nhưng trẻ rất nhạy nắm bắt tâm lý và tình cảm của người đối diện, đặc biệt là bố và mẹ. Và trong rất nhiều trường hợp, trạng thái tâm lý của bố mẹ có ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ. 

Điều này đặc biệt đúng đối với các mẹ đang mang bầu. Khi stress của mẹ có thể truyền qua nhau thai tới thai nhi, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của não trẻ. Đã có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này, thậm chí có những nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ, kể từ khi trẻ còn chưa lọt lòng, tới khi trưởng thành và bước ra ngoài xã hội. 

Vậy nên, việc giữ cho tâm hồn luôn ở trong trạng thái vui tươi, có thể là một điều rất khó với mẹ vì có quá nhiều thứ phải làm. Nhưng mẹ hãy luôn nhớ rằng mình có sức ảnh hưởng lớn thế nào đối với thiên thần bé bỏng của mình và hãy sử dụng sự trợ giúp của những người xung quanh nếu cần. 

Hoặc mẹ có thể thử bài tập ám niệm dành cho mẹ do thầy Shichida (nhà giáo dục Nhật Bản) khuyên ở bài viết dưới nhé! 

Phương pháp ám thị năm phút dành cho mẹ

・Giữ tình cảm hoà thuận giữa vợ và chồng 

Tương tự như điều trên, mối quan hệ giữa bố và mẹ có sức ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển tâm hồn và nhân cách của trẻ. Một em bé được nuôi dạy trong môi trường bố mẹ hoà thuận khi lớn lên sẽ có cách hành xử khác với trẻ hàng ngày phải chứng kiến bạo lực và cãi nhau của bố mẹ. Thậm chí cũng đã có những nghiên cứu khoa học chỉ ra sự chênh lệch điểm số IQ giữa hai nhóm được nuôi dạy trong hai môi trường khác nhau trong giai đoạn đầu đời khi bước vào độ tuổi đi học. 

Vậy nên, trong đời sống hàng ngày, mẹ hãy nên khoan dung và tiết chế cảm xúc của mình trước mặt trẻ. Nếu thực sự phải xảy ra tranh cãi thì sau đó, hãy để trẻ biết được cách bố mẹ hoà giải dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Chỉ có vậy, trẻ mới không bị phát triển lệch lạc về tinh thần và hoà khí gia đình cũng luôn giữ được ở mức ổn định. 

・Luôn biết khen ngợi con đúng cách 

Khen ngợi vẫn luôn là một cách có sức động viên tinh thần lớn, không chỉ đối với trẻ nhỏ mà còn đối với cả người lớn. Tuy nhiên, khen ngợi phải như thế nào thì mới có thể tạo được động lực khiến trẻ luôn hăng hái với mọi hoạt động? 

Theo bài khảo sát với 200 học sinh ưu tú của cô Mrs. Pumpkin, thì các em có phần đông nhận định rằng hồi nhỏ từng được bố mẹ khen rất nhiều, nhưng chưa bao giờ cảm thấy áp lực, mà sau đó chỉ cảm thấy thật sự là muốn làm gì đó. 

Đây chính là điểm mấu chốt trong việc khen ngợi con đúng cách. Theo đó, mẹ nên khen ngợi con một cách cụ thể, tuỳ vào từng trường hợp, chứ không nên chỉ khen ngợi chung chung. Ví dụ, chắc chắn việc khen ngợi con khi con làm được một việc mà trước đây không làm được sẽ khác việc khen ngợi khi con đạt được điểm cao, , hoặc việc con đã nghiêm túc và cố gắng giải được bài tập về nhà. Thậm chí, khi con không đạt được mục tiêu như ban đầu đưa ra thì việc khen ngợi những nỗ lực cũng rất quan trọng để con có thể bắt tay vào các thử thách mới. 

・Truyền tải tình yêu vô điều kiện tới con qua lời nói và hành động 

Điều cuối cùng, đơn giản nhưng vô cùng quan trọng đó chính là việc mẹ có thể truyền tải tình yêu của bản thân mình tới trẻ. Mẹ hãy để trẻ được biết được tầm quan trọng của bản thân mình, sự ý nghĩa của việc mình được ra đời cũng như tình yêu vô điều kiện của mẹ với trẻ. 

Không phải “nếu con đạt được điểm 10 trong bài thi sắp tới thì mẹ sẽ yêu con”, lại càng không phải vì “con là bé ngoan nên bố mẹ yêu con”, mà nên là “bố mẹ yêu con và sẽ bảo vệ con trong mọi hoàn cảnh”. Việc trẻ được lớn lên trong sự bao bọc của bố mẹ có ý nghĩa không chỉ khi trẻ còn nhỏ, khi trí não và thể chất đang phát triển, mà kể cả khi trẻ lớn lên và bước ra ngoài xã hội thì việc biết rằng mình có hậu phương vững chắc từ bố mẹ và gia đình sẽ giúp trẻ tự tin và vững tâm hơn rất nhiều. 

Vậy nên ngay từ hôm nay, mẹ hãy truyền tải tình yêu của mình tới trẻ thông qua cả lời nói lẫn hành động nhé! 

phuong-phap-giao-duc-hang-dau
Phương pháp giáo dục con hàng đầu (Ảnh minh hoạ)

Lời kết

Sinh ra một đứa trẻ tốn không chỉ về tài chính, tiền bạc mà cần rất nhiều tinh thần và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mẹ. Việc trẻ trở thành người như thế nào trong xã hội tương lai, rất cần tới sự định hướng của mẹ. Trẻ mới sinh ra chỉ như một tờ giấy trắng, việc mẹ viết gì sẽ quyết định tương lai trẻ trở thành người như thế nào. Cả hai điều trên đều đúng với hơn 200 học sinh ưu tú đến từ các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản do nhà giáo dục học, cô Mrs. Pumpkin đã thực hiện trong bài nghiên cứu của mình. 

Theo đó, để có thể chuẩn bị cho tương lai của chính con mình, trở thành các nhà lãnh đạo tài giỏi thì có bảy kỹ năng, mẹ cần nắm rõ để bồi dưỡng cho trẻ ngay trong giai đoạn trước khi đến trường là:: 

Kỹ năng 1: Tính tự chủ. 
Kỹ năng 2: . Xây dựng tầm nhìn về bản thân của trẻ
Kỹ năng 3:  Sự kiên cường quyết tâm không bỏ cuộc 
Kỹ năng 4: Khả năng giao tiếp tạo dựng lòng tin
Kỹ năng 5: Lòng khát khao được khám phá tri thức 
Kỹ năng 6:  Khả năng học hỏi ngoài tri thức
Kỹ năng 7: Tấm lòng nhân hậu với xung quanh

※ Bài viết có sử dụng thông tin trong cuốn “Phương pháp giáo dục trẻ hàng đầu”, tên tiếng Nhật là 「一流の子育て」của hai tác giả Moogwi Kim và Miss Pumpkin 

Link giới thiệu sách: Amazon (Nhật Bản)