Phát triển tài năng trẻ là gì? 

Phát triển tài năng trẻ được xây dựng trên lý thuyết, bất kỳ một đứa trẻ nào khi được sinh ra trên thế giới này đều có những khả năng mà người lớn không thể tưởng tượng hết. Theo giáo sư tâm lý học Howard Gardner trực thuộc trường đại học Harvard, để có thể đo đạc được tài năng của một trẻ thì chỉ số IQ là hoàn toàn không đủ. Tài năng của trẻ phải đánh giá trên nhiều phương diện khác nhau. Ví dụ, có trẻ không mạnh về tư duy nhưng hoạt động thể chất lại cực phong phú, có trẻ trí nhớ không tốt với toán học nhưng trí sáng tạo lại vô biên… Đây chính là tiền đề để thuyết đa trí thông minh được ra đời. 

Theo nhà giáo dục học Mika Ito viết trong cuốn “Tăng cường khả năng của trẻ dựa trên phương pháp Montessori và thuyết đa trí thông minh”, tạm dịch「モンテッソーリ教育×ハーバード式「多重知能理論」で子どもの才能を伸ばす方法  thì có 9 loại trí thông minh ở trẻ: 

  1. Trí thông minh về sự vận động 
  2. Trí thông minh về ngôn ngữ
  3. Trí thông minh về tư duy – toán học
  4. Trí thông minh về không gian
  5. Trí thông minh về khoa học tự nhiên
  6. Trí thông minh về âm nhạc
  7. Trí thông minh về giao tiếp
  8. Trí thông minh về nội tâm
  9. Trí thông minh về ngũ quan cảm giác

Tuy nhiên, có một thực tế phải kể đến là khả năng tiềm tàng của trẻ không phải tự nhiên được phát huy, mà phải trải qua quá trình rèn luyện lâu dài. Và quá trình rèn luyện để phát triển tài năng trẻ không thể thiếu được vai trò chỉ dẫn của người mẹ. 

Trong quá trình đồng hành cùng con thông qua các hoạt động, mẹ nên nhớ tám điều quan trọng dưới đây để có thể phát triển tài năng của trẻ một cách toàn diện nhất.

Điều 1: Chấp nhận tất cả các ý tưởng của con 

Để có thể phát triển tài năng trong con một cách nhanh nhất thì điều đầu tiên mẹ cần nhớ, đó là chấp nhận tất cả ý tưởng của con. Bắp cải màu hồng, mặt trời màu xanh, cà tím màu đỏ … thì cũng đâu có làm sao? Tại sao lại cứ phải áp đặt những suy nghĩ của người lớn rằng bắp cải là phải màu xanh, hay mặt trời là phải màu vàng? Nếu suy nghĩ của trẻ cứ bị áp đặt vào những thường thức của người lớn thì sau này, trẻ sẽ khó có các ý tưởng hoặc phát kiến mang tính vĩ đại. 

Vậy nên, khi trẻ tập trung vào các hoạt động mang tính sáng tạo thì mẹ không nên can thiệp mà chỉ cần lặng lẽ quan sát quá trình là đủ. 

Cũng cần phải nói thêm rằng, tất cả các hành động của trẻ đều mang một ý nghĩa nào đó phía sau. Ví dụ, mẹ có bao giờ cảm thấy bực mình vì con lúc nào cũng ném đồ đạc hay nghịch ngợm không? Thực tế ra những hành động đó đều mang một chủ đích nào đó, tất cả đều có ý nghĩa đối với sự phát triển của con. Nếu mẹ không để ý thì sẽ nghĩ rằng con đang muốn làm mẹ bực mình, lập tức quát mắng và ngăn cấm con. Điều này sẽ khiến con bị tổn thương, mất tự tin vào bản thân, lâu dần sẽ làm khả năng trong con bị mai một. 

Vậy nên, mẹ hãy quan sát và đưa ra các hành động ứng xử phù hợp. Ví dụ con muốn ném bát đũa thì hãy đưa con quả bóng hay nắm giấy để thay thế nhé! 

Điều 2: Luôn tạo không khí thoải mái, vui vẻ khi ở bên con 

Tại Nhật, việc nuôi con thường được giao phó cho người mẹ và cô Mika Ito thấy, chính vì điều này khiến cho nhiều mẹ trở nên rất áp lực và căng thẳng khi tiếp xúc với con. Bởi lẽ, nếu coi giáo dục con cái là nghĩa vụ thì sẽ khiến tâm trạng mẹ trở nên khó tính, ảnh hưởng tới không khí khi giao tiếp với con. Bởi lẽ khi mẹ nóng giận thì tự nhiên, mẹ sẽ truyền sự nóng giận đó vào trong con. 

“Hôm nay theo lịch là phải làm hết cái này”, “Phải làm nhanh việc này”, “Không xong là không được đi chơi” … Đặc biệt, tình hình lại càng trở nên nghiêm trọng nếu gia đình nào có con thi vào tiểu học. Cứ như vậy, tâm trạng của con bị ảnh hưởng xấu từ suy nghĩ của mẹ. 

「親が思っている以上、子どもは親の心の動きに敏感です」
 Tạm dịch: “Trẻ nhạy cảm với cảm xúc của bố mẹ hơn bản thân bố mẹ tưởng”

(Trích dẫn)

Vậy nên, khi tiếp xúc với con, mẹ nên để bản thân được thư giãn. Trở thành mẹ đã là một nghĩa vụ quá to lớn với mẹ rồi, nên mẹ không nên tự tạo áp lực cho mình nữa. Nếu một ngày mà không làm, một ngày cho bản thân được thư giãn thì cũng đâu có sao. Nếu không có sự vui vẻ thì chắc chắn việc giáo dục con cái không thể kéo dài và có được kết quả như mong muốn. 

phát triển tài năng trẻ

Điều 3: Để con được trải nghiệm, tự chơi tới khi con thấy thỏa mãn

Xuyên suốt trong cuốn sách, cô giáo Mika Ito nhấn mạnh rằng, việc để trẻ tập trung chơi hoặc làm gì đó tới khi trẻ thỏa mãn là cực kỳ quan trọng. Điều này kích thích não bộ của trẻ hoạt động một cách tối ưu, giúp trẻ phát triển các khả năng tiềm ẩn của bản thân. 

Tuy nhiên sẽ có nhiều trường hợp, trẻ quá tập trung mà quên đi giới hạn về thời gian. Điều này khiến các mẹ vốn đã có quỹ thời gian hạn hẹp lại càng bận rộn và trở nên không thể không nổi cáu. 

「時間に余裕がない場合は、「枠組み」をつくることが有効です」 
Tạm dịch: “Khi thời gian không có đủ thì việc tạo ra các khung luật lệ sẽ có hiệu quả”

(Trích dẫn) 

Nếu xảy ra trường hợp kể trên thì cô Mika Ito khuyên mẹ nên đặt ra luật với con, ví dụ nếu con mải chơi ở công viên, mẹ có thể dặn con trước  rằng, kim ngắn chỉ tới số 4 là phải về …. Nếu con có thể biết các luật như trên thì bản thân con khi mẹ nhắc đến giờ đi về cũng trở nên thuyết phục mà mẹ cũng đảm bảo được giờ giấc sinh hoạt và làm việc của bản thân. 

Điều 4: Để con được tự do chọn lựa 

Khả năng lựa chọn là một khả năng quan trọng trong cuộc đời con. Sự quan trọng của khả năng này không được nhìn thấy ngay khi trẻ còn nhỏ mà sẽ dần hình thành sau khi trẻ vào cấp ba, chọn ngành đại học và chọn nghề nghiệp về sau. Chính vì thế, việc mẹ cho trẻ có cơ hội được lựa chọn ngay từ khi còn nhỏ có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc đời trẻ. 

「どんなに小さな赤ちゃんでも、自分で選択力を備えています」
Tạm dịch: “Em bé nào trên thế gian này cũng có khả năng lựa chọn”

(Trích dẫn)

Không những thế, thông qua hành động quyết đoán để lựa chọn, mẹ sẽ có cơ hội dạy trẻ về các quan điểm sống khác nhau tùy thuộc vào phương án mà con chọn. Cô Mika Ito có kể rằng, cô có nhận được câu hỏi từ một mẹ Nhật, nói rằng quan điểm của vợ và của chồng trong vấn đề dạy con có nhiều bất đồng, vậy nên giải quyết làm sao?

Với câu hỏi trên, câu trả lời của cô là vì quan điểm sống của vợ và chồng là khác nhau, trải nghiệm từ khi sinh ra tới lớn lên là khác nhau nên việc bất đồng về quan điểm giáo dục con cái là hoàn toàn có thể hiểu. Tuy nhiên để tránh việc làm con bị rối thì bố mẹ nên thống nhất với nhau các đầu mục quan trọng, chứ không nhất thiết phải đồng nhất về tất cả quan điểm. 

Tuy vậy, một điều quan trọng mà cả bố và mẹ nên cho con được biết, đó chính là niềm vui trong cuộc sống và trong công việc. Sự lạc quan về cuộc đời của cả bố và mẹ có ý nghĩa cực kỳ lớn lao với trẻ trong giai đoạn trưởng thành sau này. 

Điều 5: Luôn chờ đợi con trong mọi tình huống

Có bao giờ mẹ tức giận khi con ăn mãi không hết bát cơm, hay thúc giục con làm một việc gì đó nhanh lên không? Theo phương pháp giáo dục Montessori thì tuy việc chờ con là điều rất khó chịu, nhưng là việc mẹ nên làm. Hay nói một cách chính xác hơn thì nhiệm vụ của mẹ chính là bảo vệ sự tự do của con, trong khi luôn ở bên con để hỗ trợ khi cần. 

「子どもにはそれぞれの成長のペースがある」
Tạm dịch: “Mỗi đứa trẻ đều có tốc độ phát triển của bản thân”

(Trích dẫn)

Trẻ con khi được sinh ra đều có tốc độ của riêng mình, nếu mẹ nhắc nhở quá thường xuyên thì chắc chắn trẻ sẽ chỉ nghe lời và nhớ được lúc đó, nhưng về sau nếu gặp được trường hợp tương tự thì trẻ sẽ rất dễ bỏ qua hoặc không biết cách xử lý làm sao. 

Vậy nên, nếu mẹ thấy trẻ hành động thật chậm chạp so với mọi người xung quanh thì nên để cho trẻ tự nhận ra điều đó, chỉ khi trẻ nhận ra được hành động của bản thân thì mới có thể có những điều chỉnh phù hợp với môi trường và hoàn cảnh khi lớn lên. 

Và hơn nữa, việc mẹ chờ đợi con sẽ giúp sản sinh ra một em bé biết chờ đợi người khác. Cô Mika Ito đã kể về kinh nghiệm của mình tại lớp học như sau: Có một em bé đang làm nhiệm vụ lau dọn bàn học của mọi thành viên trong lớp. Tuy nhiên, có một em bé khác vẫn còn rất chăm chú tô nốt bức tranh của mình, trong khi các em khác đã ra ngoài sân chơi. Điều ngạc nhiên là em bé dọn bàn không hề thúc giục hay tỏ ý khó chịu mà chỉ tránh chiếc bàn mà bạn đang ngồi vẽ để dọn cuối cùng. Khi cô Mita Ito hỏi mẹ của bé đó thì đã nhận được câu trả lời rằng, ở nhà mọi thành viên trong gia đình trong bữa ăn đều được thưởng thức món ăn theo tốc độ của mình. Nếu bé có ăn chậm thì cũng không giục mà sẽ chờ, và chỉ dọn dẹp bàn khi bé đã ăn hết phần của mình. 

Vậy nên, việc mẹ thấu hiểu được tốc độ phát triển của con, tôn trọng và chờ đợi con bằng tâm hồn cảm thông bao la, chính là một hành động thực sự có ý nghĩa với sự phát triển con, và cũng khiến việc nuôi dạy con trở nên nhẹ nhàng hơn. 

Điều 6: Tạo cơ hội cho trẻ được chơi trong thiên nhiên càng nhiều càng tốt

Gần đây thì vấn đề vệ sinh thân thể ở trẻ của các mẹ Nhật rất được quan tâm. Việc trẻ chơi ở ngoài trời khiến cho nhiều mối lo ngại về an toàn vệ sinh được dâng cao,, ví dụ cho con mà chơi bể cát thì mất vệ sinh, dễ bị côn trùng cắn hoặc bị thương…. Tuy nhiên việc mẹ cho trẻ được tận hưởng môi trường thiên nhiên lại cực kỳ có lợi với não của trẻ. 

Tại sao vậy? Bởi vì khi trẻ chơi ngoài thiên nhiên thì sẽ có những kích thích mà bình thường nếu chỉ ở trong nhà thì sẽ không có được và chính những kích thích đó đã tạo cho trẻ có những trải nghiệm mới và khả năng mới. 

Việc trẻ chơi ngoài thiên nhiên cũng giúp trẻ tạo được thói quen hình thành trạng thái dòng chảy nhanh hơn (Trạng thái dòng chảy là khi trẻ tập trung vào một việc gì đó mà quên hết mọi thứ xung quanh, đây là một trong những trạng thái cực kỳ quan trọng trong sự hình thành và phát triển não trẻ). Việc này không chỉ trẻ em mà người lớn, nếu được du lịch tới một địa danh nào đó thì có thể chính sự đẹp lạ lùng của vùng đất đó cuốn hút, sự lạ lùng trong vạn vật khiến phải nhìn không chớp mắt, không phản ứng.. Ở trẻ cũng như vậy. 

phát triển khả năng trẻ

Điều 7: Để con có cơ hội tự giải quyết mâu thuẫn cá nhân

Có khi nào mẹ nhìn thấy trẻ xích mích với bạn bè ở trường lớp mẫu giáo chưa? Khi ấy phản ứng của mẹ là như thế nào? Bắt con xin lỗi làm hoà hay vào hùa theo con? Theo cô Mika Ito thì cách giải quyết nào từ phía mẹ cũng không ổn. Việc của trẻ nên để cho trẻ tự giải quyết. Và thực tế nếu mẹ kiên nhẫn chờ sẽ thấy, trẻ hoàn toàn có thể tự hoà giải được vấn đề của mình một cách ổn thỏa. 

Chính thông qua các bất đồng nho nhỏ này, trẻ sẽ có thêm kinh nghiệm về cách giải quyết bất đồng, biết được cảm giác hơn thua, thắng bại và sau cùng, là biết suy nghĩ cho đối phương.  

「子どもが自分で解決できることは自分で解決できるまで見守ります」
Tạm dịch: “Nếu vấn đề trẻ có thể tự bản thân giải quyết thì phải để cho trẻ tự giải quyết ”

(Trích dẫn)

Nếu mẹ không cho con được trải nghiệm về việc giải quyết các vấn đề xã hội thì khi lớn lên, trẻ sẽ có xu hướng chọn các phương pháp bạo lực để giải quyết vấn đề, gây tổn hại tới những người xung quanh. Vậy nên lần tới, mẹ hãy cứ tin tưởng vào khả năng thương lượng và hoà giải của bé nhé. 

Điều 8: Để con tự nhận và sửa lỗi của bản thân   

Chắc hẳn mẹ đã nhìn thấy việc trẻ chơi một món đồ nào đó nhưng bị nhầm cách chơi rồi đúng không? Lúc đó mẹ có ngay lập tức sửa sai cho con không? Việc trẻ con nhầm lẫn hoặc phạm sai lầm trong giai đoạn học hỏi là chuyện hết sức bình thường. Thậm chí cô Mika Ito còn khuyên mẹ là cứ để cho trẻ được tự do chơi và lớn lên trong sai lầm nữa đấy. 

Và thực sự là, việc trẻ con chơi đúng không bằng việc thất bại, sau đó tự mình ngâm cứu sự thất bại của bản thân để sửa sai. Việc mẹ chỉ ra những lỗi sai của trẻ không những làm trẻ mất phương hướng và logic trong suy nghĩ mà còn khiến lòng tự tôn của trẻ bị tổn thương. Vậy nên, chuẩn theo phương pháp Montessori,trong khi trẻ chơi, mẹ chỉ cần ngồi chờ và đưa ra lời khen cho sự cố gắng ở những phần con đã làm là được. 

Nếu quá trình sai và sửa và được khen của trẻ cứ tiếp tục thì trẻ sẽ dần trưởng thành, trình độ của trẻ cũng được nâng cao hơn trong những lần chơi tiếp theo. Mẹ hãy cứ yên tâm nhé, “hình như chỗ này không ổn”, “tại sao chỗ này lại không giống với hướng dẫn”, “sao của các bạn khác mình thế”, chính những để ý này của trẻ khiến cho trẻ phải tự mình suy nghĩ, từ đó sẽ sản sinh ra một em bé biết hành động một cách tự chủ và có suy nghĩ đó mẹ! 

「自分で間違いに気づけないと、結局何度も失敗を繰り返す」
Tạm dịch: “Nếu trẻ không để ý tới lỗi của mình thì kết cục là sẽ lặp đi lặp lại lỗi đó”

(Trích dẫn)

Trên đây là tám điều mà mẹ cần để ý trong quá trình nuôi dạy nhằm giúp phát triển tài năng trẻ.. Trẻ sinh ra đều mang trong mình những khí chất và tài năng khác nhau, sự nuôi dưỡng của mẹ và môi trường xung quanh sẽ quyết định được bao nhiêu phần trăm tài năng trong đó được phát triển. Vậy nên hy vọng tám điều trên từ những chia sẻ của cô Mika Ito sẽ giúp mẹ trong quá trình định hình suy nghĩ về giáo dục con cái nhé! 

※  Bài viết có sử dụng thông tin trong cuốn “Tăng cường khả năng của trẻ dựa trên phương pháp Montessori và thuyết đa trí thông minh”, tạm dịch「モンテッソーリ教育×ハーバード式「多重知能理論」で子どもの才能を伸ばす方法」của tác giả Mika Ito 

Link giới thiệu sách: Amazon Nhật Bản