1. Lời mở đầu về thuyết đa trí thông minh của trẻ
Thuyết đa trí thông minh của trẻ được thế giới biết tới vào đầu những năm 1980 thông qua cuốn sách được chắp bút bởi giáo sư tâm lý học Howard Gardner (Đại học Harvard). Thông thường, để đánh giá được trí thông minh của con người, thì phương pháp IQ (đo lường chỉ số thông minh) sẽ được áp dụng. Và thực tế cũng chứng minh là trong suốt một thời gian dài, việc nâng cao chỉ số IQ vẫn là chủ đề cực kỳ nóng hổi, và thang điểm IQ cũng đã trở thành tiêu chuẩn để xin vào các trường đại học danh tiếng tại Mỹ.
Tuy nhiên, theo giáo sư Howard Gardner thì việc chỉ đánh giá năng lực của con người dựa trên chỉ số IQ vẫn còn rất hạn chế, không làm nổi bật hết điểm mạnh mà một cá nhân mang trong người. Đặc biệt, trong giáo dục trẻ. Có những bé khi sinh ra thì rất kém thể thao nhưng khả năng tập trung và năng lực nội tâm lại cực mạnh, hoặc có những bé trí nhớ cho toán học thì không phải là điểm mạnh nhưng trí sáng tạo lại vô biên….
Chính vì vậy, giáo sư Howard Gardner đã đưa ra học thuyết đa trí thông minh của trẻ. Học thuyết này đã chỉ ra rằng con người khi sinh ra đều có tám loại trí thông minh:
- Trí thông minh về sự vận động
- Trí thông minh về ngôn ngữ
- Trí thông minh về tư duy – toán học
- Trí thông minh về không gian
- Trí thông minh về khoa học tự nhiên
- Trí thông minh về âm nhạc
- Trí thông minh về giao tiếp
- Trí thông minh về nội tâm
Và nhà giáo dục học Mika Ito (Nhật Bản) đã bổ sung thêm một loại trí thông minh thứ chín, có tên là “Trí thông minh về ngũ quan cảm giác”.
Mika Ito là nhà giáo dục học Nhật Bản, với trên hai mươi năm kinh nghiệm dạy trẻ nhỏ trong giai đoạn từ 0 tới 6 tuổi, và cũng là người đồng sáng lập ra trường mầm non “Brilliant Babies Academy”. Trong sự nghiệp hơn hai mươi năm giáo dục của mình, cô Mita Ito đã có kinh nghiệm giáo dục sớm cho trên 15.000 trẻ nhỏ và đồng hành với 9.000 cặp cha mẹ trong giáo dục con giai đoạn đầu đời.
Trang web của trường mầm non “Brilliant Babies Academy”:
https://kagayakibaby.org/greeting/
Dưới đây là những lời giải thích ngắn gọn về chín loại trí thông minh trong học thuyết đa trí thông minh của trẻ mà cô Mika Ito đã đưa ra:
2. Trí thông minh về sự vận động
Trí thông minh về vận động ở trẻ được định nghĩa là khả năng sử dụng toàn bộ hoặc một phần thân thể của trẻ một cách linh hoạt để giải quyết vấn đề hoặc sáng tạo. Vậy nên, lời khuyên của cô Mika Ito dành tới mẹ đó chính là, tùy thuộc vào từng thời kỳ phát triển của trẻ mà có những hoạt động phù hợp.
Ví dụ nếu trẻ đang ở thời kỳ học cầm và nắm đồ vật thì mẹ nên cho trẻ các đồ vật để luyện cầm nắm. Nếu trong giai đoạn này, mẹ bỏ lỡ các tín hiệu phát triển vận động của trẻ thì sau khi bước vào thời kỳ leo trèo, trẻ sẽ khó làm chủ được bản thân (ví dụ như trong trò chơi đu xà), khiến trẻ có những thương tích trong vui chơi và vận động. Hoặc nếu trẻ bước vào thời kỳ tập bò mà mẹ lại để bé trong cũi hoặc xe đẩy của trẻ thì sau này khi trẻ bước vào thời kỳ có thể tự tập đi được, trẻ trở nên không có hứng thú với thể thao, cơ chân yếu, thiếu sự cân bằng trong cơ thể khiến trẻ sợ rung lắc khi được cõng….
Và một điều nữa, nếu mẹ có thấy hàng xóm vui vẻ khoe rằng “Con tôi đã biết đi rồi đấy” thì cũng không nên quá lo lắng. Tốc độ phát triển của mỗi trẻ là mỗi khác. Hơn nữa, việc trẻ biết đi nhanh thực sự cũng không phải là điều tốt. Mà thực tế, điều quan trọng mẹ cần lưu ý là cho con các hoạt động cần thiết, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
3. Trí thông minh về ngôn ngữ
Nếu yêu cầu người Nhật phát âm tiếng Anh, mẹ sẽ thấy rất nhiều người Nhật không thể phân biệt được âm R và L, lý do là vì trong tiếng Nhật không có sự rạch ròi giữa hai âm này. Để phòng tránh việc nhầm lẫn khi trẻ học ngoại ngữ mới, cũng như để phát triển trí thông minh về ngôn ngữ cho con thì mẹ nên để con nghe băng của những âm chuẩn thì sau này, con sẽ hoàn toàn có thể phân biệt được không chút khó khăn.
「特に乳幼児期の子どもは、音を聞き分ける能力に長けています」
(Trích dẫn)
Tạm dịch: “Đặc biệt là trẻ sơ sinh rất giỏi nghe và phân biệt âm thanh”
Một trong những sai lầm lớn nhất của mẹ chính là nghĩ con còn bé, có nói cũng không hiểu. Tuy nhiên, thực tế ra kể cả khi không hiểu về mặt ý nghĩa nhưng bé vẫn có thể phân biệt âm sắc dựa trên phát âm của bố mẹ, nên mẹ hãy dành thời gian trò chuyện cùng con nhé.
Nếu mẹ kiên trì trò chuyện cùng con, dạy con về từ ngữ, cho con nghe và nhận biết các từ tượng thanh thì khi lớn lên, con sẽ có vốn từ ngữ phong phú để có thể truyền tải chính xác được những gì mình nghĩ. Mẹ đừng buồn nếu con không có phản ứng gì dù mẹ có nói chuyện với con, vì thực tế ra trong thời gian này, trẻ đang input, nạp dữ liệu vào đầu mình. Nếu trẻ có nhiều cơ hội được input thì sẽ có một ngày trẻ có thể tự mình nói ra được suy nghĩ của bản thân.
Ngoài input thì hoạt động output (nói, đọc) của trẻ cũng rất quan trọng. Nếu mẹ thấy con không có hứng thú với ngôn ngữ hoặc giao tiếp thì có thể thực hiện phương pháp tiếp cận gián tiếp, tức là tạo liên kết từ các hoạt động con có hứng thú. Ví dụ nếu con thích xe oto thì có thể sưu tập thẻ có hình các loại oto để con học chữ, hoặc đọc cho con các cuốn sách về oto. Quan trọng nhất trong quá trình giáo dục con cái là việc mẹ phải liên tục duy trì hứng thú cho con.
Input và output ở trẻ là cực kỳ cần thiết và có tầm quan trọng giống nhau. Vì vậy, mẹ có thể đưa trẻ trải nghiệm thế giới bên ngoài thật nhiều để biến những kiến thức con input thành kiến thức thực tế nhé!
4. Trí thông minh về tư duy – toán học
Trí thông minh về tư duy – toán học là khả năng thiên bẩm về tính toán, tư duy và phân tích vấn đề một cách lôgic. Những người có trí thông minh về tư duy – toán học thường là những người có khả năng sắp xếp vấn đề, thu thập dữ liệu một cách chu đáo cộng thêm khả năng giải quyết vấn đề triệt để. Nếu mẹ muốn bồi dưỡng khả năng tư duy toán học cho con thì nên tạo môi trường để con có thể tiếp xúc với con số hàng ngày.
Ví dụ, trong giao tiếp hàng ngày, mẹ có thể cho con tiếp xúc với chữ số dẫn dần như dặn con “Con chờ mẹ 3 giây nhé”, hay “Con chờ mẹ tới lúc đồng hồ chỉ tới số 10 nhé!” … Tuy nhiên, về vấn đề dạy số này, cô Mika Ito cũng chỉ ra một điểm mà mẹ cần lưu ý rằng: Ngoài biết đọc, con cũng cần phải biết được ý nghĩa về các con số.
Thông thường, khi dạy trẻ về số mẹ cần lưu ý và truyền đạt tới con ba loại kiến thức liên quan tới số học dưới đây:
- Cách đọc con số
- Ý nghĩa về mặt số lượng của con số
- Cách viết hoặc ký hiệu về các con số
Vậy nên, với yêu cầu trên thì một trong những cách hiệu quả nhất đó chính là việc mẹ vừa cho con xem tranh hoặc ảnh của các con số, vừa đọc cho con nghe, và đếm các đồ vật theo ý nghĩa của các con số đó. Một trong những giáo cụ mẹ Nhật hay sử dụng trong dạy số cho con chính là sử dụng “soroban”, có nghĩa là bàn tính. Nhờ đó, con vừa có thể chạm vào các con số, hiểu được ý nghĩa về số lượng, từ đó hình thành các tư duy đầu tiên về số học.
5. Trí thông minh về không gian
Trẻ có trí thông minh về không gian thông thường sẽ rất giỏi suy nghĩ sáng tạo, có thể tưởng tượng đồ vật đa chiều, và tương lai phần nhiều thường trở thành nhà thiết kế, kiến trúc sư, hoạ sỹ… Vậy nên, ngay khi còn nhỏ, nếu mẹ muốn rèn trí thông minh về không gian cho trẻ thì nên cho trẻ tiếp xúc các đồ vật mới bằng cách xoay theo nhiều hướng, không chỉ đơn thuần là cho xem tranh vẽ mà mẹ nên để trẻ chơi với các hình khối lập thể.
Hoặc, theo cô Mika Ito thì để luyện năng lực về không gian cho trẻ còn một cách khác, đó là để trẻ xếp giấy. Nhật bản vẫn nổi tiếng với trò xếp giấy origami nên mẹ có thể tham khảo và chơi với bé hàng ngày. Ngoài ra, mẹ hãy dành thời gian đi thăm viện bảo tàng mỹ thuật với con cũng là một ý kiến hay để tăng năng lực về không gian cho con.
6. Trí thông minh về khoa học tự nhiên
Trí thông minh về khoa học tự nhiên ở trẻ là khả năng cảm nhận cảnh vật xung quanh, nhận biết những thứ thay đổi tưởng chừng như nhỏ nhất. Trẻ có trí thông minh về khoa học tự nhiên thường có độ nhạy cảm rất cao. Bởi lẽ, thiên nhiên xung quanh con người rất phong phú, từ những thung lũng nhỏ hay chiếc lá đổi màu theo mùa, nước mưa có mùi lạ, trăng hôm nay sáng hơn,… tất cả dường như chỉ là rất bình thường so với con người nhưng đối với trẻ có độ nhạy cảm cao, thì dù chỉ là một thay đổi nhỏ cũng dễ dàng cảm nhận được.
Chính sự khác biệt này đã khiến cho các bức ảnh chụp bởi những nhiếp ảnh gia có độ nhạy cảm với thiên nhiên thường rất có giá trị, với những khoảnh khắc khiến người xem phải lặng đi vì ngạc nhiên, so với những thợ chụp hình bình thường.
Trẻ khi được sinh ra, theo phương pháp Montessori thì luôn có một thời kỳ nhạy cảm về vị trí đồ vật. Mẹ có thể nhận thấy điều này khi trẻ không muốn vào phòng vì đồ đạc bị xáo trộn…. Vậy nên, để có thể nâng cao hơn nữa năng lực vốn có này của trẻ, chỉ có một cách duy nhất là mẹ nên đưa trẻ ra ngoài thiên nhiên chơi thật nhiều
Khi trẻ được khám phá thiên nhiên thì khả năng nhận biết những thứ mới sẽ tăng cao, ví dụ những thứ cực nhỏ như con kiến, hòn sỏi… Tất cả những trải nghiệm từ thiên nhiên sẽ giúp trẻ mài dũa được năng lực vốn có của mình mà mẹ, hoặc chính bản thân trẻ cũng không thể nhận ra.
7. Trí thông minh về âm nhạc
Trí thông minh về âm nhạc là khả năng nghe và phân biệt các âm điệu khác nhau. Trẻ có trí thông minh về âm nhạc thường có khả năng cảm nhận nhịp điệu, sau khi lớn lên có thể giỏi về múa, đàn, hát và chơi các loại nhạc cụ.
Để rèn luyện trí thông minh về âm nhạc của con thì rất đơn giản, mẹ chỉ cần tạo cho con môi trường được tiếp xúc với nhiều âm nhạc, ví dụ những lúc tĩnh lặng như lúc mới tỉnh dậy thì bật nhạc cổ điển, sau đó khi vào gần trưa hoặc lúc dọn dẹp thì bật nhạc pop. (Khi chọn nhạc cổ điển thì có thể bố mẹ sẽ không thích nhưng hãy chọn thử các bản nhạc được nhiều người yêu thích, cho trẻ nghe, và sau đó nhìn phản ứng của trẻ)
Bố mẹ có thể tự ti và nói rằng mình không giỏi âm nhạc nên con cũng không có gen không trội về âm nhạc. Nhưng thực tế ra thì chỉ cần mẹ kiên trì cho con tiếp xúc với nhiều loại giai điệu hàng ngày như ở bước trên thì chắc chắn trí tuệ về âm nhạc của con sẽ được nâng cao.
8. Trí thông minh về giao tiếp
Trí thông minh về giao tiếp được định nghĩa là khả năng lý giải câu chuyện và hành động của đối phương, từ đó đưa ra các phán đoán và xử lý tình huống trong giao tiếp. Mẹ có thể nhận thấy trí thông minh về giao tiếp ở trẻ nếu mẹ thấy trẻ có các biểu hiện như hướng mặt hoặc phản ứng với người đang nói chuyện, hay ê a trò chuyện, khi lớn lên chút nữa thì có thể bắt chuyện với tất cả mọi người mà không có chút dè dặt…
Và cũng không thể phủ nhận rằng, trẻ có trí thông minh về giao tiếp thường mang một điểm cộng rất lớn so với trẻ đồng trang lứa khi bước vào xã hội sau này vì người có khả năng giao tiếp thường có tốc độ xử lý công việc nhanh hơn và cho ra kết quả sớm hơn so với bình thường.
Vậy nên khi trẻ trên dưới một tuổi, mẹ hãy tạo cơ hội tiếp xúc với mọi người ở mọi lứa tuổi cho con. Nếu có nhút nhát và có vẻ sợ thì mẹ có thể để trẻ làm quen với môi trường xung quanh một cách từ từ, bắt đầu từ những người trong nhà trước cũng được. Những câu lạc bộ của cụm dân cư, đi tour du lịch cùng gia đình của bạn bè bố mẹ có thể là một ý tưởng tốt để làm phong phú môi trường giao tiếp của con.
Hoặc mẹ có thể để cho trẻ đi học mẫu giáo sớm để cơ hội làm quen không chỉ bạn bè cùng tuổi mà còn các anh chị lớp trên. Việt trẻ từ mái nhà quen thuộc, bước chân vào mẫu giáo chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ, nhưng mẹ hãy yên tâm nhé! Cô Mika Ito chỉ ra rằng, việc trẻ đi học mẫu giáo được tiếp xúc với sự chỉ dẫn của các anh chị lớp trên sẽ giúp trẻ ngoài kỹ năng giao tiếp thông thường, sẽ có cơ hội phát triển khả năng truyền đạt cảm xúc, cảm thông với người xung quanh nếu tương lai trẻ cũng trở thành lớp đàn anh, đàn chị.
9. Trí thông minh về nội tâm
Trí thông minh về nội tâm được hiểu là việc thấu hiểu điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, từ đó xác lập mục tiêu và động cơ phù hợp. Trí thông minh về nội tâm thường gặp ở những người có chí khởi nghiệp. Những người như vậy thường có điểm chung là không bị ảnh hưởng bởi ý kiến từ xung quanh, luôn vững tin vào lập trường của bản thân.
Với các bé có trí thông minh về nội tâm thì có thể không hay nói, hoặc ít đưa ra ý kiến của cá nhân, tuy nhiên đổi lại là óc quan sát và thu thập thông tin từ bên ngoài cực tốt. Việc trẻ ít nói có thể sẽ khiến mẹ lo lắng tuy nhiên, từ một đứa trẻ ít nói chuyển sang hoạt bát chắc hẳn không phải là điều hiếm gặp.
10. Trí thông minh về ngũ quan cảm giác
Đây là trí thông minh cuối cùng trong chuỗi thuyết đa trí thông minh mà cô Mika Ito đề cập tới. Đây là loại trí thông minh được cô đúc rút trong quá trình dạy học của mình. Cô cho rằng, trong quá trình dạy trẻ thì việc nâng cao năng lực cảm nhận của trẻ là không thể không đề cập tới.
Trí thông minh về ngũ quan cảm giác là khả năng sử dụng nhạy bén năm loại giác quan của bản thân để hấp thụ tối đa thông tin từ bên ngoài môi trường. Với trẻ có trí thông minh về ngũ quan cảm giác thì khi lớn lên cũng có xu hướng mang khả năng cảm nhận tốt, biểu đạt phong phú. Hơn nữa, trong quá trình giao tiếp với người đối diện còn có thể bắt sóng được cảm xúc của đối phương, hiểu được biến đổi trong tâm trạng của người khác để có thể duy trì được phương thức giao tiếp phù hợp.
11. Các phương pháp giúp tăng cường trí thông minh cho trẻ
・Tạo điều kiện cho trẻ được tiếp xúc với âm nhạc hoặc mỹ thuật
Để con có thể tăng cường thị giác, mẹ nên đưa trẻ tới các bảo tàng mỹ thuật, đưa con ra ngoài ngắm nhìn thiên nhiên. Việc để con được xem sách tranh ảnh với nhiều màu sắc là điều nên làm nhưng mẹ cũng nên dành thời gian đưa con ra ngoài tự nhiên để rèn luyện thị giác của mình.
・Cho con tiếp xúc với âm nhạc (cả trực tiếp và gián tiếp) để tăng cường thính giác
Ngay từ khi con còn nằm nôi, mẹ nên cho con tiếp xúc và nghe nhiều thể loại nhạc, đặc biệt là các bản nhạc cổ điển nổi tiếng. Ngoài việc cho con nghe nhạc (phương pháp input), mẹ và con có thể cùng con output âm nhạc thông qua việc hát, nhảy hoặc lắc lư theo điệu nhạc.
・Tăng cường vị giác của con bằng thực phẩm tự nhiên
Trẻ con khi mới sinh ra có vị giác rất tinh nhạy chính vì thế với các sản phẩm có chứa chất bảo quản nhân tạo, tuy mẹ không thể nhận ra trong quá trình chế biến nhưng trẻ hoàn toàn có thể cảm nhận được. Vậy nên việc trẻ khóc và không chấp nhận đồ ăn từ mẹ, hoặc có ác cảm với thực phẩm từ nhỏ, khiến trẻ kén ăn hoặc nếp ăn bị thay đổi. Để phòng tránh tình trạng này, mẹ nên để trẻ được thưởng thức các thực phẩm càng gần với tự nhiên thì càng tốt. Khi trẻ được thưởng thức các thực phẩm tươi sống, thì chồi vị giác sẽ phân chia mùi vị, giúp trẻ nhận thấy ăn uống thực sự có nhiều thứ cần được khám phá.
・Để con được vui chơi ngoài tự nhiên
Vui chơi ngoài tự nhiên, cảm nhận mùi thơm của đất và hoa lá chính là một cách để trẻ có thể tăng cường khứu giác của mình. Vậy nên khi trẻ còn chập chững tập đi, mẹ nên đưa trẻ tới những nơi gần hoa cỏ thiên nhiên, hướng dẫn con mùi thơm của các loại hoa cỏ, mùi của cây và gió. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cùng con đi siêu thị để biết được mùi của các loại thực phẩm khác nhau.
・Phát triển não bộ của trẻ thông qua trò chơi xúc giác
Trẻ con có trí tò mò rất lớn và luôn muốn được sờ hoặc chạm vào các đồ vật mới vì tính hiếu kỳ của bản thân. Nếu thấy vậy, thay vì cấm đoán mẹ nên tạo điều kiện để con được sờ hoặc chạm vào nhiều đồ vật, làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau. Và thông qua mỗi lần chạm vào một đồ vật, nếu mẹ thấy con có quan tâm tới đồ vật đó thì nên giải thích tới con, đây là vật gì, làm từ chất liệu nào. Việc làm này không chỉ giúp trẻ thỏa mãn được trí tò mò của bản thân mà còn giúp các mạng lưới tế bào thần kinh trong trẻ được liên kết với nhau.
11. Lời kết
Trên đây là chín loại trí thông minh trong học thuyết đa trí thông minh của trẻ được cô Mika Ito giới thiệu. Bất cứ trẻ em nào trên thế giới cũng có khi mới được sinh ra. Vậy nên, để có thể giúp con phát huy được tối đa tiềm năng sẵn có của mình, mẹ cần phải đóng vai trò là người thầy, người chỉ đường cho trẻ, tạo cho trẻ có không gian chơi an toàn, giúp con có được nhiều trải nghiệm mới, càng nhiều càng tốt nhé.
Website giới thiệu trường mầm non “Brilliant Babies Academy” do cô Mika Ito sáng lập:
https://kagayakibaby.org/greeting/
※ Bài viết có sử dụng thông tin trong cuốn “Tăng cường khả năng của trẻ dựa trên phương pháp Montessori và thuyết đa trí thông minh”, tạm dịch「モンテッソーリ教育×ハーバード式「多重知能理論」で子どもの才能を伸ばす方法」của tác giả Mika Ito
Link giới thiệu sách: Amazon Nhật Bản