Dạy con kỹ năng giao tiếp là một trong những mục tiêu hàng đầu trong công việc nuôi dạy con của mẹ. Làm thế nào để con có thể tự tin trong giao tiếp? Dẫu biết rằng, giao tiếp là khả năng tự nhiên của con người và bất cứ ai trên thế gian này khi được sinh ra đều được ban tặng khả năng sử dụng ngôn ngữ. Tuy nhiên, theo cô Takatori Shizuka, nhà sáng lập ra “Kotoba Camp”, tạm dịch là “Trại hè ngôn ngữ” thì khả năng giao tiếp của trẻ, cũng giống các năng lực khác, cần có thời gian rèn luyện và trưởng thành. Và trường học đầu tiên dạy trẻ kỹ năng giao tiếp chính là gia đình và người thầy đầu tiên không ai khác, chính là mẹ.

Website giới thiệu dự án Kotoba Camp của cô Takatori Shizuka: http://kotobacamp.com/greeting/

Kỹ năng giao tiếp ở trẻ theo cô Takatori Shizuka định nghĩa, không chỉ dừng lại ở mức phát âm được từ ngữ mà còn phải là khả năng nghe hiểu, hấp thu và phân tích ý kiến của người xung quanh, tổng hợp và truyền tải được suy nghĩ cá nhân, sao cho không làm tổn hại tới đối phương và có thể tổng hòa được ý kiến tất cả ý kiến chung. 

Để có thể đạt được mục tiêu trên thì việc giao tiếp giữa mẹ và trẻ là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, theo cô Takatori Shizuka, nếu muốn con phát triển toàn diện khả năng giao tiếp của bản thân, thì trong quá trình tương tác với con, mẹ nên tránh bốn điều dưới đây: 

1. Từ ngữ ra lệnh, cấm đoán 

Hãy thử tưởng tượng, nếu con đang có ý định đưa ra ý kiến của bản thân thì lại bị mẹ hoặc những người xung quanh chỉ trích bằng những từ ngữ cấm đoán, ví dụ “Như vậy là không được”, “Nghe mẹ nói đây này!”, “Đừng có cãi lại mẹ! ” thì con sẽ nghĩ như thế nào?… Trong quá trình nuôi dạy trẻ thì sự nghiêm khắc là cần thiết, nhưng nếu mẹ dùng quá nhiều các từ ngữ cấm đoán đối với trẻ thì lâu dần, ý muốn được nói ra suy nghĩ của bản thân, trao đổi ý kiến với thế giới xung quanh sẽ đóng lại. Trẻ sẽ dần trở nên tự ti về bản thân, lảng tránh các mối quan hệ xã hội, chỉ làm và hành động răm rắp theo những gì mẹ nói một cách thụ động. Điều này rất nguy hiểm vì nó sẽ làm triệt tiêu ý muốn khám phá thế giới ở trẻ. Nếu trẻ không có hứng thú với bất cứ thứ gì,cũng như không muốn thử thách bản thân ở bất cứ lĩnh vực mới nào thì trẻ sẽ không thể phát huy được năng lực vốn có của mình.

2. Bới móc khuyết điểm của con 

Trong quá trình đồng hành cùng với các ông bố và bà mẹ Nhật, cô Takatori Shizuka có nhận những phản hồi tiêu cực về thái độ hợp tác của các con. Và khi xem lại các đoạn video được ghi từ phía các gia đình, cô Takatori nhận ra vấn đề nằm ở chính bậc phụ huynh chứ không phải trẻ.

Ví dụ từ một gia đình có ba đứa trẻ. Sau khi đi học về thì mọi sinh hoạt diễn ra hết sức bình thường. Bọn trẻ ăn cơm, tắm giặt và học bài. Tuy nhiên khi tới phần kiểm tra bài tập về nhà thì bà mẹ lại không ngớt đưa ra những chỉ trích như “Phần này mới chỉ được một nửa”, “Phần này lại bị bỏ dở” … 

Cô Takatori cho rằng điều này thật sự là không tốt với trẻ, khi bản thân đã cố gắng mà mẹ lại chỉ toàn nhìn và chỉ ra những khuyết điểm. Thay vào đó, mẹ nên sử dụng lối nói khác thể hiện mình đã chấp nhận nỗ lực của con, ví dụ như “Chỗ này con làm được một nửa rồi à? Cố gắng một chút nữa là hoàn thành đó con!”, hay “Chỉ còn đúng một chỗ bị bỏ dở, con mẹ đã thật cố gắng! Lần sau cố thêm chút nữa con nhé! ” 

Vậy nên, trong quá trình đồng hành cùng con, mẹ nên khen con và đưa ra những điểm tốt, những điểm con đã thực sự cố gắng, chứ không nên bới móc khuyết điểm của con. 

day-con-ky-nang-giao-tiep

3. Suy nghĩ, đánh giá quá mức

Giáo dục theo truyền thống cô gọi và trò trả lời đã có xu hướng tạo ra các em bé thích được khen và sợ bị sai. Vậy nên trước khi trẻ muốn nói gì đó là lập tức các suy nghĩ tiêu cực kéo đến “Liệu mình làm thế này có bị sai không? ”. Cộng thêm việc khi về nhà, trẻ lại nhận các áp lực từ phía gia đình “Con không được nói như thế này nghe chưa”, “Con làm thế này là sai rồi, phải làm thế này này!”. Chính vì bị các tác động tiêu cực liên tục mà việc trẻ im lặng, hoặc không muốn chia sẻ suy nghĩ cá nhân trở thành một việc không hiếm ở xã hội hiện nay. 

Vậy nên hãy để cho con được nói ra suy nghĩ của mình và đừng đặt nặng quá mức về việc phải đánh giá đúng và sai trong quá trình dạy con giao tiếp mẹ nhé!  

4. Nói tranh hết phần của con 

Điều cần tránh cuối cùng trong quá trình dạy trẻ giao tiếp là việc mẹ không chờ trẻ đưa ra câu trả lời mà đã trả lời thay trẻ. Nếu việc này cứ liên tục tiếp diễn, trẻ sẽ từ bỏ ý định đưa ra câu trả lời của mình, hạn chế giao tiếp và hậu quả là khả năng giao tiếp của trẻ sẽ bị chết dần mòn. 

Vậy nên mẹ hãy đứng vào hoàn cảnh của con và suy nghĩ tại sao con lại nói chậm rãi như vậy? Ngay cả người lớn cũng có những lúc đưa ra câu trả lời chậm vì không muốn làm tổn hại đối phương có đúng không? 

Với tư cách là người dẫn đường trong quá trình dạy con kỹ năng giao tiếp, mẹ không nên nói thay phần trẻ. Thay vào đó, mẹ nên đưa ra các tình huống để trẻ có cảm giác là mình muốn nói thử, muốn được làm thử, từ đó luyện tập được các khả năng truyền đạt suy nghĩ của bản thân tới đối phương. 

5. Lời kết

Vai trò của mẹ, người thầy đầu tiên trong cuộc đời trẻ là đặc biệt quan trọng. Trong giai đoạn phát triển hoàn thiện bản thân, trẻ luôn cần có sự yêu thương của bố mẹ để xây dựng tính tự tin. Nếu trẻ luôn có cảm giác “Mình luôn được bố mẹ bảo vệ”, “Bố mẹ luôn lắng nghe mình cẩn thận”, “Cho dù có chuyện gì xảy ra thì bố mẹ cũng luôn là đồng minh của mình” thì sự tự tin trong trẻ được gia tăng, trẻ sẽ tự mình truyền tải được những gì mình suy nghĩ tới thế giới xung quanh theo cách tốt nhất. 

※ Bài viết có sử dụng thông tin của cuốn “Nuôi dưỡng năng lực giao tiếp ở trẻ”, tên tiếng Nhật là 「「ことば力」のある子は必ず伸びる! 」của tác giả Takatori Shizuka. 

Link giới thiệu sách: Amazon Nhật Bản

Xem thêm: Phương pháp dạy con đúng cách của người Nhật