1. Khái niệm dạy con thông minh qua tế bào thần kinh gương
Ở bài viết trước, mình có chia sẻ về phương pháp dạy con thông minh nhờ vận động, dựa trên lời khuyên của giáo sư về não bộ học Kubota.
Hôm nay, trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu một khái niệm khác về dạy con thông minh, dựa vào một bộ phận đặc biệt trong não trẻ, có tên gọi là tế bào thần kinh gương.
Trong cuốn Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn của tác giả Ibuka Masaru có đề cập tới một khía cạnh về sự bắt chước của trẻ. Cụ thể là, trong giai đoạn trẻ bắt đầu học một kỹ năng mới, đặc biệt là trong giai đoạn vàng từ một tới ba tuổi thì phải cho trẻ tiếp xúc với những cái nhất. Ví dụ cho trẻ đi ăn ở nhà hàng ngon nhất, xem những bộ phim hay nhất, nghe những bài hát hay nhất. Và từ đó mình đã luôn trăn trở, có lý do nào giải thích cho việc này không?
Và thật may mình đã tìm được đáp án trong việc đọc cuốn 「子どもの脳を育む よい習慣」 , tạm dịch là “Thói quen tốt rèn trí não siêu việt” của giáo sư Kubota. Đáp án nằm ở một phần của não bộ, gọi là tế bào thần kinh gương!
2. Vậy tế bào thần kinh gương là gì?
Nếu đi tới các trường tiểu học thì không khó để bắt gặp cảnh học sinh tập thể dục, bắt chước theo động tác của thầy giáo. Đây chính là ví dụ điển hình của tế bào thần kinh gương mà chúng ta hay gặp nhất ở trẻ. Theo như giáo sư Kubota thì khi con người vận động, vùng não trước trán sẽ ra phán đoán về hành động cần làm nhưng phần ra quyết định về hành động cần thực hiện thì lại do vùng não hành động và vùng vỏ não hành động chi phối.
Khi trẻ được xem một hành động nào đó, kể cả qua video hay trên thực tế thì vùng não trước trán sẽ ghi nhận thông tin và sau đó sẽ tua lại hình ảnh về sau trong quá trình trẻ thực hiện, nhằm ra lệnh cho vùng não hành động thực hiện các hành động trực tiếp. Chính vì thế đây được coi là điểm mấu chốt trong việc dạy con thông minh nhờ tế bào thần kinh gương.
Trong khoa học não bộ ngày nay, có một thuật ngữ là “huấn luyện hình ảnh”, ám chỉ hành động gợi nhớ lại ký ức về một thao tác hay hành động nào đó thì đồng nghĩa với việc chúng ta đang huấn luyện bản thân thực hiện hành động đó trong não bộ. Điều này lý giải vì sao các cầu thủ cấp cao, kể cả khi bị chấn thương thì thay vì nghỉ ngơi để hồi phục hoàn toàn thì vẫn tới sân tập để nhìn thấy các vận động viên khác tập luyện hoặc xem video của các người chơi giỏi khác.
3. Các bước để dạy con thông minh sử dụng tế bào thần kinh gương
Việc trẻ sử dụng tế bào thần kinh gương trong những năm đầu đời là một điều hiển nhiên mà chính bản thân trẻ cũng không nhận ra, vậy với tư cách là người dẫn đường cho bé thì cha mẹ nên làm gì để cho trẻ có thể phát triển được hệ thống thần kinh gương của mình?
Dưới đây là bốn bước mà giáo sư Kubota gợi ý cho mẹ trong quá trình dạy con thông minh:
・Dạy trẻ thông qua hành động
Trong quá trình dạy trẻ, nếu cha mẹ yêu cầu trẻ làm một việc gì đó như đánh răng hay buộc dây giày thì thay vì hướng dẫn bằng ngôn ngữ thì nên chỉ dẫn thông qua hành động và để trẻ tự làm thì sẽ nhanh hơn và tốt hơn cho não bộ của bé rất nhiều.
Cũng cần chú ý là phải để trẻ ở chiều cùng chiều với cha mẹ để tránh trường hợp trẻ bị lẫn lộn phải và trái về sau.
・Để trẻ tự suy nghĩ về các hành động mà mình đã xem hoặc cần làm
Sau khi hướng dẫn trẻ thì cha mẹ có thể để dành thời gian giúp trẻ tưởng tượng về hành động hoặc thao tác đã được xem thì có thể rèn luyện cho trẻ cả tế bào thần kinh gương cùng trí nhớ ngắn hạn.
・Tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với các điều tuyệt vời nhất
Để trẻ có thêm nhiều kích thích tốt và học thêm những điều tốt thì cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với những điều chuẩn mực ngay từ đầu, ví dụ như học tiếng Anh thì cho nghe băng đĩa của người bản xứ, chơi thể thao hoặc học nhạc thì nên chọn các lớp học có thầy cô giáo giỏi…
・Và quan trọng nhất, cha mẹ là tấm gương để trẻ noi theo
Dù có nhiều tác động từ ngoại cảnh thế nào đi chăng nữa thì người tiếp xúc nhiều nhất với trẻ là cha mẹ, nên cha mẹ hãy chú ý tới từng cử chỉ nhỏ nhất của mình, trở thành tấm gương to lớn và mẫu mực của cuộc đời trẻ.
Cuối chương sách, ngoài việc chú trọng nuôi dạy con thông minh, giáo sư Kubota có đưa ra lời khuyên về việc làm thế nào để nuôi dạy trở thành một đứa trẻ vui tươi, tràn sức sống. Vì tế bào thần kinh gương ngoài vận động thì có thể cảm nhận được cảm xúc của người đối diện để từ đó điều chỉnh và bắt chước bản thân nhằm hiểu đối phương. Cho nên, nếu muốn trẻ luôn vui tươi thì cha mẹ nên giữ không khí gia đình ấm áp, hòa thuận và ngập tràn tiếng vui.
Xem thêm: Dạy con thông minh thông qua vận động