Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản từ lâu đã được nhiều cha mẹ Việt tin tưởng và áp dụng với mong muốn có thể nuôi dạy được một em bé tự lập và chững chạc, với các chế độ ăn dặm như mẹ Nhật áp dụng. Tuy nhiên có một yếu tố khác nữa chưa được đề cập trong việc nuôi dạy con kiểu Nhật từ trước đến nay đó là việc chăm sóc tâm lý cho trẻ.
“Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản” được viết bởi tác giả Akebashi Daiji, một bác sĩ tâm lý giới thiệu với các mẹ một khái niệm hoàn toàn mới trong quá trình đồng hành cùng trẻ.
1. Bài học tổng quan sau khi đọc
Sau khi đọc và nghiền ngẫm nội dung của quyển sách, một bài học mình học được đó chính là việc cha mẹ tự tạo hạnh phúc cho bản thân trong quá trình nuôi dạy trẻ. Nuôi dạy trẻ luôn được coi là một quá trình dài và rất áp lực khi cả cha và mẹ phải giáo dục, dạy dỗ, uốn nắn con trẻ từng chút một. Đối với tác giả Akebashi Daiji thì nguyên nhân tạo ra sự áp lực dạy dỗ này là việc cha mẹ không nắm rõ được đứa trẻ nhà mình là ai, tính cách như thế nào mà lại áp đặt rất nhiều mong muốn lên trẻ. Đặc biệt, nhiều mong muốn của cha mẹ lại rất trái chiều nhau, ví dụ trẻ phải năng động, vui chơi bên ngoài nhưng cũng phải biết giúp bố mẹ việc nhà, hay trẻ phải ngoan ngoãn, biết nghe lời nhưng cũng phải có chính kiến và biết bảo vệ ý kiến của mình trước đám đông.
Vậy nên bài học rút ra là, thay vì cứ phiền não rằng con mình không trở thành đứa trẻ lý tưởng như mình mong muốn thì cha mẹ nên nhìn, công nhận và phát huy những ưu điểm con mình đang có.
2. Trẻ cần phải tạo được sự tự tin cho bản thân
Trẻ cần phải có sự tự tin về bản thân mình? Điều này theo tác giả Akebashi Daiji thực sự là cần thiết. Sự tự tin của con trẻ không phải là sự tự tin khi trẻ giỏi ở một lĩnh vực nào đó, có năng khiếu làm được điều gì đó mà người khác không làm được. Sự tự tin ở đây là việc trẻ cảm nhận được: “Mình có ý nghĩa khi sống ở trên đời. Mình có giá trị tồn tại. Sự tồn tại của mình được mọi người cần đến” thông qua sự tương tác với mọi người xung quanh.
Để có thể truyền được có trẻ sự tự tin về giá trị của bản thân này, ngoài việc dạy cho con trẻ những điều lễ nghĩa thông thường, thì cha mẹ cần truyền cho con một niềm tin mạnh mẽ vào giá trị của bản thân, rằng mình là người quan trọng và đáng để tồn tại trên đời.
Vậy làm thế nào để có thể truyền sự tự tin cho con trẻ?
Dưới đây là những cách mà tác giả Akebashi Daiji cho rằng cha mẹ có thể làm được để củng cố sự tự tin về giá trị bản thân cho trẻ.
・Ôm ấp và để trẻ làm nũng
Một trong những điều dễ thực hiện nhất là việc cha mẹ ôm ấp và để cho trẻ làm nũng. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng việc thường xuyên ôm ấp và bồng bế trẻ sẽ khiến trẻ bện hơn, quấy khóc nhưng thực ra, việc ôm ấp trẻ lại có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn.
Trong con mắt của trẻ, thế giới xung quanh tuy có nhiều thứ mới lạ nhưng cũng có nhiều điều khiến trẻ không an toàn. Việc trẻ đang ở một môi trường an toàn trong tử cung của mẹ sau đó bị lôi ra bên ngoài thực sự là một thử thách. Chưa kể trẻ sẽ có nhiều nhu cầu về tâm lý và thể chất như đói, khát, lo lắng, sợ sệt, buồn chán. Việc ôm ấp trẻ sẽ khiến trẻ cảm thấy an toàn, có điểm tựa.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu như trẻ khóc mà không được ai để ý?
Nếu việc trẻ có nhu cầu, khóc lóc để tìm kiếm sự chú ý và dỗ dành nhưng không được sẽ sinh ra những tâm lý bị tổn thương, lâu dần chuyển sang trạng thái trơ lì cảm xúc. Những em bé này lớn lên sẽ có tâm lý rằng không ai cần đến mình, mình có trên đời này hay không sẽ không quan trọng, và dần dần trở nên mất đi sự tự tin vốn có của bản thân.
Vậy nên, để có thể tạo nên một em bé tự tin, sẵn sàng đối mặt với khó khăn thì điều đầu tiên trong công việc của người làm cha mẹ là ôm ấp vỗ về, để trẻ có thể làm nũng và dựa dẫm.
・Cách lắng nghe con nói
Điều thứ hai trong việc dạy trẻ tự tin về giá trị của bản thân là điều chỉnh cách lắng nghe con nói. Cha mẹ thường làm gì khi trẻ gặp phải khó khăn hoặc thất bại? Rất nhiều bậc phụ huynh cho rằng mình có nhiều kinh nghiệm sống hơn trẻ nên thường lên mặt dạy bảo trẻ, đưa ra lời khuyên cho trẻ, giáo dục trẻ bằng những bài giáo huấn dài vô cùng tận.
Tuy nhiên, thực tế ra những gì trẻ cần trong lúc này chỉ là một ông bố bà mẹ có thể lắng nghe chúng tâm sự và trò chuyện. Và tất cả những gì cha mẹ cần làm chỉ đơn giản là lắng nghe. Không cần phải lên mặt dạy bảo hoặc đưa ra lời khuyên, chỉ cần cha mẹ lắng nghe trẻ nói, gật gù và thêm “Thế à?” hoặc nhắc lại nội dung hệt như những gì trẻ nói là được.
Một hành động rất đơn giản nhưng đủ để trẻ hiểu rằng, dù có gặp nhiều khó khăn và thất bại đi chăng nữa thì lời nói và các trải nghiệm của trẻ đều có thể gây ấn tượng cho cha mẹ và những người xung quanh, giúp trẻ cảm thấy bản thân được tôn trọng.
・Thay đổi cách động viên con trẻ
Nhìn trẻ vui chơi hồn nhiên, không ai nghĩ rằng trẻ cũng có những vấn đề phiền não. Thực tế ra, tuy không nói và thể hiện ra ngoài nhưng bản thân mỗi đứa trẻ đều có những lo lắng và gánh nặng riêng. Học tập, thi cử, quan hệ bạn bè… tất cả đều có thể được tìm thấy trong các mối lo lắng của trẻ.
Nhận thấy điều này, nhiều bậc phụ huynh không ngừng động viên trẻ theo cách truyền thống như “Con hãy cố gắng lên”. Điều này đúng nhưng chưa thật chính xác.
Tại sao lại như vậy?
Việc nói “Con hãy cố gắng lên” thực ra chỉ tạo thêm gánh nặng cho trẻ. Thậm chí sẽ tồi tệ hơn nếu trẻ đã thực sự cố gắng nhưng kết quả không được như mong đợi và không được cha mẹ nhìn nhận một cách rõ ràng.
Vậy nên thay vì nói “Con hãy cố gắng lên” thì cha mẹ hãy thay đổi cách nói thành “Con đã cố gắng rất nhiều”. Điều này sẽ giúp con có thêm tinh thần phấn đấu, đối mặt với thử thách trước mặt.
・Nói cảm ơn với con thật nhiều
“Nói cảm ơn với con trẻ. Thật sự là không cần thiết. Trẻ con biết gì đâu mà…”
Suy nghĩ này thật sự là không chính xác. Việc cha mẹ nói cảm ơn với trẻ là điều rất cần thiết để trẻ biết rằng, hành động trẻ làm có ích đối với người khác, khiến người khác cảm thấy biết ơn, giúp trẻ cảm thấy mình có giá trị khi sống trên đời.
Trên đây là các bước để cha mẹ có thể bồi dưỡng sự tự tin vào giá trị bản thân của con trẻ. Dưới đây là một số khái niệm khác được tác giả Akebashi Daiji đề cập trong cuốn sách Nuôi dạy con kiểu Nhật.
3. Nuông chiều khác yêu chiều như thế nào?
Nuông chiều và yêu chiều, tuy có đặc điểm chung là hai chữ “chiều” nhưng ý nghĩa lại trái ngược hẳn với nhau.
Nuông chiều là chấp nhận mọi yêu cầu và đòi hỏi của trẻ. Làm thay trẻ ngay cả khi trẻ chưa cần tới sự giúp đỡ. Đây là loại hình rất hay gặp ở các bậc cha mẹ “trực thăng”, luôn mong muốn bao bọc và bảo vệ trẻ mọi nơi mọi lúc.
Trái ngược với nuông chiều là yêu chiều.
Yêu chiều là đón nhận những yêu cầu về mặt tình cảm của trẻ, kịp thời giúp đỡ khi trẻ đã cố gắng mà không thể làm được.
Một ví dụ về phân biệt giữa hai khái niệm này là việc xỏ giày. Đây là việc không quá khó nhưng để có thể trở nên thành thạo thì sẽ mất nhiều thời gian. Đối với cha mẹ nuông chiều trẻ thì sẽ giúp trẻ ngay từ đầu, trước khi trẻ nghĩ mình cần phải làm gì. Còn đối với cha mẹ yêu chiều thì chỉ giúp trẻ khi trẻ đã cố gắng mà vẫn không thể xỏ chân vào giày như ý muốn. Lúc đó mới là lúc cha mẹ yêu chiều xuất hiện để giúp đỡ trẻ.
4. Cách nuôi dạy một em bé tự lập
Để có thể nuôi dưỡng tính tự lập ở trẻ, thì chìa khóa ở đây là sự làm nũng.
Nguồn gốc để có sự tự lập là lòng ham muốn mà lòng ham muốn chỉ có thể xảy ra khi trẻ đã làm nũng đầy đủ và có sự an tâm. Vậy nên để trẻ có thể làm nũng chủ động là điều cần thiết trong quá trình phát triển tính tự lập của mình.
Theo tác giả Akebashi Daiji, một chu trình phát triển của một em bé tự lập là
① Làm nũng
Sau khi làm nũng cha mẹ, được cha mẹ ôm ấp đầy đủ thì ② trẻ sẽ có cảm giác yên tâm.
Khi trẻ đã có sự yên tâm thì ③ trẻ sẽ nảy sinh lòng ham muốn, muốn được làm cái nọ hoặc khám phá cái kia. Và từ đó, ④ một em bé với sự tự lập sẽ được ra đời.
5. Lời kết
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng làm nũng là không tốt nhưng thực ra đối với trẻ, làm nũng chỉ là cách để gây sự chú ý với cha mẹ, để nhận được sự yêu thương từ người khác. Khi những nhu cầu về mặt tình cảm của trẻ đã đầy đủ thì trẻ sẽ có cảm giác được vỗ về, cảm thấy bản thân rất giá trị, xứng đáng để tồn tại trên đời. Những em bé có được sự tự tin vào giá trị của bản thân sẽ không ngừng cố gắng để tạo thêm giá trị đối với mọi người xung quanh.