Cách dạy con của người Nhật khi bị bạn đánh: Chắc hẳn là phụ huynh thì cha mẹ nào cũng rất quan tâm tới sự phát triển cá tính và nhân cách của con. Đặc biệt, trong những năm đầu đời. Trẻ hình thành nên thế giới quan của mình, xây dựng các mối quan hệ xã hội của mình dựa trên những tương tác không ngừng với thế giới xung quanh. Nếu khi còn nhỏ, chỉ cần khóc là sẽ có người dỗ dành, chiều chuộng thì khi lớn lên, trẻ sẽ càng dần hiểu rằng, mình không phải là tâm của vũ trụ, xung quanh mình còn rất nhiều người giống như mình. Và từ đó, trẻ sẽ tự điều tiết để có thể tồn tại trong xã hội. Con người là cá thể mang tính cộng đồng. Điều này có nghĩa là sẽ rất khó để trẻ có thể sống một mình, biệt lập khỏi xã hội. Vậy nên, việc dạy dỗ trẻ về tính hoà hợp trong xã hội là rất cần thiết trong những năm đầu đời. 

Tuy nhiên, trong rất nhiều mối quan hệ, chắc chắn không tránh khỏi việc trẻ sẽ xảy ra xung đột với bạn bè xung quanh. Vậy nên, trong bài viết này, mình sẽ đề cập tới vấn đề hành xử của bố mẹ khi bị bạn đánh. Bài viết “cách dạy con của người nhật khi bị bạn đánh” này được dựa trên bài phỏng vấn với cô Rinko Torii (Nhật Bản), một nhà tư vấn giáo dục, người đã có nhiều năm tư vấn về các vấn đề bạo lực học đường. 

1. Vấn đề con bị đánh trong suy nghĩ của người Nhật

Chỉ cần một cụm từ đơn giản “Con bị bạn đánh” gõ bằng tiếng Nhật tra cứu trên Google thì bạn sẽ nhận được vô số các thắc mắc cũng như tâm sự của các phụ huynh Nhật về vấn đề này. Mình xin trích ra một số thắc mắc như dưới đây:

『学校で息子が殴られて帰ってきました。相手の勘違いで一方的に殴られたようです。中学校は子ども同士のトラブルで、謝ったから終わりにしたいようですが、唇が裂けているため腫れもすごいですし、歯が揺れているため固定をしています。学校で加入している保険の話もないし、親御さんからも何もなく、これでおしまいにされるの? とモヤモヤしてしまいます。大人だったら警察が関係するようなトラブルになるはずなのに……と思ってしまいます』

Nguồn: https://select.mamastar.jp/475774

Tạm dịch: “Con trai tôi lầm lũi trở về nhà sau khi bị đánh ở trường. Có vẻ thằng bé bị đánh do hiểu lầm của đứa bạn cùng lứa. Đối phương đã xin lỗi vì cho rằng đây chỉ là sự cố giữa học sinh trung học với nhau. Tuy nhiên, tôi thì lại không nghĩ như vậy khi con mình môi bị sưng vì rách và răng thì bị lung lay cần cố định lại. Tôi chưa nhận được liên lạc từ công ty bảo hiểm của trường cũng như bố mẹ của đối phương cũng chưa liên lạc gì? Liệu có thật chỉ xin lỗi là xong? Sự việc lần này khiến tôi cảm thấy rất khó chịu. Nếu là người lớn thì tôi đã báo cảnh sát ngay lúc đó… “

『息子がおなかを殴られてきました。どう行動すべきでしょうか?昨日小一の息子が帰ってきたとき顔に涙の跡があり、何度も聞くと「お友だちにおなかを強くパンチされた。」と言いました。今後どうするべきでしょうか?』

Nguồn: https://detail.chiebukuro.yahoo.co.jp/

Tạm dịch: “Con trai tôi bị đánh vào bụng. Tôi nên làm gì bây giờ? Khi con trai tôi về nhà hôm qua, nó đã rơm rớm nước mắt. Sau nhiều lần gặng hỏi thì nó nói rằng: “Con bị bạn đấm vào bụng”. Tôi nên làm gì bây giờ?”

『小学校一年の子供が同じ学校の別のクラスの男の子三人に理由もなく囲まれて殴る蹴るの暴力を受けたと言って帰って来ました。凄く痛くて凄く怖かった怖くてやめてと言えなかったと言われました。本人達に話を聞いたら日常的に弱い子や女子を殴るのが楽しいからやったと言いました。子供は学校に行けないと言っています。とても許せる話ではなくお知恵をお借りしたいです。どの様な措置がとれるか教えて下さい』

Nguồn: https://www.bengo4.com/

Tạm dịch: “Đứa bé nhà tôi học năm nhất tiểu học, trở về nhà sau khi bị ba nam sinh lớp khác cùng trường vây quanh đánh mà không có lý do. Tôi biết con tôi đang rất sợ hãi, đến mức nó không thể nói rằng nó đang sợ hãi. Khi tôi tìm tới ba đứa trẻ đã đánh con tôi thì nhận được câu trả lời rằng, làm như vậy cho vui hoặc lấy việc bắt nạt những đứa trẻ yếu ớt để giải trí. Và bây giờ con tôi đã nói rằng nó không thể tiếp tục đi học. Thật sự là câu chuyện không thể chấp nhận được. Hãy cho tôi biết biện pháp nào có thể thực hiện trong trường hợp này.”

Vậy trong các trường hợp trên thì cách dạy con của người nhật khi bị bạn đánh sẽ là như thế nào? Các mẹ hãy cùng tham khảo câu trả lời tới từ cô Rinko Torii nhé. 

2. Tình trạng bạo lực học đường ở trẻ nhỏ

Không chỉ ở Việt Nam mà ngay tại Nhật bản, việc trẻ nhỏ bị bắt nạt là chuyện không hề hiếm gặp. Theo thống kê của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ tại Nhật Bản thì số lượng bạo lực học đường đang gia tăng theo từng năm tại đất nước mặt trời mọc này. 

Theo thống kê thì số lượng bạo lực học đường tăng liên tục trong 6 năm liên tiếp. Đặc biệt, vào năm năm 2019 thì số lượng trường học có ghi nhận bạo lực học đường đã tăng cao kỷ lục, từ 30,583 vụ tới 30,711 vụ. 

Cách dạy con của người nhật khi bị bạn đánh
Số vụ bạo lực học đường tăng liên tục trong nhiều năm liên tiếp tại Nhật

Con số bạo lực học đường được công nhận là 484.545 đối với các trường tiểu học, 106.524 đối với các trường trung học cơ sở, 18.352 đối với các trường trung học và 30.75 đối với các trường đặc biệt. 

Nguồn: https://www.nippon.com/ja/japan-data/h00855/

Cách dạy con của người nhật khi bị bạn đánh
Bạo lực học đường chia theo cấp bậc học

Nếu phân theo cấp học thì trường hợp bạo lực học đường xảy ra nhiều nhất ở cấp tiểu học năm thứ 2, thứ 3 và thứ nhất.  Theo cô Torii thì có một thực tế đáng buồn là các bậc phụ huynh nhận ra được vấn đề con mình bị bắt nạt phải một thời gian rất lâu sau lần đầu tiên con bị bắt nạt. Đáng buồn thay là việc con bị bắt nạt này có nhiều bậc phụ huynh không hề biết cho đến khi con mình “tức nước vỡ bờ”. 

Các dấu hiệu thường ngày bao gồm, chán ăn, mất sức, buổi sáng không thể thức dậy… đều bị bỏ qua. Và chỉ đến khi trẻ không thể chịu đựng được nữa thì mới nhận được sự chú ý của cha mẹ. Có nhiều em vì quá nhẫn nhục chịu đựng, không thể nói với ai mà đã tìm tới việc tự tử. 

Vậy nên, đối với việc con bị đánh thì cha mẹ nên nhận ra càng sớm càng tốt, tránh làm con thêm hoảng loạn, kiên nhẫn và tránh làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn. 

3. Những điều mà cha mẹ thông thái nên làm

Dưới đây là những điều mà theo như cô Torii thì một người phụ huynh thông thái nên làm sau khi biết con bị bạn đánh.

Thứ nhất, dạy con về nơi an toàn 

Đây là điều đầu tiên, cần phải được ưu tiên trong việc hành xử của cha mẹ khi con bị bạn đánh. 

Hãy cho con biết rằng, ngay khi con cảm thấy mình bị bắt nạt thì việc đầu tiên là con hãy tìm một nơi an toàn để có thể chạy trốn, đảm bảo an toàn cho bản thân. Đó có thể là trong phòng tự học (nơi có nhiều bạn bè khác), phòng giáo viên (nơi có giáo viên), phòng y tế…. Dù là nơi nào đi chăng nữa thì việc con có thể đảm bảo an toàn cho bản thân là điều tối quan trọng. 

Khi đọc tới đây, chắc hẳn nhiều bậc phụ huynh cho rằng “đây là bỏ trốn”, “bỏ trốn là hèn nhát”. Tuy nhiên trong trường hợp con bạn bị quây đánh hoặc bị bắt nạt bởi nhiều đối tượng học sinh khác thì việc rút lui tạm thời, đảm bảo an toàn và tính mạng cho bản thân là điều nên làm.  

Thứ hai, hãy luôn lắng nghe con nói 

Là một bậc phụ huynh tốt thì bạn phải luôn coi trọng và đề cao lòng tự trọng của trẻ. Tôi (cô Torii) đã nhận thấy rất nhiều bậc phụ huynh đã nối khùng lên, mắng con cái rằng, “chỉ là mấy vụ bắt nạt thôi mà, việc gì phải nghỉ học?” hay như “đã mất công thi vào trường rồi mà bây giờ lại đòi nghỉ học!” …  Đặc biệt đối với các trường công lập, có mức chọi để vào được trường cao ngất ngưởng thì việc chèn ép trẻ, thiếu tôn trọng trẻ, không lắng nghe ý kiến của trẻ còn xảy ra nhiều hơn nữa. Tuy nhiên điều này thực sự là KHÔNG NÊN. 

Nếu trẻ nói rằng con bị bắt nạt, con bị bạn đánh, hãy cho con được nghỉ học thì lắng nghe là điều rất quan trọng. Hãy nói cho con biết rằng, con đã rất dũng cảm, dũng cảm để nói ra được con đang bị bắt nạt, dũng cảm để thông báo cho người lớn biết rằng con đang gặp nguy hiểm, đây là điều hoàn toàn nên làm. 

Hay bạn có thể nói với con rằng, cảm ơn con đã nói chuyện với mẹ. Việc con phát tín hiệu SOS cầu cứu người xung quanh, hay nói với người lớn không phải là chuyện xấu hổ. đó là điều cần thiết. Và với mẹ, việc con đánh giá được tình huống coi là nguy hiểm cho bản thân và nói chuyện với mẹ là minh chứng cho việc, con đã trưởng thành và có niềm tin vào mẹ. Việc con nghỉ học hay tiếp tục đi học thì chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận tiếp. 

Việc được mẹ và người xung quanh tinh tưởng sẽ giúp trẻ trở nên bình tĩnh hơn, tự tin hơn khi trẻ biết rằng mối nguy hiểm của mình được người xung quanh đánh giá và quan tâm. Điều này gián tiếp giúp cho các vụ bắt nạt, bạo lực học đường được lôi ra ánh sáng. 

Thứ ba, đừng quá chú trọng chỉ trích thủ phạm

Bạo lực học đường giống như một vụ tai nạn giao thông, kể cả bạn cho dù có thu xếp ổn thỏa thì vẫn có thể để lại những di chứng cho nạn nhân, ở đây là con của bạn. 

Tuy nhiên, đây cũng là những trải nghiệm rất cần thiết cho con của bạn để trở nên mạnh mẽ hơn, có cơ hội được nói ra những điều mà mình thật sự suy nghĩ. 

Vậy nên là một người mẹ, chắc chắn việc biết con bị đánh là một điều không mấy thú vị, tuy nhiên bạn hãy sử dụng sự việc lần này như một cơ hội để dạy con trưởng thành hơn. 

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của cô Torii thì nhiều phụ huynh thường làm quá lên khi thấy con mình bị đánh hoặc có ý muốn trả thù. Hoặc họ muốn trả thù, tìm mọi cách để trừng phạt những kẻ đã làm tổn thương con mình. Thậm chí có nhiều gia đình còn kêu gọi cả luật sư để bảo vệ lợi ích cho con mình. 

Thực sự ra thì điều này không cần thiết. Việc cần làm khi biết con bị bạn đánh là bạn cần đảm bảo cho việc này không tái diễn lần thứ hai, dạy con bạn về sự mạnh mẽ để tự bảo vệ bản thân. Hãy nhớ, điều bạn cần chú trọng bảo vệ bây giờ là con bạn, chứ không phải “con hàng xóm”.

Cách dạy con của người nhật khi bị bạn đánh
(Ảnh minh họa)

Thứ tư, không nên quá khích tại trường học 

Điều tiếp theo khi con bị bạn đánh mà bạn cần phải làm chính là việc tránh biến trường học thành nơi để bạn xả giận, hay đòi công lý. 

Tại sao lại như vậy? 

Nhiều phụ huynh khi biết được con mình bị bạn đánh đã trở nên cáu giận, kéo đến trường, yêu cầu nhà trường đứng ra xử phạt, yêu cầu nghỉ học đối với những học sinh là thủ phạm của bạo lực học đường. Tuy nhiên việc làm này đã vô tình gây nên sự khó xử cho nhà trường và thầy cô giáo. 

Trường học là nơi giáo viên nhận tiền học đồng đều từ các học sinh và giáo viên có nghĩa vụ cung cấp kiến thức, truyền đạt những gì mình biết tới học sinh. Vậy nên, nếu đứng về khía cạnh kinh tế thì trong mắt giáo viên, mọi học sinh đều bình đẳng. Và nhà trường có nghĩa vụ phải đối xử giống nhau với mọi học sinh. 

Vậy nên, nếu phụ huynh tức giận và đổ mọi trách nhiệm cho nhà trường thì sẽ rất có thể tạo nên sự thù hằn giữa gia đình và nhà trường. Điều này dẫn tới những căng thẳng cho chính bản thân con bạn. 

Trong trường hợp này, điều tiên quyết là phải giữ bình tĩnh, thương lượng và tỏ thái độ hợp tác với nhà trường. Nếu có thể được thì cung cấp thông tin cụ thể về sự việc, nêu ra những mong muốn của bản thân và gia đình. Và vẫn luôn nhớ rằng, con cái vẫn luôn là điều quan trọng nhất cần được chú ý ở đây. Hãy luôn ở bên con bạn, vỗ về để con biết rằng, con không làm gì sai ở trong trường hợp này. 

Thứ năm, phối hợp với nhà trường để đảm bảo bạo lực không tiếp diễn 

Có chút liên quan tới phương án đã được đề cập ở trên nhưng việc đảm bảo về vấn đề con bạn bị đánh sẽ không xảy ra trong tương lai là điều rất cần thiết. Bạn hãy thử những bước như dưới đây: 

Thứ nhất là phải có đủ kiên nhẫn để lắng nghe câu chuyện của cả hai bên, và nhân chứng thứ ba (nếu có)

Thứ hai là làm việc với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách lớp học, ban cán sự để tạo ra mạng lưới giúp đỡ con bạn tái hòa nhập với các thành viên trong lớp. Nên nhớ, con bạn hiện đang rất bị sốc với việc bị đánh cũng như những ý kiến từ bên ngoài. Vậy nên đảm bảo một môi trường an toàn cho con là điều nên làm. 

Tiếp theo là bạn có thể xem xét bạo lực học đường là vấn đề của một nhóm, hay một lớp học, hay cả nhà trường và nó đã tồn tại lâu chưa. Việc ngăn chặn bạo lực học đường là điều nên làm cho dù ở bất cứ cấp bậc nào và điều này cũng gián tiếp giúp cho việc con bạn bị đánh không xảy ra ở lần tiếp theo. 

Thứ tư là bạn hãy xem xét hình thức kỷ luật được đưa ra với các học sinh đã đánh con bạn. Nếu việc này đã xảy ra quá nhiều lần thì việc yêu cầu nghỉ học cũng là phương án cần được cân nhắc. 

Trong cả quá trình thương lượng và thu thập thông tin này thì sự kiên nhẫn là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, việc bày tỏ sự biết ơn đối với nhà trường một cách thiện chí cũng là điều không thể bỏ qua. 

Có thể vết thương trên người con bạn không thể nào lành hẳn, nhưng chắc chắn phải có những chế tài bắt buộc để giảm thiểu những trường hợp bạo lực học đường một cách triệt để nhất. 

Cuối cùng, dạy con bài học về bảo vệ bản thân 

Điều cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất, đó chính là dạy con cách bảo vệ bản thân. Chắc chắn thông qua kinh nghiệm lần này, con đã trưởng thành lên, biết đến những thứ gọi là nguy hiểm cho bản thân để phòng tránh. Không có một người cha hoặc người mẹ nào cảm thấy không xót xa khi thấy con mình bị đau, nhưng không ai có thể đi theo con cả cuộc đời ngoài bản thân con cả. Vậy nên việc cho con cơ hội và trải nghiệm để nói ra suy nghĩ của bản thân, học cách tự mình lớn lên là điều rất quan trọng. 

Không có đứa trẻ nào trên thế gian này là ngu ngốc cả, vậy nên hãy để cho con có quyền được trải nghiệm, được hành động, được là chính mình trong mọi trường hợp. 

4. Lời kết

Cách dạy con của người nhật khi bị bạn đánh với những chia sẻ từ cô Torii, một chuyên gia tư vấn giáo dục học đường với nhiều năm tư vấn trong lĩnh vực giáo dục hy vọng giúp bố mẹ có thêm cái nhìn cũng như hướng giải quyết trong trường hợp con bị bạn đánh. Bảo vệ con là quan trọng, nhưng dạy con cách để bảo vệ mình cũng là điều quan trọng không kém. 

Nguồn tham khảo:
https://president.jp/articles/-/20583

Xem thêm các bài viết về Nuôi dạy con kiểu Nhật tại link.