Cách nuôi dạy trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi chắc chắn là vấn đề mà không ít bố mẹ băn khoăn, đặc biệt với các bố mẹ nuôi con lần đầu. Làm thế nào để có thể nuôi con khoẻ manh mà vẫn có thể từng bước giúp trẻ phát triển và hoàn thiện khả năng của bản thân? 

Vậy cách nuôi dạy trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi là như thế nào cho phù hợp? Nếu mẹ có băn khoăn như trên thì hãy tham khảo bài viết dưới đây, có sử dụng thông tin trong cuốn “Phương pháp giáo dục con thông minh” của thầy Shichida nhé. 

※ Bài viết có sử dụng thông tin trong cuốn “Phương pháp giáo dục con thông minh”, bản gốc tiếng Nhật là 「賢い子供の育て方」của giáo sư Shichida Makoto.

1. Từ mới sinh tới 1 tháng tuổi 

Giai đoạn đầu tiên trong cách nuôi dạy trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi là giai đoạn từ lúc lọt lòng cho tới 1 tháng tuổi. Thầy Shichida cho rằng giai đoạn này là giai đoạn hình thành và đánh thức khả năng sinh tồn, thích nghi của trẻ. Bởi lẽ đây là giai đoạn trẻ tạm biệt với môi trường trong tử cung ẩm ướt, tối tăm nhưng ấm áp và an toàn của mẹ để bước ra một thế giới mới. Vậy nên việc đầu tiên trong công cuộc dạy dỗ trẻ sơ sinh mà mẹ cần phải biết đó chính là giúp trẻ hình thành nên một nếp sinh hoạt. 

Thời gian đầu có thể rất khó vì trẻ dành tới 85-90% thời gian trong ngày của mình để ngủ. Thời gian thức còn lại của trẻ hầu như rất ít. Tuy nhiên mẹ đừng nản chí mà hãy dùng những khoảng thời gian ngắn ngủi với bé để trò chuyện và massage cơ thể bé thật nhẹ nhàng. 

Tất nhiên có rất nhiều mẹ quan tâm tới giáo dục sớm, muốn tìm hiểu xem dạy con cái gì, cho con nghe cái gì để thông minh, tuy nhiên thầy Shichida nhấn mạnh rằng, trong giai đoạn đầu đời này, việc mẹ cần làm là chỉ cần chú ý tới môi trường sinh hoạt cho trẻ

Cụ thể, mẹ có thể làm các điều dưới đây với trẻ dưới 1 tháng tuổi: 

1. Dạy cho trẻ biết phân biệt ngày đêm
2. Massage và trò chuyện nhẹ nhàng với trẻ 
3. Chuẩn bị một không gian ngủ yên tĩnh và ấm áp cho trẻ
4. Cho con mặc quần áo phù hợp với thời tiết
5. Luôn để không khí trong phòng được lưu thông, thoáng đãng 
6. Thay tã cho trẻ thường xuyên 
7. Luôn ở bên trẻ những lúc trẻ cần (Ví dụ khi con khóc thì không nên bỏ mặc con)
8. Đảm bảo nhu cầu ăn uống đầy đủ cho trẻ 

Những điều trên tuy đơn giản nhưng lại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với trẻ. Bởi lẽ trẻ vừa mới trải qua thử thách vượt cạn cùng mẹ để đến với thế giới nên bản thân trẻ cũng cần thời gian để làm quen và thích nghi. Vậy nên, thay vì cho con nghe nhiều loại nhạc để phát triển trí thông minh thì mẹ hãy để trẻ được ngủ đủ giấc, trong một môi trường ấm áp, yên tĩnh thì sẽ tốt hơn rất nhiều. 

Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn mẹ hồi sức sau sinh, nên ngoài trẻ thì mẹ cũng phải chú ý tới sinh hoạt và dinh dưỡng của bản thân nữa nhé! 

2. Từ 1 tháng tuổi tới 2 tháng tuổi

Theo lẽ thông thường, trẻ sơ sinh sẽ ngủ phần lớn thời gian có trong ngày. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng với mọi trẻ. Trẻ cũng là một cá thể của xã hội, nên sẽ có những đặc tính riêng biệt. Vậy nên cũng không có gì là hoàn toàn lạ nếu thời gian ngủ của trẻ là khác nhau. 

Nếu mẹ thấy con ngủ ngắn hơn bé nhà hàng xóm thì mẹ nên quan sát phản ứng và thái độ khi thức của trẻ. Trẻ ngủ ngắn nhưng tinh thần luôn thoải mái, ăn chơi đầy đủ và không ảnh hưởng tới sự phát triển thì sẽ không là vấn đề quá nghiêm trọng. 

Trong giai đoạn này trẻ đã có thể nghe được tiếng mẹ, cũng như tiếng của mọi người xung quanh nên bé sẽ rất thích được nghe mẹ nói chuyện. Thậm chí bé sẽ có thể khóc chỉ để lôi kéo sự chú ý của mẹ. Chính vì điều này, trong giai đoạn này, mẹ hãy vẫn giữ thói quen tới bên trẻ hoặc bế trẻ nếu trẻ cần. Mục đích của việc này là trấn an trẻ, giúp trẻ hình thành cảm giác an toàn khi có mẹ ở bên. 

Một điều nữa liên quan tới thị giác của trẻ là trẻ trong giai đoạn sau 1 tháng đã có thể nhìn thấy đồ vật xung quanh một cách rõ ràng hơn trước lúc sinh ra. Vậy nên, để tránh làm trẻ nhàm chán, cũng như tăng cường khả năng vận động cho trẻ thì mẹ có thể cho trẻ chơi trò nằm sấp

cach-nuoi-day-tre-tu-0-den-6-thang-tuoi
Nằm sấp hợp lý giúp trẻ mở rộng tầm nhìn

Nằm sấp trong tư thế ngẩng cao đầu giúp trẻ có thể nhìn được đồ vật xung quanh, mở rộng tầm nhìn của đôi mắt. Tuy nhiên mẹ nên nhớ chỉ để trẻ nằm sấp trên giường hoặc mặt phẳng có độ cứng. Tránh lúc trẻ ăn no, hoặc tránh để trẻ nằm sấp trên đệm mềm vì dễ gây ngạt thở cho trẻ. 

Trong giai đoạn này, mẹ cũng có thể làm một bài kiểm tra thính giác nhỏ. Cụ thể là mẹ dùng một cái chuông, đặt hơi gần trẻ và rung trong khoảng 30 giây. Nếu trẻ hướng mặt về chỗ có âm thanh thì là bình thường còn nếu không thì mẹ cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán bệnh trong thời gian sớm nhất. 

3. Từ 2 tháng tuổi tới 3 tháng tuổi 

Tiếp theo trong cách nuôi dạy trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi đó là giai đoạn từ 2 tháng tuổi tới 3 tháng tuổi. Trong giai đoạn đầu đời này, trẻ sẽ dần dần phát triển hoàn thiện các giác quan của mình. Vì vậy, việc mẹ phải chú ý tới sự phát triển ngũ quan cho trẻ là điều nên làm. 

Sự phát triển của ngũ quan có vai trò rất quan trọng với sự hấp thu kiến thức của trẻ. Thử lấy ví dụ về thính giác như bài kiểm tra trên. Nếu trẻ có vấn đề về thính giác thì đương nhiên việc học ngôn ngữ của trẻ sẽ có vấn đề, bị chậm lại vì trẻ không được nghe âm thanh của ngôn ngữ một cách chuẩn hoá.

Và đặc biệt, mẹ cũng không được để trẻ tiếp cận với tivi trong giai đoạn này. Cho dù con có tỏ ra là hứng thú với tivi, muốn xem tivi đi chăng nữa, thì mẹ cũng không nên để cho trẻ xem. Lý tưởng nhất là tivi và các thiết bị điện tử chỉ nên được giới thiệu với trẻ sau khi trẻ được 3 tuổi. Và cũng chỉ cho xem trong thời gian có giới hạn vừa phải. 

cach-nuoi-day-tre-tu-0-den-6-thang-tuoi
Không nên cho trẻ xem tivi trong giai đoạn quá sớm

Âm nhạc luôn là thứ mang lại kích thích tốt tới trẻ, tuy nhiên mẹ cũng cần phải để ý để tránh lạm dụng. Đặc biệt là những âm thanh chói tai, gây hoang mang, giật mình cho trẻ. Và cho dù có là âm nhạc gì đi chăng nữa, thì đối với trẻ, giọng nói của mẹ vẫn luôn là âm thanh dễ chịu nhất. 

Nếu mẹ có khiếu âm nhạc, mẹ có thể hát cho con nghe ngay từ những ngày mang bầu (tam cá nguyệt cuối cùng), hoặc cho trẻ nghe những âm nhạc du dương nhẹ nhàng cùng mẹ. 

Giai đoạn này, tuy trẻ đã có thể ở một mình sau khi tỉnh giấc một cách ngoan ngoãn. Tuy nhiên mẹ không nên để trẻ một mình quá lâu mà hãy trò chuyện và massage nhẹ nhàng cho trẻ khi trẻ tỉnh giấc. 

cach-nuoi-day-tre-tu-0-den-6-thang-tuoi
Hàng ngày nên đánh thức con bằng giọng nói ngọt ngào của mẹ

Và điều cuối cùng, trẻ đã có thể giao tiếp bằng tiếng khóc ở giai đoạn 2 tháng này. Trẻ có thêm rất nhiều nhu cầu ngoài ăn và ngủ như trước nên mẹ phải học cách nghe và phân biệt tiếng khóc của trẻ, tránh làm trẻ bực bội vì phải khóc quá lâu. Quy tắc trong giai đoạn này là hãy luôn ở bên trẻ khi trẻ cần. 

4. Từ 3 tháng tuổi tới 4 tháng tuổi 

Từ tháng thứ 3 tới tháng thứ 4 thì ở hầu hết các trẻ, cổ đã vững. Trong giai đoạn này nếu mẹ đỡ trẻ thì trẻ đã có thể ngồi được.

Đối với trẻ từ 3 tới 4 tháng tuổi, chỉ cần mẹ tinh ý một chút là có thể hiểu và đoán được tâm trạng của trẻ, khi nào trẻ vui, khi nào thì buồn. Và thậm chí có một vài em bé, nếu nhanh thì đã có thể bi bô những ngôn từ trẻ con, dường như muốn bắt chuyện với mẹ. 

Từ tháng thứ 3 cũng là giai đoạn mà trẻ phát triển ngôn ngữ thông qua thính giác, đặc biệt trẻ có thể nghe và phân biệt được mọi âm thanh ở xung quanh. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì âm thanh trẻ thích nghe nhất vẫn là giọng của mẹ

cach-nuoi-day-tre-tu-0-den-6-thang-tuoi
Giọng nói của mẹ có tác dụng trấn an trẻ, giúp trẻ bình tĩnh

Điểm mấu chốt trong sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ chính là khả năng nghe và hấp thụ âm thanh từ thế giới bên ngoài. Vậy nên, khi ở bên bé, mẹ hãy nói năng rõ ràng, từng từ từng câu để trẻ có thể dễ dàng nghe và bắt chước. Điều này rất quan trọng trong việc hình thành nên khả năng giao tiếp của trẻ về sau. 

Giai đoạn 3 tháng tuổi tuy không phải là quá sớm nhưng cũng là khoảng thời gian rất đẹp để mẹ cho trẻ làm quen với sách tranh (tiếng Nhật gọi là Ehon). Những màu sắc trong truyện giúp kích thích thị giác của trẻ, giúp trẻ tăng khả năng tập trung và vốn từ vựng về sau. 

Tuy 3 tháng trẻ vẫn còn khá nhỏ để bắt đầu như nhiều mẹ nghĩ, nhưng thầy Shichida cho rằng, việc mẹ đọc sách hàng ngày cho trẻ, trong một khoảng thời gian ngắn sẽ góp phần tạo nên một em bé ham đọc sách, yêu con chữ về sau. 

kid-books
Mỗi ngày chỉ cần ba phút, chia làm 3 lần là đủ với trẻ

Và giai đoạn này, mẹ cũng nên nhớ là đã hết thời kỳ ôm con khi con khóc. Hãy nên nhớ rằng, mẹ phải gây dựng được cho con tính tự lập từ nhỏ. Nói thế không có nghĩa rằng, mẹ bỏ mặc kệ con khóc, mà bắt đầu từ tháng thứ 3, mẹ phải phân biệt tiếng khóc của con. Có những lúc con không có nhu cầu gì cả và mẹ đã chắc chắn loại bỏ những tác nhân gây khó chịu cho con thì việc để cho con khóc một chút trước khi bế lên, cũng có tác dụng trong việc tạo lập một em bé không làm nũng về sau. 

Đọc thêm: Trẻ ba tháng tuổi biết làm gì?

5. Từ 4 tháng tuổi tới 5 tháng tuổi 

Tiếp theo trong cách nuôi dạy trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi. Bé con trong giai đoạn từ 4 tới 5 tháng tuổi đã có thể ngồi vững và đưa tay ra với những thứ đồ chơi mình thích. Để tập cho con cảm giác an tâm vì luôn có mẹ ở bên, mẹ có thể chơi trò ú oà với con. 

Trò chơi ú oà chỉ là trò chơi dân gian khi mẹ từ giấu mặt mình đi khoảng 10-15 giây và sau đó nói “Oà” với trẻ. Trò chơi này nhìn qua thì rất đơn giản nhưng nó lại có ý nghĩa đặc biệt với trẻ. Tại sao lại như vậy? 

Việc mẹ giấu mặt sau lòng bàn tay ngụ ý là mẹ không ở đây nữa, nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn mẹ lại quay lại. Điều này có nghĩa là “dù không có mẹ một lúc, con vẫn sẽ ổn. Mẹ sẽ quay lại với con ngay”. Trò chơi ú oà giúp phát triển được lòng tin giữa mẹ và trẻ rất nhiều. 

Trong giai đoạn này, khả năng vận động của trẻ đã được phát triển một cách đáng kể. Cụ thể là trẻ sẽ muốn sờ, ném, đánh, vẫy hoặc làm đủ mọi hoạt động trẻ có thể làm được với đồ chơi mình có. Nếu trong giai đoạn này, mẹ luôn cấm đoán trẻ vì sợ nguy hiểm hoặc hỏng đồ thì tương lai sẽ hình thành nên một em bé không có cảm hứng muốn học hỏi hoặc bắt tay làm bất cứ chuyện gì. 

kids-toys
Nên để trẻ tiếp xúc với nhiều đồ vật trong giai đoạn này

Vậy nên, trong giai đoạn trẻ đang học khám phá thì nếu được, mẹ hãy cho trẻ cơ hội được khám phá, chơi đùa trong phạm vi an toàn nhất có thể nhé. 

Một điều nữa, trẻ trong giai đoạn này cũng đã bắt đầu hóng chuyện và đáp lại lời nói của người đối diện. Nói ngắn gọn là trẻ đã có thể phân biệt được đâu là người lạ và đâu là người quen. Vậy nên, nếu trong thời gian này, mẹ đưa trẻ ra bên ngoài và tiếp xúc với môi trường xung quanh thì chắc chắn tương lai sẽ xây dựng một em bé có khả năng giao tiếp tốt. 

Ngoài ra, để giúp trẻ tăng vốn từ, mẹ hãy luôn giữ vững thói quen trò chuyện với trẻ. Chỉ cần một hành động đơn giản là bế trẻ đi quanh nhà và nói chuyện về các thứ đồ vật, gọi tên từng đồ vật cũng có tác dụng kích thích trí tò mò muốn tìm tòi của trẻ. 

6. Từ 5 tháng tuổi tới 6 tháng tuổi 

Tới tháng thứ 5 thì thính giác của trẻ đã phát triển rất nhanh nhạy nên ngoài ngôn ngữ, giọng nói của người, mẹ có thể cho trẻ nghe âm nhạc hoặc âm thanh của các loại nhạc cụ. Lý tưởng nhất là mẹ có thể hát cho con nghe một ngày một lần nếu mẹ có chút tự tin về giọng ca của mình. 

Thời kỳ này cũng là thời kỳ lý tưởng để mẹ cho trẻ nghe những bản nhạc nổi tiếng như nhạc cổ điển, nhạc thính phòng nhằm giúp trẻ hình thành năng khiếu âm nhạc từ ngay khi còn nhỏ. Thời kỳ này trẻ nhạy cảm về âm thanh tới mức có những bé dù không có nhu cầu gì nhưng cũng tự khóc để nghe âm thanh của bản thân mình. Vậy nên như ở trên đã nói, mẹ phải có khả năng nghe và phân biệt tiếng khóc của trẻ. 

kids-music
Nên để trẻ được tiếp xúc với âm nhạc sớm

Mẹ cũng không sợ trẻ xa mẹ sẽ bị tự kỷ hoặc trở nên thiếu thốn tình cảm. Thực tế ra trẻ rất thông minh, thông minh hơn người lớn tưởng tượng về trẻ rất nhiều. Nên khi nếu mẹ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ, luôn vỗ về an ủi trẻ, truyền những tình cảm tới trẻ qua giọng nói thì việc trẻ bị tự kỷ hoặc bị bệnh thần kinh là chắc chắn không có. 

Thậm chí, thời kỳ 5 tháng tuổi cũng đã có những trẻ chuẩn bị đi học mẫu giáo nên việc mẹ rèn cho trẻ tính tự lập, xa mẹ là điều hoàn toàn nên làm. 

Và một kỹ năng nữa không thể thiếu trong giai đoạn này đó chính là việc cai sữa để chuẩn bị ăn dặm. Bởi lẽ sữa mẹ đã không còn đủ cho sự phát triển thể chất của trẻ, cũng như bắt đầu từ tháng thứ 5 thì vị giác của trẻ bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Vậy nên, việc cho trẻ thưởng thức nhiều loại thức ăn có nhiều mùi vị trong thời kỳ này là cực kỳ khuyến khích cho mẹ. 

7. Lời kết

Trên đây là lời khuyên, các việc mẹ nên làm trong cách nuôi dạy trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi để có thể vừa giúp trẻ làm quen với thế giới bên ngoài một cách nhanh chóng mà vừa có thể phát triển được các kỹ năng cần thiết như ngôn ngữ, giao tiếp, ngũ quan… 

Nuôi con dường như là một hành trình bất tận nhưng nếu mẹ kiên trì, luôn dành tình yêu thương tới trẻ thì chắc chắn trẻ và mẹ sẽ có những năm tháng không thể nào quên. 

※ Bài viết có sử dụng thông tin trong cuốn “Phương pháp giáo dục con thông minh”, bản gốc tiếng Nhật là 「賢い子供の育て方」của giáo sư Shichida Makoto. 

Link giới thiệu sách: Amazon (Nhật Bản)