1. Mối quan tâm về dạy con thông minh từ vận động
Dạy con thông minh từ vận động là mối quan tâm của mình từ sau khi tốt nghiệp đại học Waseda. Lý do vì trong thời gian đó, mình đã đi xin việc tại Nhật và rong quá trình tìm việc thì cũng giống như các bạn Nhật khác, mình có tham gia các hội thảo tuyển dụng và một trong số đó mình thấy ấn tượng nhất với bài phát biểu của Giám đốc công ty SOU Shinsuke Sakimoto.
Website giới thiệu của công ty: https://www.valuence.inc/company/introduction/
Trong bài truyền cảm hứng của Giám đốc Sakimoto có rất nhiều đoạn liên quan tới tinh thần đồng đội trong bóng đá – sở thích của Giám đốc, và đặc biệt hơn là khi Giám đốc tiết lộ rằng càng chơi bóng đá nhiều thì lại càng có tinh thần tập trung cao độ trong công việc.
“Phụ huynh nên để cho trẻ vận động cơ thể nhiều hơn để não trở nên thông minh hơn!”
(Trích cuốn Thói quen tốt rèn trí não siêu việt – Kubota Kisou)
Và thế là một ý nghĩ đã chợt nảy ra trong đầu mình lúc đó: Liệu đúng là có mối liên hệ giữa vận động cơ thể và hoạt động của não bộ không? Liệu có thể dạy con thông minh từ các hoạt động thể thao được không?
Câu trả lời sau khi đọc cuốn sách 「子供の脳を育むよい習慣」, tạm dịch là “Thói quen tốt rèn trí não siêu việt” của giáo sư Kubota Kisou là CÓ. Đặc biệt, không chỉ người lớn, vận động lại càng có ý nghĩa hơn nữa đối với sự phát triển não bộ của trẻ.
2. Tại sao vận động lại là yếu tố quan trọng trong việc dạy con trở nên thông minh?
Lý giải cho việc này, giáo sư Kubota giải thích rằng, việc vận động sẽ giúp trẻ kích thích được vùng vỏ não trước trán. Đây chính là vùng hoạt động cực kỳ mạnh trong thời kỳ vàng, độ tuổi học hỏi của trẻ. Vùng này hoạt động khi trẻ suy nghĩ, phát hiện ra vấn đề mới thú vị, bắt chước một hành động của ai đó, và đặc biệt là, vùng này cũng hoạt động khi trẻ vui chơi, chạy nhảy.
Điều này có nghĩa rằng, việc trẻ vận động sẽ bắt vùng vỏ não trước trán hoạt động, từ đó khiến cho suy nghĩ của trẻ trở nên linh hoạt hơn, thích ứng với hoàn cảnh tốt hơn. Đây chính là tiền đề cho việc dạy con trở nên thông minh sau này. Giáo sư Kubota cũng đề cập rằng, kể cả những vận động đơn giản nhất như với tay lấy cốc nước thôi cũng đòi hỏi não phải phân tích bối cảnh và đưa ra các xử lý phù hợp. Chính vì thế nên nếu mẹ muốn dạy con thông minh thì hãy thử bắt đầu bằng các vận động nhỏ với con nhé!
Hiện nay, thì ngay tại Nhật Bản, việc cạnh tranh vào các trường điểm cũng diễn ra rất gay gắt. Chính vì thế nhiều bậc phụ huynh có xu hướng bắt con em mình tham gia các lớp học thêm bên cạnh các lớp học chính. Việc học thêm kiến thức mới đúng là rất cần thiết, tuy nhiên thay vì ép trẻ ngồi lì trước bàn học hàng tiếng đồng hồ thì nên khuyến khích trẻ tham gia thể thao, hoặc vận động nhẹ để vùng vỏ não trước trán được nhận thêm nhiều kích thích hơn, giúp tăng khả năng tập trung của trẻ.
3. Làm thế nào để dạy con thông minh qua vận động?
Vậy với vai trò là một người mẹ, người dẫn đường cho trẻ, mẹ nên làm gì để tạo thói quen vận động ở trẻ ngay từ khi còn nhỏ?
“Nếu có thể đi bộ liên tục trong một tiếng đồng hồ thì việc học trong một tiếng cũng trở nên đơn giản”
Trích cuốn Thói quen tốt rèn trí não siêu việt – Kubota Kisou
Cách 1: Tạo thói quen đi bộ cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ
Hiện nay đô thị hóa khiến cho điều kiện vui chơi của trẻ trở nên hạn hẹp hơn rất nhiều. Tuy nhiên thay vì cảm thấy nản lòng hoặc tiếc nuối vì việc đó thì cha mẹ nên khuyến khích trẻ đi bộ trên các con đường vắng người. Thông qua hoạt động đi bộ, cha mẹ có thể nói chuyện với trẻ về quy tắc dừng lại trong an toàn giao thông, đi bộ làm sao để tránh bị ngã hoặc va vấp, dạy trẻ những khu vực cấm không nên lại gần.
Giáo sư Kubota cũng đề cập rằng, khi trẻ nhận được các thông tin trên khi vận động cùng cha mẹ thì vùng hải mã phía sau não sẽ được kích hoạt và thông tin sẽ lưu vào đại não, giúp trẻ nhớ sâu hơn nữa những gì được dặn. Từ đó, trẻ sẽ hiểu về tầm quan trọng của sự an toàn và cha mẹ cũng có thể yên tâm hơn nếu trẻ phải ra đường một mình.
Cách 2: Giảm thiểu thời gian chơi điện tử ở trẻ
Lối sống sinh hoạt tiện nghi hiện nay khiến trẻ ngồi chơi điện tử hoặc xe tivi ngay sau khi học xong. Tuy nhiên thói quen này thực sự không tốt.
Tất nhiên sẽ có rất nhiều phụ huynh bào chữa rằng việc trẻ chơi điện tử sẽ làm tăng phản xạ của trẻ, giúp trẻ suy nghĩ linh hoạt hơn. Tuy nhiên cũng giống như tivi, những gì trẻ trải nghiệm chỉ là một chiều và trong thế giới ảo. Thay vào đó, nếu muốn nhiệm vụ dạy con thông minh trở nên dễ dàng thì cha mẹ hãy khuyên trẻ làm việc nhà hoặc vận động nhẹ ngoài trời trong thời gian đó.
Cách 3: Cùng đi với trẻ tới những nơi xem thể thao
Không có quá nhiều tranh cãi về lợi ích khi trẻ tham gia thể thao, nhưng nếu trẻ chưa sẵn sàng để tham gia một môn thì thay vì ép buộc trẻ học một môn thể thao nào đó cho giống “con nhà người ta” thì cha mẹ hãy cùng trẻ tới sân vận động, hoặc hội thao hoặc bất cứ một địa điểm nào để giúp trẻ có cơ hội được nhìn người khác vận động.
Tuỳ theo đặc trưng của từng trẻ mà việc thấy thể thao có hứng thú hay không, tuy nhiên đã có rất nhiều trường hợp, niềm hứng thú được nảy sinh trong trẻ một cách bộc phát khi thấy bạn bè, anh chị em xung quanh tham gia một câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền hoặc bơi lội nào đó.
Cũng theo giáo sư Kubota, khi tham gia thể thao, ngoài kích thích tốt dành cho não thì trẻ sẽ nhận được rất nhiều lợi ích như tăng cường được khả năng giao tiếp, biết cách tôn trọng đối phương, nâng cao tinh thần đồng đội, tính cạnh tranh vươn lên… Đặc biệt, khi trẻ đã giỏi một môn thể thao nào đó thì sự tự tin dành cho học tập hoặc các hoạt động khác cũng tăng lên đáng kể.
Dạy con thông minh thật sự là một nhiệm vụ to lớn với mẹ. Còn rất nhiều điều muốn chia sẻ về tầm quan trọng của vận động ở trẻ, nhưng trên hết chỉ muốn gửi gắm với các bậc phụ huynh rằng, hãy để con có thêm nhiều cơ hội được vận động hơn nữa, càng nhiều càng tốt !