Cách nuôi dạy con trai: Là một ông bố bà mẹ, ai cũng muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Mong cho con mình mau lớn, trưởng thành. Vậy làm thế nào để có thể dạy con mình thành một cá thể độc lập, trưởng thành, không dựa dẫm vào cha mẹ và có khả năng sống sót với sóng gió cuộc đời. Dựa vào kinh nghiệm quan sát 12,000 trẻ từ khi mới đẻ cho tới lúc trưởng thành, tốt nghiệp đại học, tác giả Erika Takeuchi đã đúc rút ra được kinh nghiệm rằng, việc nuôi dạy con trai và con gái có những tính chất khác nhau. Nếu mẹ hiểu và phát huy được những tính chất đó thì năng lực của bé trai cũng được phát triển một cách hoàn thiện.
1. Đặc điểm nuôi dạy con trai
Ngay từ mở đầu cuốn sách, tác giả Erika Takeuchi đã cho rằng việc nuôi dạy con trai và con gái là hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, nếu con gái có những năng lực phát triển ngôn ngữ vượt trội thì con trai lại không như vậy. Nếu con gái có thể dễ dàng bày tỏ cảm xúc của mình, truyền đạt được suy nghĩ của mình với người xung quanh thì con trai không thể làm được như vậy. Nếu con gái có thể hiểu được hiệu lệnh của người lớn và thực hiện một cách trơn tru ngay từ đầu thì con trai lại không thể làm được như vậy.
Vì vậy, đối với con trai, mẹ nên chú ý một vài điểm chung chung khi nuôi dạy con như ở dưới đây:
・ Không cấm đoán con
Ngày nay, khi môi trường nuôi dạy con đã trở nên khá an toàn nhưng rất nhiều bà mẹ vẫn luôn cấm đoán con cái thử thách điều mới lạ trong mọi trường hợp. Và rất nhiều bà mẹ không thực sự hiểu hành động mà đứa trẻ nhà mình đang làm. Điều này dẫn tới trường hợp, rất nhiều câu lệnh cấm đoán được đưa ra. “Cấm con không được leo trèo”, “Cấm con không được làm ồn trong lúc đợi cơm”, “Cấm con chạy nhảy”… Tuy nhiên, điều này là không cần thiết và đôi khi mang lại những nguy hại cho đứa trẻ. Bởi lẽ, đối với con trai, ý chí muốn làm là điều cực kỳ quan trọng. Nếu mẹ nhổ mất ý chí muốn thử thách ở con trai thì khi lớn lên, trẻ sẽ có suy nghĩ tiêu cực về tài năng của bản thân, luôn mang ý nghĩ từ bỏ ngay từ bước đầu.
・Luôn cho con được thất bại
Khác với con gái, luôn nhận sự giúp đỡ và lời khuyên từ những người xung quanh, con trai thì không như vậy. Thông thường, khi đứng trước một thử thách mới, bé trai sẽ có xu hướng tự làm, tự trải nghiệm để rút ra bài học riêng. Vậy nên, mẹ hãy để cho trẻ tự làm, hãy để trẻ thử, tự học hỏi từ cách làm. Nếu trẻ làm sai thì sao? Thì cũng không sao. Hãy để cho trẻ thất bại và học từ thất bại của bản thân. Ví dụ nếu trẻ thích nhảy từ trên thùng cao xuống, thì hãy cảnh báo với trẻ, nhảy xuống sẽ có thể có những kết quả gì, và để cho trẻ tự quyết. Khi trẻ nhảy xuống, thấy bị đau, bị xước chân, trẻ sẽ tự hiểu, “À nhảy như thế này là đau, là không được”, và khi trẻ lớn lên, bước vào lớp một, trẻ sẽ có thể tránh không lặp lại các hành động tương tự khi tham gia các môn thể thao vận động.
・Có thể đuổi kịp con gái khi bước vào dậy thì
Như đã nói ở trên, con trai không giỏi lắng nghe lời khuyên từ những người xung quanh và làm theo như con gái. Con trai thường tự mình quyết định và tự mình làm nên so với sự phát triển của con gái thì con trai sẽ có phần thua kém ở bước đầu. Tuy nhiên mẹ không phải quá lo lắng. Khi bước vào độ tuổi dậy thì, tầm 12 tuổi trở đi, khi kinh nghiệm đã đủ thì con trai hoàn toàn có thể bắt kịp con gái.
・Cực kỳ vất vả bước đầu
Nuôi con trai luôn được đánh giá là vất vả, đặc biệt là giai đoạn 2 tuổi, 4 tuổi và 5 tuổi. Khi bước qua độ 1 tuổi, độ tuổi thiên thần, từ 2 tuổi trở đi, bước vào thời kỳ phản kháng thì bé trai sẽ có xu hướng chống lại mọi điều mẹ nói. Và khi bước vào độ tuổi từ 3 tới 4, độ tuổi của sự tự lập thì bé trai sẽ tranh làm mọi thứ thuộc về mình. Bước vào 5 tuổi thì sự chống đối và tự chủ sẽ càng trở nên mạnh mẽ. Nếu nhu cầu không được đáp ứng thì trẻ có thể tìm cách để mọi thứ được như ý muốn.
Mẹ có thể mệt mỏi ở thời kỳ này tuy nhiên đây được coi là thời kỳ mẹ cần phải cố gắng. Nắm được đặc điểm của từng thời kỳ, nuôi dưỡng sự tò mò, sự tự chủ, tự lập, tự quản lý bản thân thì về sau, việc nuôi dạy con trai sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
・Nuôi dưỡng năng lực học tập và tồn tại trong xã hội
Đối với việc nuôi dạy con trai, việc phải nuôi dưỡng năng lực học tập và tồn tại trong xã hội là điều rất quan trọng. Năng lực học tập không chỉ đơn thuần là bài thi đạt điểm cao, mà ở đây muốn đề cập tới khả năng tập trung, đọc sách báo, thu thập và phân tích thông tin.. Trong khi khả năng tồn tại trong xã hội ám chỉ khả năng thương lượng, mối quan hệ giữa người và người, hay nói cách khác là tất cả những gì trẻ không thể học được ở trường. Chỉ cần mẹ nuôi dưỡng được hai khả năng này thì khi lớn lên, trẻ sẽ được như kỳ vọng mẹ đặt ra, trở thành người có ích, cống hiến được cho xã hội, cảm thấy mình có ích khi được sinh ra và là người có chí tiến thủ.
Các bước nuôi dạy con trai theo từng độ tuổi:
Mục đích: Nuôi dưỡng trí tò mò bên trong trẻ về thế giới xung quanh
Mục đích: Nuôi dưỡng ham muốn làm
Mục đích: Nuôi dưỡng khả năng tập trung
Mục đích: Nuôi dưỡng tính tự lập
Mục đích: Nuôi dưỡng sức chịu đựng, tính kiên nhẫn bền lòng ở bé trai
Mục đích: Nuôi dưỡng một tâm hồn ấm áp
Mục đích: Nuôi dưỡng sự tự tin của trẻ
2. Cách nuôi dạy con trai giai đoạn 0 tuổi
Giai đoạn 0 tuổi ở trong việc nuôi dạy bé trai chú trọng vào việc nuôi dưỡng tính tò mò bởi lẽ năng lực mà bé trai có được thường được lấy từ những trải nghiệm vui vẻ. Vậy nên, mẹ nên để cho bé được tiếp xúc với nhiều thứ thú vị, khiến bé có được những nhiều hứng thú nhất có thể. Trực tiếp nói chuyện với con nhiều nhất có thể, cho con được sờ với nhiều đồ vật, hoặc ôm cho con thẳng người trong một thời gian ngắn để có thể nhìn mọi thứ một cách rõ ràng. Khi con bước vào độ tuổi tập bò, thì mẹ nên tạo môi trường an toàn để con có thể tự do khám phá mọi thứ. Khi bé trai có cơ hội được tiếp xúc với nhiều thứ thì tinh thần khám phá cũng như trí tò mò được tăng lên.
Ngay khi mới được chào đời, mẹ nên chú trọng phát triển giác quan cho trẻ. Thính giác là giác quan đầu tiên cần được kích thích sau sinh, bởi lẽ thị giác của trẻ sơ sinh lúc này chưa được phát triển hoàn thiện. Mẹ có thể giúp trẻ phát triển thính giác bằng các hoạt động như cho con nghe âm điệu và giọng nói của mẹ, nghe nhiều âm thanh từ tự nhiên, từ đồ chơi chính là các cách tốt nhất để phát triển thính giác. Tiếp theo thính giác là xúc giác. Khi xúc giác của trẻ được phát triển tốt thì cơ thể sẽ hoạt động linh hoạt. Phát triển xúc giác của trẻ thông qua cách tiếp xúc với da của mẹ, ôm con nhiều nhất trong điều kiện cho phép, cho con làm quen với nóng và lạnh, chơi các bài tập vận động nhẹ nhàng giúp trẻ thư giãn…
Khi luyện tập cho thính giác và xúc giác, mẹ có thể bắt đầu các bài tập tiếp theo tập trung vào thị giác với ba màu đỏ, trắng và đen, đưa đồ chơi từ trái sang phải và từ trên xuống dưới để tăng tầm nhìn cho con, bế con vừa đi dạo vừa nói chuyện. Đối với xúc giác thì mẹ cần chuẩn bị đồ ăn tươi cho con để giữ nguyên hương vị cũng như cho con được ngửi mùi thơm của tự nhiên…
Ngoài ra, một điều quan trọng khác khi dạy bé trai là khả năng truyền đạt. So với con gái thì con trai được đánh giá là có khả năng giao tiếp kém hơn nên việc dạy bé trai sử dụng từ ngữ cần phải luôn được chú ý. Trong cuộc sống hàng ngày, mẹ hãy nói chuyện với con nhiều nhất có thể, sử dụng các tính từ đa dạng và nhất là, giúp trẻ truyền đạt thông tin, sử dụng từ ngữ khi trẻ cảm thấy cần. Trẻ con với vốn từ vựng hạn hẹp chỉ có thể diễn giải theo cách của trẻ con, tuy nhiên mẹ hãy sử dụng vốn từ của người lớn để diễn đạt lại những gì trẻ muốn nói. Đây cũng là cách để giúp trẻ học ngôn ngữ và có vốn từ vựng phong phú về sau.
Những việc mẹ làm ở thời gian đầu đời của trẻ có thể không thể nhìn thấy tác dụng trong thời gian đầu, nhưng sự khác biệt giữa trẻ và trẻ sẽ khác nhau trong giai đoạn khi lớn lên về sau.
3. Cách nuôi dạy con trai giai đoạn 1 tuổi
Giai đoạn 1 tuổi trong việc nuôi dạy bé trai chú trọng vào việc nuôi dưỡng ham muốn làm gì đó ở trẻ. Cho trẻ được thử thách với những hoạt động mới mẻ, không ép buộc hay cưỡng chế trẻ. Đặc biệt đối với bé trai thường bị mất cảm hứng làm nếu bị sai khiến. Vậy nên mẹ nên để trẻ tự cảm thấy hứng thú và tự giác làm mọi việc.
Để có thể hình thành được ý muốn làm trong tư duy của trẻ thì điều đầu tiên mẹ cần làm là xác nhận và khen ngợi những gì trẻ làm. Không cần phải chờ tới những hành động mang lại kết quả lớn mà chỉ cần các hành động như con có thể tự đứng được, có thể tự giác vẫy tay chào, có thể bước đi được… Những điều rất nhỏ nhặt nhưng chỉ cần được mẹ khen ngợi và động viên, chắc chắn, khao khát muốn được làm của bé trai sẽ được hình thành.
Ngoài ra, con trai tuy rất năng động, muốn làm mọi việc nhưng lại không thích bị ra lệnh, ép buộc. Nếu bé trai nhận thấy mình đang bị ra lệnh, ép làm thứ gì đó thì ngay lập tức, ý chí muốn làm sẽ bị giảm. Vậy nên, mẹ hãy để cho trẻ được làm những thứ mình thích trong phạm vi có thể. Hầu hết các hành động của con trai đều có ý nghĩa, muốn được biết thế giới xung quanh, vậy nên thay vì cấm đoán, mẹ có thể hướng dẫn trẻ cách chơi an toàn.
Trong một vài trường hợp, vì nguy hiểm mà không thể cho trẻ chơi, mẹ hãy giải thích lý do, nguyên nhân và kết quả cho trẻ. Nếu trẻ cảm thấy vẫn nhất quyết muốn làm thì mẹ có thể để cho trẻ làm trong phạm vi nguy hiểm phù hợp. Trong một vài trường hợp, cho trẻ biết cảm giác đau cũng rất quan trọng để trẻ có thể tránh được các nguy hiểm to lớn trong tương lai.
Nhiều khi, nếu quan sát, mẹ sẽ thấy trong giai đoạn 1 tuổi này, bé trai thường rất hay tập trung chơi một đồ vật cho tới chán. Việc này không phải là không có lý do. Thậm chí có nhiều trường hợp, trẻ mải chơi đến mức mẹ hoặc người nhà gọi tên nhưng cũng không biết. Vậy trong trường hợp này, có nên lo lắng không? Câu trả lời là hoàn toàn không. Chính những lúc trẻ mải chơi đến mức gọi nhưng không nghe thấy chính là lúc trẻ đang phát triển bản thân mình thông qua khả năng tập trung. Nhờ có khả năng tập trung thần kỳ này, trẻ sẽ có thể học thêm được kỹ năng mới thông qua việc cảm nhận, nhớ và so sánh liên tưởng với sự việc cũ. Vậy nên, mẹ hãy để trẻ được làm đi làm lại một việc cho tới lúc chán thì thôi nhé!
4. Cách nuôi dạy con trai giai đoạn 2 tuổi
Giai đoạn 2 tuổi ở trong việc nuôi dạy bé trai chú trọng vào việc nuôi dưỡng khả năng tập trung. Con trai không giống với con gái nên việc rèn luyện khả năng tập trung ngay từ khi còn nhỏ là rất quan trọng. Để làm được điều này, ngoài việc tạo hứng thú cho con thông qua các hoạt động hàng ngày, mẹ còn cần phải chú trọng tạo cho con môi trường để tập trung làm những thứ mình thích.
Rèn luyện trí tập trung cho bé trai khó hơn rất nhiều so với bé gái vì con trai thường năng động, nhiều năng lượng và khó có thể ngồi im. Tuy nhiên, khả năng tập trung này là khả năng rất quan trọng để con có thể tiếp thu kiến thức mới trong tương lai. Khả năng tập trung giúp nuôi dưỡng nên một đứa trẻ không chỉ học được mà còn biết nghiên cứu cũng như tò mò trong mọi việc.
Để có thể rèn luyện sự tập trung cho bé trai trong giai đoạn 2 tuổi này, điều đầu tiên mẹ có thể làm là dẫn trẻ ra chơi ngoài tự nhiên thật nhiều. Con trai tuy liên tục thích cái mới nhưng trong tự nhiên thì khác. Điều này bắt nguồn từ khả năng tập trung đi săn mồi vốn có của phái mạnh. Mẹ có thể cùng con chơi trò bắt côn trùng, quan sát đàn kiến, nhìn lá trôi trên dòng nước… Rất nhiều hoạt động mẹ có thể cùng làm với trẻ. Nếu khi nào thời tiết không tốt, mẹ có thể để trẻ chơi xếp hình. Trẻ 1 tuổi chơi xếp hình thì chỉ có thể cầm nắm, cảm nhận nhưng trẻ 2 tuổi thì đã có thể phân biệt được hình khối, màu sắc và suy nghĩ được hình dạng cần lắp ráp. Việc trẻ tập trung vào một sự vật trong một khoảng thời gian dài, làm các việc giống nhau thì sẽ có thể giúp trẻ tăng khả năng suy nghĩ về sau.
・Trẻ làm đi làm lại một việc
・Trẻ bước vào thế giới của mình
・Trẻ im lặng, không phản ứng khi cha mẹ gọi
Khi nhận thấy một trong ba dấu hiệu này, mẹ hãy để trẻ được một mình tập trung. Có thể điều này sẽ làm mẹ rất ngạc nhiên, vì “Hàng ngày thằng nhóc này ồn ào lắm mà, sao hôm nay lại im ắng thế nhỉ?”. Những lúc như vậy, mẹ hãy im lặng, để trẻ được một mình tự do trong thế giới của mình. Khi trẻ im lặng thì khả năng suy nghĩ của não trẻ sẽ được hoạt động một cách tối đa.
5. Cách nuôi dạy con trai giai đoạn 3 tuổi
Giai đoạn 3 tuổi ở trong việc nuôi dạy bé trai chú trọng vào việc nuôi dưỡng khả năng tự lập. Đặc biệt con trai thường rất thích được tự mình làm mọi thứ. Thậm chí có rất nhiều việc nếu để tự làm thì sẽ mất rất nhiều thời gian nhưng mẹ hãy để trẻ tự làm. Cho con làm thử nếu thất bại thì cho trẻ tự nhận trách nhiệm. Ví dụ nếu trẻ muốn tự đổ sữa nhưng chẳng may bị đổ sữa thì hãy để trẻ tự nhận trách nhiệm bằng cách tự lau chỗ sữa làm đổ. Trong giai đoạn này, nếu mẹ dạy và bảo rõ bước này thì sẽ tạo được em bé có tính tự lập và trách nhiệm.
Trong thời kỳ 3 tuổi này, rất nhiều bé trai đã hình thành thói quen tự mình làm. Đây không còn là điều quá lạ lẫm nên nếu trẻ nói trẻ muốn tự làm, hoặc trẻ muốn làm thử thì hãy để cho trẻ làm. Có rất nhiều điều mẹ có thể làm để hỗ trợ trẻ, ví dụ
・Để cho trẻ tự mình đổ sữa vào cốc
・Để trẻ tự cài cúc áo đang mặc
・Cho trẻ sử dụng đồ chơi nấu ăn như nồi, niêu, xào nấu nếu trẻ bắt chước mẹ nấu ăn ở bếp
・Cho trẻ tự cất đồ chơi và tự vệ sinh phòng nếu trẻ muốn
・Để trẻ tự gấp và dọn tủ quần áo của mình
Thực tế ra, trong giai đoạn này, kể cả trẻ nói rằng trẻ muốn tự làm nhưng thực tế ra, những gì trẻ làm chỉ tốn thời gian hoặc khiến mẹ mất công dọn dẹp. Những việc thế này thực sự là rất dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu mẹ nói không với trẻ trong thời gian này, thì rất có thể tương lai, trẻ sẽ trở thành là người không biết tự làm và giúp đỡ người khác. Cho nên, thay vì nói không với trẻ, hãy để thời gian dư dả hơn một chút và cho trẻ làm những thứ mình muốn.
3 tuổi là độ tuổi trẻ đã dần hoàn thiện khả năng giao tiếp cũng như khả năng sử dụng đôi bàn tay. Vậy nên khả năng làm việc của trẻ đã trở nên linh hoạt hơn. Chính điều này khiến trẻ thích làm việc và tranh giành làm mọi việc. Trong trường hợp này, thì hãy để con được thỏa mãn nguyện vọng của mình. Kể cả có biết rằng con có thể không làm được, nhưng nếu mẹ hãy tìm cách để con được thỏa mãn nguyện vọng của mình thì con sẽ cảm thấy có ích, cảm thấy vui khi giúp đỡ người khác, thấy vui khi mình làm được điều gì đó.
Một điều phát sinh khi con trai tranh giành làm việc đó chính là việc con có thể bị thất bại. Đối với con gái thì chỉ cần xin lỗi và xin trợ giúp từ những người xung quanh là được. Nhưng đối với con trai thì khác. Con trai nếu làm có thất bại thì thông thường sẽ không muốn chấp nhận sự thất bại của bản thân. Chính từ sự không chấp nhận thất bại mới nảy sinh ra việc đổ lỗi cho người khác và hoàn cảnh. Vậy nên, nuôi dạy con trai ở giai đoạn 3 tuổi này, nhất định phải dạy con tính trách nhiệm. Việc dạy con tính trách nhiệm rất cần sự kiên nhẫn từ mẹ, đặc biệt khi thấy con đòi làm gì đó mà lại làm hỏng. Vì vậy, trong những trường hợp như vậy, mẹ cần hít thở thật sâu, không nổi giận với con mà chỉ nhắc nhở con để nhận ra trách nhiệm của mình.
Ví dụ, trẻ muốn giúp mẹ đổ sữa ra cốc cho cả nhà vào bữa sáng nhưng chẳng may bị đổ. Nếu bình thường chắc chắn mẹ sẽ nổi giận và mắng trẻ: “Lại làm đổ rồi! Làm phải chú ý vào!”. Tuy nhiên, chỉ đơn thuần là mắng như vậy thì sẽ chỉ khiến trẻ cảm thấy xấu hổ cũng như nhụt chí muốn giúp đỡ mọi người. Vì vậy, thay vì mắng, mẹ có thể nhắc nhở trẻ rằng: “Từ lần sau, nếu chẳng may con làm đổ, thì hãy dùng cái khăn này để lau sạch là được”.
6. Cách nuôi dạy con trai giai đoạn 4 tuổi
Giai đoạn 4 tuổi ở trong việc nuôi dạy bé trai chú trọng vào việc nuôi dưỡng khả năng nhẫn nhịn (kiên nhẫn). Bé trai rất năng động nên khi muốn làm gì là muốn làm ngay. Tuy nhiên, điều này không phải hoàn toàn tốt. Một đứa trẻ chỉ khi rèn được khả năng nhẫn nhịn thì mới có thể hành động có suy nghĩ, nhìn trước ngó sau, biết chờ đợi cơ hội để tăng khả năng thành công.
Trong giai đoạn 4 tuổi này, trẻ đã tích lũy được một số lượng nhất định về kinh nghiệm sống cũng như ngôn ngữ và đã có thể diễn đạt suy nghĩ của mình một cách đơn giản. Chính nhờ sự khác nhau trong trải nghiệm và môi trường sống, các mẹ có thể nhận thấy có những đứa trẻ rất ngoan, biết lắng nghe lời cha mẹ nhưng cũng có những trẻ rất khó bảo, luôn nằn nì cha mẹ. Vậy đâu là điểm khác nhau giữa những trẻ này? Câu trả lời nằm ở cách trẻ biết cách xử lý tình huống và cảm xúc của mình như thế nào.
Ví dụ, khi trẻ ăn vạ, kêu khóc ở trong siêu thị, quầy đồ chơi để đòi món đồ mình thích, cha mẹ sẽ hành xử như thế nào? Chiều theo ý trẻ hay nhất quyết nói không. Gặp tình huống như này, rất nhiều cha mẹ đã chọn theo cách chiều theo ý trẻ, mua cho trẻ thứ mình cần chỉ vì không muốn mất mặt với những người xung quanh. Cách làm này có thực sự là đúng? Trẻ con rất thông minh và luôn học hỏi trên sự thành công trong quá khứ của chúng. Vậy nên nếu trẻ thấy nhu cầu của mình được thỏa mãn chỉ bằng việc khóc lóc, ương ngạnh theo ý kiến của mình thì cha mẹ sẽ thua trẻ và trong tương lai gần, chúng ta sẽ không thể dạy dỗ nên một đứa trẻ có tính kiên nhẫn.
Một phương pháp nhỏ cho cha mẹ để có thể giúp trẻ trì hoãn được nhu cầu đáp ứng mong muốn của mình cũng như dạy trẻ tính kiên nhẫn đó chính là “nguyên tắc chờ đợi”. Phương pháp này rất đơn giản. Đầu tiên, khi trẻ khóc lóc để đòi thứ gì đó, đầu tiên hãy nói OK với trẻ, chấp nhận yêu cầu của trẻ, sau đó nói lên khoảng thời gian mà cha mẹ có thể đáp ứng được nhu cầu của trẻ, để trẻ chờ.
Ví dụ như đoạn hội thoại dưới đây:
(Trong siêu thị)
Con: “Mẹ ơi, mua cho con cái này đi”
Mẹ: “Ừ, mẹ sẽ mua cho con vào ngày sinh nhật nhé”
(Trong gia đình)
Con: “Mẹ ơi, mẹ nhìn này”
Mẹ: “Ừ, con chờ mẹ 5 phút”
Để có thể áp dụng phương pháp này, mẹ không cần phải suy nghĩ quá nhiều, chỉ cần chấp nhận yêu cầu của trẻ và để trẻ đợi đến thời điểm thích hợp. Khi trẻ chờ thì cũng không cần phải có điều kiện gì khắc nghiệt hay oái oăm mà chỉ cần để trẻ chờ là được. Và khi trẻ đã chờ thì cha mẹ nên giữ lời hứa mua cho trẻ.
Để có thể dạy được trẻ tính kiên nhẫn, khả năng nhẫn nhịn với những thứ mình cần và muốn có, cha mẹ phải cam kết với chính mình, phải cực kỳ rắn, không chịu thua khi nhìn thấy trẻ khóc. Và nên có những luật lệ cho con và cùng con tuân theo luật lệ đã đề ra.
7. Cách nuôi dạy con trai giai đoạn 5 tuổi
Giai đoạn 5 tuổi ở trong việc nuôi dạy bé trai chú trọng vào việc nuôi dưỡng khả năng cảm thông với mọi người xung quanh. Bản tính con trai khác với con gái ở chỗ, con trai thường không thích nhờ vả, sai khiến hoặc nhờ sự giúp đỡ của đối phương. Vậy nên, để con trai mình có thể hòa nhập được với môi trường xung quanh, sử dụng sự trợ giúp của xung quanh để tạo ra cơ hội, phát triển khả năng của bản thân thì việc xây dựng sự cảm thông với những người xung quanh cần được chú trọng ngay từ những ngày đầu đời.
Khả năng cảm thông của trẻ không phải ngẫu nhiên mà có. Khả năng này chỉ được hình thành trên kinh nghiệm của cá nhân trẻ đã trải nghiệm cũng như những gì được cha mẹ dạy bảo. Câu chuyện sau được kể lại từ một giáo viên của một trường mẫu giáo tại Nhật Bản:
“Khi các em khối 3 tuổi, từng người một phải tập lại bài thể dục mà mình vừa học thì có một em thể hiện sự cực kỳ lo lắng khi tới lượt mình, và mãi không thể tập được. Mặc dù cô đã kiểm tra và chắc chắn tất cả các em đã thuộc bài thể dục của trường. Vậy nên chỉ vì thiếu một chút sự tự tin mà em bé 3 tuổi kia không thể hoàn thành được bài tập của mình. Nhìn thấy vậy, một bé trai khối 5 tuổi đã hô to cổ vũ “Cố lên em! Cố lên!”.
Khi nhìn thấy vậy, cô giáo cảm thấy rất xúc động vì thực tế ra, từ “Cố lên” trong tiếng nhật rất hiếm khi được sử dụng ở các lớp mầm non như vậy nhưng bé trai 5 tuổi đã sử dụng một cách thành thục như vậy chứng tỏ trong quá khứ, em bé này cũng đã có kinh nghiệm như vậy và đã được cha mẹ/người thân động viên để vượt qua khó khăn của mình. Vậy nên, điều tương tự đã xảy ra khi em bé này nhìn thấy người khác có chung hoàn cảnh của mình, bé đã động viên, sử dụng từ ngữ mang tính động viên như được người khác nói với mình hồi nhỏ.
Một trong những cách để có thể xây dựng lòng nhân ái của trẻ đối với mọi người xung quanh là mẹ có thể sử dụng sách ehon để dạy con các bài học đạo đức. Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn có những hành xử làm mất lòng người khác thì mẹ nên giải quyết như thế nào? Trong trường hợp như vậy, mẹ nên thử cách “đóng kịch (nhập vai)” với trẻ.
Rất đơn giản, ví dụ, nếu mẹ nhìn thấy trẻ cướp hoặc tranh giành đồ chơi của người khác, thì mẹ có thể làm nguyên hành động đó với trẻ và hỏi xem trẻ cảm thấy thế nào nếu bị đối xử như vậy. Dần dần, với phương pháp này, trẻ sẽ hiểu ra được tâm trạng của đối phương, hành xử trên lập trường của đối phương, nhớ và học được tính cảm thông thông qua bài học bắt chước.
8. Cách nuôi dạy con trai giai đoạn 6 tuổi
Giai đoạn 6 tuổi ở trong việc nuôi dạy bé trai chú trọng vào việc nuôi dưỡng sự tự tin cho bé trai. Đối với tính cách luôn thích làm mọi thứ, thử thách điều mới lạ như con trai thì sự tự tin chính là một vũ khí sắc lẹm, giúp trẻ có thể theo đuổi, làm mọi thứ đến cùng. Vậy nên, luôn ở bên trẻ, động viên trẻ, dõi theo các hành động của trẻ để có sự can thiệp đúng lúc là thứ mà mọi bậc cha mẹ cần phải làm trong giai đoạn 6 tuổi này.
Xây dựng sự tự tin cho bé trai ở giai đoạn 6 tuổi không quá khó. Thực tế ra, trẻ đã có được sự tự tin ngay từ những ngày đầu tiên có mặt ở trên đời này thông qua tình yêu thương ngập tràn của cha mẹ và những người xung quanh. Với tình yêu vô bờ mà trẻ nhận được, trẻ cảm thấy mình được công nhận và sẽ có đủ tự tin hơn nữa trong việc học và thử thách những điều mới lạ. Vậy nên, cách đầu tiên để xây dựng sự tự tin cho bé trai là cung cấp cho trẻ đủ tình yêu và sự bao bọc mà trẻ cần.
Cách thứ hai, để có thể xây dựng sự tự tin của trẻ, cha mẹ nên tin vào tài năng phát triển của trẻ, tin rằng trẻ có thể làm được. Nhiều khi trước khi bắt tay vào làm một việc gì, trẻ thường sẽ cảm thấy rất lo lắng. Không hiểu làm thế này có làm sao không? Không hiểu làm thế này có đúng không? … Tất cả những lo lắng của trẻ đều sẽ được giải tỏa chỉ cần với sự động viên từ cha mẹ. Để làm được điều này thì cha mẹ chỉ cần nói rằng “Con sẽ làm được” và trong tận sâu trong lòng, cha mẹ phải có niềm tin về thành tích của con mình có thể đạt được. Chỉ khi có niềm tin, thì trong giọng nói của cha mẹ mới có đủ cảm xúc để khích lệ và mang tới thành công cho con của mình.
9. Lời kết
Cách nuôi dạy con trai, như đã đề cập trong phần mở đầu, sẽ có những giai đoạn phù hợp để phát triển từng kỹ năng. Bé trai 0 tuổi cần được nuôi dưỡng trí tò mò, bé trai 1 tuổi thì cần phải có ham muốn khám phá, còn bé trai 2 tuổi thì cần phải có sự tập trung. Bé 3 tuổi thì cần dạy sự tự lập, bé 4 tuổi thì cần dạy dỗ đức tính kiên nhẫn, bé 5 tuổi thì cần hiểu tầm quan trọng của sự cảm thông với người xung quanh còn bé 6 tuổi cần có sự tự tin. Nuôi dạy bé trai hoàn toàn khác biệt so với nuôi dạy bé gái, khi bé trai thường có xu hướng tự mình làm mọi việc. Và nuôi dạy bé trai, mẹ sẽ thường phải rất vất vả trong thời gian đầu đời. Tuy nhiên, khi trẻ bước qua giai đoạn từ 4, 5 tuổi thì mẹ sẽ nhàn hơn rất nhiều.
Xem thêm các bài viết Nuôi dạy con kiểu Nhật tại link.
-
Giày bốt da Pu đế mềm chống trượt
-
Bộ đồ bơi bikini bé gái hình thiên nga kèm nón
-
Áo khoác dày ấm áp dễ thương thời trang
-
Đồ bơi liền thân bé trai – Tặng kèm nón bơi
-
Áo Khoác Lông Chồn Lông Mềm Mịn Cho Bé Trai Bé Gái
-
Áo sơ mi đi biển cho bé trai vải đũi Nhật
-
Đồ chơi mô hình gấu bearbrick lắp ghép
-
Combo bộ dụng cụ lắp ráp Gundam
-
Đĩa bay biến dạng quả bóng ma thuật