Cách dạy con học tiếng anh từ nhỏ: Trong thế giới hội nhập hiện nay, tiếng Anh là một ngôn ngữ không thể thiếu và với tình hình tài chính ngày càng cải thiện, hiện nay độ tuổi bắt đầu học tiếng Anh có xu hướng trẻ hoá. Nhiều gia đình cho trẻ cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh ngay từ khi mới chỉ có khả năng bập bẹ nói tiếng Việt. Việc dạy trẻ tiếng Anh từ sớm có thực sự là tốt? Liệu trẻ có bị loạn ngôn khi lớn lên không? Độ tuổi nào là cần thiết để trẻ bắt đầu học tiếng Anh? Dạy trẻ học tiếng Anh nên theo trình tự như thế nào để phù hợp với sự phát triển của não trẻ, chắc hẳn vẫn là những câu hỏi mà nhiều mẹ thắc mắc. 

Bài viết dưới đây có sử dụng thông tin trong hai cuốn “Dạy trẻ tiếng Anh vượt trên phương pháp thông thường ” và “Hội thoại tiếng Anh cho trẻ 0 tuổi” của thầy Shichida (Nhật Bản), hy vọng sẽ giúp mẹ có kiến thức liên quan tới sự phát triển của não trẻ cũng như phương pháp cùng trẻ đồng hành với tiếng Anh trong giai đoạn đầu đời. 

1. Trẻ cần phải được học tiếng Anh càng sớm càng tốt  

Hy vọng tiêu đề của phần một đã giúp mẹ có câu trả lời cho thắc mắc “Nên bắt đầu dạy con học tiếng Anh từ khi nào?”. Thực tế ra, trẻ nên được tiếp xúc với ngoại ngữ (không chỉ tiếng Anh) càng sớm càng tốt, hiệu quả nhất là từ khi trẻ vẫn còn nằm trong bụng mẹ, đặc biệt là trong ba tháng cuối của thai kỳ

Chắc hẳn rất nhiều mẹ ngạc nhiên khi nghe điều này bởi theo quan niệm thông thường thì thai nhi chỉ biết ngủ và chơi chứ không thể học tập như một người trưởng thành. Tuy nhiên, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thai nhi đã có thể tương tác được với mẹ, nhận và đáp trả các kích thích từ bên thế giới bên ngoài ngay từ những tháng cuối thai kỳ, trước khi chào đời. Và âm thanh chính là một trong số các kích thích cần phải kể đến. 

Âm thanh truyền trong tự nhiên theo các phân tử không khí đi từ nơi bắt nguồn ra âm thanh tới tai con người và được truyền tới não bộ để phân tích về mặt ý nghĩa. Tuy nhiên, đối với thai nhi còn nằm trong bụng mẹ thì trẻ sẽ nghe âm thanh dựa vào những vọng âm trong cơ thể mẹ. Chính những vọng âm này giúp trẻ hình thành được  lưới lọc âm thanhđầu tiên trong cuộc đời mình. Lưới lọc âm thanh này có tác dụng rất quan trọng trong việc giúp trẻ học ngoại ngữ mới về sau. 

Tại sao như vậy? Hãy cùng nhau phân tích một chút về mặt ý nghĩa, chức năng và cấu tạo của tai cũng như não trẻ trong giai đoạn đầu đời này. 

Bất kỳ một ngoại ngữ nào khi bắt đầu học, đều phải bắt đầu từ kỹ năng nghe. Trẻ nghe được âm chuẩn, hiểu được đúng nghĩa thì sẽ tự nhiên có thể nói được. Đây chính là điểm khác biệt rất lớn so với người lớn khi học ngôn ngữ. Trẻ nhỏ học ngôn ngữ mẹ đẻ, và bất kì một ngôn ngữ nào khác đều bắt đầu từ khả năng nghe, thính giác chứ không phải nhìn, thị giác như người lớn. 

Thai nhi cũng vậy. Âm thanh truyền trong tự nhiên tới mẹ, thông qua các phần tử không khí, bộ phận thính giác của mẹ tiếp nhận âm thanh nhưng thai nhi lại nhận được âm thanh thông qua các tiếng vọng từ hệ thống xương của mẹ. Những tiếng vọng âm thanh này truyền tới tai giữa của thai nhi, giúp xương búa và xương bàn đạp hoạt động. Xương búa hoạt động giúp tạo âm thanh, truyền tới màng nhĩ và giúp màng nhĩ chuyển động. Sự chuyển động của màng nhĩ phụ thuộc rất nhiều vào loại âm thanh trẻ nhận được.

Và một điều quan trọng cần phải kể đến trong chu trình này đó chính là, sự chuyển động của màng nhĩ hay những đáp trả của thai nhi về mặt âm thanh  trong giai đoạn này có liên quan tới sự hoạt động của thanh quản. Trong giai đoạn này, với những âm thanh mà thai nhi đã từng nghe thì thanh quản sẽ tự chuẩn bị một cơ chế phản xạ âm thanh cộng hưởng. Điều đó có nghĩa là, nếu thai nhi có cơ hội được nghe ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc ngoại ngữ trong giai đoạn trước khi chào đời thì bản thân trong thai nhi đã tiếp nhận và chuẩn bị sẵn một cơ chế để có thể phát âm được ngôn ngữ đó sau khi sinh ra. 

Đây chính là lý do vì sao, thầy Shichida khuyên mẹ nên cho trẻ nghe tiếng Anh hoặc bắt đầu học tiếng Anh từ trước khi chào đời. 

2. Bước sóng âm thanh của từng ngôn ngữ 

Mẹ có biết, bước sóng âm thanh của từng ngôn ngữ là khác nhau. Mẹ hãy nhìn vào biểu đồ dưới đây: 

cach-day-con-hoc-tieng-anh-tu-nho
Bảng tần số của các ngôn ngữ

Tiếng Anh là ngôn ngữ có bước sóng khá cao, khoảng 2000Hz tới 12000Hz trong khi các ngôn ngữ như tiếng Nhật, tiếng Đức lại có bước sóng khá thấp, khoảng 125Hz tới 1000Hz. Trong khi tiếng Nga lại có bước sóng trải đều, từ thấp đến cao, tuỳ từng âm sắc. 

Vậy làm thế nào mà trẻ nhỏ, đặc biệt là thai nhi có thể phân biệt được những bước sóng này? 

Câu trả lời chính là “Thời điểm nhạy cảm về âm thanh”. Thời điểm nhạy cảm về âm thanh của trẻ, theo đúng tên gọi, chính là thời điểm mà khu vực thính giác của trẻ phát triển mạnh mẽ và rất nhạy cảm về mặt âm thanh. Giai đoạn nhạy cảm này chỉ kéo dài từ năm 0 tuổi tới năm 6 tuổi, và trẻ càng nhỏ thì độ nhạy cảm lại càng cao . 

Các mẹ có thể tham khảo bảng thông tin dưới đây, kết quả nghiên cứu của giáo sư Kinoshita của trường đại học Y khoa Jikei (tên tiếng Nhật: 東京慈恵会医科大学) về thí nghiệm ròng rã trong 4 năm trên các trẻ ở độ tuổi từ 3 tới 7 tuổi về độ nhạy cảm với âm thanh. 

Cách dạy con học tiếng anh từ nhỏ

Theo như kết quả trên thì nếu lấy trẻ 5 tuổi là mốc với năng lực cảm thụ âm thanh là mức 1 thì trẻ 3 tuổi sẽ gấp 3 lần, còn trẻ 7 tuổi thì gần như là bằng 0. 

Nghiên cứu đã chỉ ra kết luận rằng, trẻ sau 6 tuổi thì năng lực âm thanh đã hoàn thiện gần như người trưởng thành nên sự phát triển về năng lực cảm thụ âm thanh sẽ bị chững lại. Vậy nên, nếu muốn phát triển năng lực âm thanh của trẻ thì tốt nhất nên thực hiện trong giai đoạn từ 0 tới 6 tuổi. 

3. Sự phát triển của não bộ trong dạy con học tiếng Anh 

Không chỉ bộ phận âm thanh, mà ngay cả não trẻ cũng có những phát triển thần kỳ trong giai đoạn từ 0 tới 6 tuổi. Nếu mẹ có thể nắm được từng bước phát triển của não trẻ thì bản thân người mẹ sẽ chủ động được lộ trình dạy trẻ, có được các bài luyện tập phù hợp với sự phát triển của trẻ, giúp trẻ nắm được tiếng Anh vững vàng từ giai đoạn đầu đời. 

Trong quá trình học ngoại ngữ của trẻ, có một bộ phận đóng vai trò cực kỳ quan trọng mà mẹ cần phải biết, đó chính là hoạt động của khu vực đồi thị. Khi thính giác tiếp nhận âm thanh thì âm thanh đó sẽ được vận chuyển tới não để phân tích. Và trong quá trình vận chuyển đó thì sẽ có một nơi mà tất cả thông tin sẽ được tập trung lại, giao thoa xen kẽ với nhau, và khu vực đó gọi là đồi thị. 

Khu vực đồi thị là nơi giao điểm tập trung tất cả thông tin mà con người tiếp nhận được thông qua ngũ quan (trừ khứu giác). Và khu vực đồi thị này chính là nơi mà não phân tách và loại bỏ thông tin muốn nghe và không muốn nghe

Khu vực này nằm ở khu vực trung não – khu vực trung tâm của não bộ và bắt đầu hoạt động từ khi trẻ vẫn còn là thai nhi. Tiếng Anh hay bất cứ một ngôn ngữ nào cũng là một loại âm thanh, vậy nên việc trẻ nghe, tiếp nhận, hiểu hay phớt lờ, loại bỏ tiếng Anh (hoặc bất cứ một ngôn ngữ nào) là do khu vực đồi thị quyết định.  

Trong phần 2 của bài viết, chúng ta đã bàn tới việc mỗi một ngôn ngữ có một loại bước sóng khác nhau. Và đây chính là vấn đề, khu vực đồi thị này có xu hướng loại bỏ những âm thanh khác so với tần sóng mà nó thường nhận

Vậy nên, nếu âm thanh của một ngoại ngữ có bước sóng hoàn toàn khác lạ so với những âm thanh mà khu vực đồi thị được tiếp nhận trong quá khứ thì khu vực này sẽ loại bỏ hoặc phớt lờ, không tiếp nhận thông tin từ ngoại ngữ đó. Chính vì vậy, làm thế nào để khu vực đồi thị của con có thể tiếp nhận được tiếng Anh chính là một phần trong vấn đề cách dạy con học tiếng Anh từ nhỏ. 

4. Tuần tự phát triển của các mảng não bộ  

Theo giáo sư Kimikatsu Murakami của trường đại học Y khoa Kitasato (tên tiếng Nhật: 北里大学医学部)  thì não người có thể được chia ra làm bốn mảng chính như biểu đồ dưới đây: 

cach-day-con-hoc-tieng-anh-tu-nho
Cách dạy con học tiếng anh từ nhỏ

Trong biểu đồ trên thì khu vực 1 và khu vực 2 thuộc về não phải, còn khu vực 3 và khu vực 4 thuộc về não trái. 

Khu vực 1 và khu vực 4 là phần não có chức năng nhận thức, còn khu vực 2 và khu vực 3 là phần não có chức năng xử lý thông tin. 

Hiểu theo một cách sâu hơn thì chức năng 4 phần sẽ được như liệt kê dưới đây: 

Khu vực 1:  Tiếp nhận hình ảnh → Giúp nhận thức, hiểu sự vật theo một khuôn mẫu, khái quát theo một mảng lớn. 

Khu vực 2: Suy nghĩ dựa vào hình ảnh → Giúp suy nghĩ dựa trên hình ảnh tiếp nhận, hay còn gọi là suy nghĩ song song. Trẻ tiếp nhận một số lượng lớn thông tin và bắt đầu phân tích từng chi tiết. 

Khu vực 3: Suy nghĩ dựa vào từ ngữ →  Giúp suy nghĩ dựa trên từ vựng, ghi nhớ từ ngữ, hiểu ngữ pháp, trật tự câu từ. 

Khu vực 4: Suy nghĩ hội theo theo hướng logic, chuẩn bị truyền đạt ra bên ngoài →  Giúp xây dựng khả năng diễn đạt, truyền đạt suy nghĩ của mình tới đối phương 

Bốn khu vực trên hoạt động như thế nào có ảnh hưởng rất lớn tới năng lực tiếp thu của một con người. 

Người ta thường nói rằng, não bộ con người là bộ phận thần kỳ nhất trên vũ trụ. Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng, con người chỉ có thể phát huy được 10% được tiềm năng vốn có của bộ não của mình. Và những người được gọi là thông minh hay thiên tài không phải người đẻ ra là đã thông minh mà đây là những người có khả năng phát huy được bộ não của mình, kiểm soát được hoạt động của bốn khu vực trên một cách cân bằng, theo hướng tối ưu nhất. 

Vậy bốn khu vực trên ở trẻ nhỏ khi học tiếng Anh thì sẽ hoạt động như thế nào? Và làm thế nào để tối ưu được bốn khu vực trên trong cách dạy con học tiếng anh từ nhỏ? 

Trước hết, chúng ta cần phải phân biệt được hoạt động và chức năng của hai bán cầu não trái và não phải. 

Học từ bộ phận tới tổng thể, hay nói cách khác là học theo hướng tích lũy. Ví dụ, mỗi ngày học một vài từ mới, nhớ, hiểu và sau đó là áp dụng. 

Học từ tổng thể tới bộ phận, hay nói cách khác là học không cần lý do, không cần hiểu và nhớ. 

Ví dụ cho hai cách học trên như sau: 

Học theo bán cầu não trái tức là nếu mỗi ngày mẹ dạy trẻ một vài từ mới, cùng trẻ nhớ, và ghép câu, phân tích ngữ pháp (chủ ngữ, động từ…). Mỗi ngày một chút thì đây gọi là “cách dạy tích lũy”. 

Còn nếu mẹ theo hướng dạy học theo bán cầu não phải thì không cần quan tâm trẻ có nhớ hay hiểu hay không. Não phải có đặc tính là tiếp nhận thông tin theo một số lượng lớn, sau đó là dựa trên thông tin nhận được để phân tích theo một mảng lớn, đây gọi là “cách dạy tổng thể”. 

Và điều quan trọng là nếu dạy theo hướng tích lũy thì chỉ não trái hoạt động, và nếu  não trái hoạt động mạnh thì não phải sẽ không hoạt động. Và điều quan trọng ở đây là não phải có khả năng ghi nhớ, sáng tạo, tư duy tối ưu hơn não trái rất nhiều lần. Điều quan trọng là cần phải để não phải của trẻ được hoạt động và được tối ưu hóa trong giai đoạn có thể. 

Vậy nếu quay trở về bốn khu vực mà chúng ta đã nói ở phần trước, thì trình tự hoạt động của não trẻ trong quá trình học tiếng Anh nên là: Khu vực 1 → Khu vực 2 → Khu vực 3 → Khu vực 4 

5. Cách dạy con học tiếng Anh từ nhỏ hiệu quả nhất 

Vậy làm thế nào để có thể tối ưu được cách dạy con học tiếng Anh từ nhỏ hiệu quả nhất, giúp phát triển được bốn khu vực của não bộ? Mẹ có thể thử các cách dưới đây: 

Phát triển khu vực não 1

Điều quan trọng nhất trong việc phát triển khu vực não 1 đó chính là việc nghe âm thanh chuẩn. Ngay từ nhỏ, mẹ hãy để cho trẻ có môi trường được nghe âm thanh của tiếng Anh một cách chuẩn nhất. Việc nghe âm thanh của tiếng Anh được phát âm bởi người bản ngữ sẽ giúp cho khu vực đồi thị trong trung tâm não trẻ tiếp nhận được đúng tần sóng âm thanh, cũng như giúp hệ thống thanh quản có được sự chuẩn bị cho việc phát âm một cách chuẩn xác. 

Tiếp theo là việc mẹ cho trẻ học từ mới qua thẻ hình ảnh. Thẻ hình ảnh chính là một cách giúp trẻ tiếp nhận thông tin theo số lượng lớn, giúp não phải hoạt động hiệu quả. Phương pháp làm rất đơn giản, mẹ chỉ cần in hình ảnh ra các tấm bìa và cho trẻ xem với tốc độ 1 giây 1 tấm. 

Điều quan trọng trong các hoạt động trên là trẻ không cần phải hiểu, hay ghi nhớ. Mục đích chỉ là để thính giác, và não trẻ chấp nhận tiếng Anh, làm quen và tạo đường rãnh thông tin cho các hoạt động nâng cao về sau. 

Và một mẹo nhỏ đó chính là mẹ hãy cùng con xây dựng một nếp sinh hoạt với các hoạt động được lặp đi lặp lại theo một thói quen sẽ khiến mọi thứ trở nên không quá mới mẻ đối với trẻ.

Phát triển khu vực não 2

Khi khu vực não 1 được tiếp nhận thông tin với số lượng lớn, thì khu vực não 2 sẽ được khởi động và hoạt động một cách tự nhiên. Có nghĩa là, khi thông tin được hấp thụ với số lượng lớn bằng não phải thì khả năng suy nghĩ, liên tưởng và sáng tạo của trẻ được hình thành. Điều này giúp trẻ liên kết được các hình ảnh nhận được, liên kết và suy luận ý nghĩa theo hướng từ tổng quát tới chi tiết. 

Tất cả hoạt động trong giai đoạn này đều nhằm giúp trẻ phát triển được não phải của mình. 

Cách dạy con học tiếng anh từ nhỏ

Phát triển khu vực não 3

Khi con đã được nạp thông tin với một khối lượng lớn qua đường thị giác và thính giác thì bước tiếp theo mới là dạy trẻ từ vựng và ngữ pháp, cách ghép câu, ghép vần. Để có thể làm được điều này thì mẹ có thể làm các tấm thẻ có chữ tiếng Anh, các câu văn tiếng Anh ngắn để cùng học với con, giúp con nhận diện câu chữ, từ đó xây dựng khả năng suy nghĩ bằng từ ngữ. 

Phát triển khu vực não 4

Khi trẻ đã có khả năng nhận diện thông tin bằng não phải với số lượng lớn và đã có thể tư duy thông qua hình ảnh và từ ngữ thì bước tiếp theo, chuẩn bị cho giao tiếp bằng tiếng Anh chính là việc đọc to từ và câu văn, sau đó là học thuộc lòng. Thông thường trình tự sẽ là: Nhận biết từ → Học phát âm → Đọc to từng câu chữ →  Học thuộc lòng →  Làm bài tập nâng cao (ví dụ: Thay đổi cách nói nhưng vẫn giữ nguyên nghĩa… ) 

Một mẹo nhỏ để giúp trẻ nhanh nói được tiếng Anh, đó chính là mẹ có thể đóng vai là học sinh và trẻ là giáo viên. Học với mô hình lớp học sẽ giúp trẻ tăng được sự tự tin, khả năng giao tiếp cũng như sắp xếp được kiến thức về tiếng Anh mà mình có. 

5. Lời kết 

Cách dạy con học tiếng Anh từ nhỏ là không thể chỉ gói gọn trong một vài hoạt động, trong một vài ngày mà thông thường sẽ kéo dài trong nhiều năm với nhiều nỗ lực từ mẹ và trẻ. Khác với các hoạt động chỉ học từng từ, hiểu từng câu từng chữ và tập trung chủ yếu phát triển não phải thì bài viết đã chia sẻ với mẹ thêm kiến thức về cách phát triển của các khu vực não, vai trò của thính giác, khu vực đồi thị, cũng như lý do tại sao thai nhi nên học tiếng Anh. Hy vọng bài chia sẻ có ích với các mẹ trong quá trình tìm cách dạy con học tiếng anh từ nhỏ.