Nuôi dưỡng năng lực giao tiếp ở trẻ”, tên tiếng Nhật là 「「ことば力」のある子は必ず伸びる! 」được viết bởi tác giả Takatori Shizuka hướng dẫn mẹ các phương pháp phát triển khả năng giao tiếp ở trẻ, một trong những năng lực giúp trẻ sống sót trong giai đoạn chuyển giao thế hệ giữa lao động trí óc con người với trí tuệ nhân tạo AI. 

Không chỉ dừng lại ở việc nói chuyện, tương tác với môi trường xung quanh, các phương pháp của cô Takatori Shizuka hướng tới việc nâng cao năng lực tư duy của trẻ song song với xây dựng khả năng giao tiếp. Từ đó, giúp trẻ có một nền tảng tốt nhất trong việc truyền tải ý nghĩ của mình một cách mạch lạc và logic tới bên ngoài.

1. Tầm quan trọng của nuôi dưỡng năng lực giao tiếp ở trẻ

Tại sao cần nuôi dưỡng năng lực giao tiếp ở trẻ?
Tại sao năng lực giao tiếp ở trẻ lại quan trọng tới vậy? 

Năng lực giao tiếp có vai trò quan trọng không chỉ với trẻ, mà còn đối với con người nói chung. Có thể nói rằng, nền văn minh của con người hiện nay không thể xây dựng được nếu thiếu ngôn ngữ. Ngoài việc đóng vai trò là cầu nối tương tác, truyền tải thông tin giữa con người với con người, ngôn ngữ còn là phương tiện chủ đạo trong quá trình hình thành trí tư duy bên trong con người. 

Và thật sự, thật khó có thể tưởng tượng rằng thế giới của chúng ta hiện nay có thể tồn tại nếu một ngày không có ngôn ngữ. Không chỉ việc trao đổi thông tin bị ảnh hưởng mà việc tư duy của con người cũng bị ngưng trệ. Ngôn ngữ giúp con người biểu đạt và quy ước tất cả các sự vật và sự việc trên hành tinh này. Đối với các sự vật mang tính hữu hình, có thể sờ hoặc cảm nhận được thì có thể diễn đạt phần nào nếu không có ngôn ngữ. Nhưng đối với các sự việc mang tính trừu tượng thì ngôn ngữ là yếu tố không thể thiếu. Hãy thử tưởng tượng, chúng ta có thể diễn tả “tình yêu” là thứ gì nếu không có ngôn ngữ nhỉ? 

Ở trẻ thì tầm quan trọng của ngôn ngữ lại tăng lên gấp nhiều lần vì ngay khi chào đời, trẻ liên tục tiếp nhận thông tin và kích thích từ bên ngoài môi trường để phát triển. Não bộ của trẻ, các mạng lưới thần kinh cũng từ đó mà được hình thành. Nếu trẻ có năng lực giao tiếp vượt trội, thì kèm theo đó khả năng tư duy và sử dụng từ ngữ cũng được tăng lên, giúp trẻ tiếp thu kiến thức (input) và truyền tải suy nghĩ (output) một cách hiệu quả. 

Vậy năng lực giao tiếp ở trẻ là gì? Theo cô Takatori Shizuka viết trong cuốn sách của mình thì năng lực giao tiếp của trẻ sẽ được định nghĩa như dưới đây: 

“ただ話すのではなく、相手の話をよく聞いて相手に自分の気持ちや考えをじょうずに伝え、意見が違っても話し合いをし、結論を導いていけることが「ことばのチカラ」です。”

Tạm dịch: Khả năng giao tiếp là năng lực không chỉ đơn thuần là nói chuyện, mà còn phải là khả năng lắng nghe và lý giải câu chuyện của đối phương, từ đó truyền tải ý kiến cá nhân một cách mạch lạc. Cho dù hai bên ý kiến có khác nhau đi chăng nữa thì vẫn có thể nói chuyện hoà hợp để tìm ra được kết luận cuối cùng. (Trích dẫn)

2. Bảy loại năng lực cần thiết trong nuôi dưỡng khả năng giao tiếp ở trẻ 

Để có thể phát triển năng lực giao tiếp của trẻ một cách toàn diện thì không chỉ một, mà có tới bảy loại năng lực mẹ cần để bồi dưỡng cho bé. Trong tất cả bảy loại năng lực thì thuyết trình chính là khả năng cao cấp nhất, tổng hòa của sáu loại năng lực. Với năng lực thuyết trình, trẻ không chỉ có sự dũng cảm (năng lực thứ nhất), mà còn có khả năng lý giải, lý luận thông tin logic (năng lực thứ hai và thứ ba), khả năng phản hồi (năng lực thứ tư) vốn từ vựng phong phú (năng lực thứ năm) và khả năng thuyết phục đối phương (năng lực thứ sáu).

Xem thêm: Phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ, bảy loại năng lực cần thiết

3. Xây dựng khả năng truyền tải suy nghĩ cá nhân

Bước đầu tiên trong quá trình nuôi dưỡng năng lực giao tiếp ở trẻ chính là việc mẹ có thể giúp con xây dựng được khả năng truyền tải suy nghĩ cá nhân của mình. Đây là bước nền tảng, có vai trò rất quan trọng. Ở bước này, mẹ nên: 

1. Xây dựng sự dũng cảm trong con bằng việc tạo một môi trường an toàn để con có thể nói lên được suy nghĩ cá nhân. Nếu mẹ có thể để con cảm nhận thấy mọi ý kiến mình đưa ra đều được lắng nghe và chấp nhận thì dần dần con sẽ trở nên tự tin hơn bởi vì con biết, “mẹ là bạn đồng hành của mình”, “mẹ luôn bảo vệ mình”. 

Để làm được điều này thì “Chế độ lắng nghe“ (Nguyên văn tiếng Nhật là「聞きモード」) từ mẹ là cực kỳ cần thiết. Khi con nói, thì việc mẹ dừng mọi việc, chỉ tập trung vào câu chuyện của con, phản hồi lại cảm xúc của con chính là chìa khóa vàng giúp mẹ mở cửa được tâm hồn muôn màu, đến gần với trái tim của con nhất.  

2. Phát triển năng lực lý giải và sử dụng từ ngữ: Một trong những cách để có thể giúp con thấu hiểu được suy nghĩ của đối phương trong giao tiếp nhanh nhất chính là việc mẹ có thể chuẩn bị có con một lượng từ vựng phong phú ngay từ ngày đầu học ngôn ngữ. 

Ngoài việc nói chuyện với con hàng ngày, mỗi ngày cố định tối thiểu 30 phút, mẹ còn có thể cùng con học cách sử dụng từ điển từ vựng, từ điển đồng nghĩa, cùng con tìm cách thay thế các từ cùng loại. Ví dụ, cùng để diễn tả “Chiếc bánh này ngon” thì con có thể dùng những từ nào khác? Hoặc các bài tập tưởng tượng cùng mẹ cũng sẽ rất bổ ích và thú vị. Ví dụ mẹ có thể đặt ra giả định, nếu con bị bạn nói những lời khó nghe thì con nên đáp trả như nào? Nếu con nhận được lời mời không thoải mái thì con nên trả lời thế nào để không làm mất tình bạn?

Các bài tập mang tính xã hội “Nếu.. thì… ” này sẽ phát huy hữu ích trong rất nhiều trường hợp khi con ra ngoài và tiếp xúc với môi trường mới, những nơi không có mẹ. Mẹ hãy hướng dẫn con cách bảo vệ bản thân mình bằng từ ngữ như thế này nhé.

Nuôi dưỡng năng lực giao tiếp ở trẻ (Ảnh minh hoạ)

4. Xây dựng tư duy logic trong giao tiếp ở trẻ

Sau khi đã có đủ vốn từ vựng và sự tự tin cần thiết thì việc mẹ cần làm tiếp theo chính là xây dựng khả năng tư duy logic cho trẻ trước khi đưa ra ý kiến cá nhân của mình. Thông thường trẻ sẽ có rất nhiều suy nghĩ, và các suy nghĩ của trẻ thường cực kỳ là phong phú. Vì vậy nên nhiều khi trẻ thường muốn kể hết với mẹ mà không biết nói từ đâu, thành ra là lời nói nhiều khi trở nên lộn xộn.

Để giúp bé có thể truyền tải được ý nghĩ của mình một cách mạch lạc thì mẹ nên thử các phương pháp giúp bé phát triển tư duy logic. Ví dụ như thói quen tập nói từ kết luận, hay nói từ chung chung tới chi tiết, cùng con liệt kê các suy nghĩ và đánh số thứ tự ưu tiên, giúp trẻ phân biệt được sự thật với ý kiến cá nhân, tập suy nghĩ dựa trên lập trường của đối phương…. 

Và một yếu tố quan trọng nhất trong mỗi lần chơi là, mẹ hãy đặt câu hỏi tại sao nhằm bồi dưỡng khả năng tự vấn suy nghĩ bản thân ở trẻ. “Tại sao lại như vậy nhỉ? (Tự vấn bản thân về lý do) ”, “Có gì đó khang khác? Làm thế này có ổn không nhỉ? (Tự phê bình) ”, “Đây là sự thật à? (Phân biệt sự thật và ý kiến cá nhân)”, “Kết quả sẽ thế nào nhỉ? (Tưởng tượng về kết quả có thể xảy ra) “ …. Việc trẻ có thể đào sâu suy nghĩ, đưa lý do và sau đó tự phản bác lại chính ý kiến của mình giúp hình thành các mạng lưới suy nghĩ lý luận trong não của trẻ. 

Mẹ có thể tham khảo thêm các phương pháp xây dựng tư duy logic trong giao tiếp ở trẻ tại bài viết: Dạy con nói chuyện logic

5. Phát triển khả năng nói chuyện hoà hợp

Khả năng nói chuyện hoà hợp là một kỹ năng giống đàm phán và thương lượng nhưng mang tính chất xã hội hơn. Một kỹ năng không thể thiếu nếu con có ý muốn du học và hoà nhập với môi trường nước ngoài. 

Một cuộc nói chuyện được đánh giá là hoà hợp, chỉ khi bao gồm hai yếu tố: “Người nói mang ý kiến chủ quan của cá nhân” và “Người nói sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của đối phương” . Nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì cuộc nói chuyện hoà hợp không thể diễn ra.  Hay nói một cách khác, đây là việc lắng nghe và tôn trọng ý kiến của đối phương, hỏi xác nhận lại những chỗ không hiểu, và từ đó truyền tải ý kiến và cảm xúc của cá nhân. 

Có thể thấy rằng, thông qua việc tôn trọng lẫn nhau, thì tất cả các bên mới có thể trao đổi ý kiến của bản thân một cách thoải mái nhât, từ đó đưa ra được kết luận được tất cả chấp nhận. Có thể phương án cuối cùng không làm tất cả hài lòng 100% nhưng đó là phương án mang tính chất “win-win”, lợi cả đôi bên.

Để trẻ có thể hiểu được về giao tiếp hoà hợp thì mẹ nên luyện tập cho con khả năng lắng nghe, cho con trải nghiệm các không gian yên tĩnh và xây dựng khả năng đặt câu hỏi ở trẻ. Nếu trẻ không thể bình tĩnh lắng nghe ý kiến của đối phương và đưa ra được các câu hỏi phù hợp thì việc xây dựng được một buổi nói chuyện hoà hợp rất khó có thể đạt được. 

Cuối cùng trong khả năng giao tiếp của trẻ chính là năng lực thuyết trình. Tổng hòa của tất cả các khả năng về giao tiếp mà trẻ đã có được. Ngoài ra, để có được một bài thuyết trình hoàn hảo, mẹ hãy giúp trẻ rèn luyện về điệu bộ, cử chỉ và ngữ điệu khi nói nữa nhé. Bởi lẽ, đây là ba yếu tố quan trọng, tuy chỉ là phụ nhưng lại là một điểm cộng tuyệt vời đối với trẻ. 

Đối với điệu bộ, cử chỉ và ngữ điệu, để có thể rèn luyện được thì mẹ hãy tạo cơ hội cho trẻ được nói chuyện trước đông người, ví dụ ông bà và người thân. Hoặc nói thử ở các địa điểm rộng và hẹp khác nhau, để trẻ có thể chỉnh được độ lớn và bé của giọng nói, chơi trò đứng thẳng khi có hiệu lệnh, tập sử dụng sự hỗ trợ của đôi tay khi nói chuyện, và cuối cùng là mẹ hãy… tập cười với con nhé. Một bài thuyết trình mà diễn giả trình bày một cách tươi tắn thì bao giờ cũng sẽ dễ đi vào lòng người nghe nhất mà! 

6. Về tác giả Takatori Shizuka 

Cô Takatori Shizuka bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là phóng viên, chuyên thu thập thông tin và viết bài về nuôi dạy trẻ trong những năm đầu 1990. Nhưng sự nghiệp giáo dục của cô chỉ bắt đầu từ năm 1998 khi cùng chồng sang Mỹ. Tại đây, sau khi cảm nhận được sự khác biệt trong văn hoá, ngôn ngữ, cách giáo dục trẻ ở Mỹ, cô đã cùng một nhóm các bà mẹ Nhật thành lập một cộng đồng giúp trẻ em Nhật trên nước Mỹ có thể phát triển được khả năng giao tiếp của mình, hòa nhập cùng với xã hội. Sau đó, là các hoạt động nghiên cứu phát triển năng lực giao tiếp cho trẻ. 

Năm 2001, cô Takatori Shizuka trở về Nhật Bản, tiếp tục sự nghiệp của mình với vai trò là người dẫn dắt và kết nối bố mẹ, giúp các bậc phụ huynh thấu hiểu suy nghĩ của con mình. Với mục tiêu “Tạo nên những em bé hạnh phúc từ trong gia đình”, bằng việc chắp bút cho rất nhiều các bài báo, tạp chí, các bài diễn thuyết của mình, cô Takatori đã trở nên rất nổi tiếng và vẫn đang tiếp tục công việc giáo dục của mình trên cương vị là người dẫn dắt bố mẹ, giúp bố mẹ phát triển được khả năng giao tiếp linh hoạt của con mình, một khả năng không thể thiếu trong thời kỳ trí tuệ nhân tạo AI. 

Link giới thiệu sách: Amazon Nhật Bản